Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Như một miền cổ tích

Chủ Nhật, 02/02/2014, 14:30

Trong suốt cuộc đời cầm cọ của mình, chị đã vẽ hàng ngàn bức tranh, và tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh trong nước, quốc tế. Chị vẽ mọi đề tài có thể, nhưng chưa khi nào chị cảm thấy hào hứng, phấn khích, nghi lễ, như khi vẽ những đứa trẻ. Những đứa trẻ từ cuộc đời bước vào tranh, vĩnh viễn ấu thơ trong màu sắc và tình yêu của chị. Những đứa trẻ cho chị cảm giác như ngược thời gian quay về quá khứ, nhìn lại tuổi thơ chân đất của mình ngày nào trên quả đồi sơ tán, nơi cha chị đưa cả gia đình về đó tản cư.

Gần 70 tuổi, cặm cụi vẽ những gương mặt hồn nhiên của những đứa trẻ trong trí nhớ, để làm một triển lãm cá nhân chào đón một năm mới đến. Như chào đón những giấc mơ bừng thức. Và mọi nhọc nhằn trên con đường dằng dặc chị đã đi qua, bỗng chốc chẳng còn dấu vết gì trong niềm vui sống...

Chưa khi nào những sắc màu được tự do, được rực rỡ, được chối từ những nguyên tắc, như khi chị Nguyễn Thị Hiền "chơi" với những đứa trẻ trong tranh. Ở đó, mọi màu sắc đều được chị đoái hoài tới, không câu nệ, không gò bó, không phụ thuộc. Chị vẽ những số phận khác nhau trong hình hài những đứa trẻ. Những đứa trẻ của quá khứ của hôm nay, của miền núi của đồng bằng, của giàu và của nghèo, của vui và của suy tư, nhưng tất cả đều của tương lai với ánh nhìn sáng trong, mơ mộng, yêu thương và nâng niu hết mực.

Chị kể, những lúc buồn nhất chị hay nghĩ về tuổi thơ, hồi tưởng lại những kỷ niệm của quá khứ, những ngày tháng còn được ấp ủ trong vòng tay cha mẹ. Chị cũng thường mơ về khuôn mặt những đứa trẻ, như một cách tìm lại nguồn năng lượng đã mất, để tiếp tục cuộc hành trình nghệ thuật. Chị Hiền vốn mê trẻ con. Gặp đứa trẻ nào chị cũng vồ vập yêu thương. Chị thích mua quà cho bọn trẻ, thích âu yếm chúng. Và chị cũng thường ký họa trẻ con rồi để đấy. Chị ký họa những đứa trẻ ngay từ khi chị còn rất trẻ, thậm chí cũng đương còn là một đứa trẻ, vì chị biết cầm cọ từ rất sớm, từng đoạt giải quốc tế năm 10 tuổi.

"Tôi đã vẽ những đứa trẻ quanh tôi, những đứa trẻ đã đi qua suốt chiều dài của cuộc đời, để lại dấu ấn trong tôi, mỗi đứa trẻ một thân phận, một cuộc đời. Từ những ngày còn đội mũ rơm đi học thời chiến tranh gian khổ, những đứa trẻ nông thôn đi mót lúa trên đồng hay sưởi lửa một chiều mùa đông ở miền trung du đất đỏ - rồi những đứa trẻ ở xóm tôi mới đi sơ tán về Hà Nội, và cho đến những đứa trẻ của năm 2013 - hiện tại hôm nay". Có những đứa trẻ chị gặp đâu đó rồi lưu lại trong trí nhớ, và chị ngồi vẽ theo trí nhớ.

Những đứa trẻ hôm nay mới vào tranh Nguyễn Thị Hiền, nhưng kỳ thực ngoài đời họ đã trở thành những người già. Tôi đặc biệt chú ý bức tranh "Đi học", vẽ những em bé đội mũ rơm tới trường. Đó là những em bé thời chống Mỹ, thời của chị Hiền. Nó không chỉ là một bức tranh trẻ thơ, mà là cả một câu chuyện dài về số phận những đứa trẻ trong câu chuyện số phận đất nước thời chiến tranh. Đẹp và thương đến nao lòng. Một bức khác, bức "Mót lúa", là hình ảnh một bé gái mùa đông co ro trong cái lạnh đi mót lúa trên cánh đồng. Đó là hình ảnh những em bé thời bao cấp, vất vả mưu sinh cùng cha mẹ. Nó làm người xem quặn thắt lòng khi hồi tưởng lại những tháng năm nghèo khó nhọc nhằn, những đứa trẻ không đủ cơm no, áo ấm. Bức "Cầu ao làng" là hình ảnh những em bé của làng quê ngây thơ chân đất, trong sáng đến vô cùng. Rồi những đứa trẻ được chị Hiền kể chuyện trong những trò chơi gian gian như chọi gà, trong ký ức về tranh Đông Hồ ngày Tết, trong điệu trống cơm nằm trong tâm trí biết bao thế hệ người Việt, những đứa trẻ vùng cao bên bếp lửa bập bùng, những đứa trẻ chơi đùa dưới ánh trăng…

Chị Nguyễn Thị Hiền thường náu mình trong xưởng vẽ. Khi đã tập trung vào một chủ đề, chị thường biến mất khỏi đời sống, chỉ còn chính mình với cuộc trò chuyện bất tận cùng màu sắc. Vẽ những đứa trẻ, chị thấy mình như được sống trong một không gian của thiên đường. Bao gương mặt ấu thơ là bấy nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc hiện về. Đôi tay chị như được tung tẩy cùng màu sắc. Và ký ức tuổi thơ dội về không ngớt, nó biến thành hình hài trên khung vải. Tuổi 70 mà chị sắp gõ cửa bỗng nhiên chẳng còn ý nghĩa gì. Bởi vì chị đã bước chân về lại thời ấu thơ qua cuộc chu du của màu.

Có giai đoạn đang say sưa vẽ tranh những đứa trẻ, chị gặp một vài biến cố trong cuộc sống. Và những niềm vui, niềm hứng khởi như tan biến mất. Tâm hồn người họa sĩ như có một đám mây nặng nề che phủ. Chị ngồi vào giá vẽ, và không thể nào tìm lại được cảm giác khi trước. Những đứa trẻ cũng không chịu trở về "chơi" với chị. Những bức tranh không hiện ra. Những màu sắc cũng ngủ quên. Chị rất thất vọng. Chị muốn hoàn thành đủ số tranh cho một cuộc triển lãm cá nhân, nhưng hoàn toàn bế tắc.

Chị Hiền bỏ giá vẽ, rời xưởng, thu xếp một chuyến đi. Đi, để quên những biến cố mình gặp phải. Đi, để tìm lại những hứng khởi đã mất. Để nhìn ngắm đời sống ở một lưu ảnh khác. Chị một mình đến Mỹ, đất nước chị đã từng đến nhiều lần trong đời. Chị lang thang khắp các bảo tàng mỹ thuật, sống triền miên trong không gian của nghệ thuật, trò chuyện miên man với những bức họa của nhiều họa sĩ danh tiếng. Cứ đi như thế. Rồi một buổi, tại một bảo tàng tư nhân, chị bắt gặp một bức tranh vẽ nụ hôn của một họa sĩ lớn. Chị đứng ngắm bức tranh rồi bật khóc. Người họa sĩ tài năng qua bức tranh của mình đã thì thầm với chị, rằng cuộc đời này, hãy hỉ xả, hãy cho đi và đừng giữ lại gì, để được thanh thản. Hãy bỏ qua và tha thứ. Xét cho cùng, chỉ tình yêu là còn lại. Sau tất cả, chỉ tình yêu là còn lại. Nguyên sơ như buổi ban đầu, như hình ảnh một nụ hôn, như gương mặt một đứa trẻ.

Và chị Nguyễn Thị Hiền trở về ngôi nhà của mình, bên giá vẽ. Lòng bỗng nhẹ như một làn gió buổi sớm mai. Rồi màu sắc lại bắt đầu hát ca trên khung vải. Những đứa trẻ đi vắng lại quay về ríu ran, hồn nhiên trong những bức tranh của chị. Chị vẽ như nhập đồng, vẽ đến mức kiệt sức. Những bức tranh cuối cùng cho triển lãm vẽ xong, là lúc chị phải vào viện vì ốm mệt. Nhưng chị hân hoan như thể những đóa hoa đã nở trong lòng mình. Đôi lúc, chính người nghệ sĩ cũng không thể hiểu mạch lạc về câu chuyện sáng tạo một tác phẩm. Nó thực biết bao và cũng huyền bí biết bao.

Tôi đã đi lướt qua 70 bức tranh chị Nguyễn Thị Hiền vẽ những đứa trẻ. Nhiều hơn 70 khuôn mặt trẻ thơ đã lưu dấu vào ký ức tôi, và ký ức người xem triển lãm tranh của chị. Những người đã bước vào phòng tranh rực rỡ sắc màu này có lẽ đều cảm thấy mình đã để lại tất cả những toan tính, những nhọc nhằn âu lo, những sợ hãi chán chường phía ngoài cánh cửa. Bởi vì trong căn phòng này chỉ còn lại những thiên thần. Đó là biểu tượng của sự trong trẻo, của niềm vui thơ ấu, của những xúc cảm bình yên, nguyên sơ nhất mà con người muốn lưu giữ. Còn chị Hiền thì đứng đó, giữa những nhân vật của mình, sở hữu một niềm hân hoan đích thực trẻ thơ. Từ những bức tranh đẹp như một miền cổ tích…

Hà Trang (CSTC Tết 2014)
.
.
.