Họa sĩ Phạm Bình Chương: Đối với tôi, cái Đẹp là cái Thật

Thứ Năm, 08/02/2018, 21:39
Họa sĩ Phạm Bình Chương được biết đến nhiều trong những năm gần đây vì những bức tranh Hà Nội theo lối vẽ hiện thực. Anh là một người miệt mài theo đuổi đề tài Hà Nội, không phải Hà Nội xưa, mà một Hà Nội của hôm nay, đang phải đối diện với nhiều mất mát không thể níu giữ.


- Anh Chương này, nghe nói anh vừa cho ra mắt cuốn sách "Lặng phố". Anh có thể nói gì về cuốn sách này?

+ "Lặng phố"  là cuốn sách dùng tranh bắt nguồn từ ý tưởng của tác giả trẻ Nhật Linh. Cô ấy đồng cảm với tranh của tôi và ngỏ ý muốn làm một cuốn sách đẹp, sử dụng tranh của tôi, cùng với những trang tản văn viết về phố Hà Nội của cô ấy. 

Ban đầu tôi hơi ngần ngừ vì ngại nhất là tranh của mình trở thành minh họa cho tác phẩm của người khác. Nhưng sau khi làm việc kỹ càng với tác giả, chúng tôi thống nhất được đây là cuốn sách đẹp về mặt mỹ thuật, bên cạnh in các tản văn còn tôn vinh những bức tranh phố của tôi. Đến giờ có thể nói, cuốn sách không phải của riêng tác giả văn học hay tác giả tranh, mà chúng tôi là đồng tác giả.

- Cuốn sách in bao nhiêu bức tranh phố Hà Nội của anh vậy?

+ Khoảng 100 bức tranh của tôi, chiếm 2/3 số tranh tôi đã vẽ về Hà Nội.

- Các trang viết của bạn nhà văn trẻ có gì đồng điệu với những tác phẩm của anh?

+ Tôi thấy bạn ấy dù là thế hệ 9X, không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng có một tình yêu rất đặc biệt về Hà Nội. Tôi thấy thú vị với các trang viết về Hà Nội của cô ấy.

- Bạn bè trong giới hội họa nói, tranh của Phạm Bình Chương giờ rất đắt, và vẽ không kịp bán. Sự thật thì sao, anh đã bán khoảng bao nhiêu phần trăm số tranh về Hà Nội mà anh đã vẽ từ trước đến giờ?

+ Tôi đã bán phần lớn số tranh mình đã vẽ, giá thì cũng có cao hơn trước đây. Nhưng tôi vẫn làm nghệ thuật như buổi đầu thôi.

- Việc bán được tranh đã làm thay đổi cuộc sống của anh thế nào?

+ Cũng không thay đổi gì nhiều. Tôi đã mua được nhà, sống cuộc sống ổn định trước khi bán được tranh, nên chẳng có cái gọi là sự đổi đời từ việc bán tranh. Chỉ có điều, bán được tranh thì có 2 niềm vui cùng lúc tôi được tận hưởng. Đó là mình có thêm tiền, dĩ nhiên. 

Thứ nữa là mình cảm giác như được thưởng, được công nhận về lao động nghệ thuật. Các giá trị sáng tạo của mình được chia sẻ. Nếu có một sự thay đổi nào đó được nhắc đến ở đây, thì đối với tôi, đó là tôi được công chúng trong nước biết đến nhiều hơn. Trước đây tôi chủ yếu bán tranh cho người nước ngoài. Giờ đây có nhiều người Việt mua tranh tôi, đó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất.

- Tranh vẽ về Hà Nội của anh được nhiều người yêu thích, thậm chí vài năm trước còn tạo lên một cơn sốt trên mạng xã hội, anh có thể cắt nghĩa vì sao lại có hiện tượng này?

+ Có lẽ không nên tự nói về mình, nhưng bạn hỏi thì tôi chia sẻ. Đầu tiên có thể là do đề tài. Đề tài Hà Nội là một đề tài gần gũi với người Việt cả trong và ngoài nước. Tiếp theo là phong cách thể hiện tả thực của tôi dễ hiểu với đa số mọi người. Treo một bức tranh Hà Nội trong ngôi nhà của mình, có lẽ người Việt ai cũng muốn, cũng thích. Và đặt tranh ở vị trí nào trong ngôi nhà cũng dễ đẹp, dễ hợp lý.

- Tôi thấy anh vẽ Hà Nội trên tinh thần tôn trọng sự thật. Chẳng hạn khi tôi ngắm một bức tranh anh vẽ góc phố với cầu thang và những mảng tường vôi tróc rất nên thơ, nhưng anh lại vẽ dưới đó một tấm bạt quây nhìn hơi "hóc" mắt. Nếu không có chi tiết tấm bạt, thì góc Hà Nội của anh sẽ được nhiều người yêu thích hơn, muốn mua tranh hơn, tôi nghĩ thế....

+ Cần phải hiểu rằng tôi là họa sĩ vẽ Hà Nội theo lối tả thực. Tất cả những tranh tôi đều vẽ bằng hình ảnh thật, ảnh mà tôi chụp thật. Tôi không vẽ Hà Nội theo những bức ảnh cũ, chụp Hà Nội của cái thời mà tôi không thấy, không chứng kiến. 

Tôi chỉ vẽ những cái Hà Nội đang còn ở thời điểm mình cầm cọ, vẽ với cảm xúc thật mà cảnh trí đó đập vào mắt mình, cảm xúc của mình. Tôi có thể làm cho cảnh trí đó đẹp hơn bằng màu sắc, bằng cảm xúc, nhưng không lãng mạn hóa, thi vị hóa, mỹ miều hóa Hà Nội. Nghĩa là tôi không làm cái giả. 

Chẳng hạn bức tranh góc phố Hà Nội có cái bạt quây, là tôi muốn kể một câu chuyện của Hà Nội đang thay đổi. Người ta quây bạt để xây nhà, những cầu thang cũ, những mảng tường vôi tróc rất đẹp mà tôi phải nhìn qua khe của những tấm tôn mới thấy, nó sắp mất đi, nhường chỗ cho những cái mới. Sự thay đổi đó có nuối tiếc, nhưng tôi không thể can thiệp.

Tranh vẽ phố Hà Nội của họa sĩ Phạm Bình Chương.

- Nghĩa là cái đẹp trong tranh anh phải Thật?

+Đúng vậy, đối với tôi, Đẹp là phải Thật. Tôi muốn mọi người hiểu về nghệ thuật của mình, cảm nhận cái Đẹp trong cái bình thường của cuộc sống hàng ngày.

- Hà Nội đang khác đi từng ngày. Anh là một họa sĩ nhiều năm nay, tìm kiếm, chứng kiến, ghi dấu, lưu giữ những vẻ đẹp của Hà Nội, trong đó chắc chắn có nhiều thứ đã mất đi vĩnh viễn không bao giờ có thể lấy lại được. Tâm trạng của anh ra sao khi quay về một địa chỉ mình từng vẽ một bức tranh rất đẹp, nay đã được thay bằng một khung cảnh khác?

+ Nếu ngày xưa, sự thay đổi của Hà Nội phải 10 năm, 20 năm mới nhìn thấy, thì nay tốc độ đó nhanh hơn nhiều. Chỉ cần 1 năm, thậm chí 1 tháng thôi, quay lại "chốn cũ" bạn đã thấy có cái mới thay thế rồi. 

Rất nhiều lần tôi quay lại tìm cái cầu thang cũ, mảng tường vôi cũ, nơi tôi đã ký họa để vẽ một bức tranh nào đó, nó đã mất sạch dấu vết. Một ngôi nhà mới đã mọc lên, màu sơn chói lóa hay cái cầu thang đã bị phá bỏ hoàn toàn. Những lúc như vậy, cảm giác về sự tiếc nuối, mất mát dâng ngập trong tôi. 

Tốc độ "xóa sổ" của Hà Nội phải nói là đang cực nhanh. Có những cái "xóa sổ" là cần thiết, là tốt, nhưng cũng có những cái theo tôi là sự vô tình đánh mất về mặt văn hóa, cần phải có sự quy hoạch, can thiệp của nhà nước, chính quyền thủ đô. 

Vẫn thường hay có một giấc mơ lặp đi lặp lại trong giấc ngủ của tôi, đó là tôi đi trên một con phố cũ Hà Nội đẹp mê hồn người, tôi say sưa chụp ảnh để ghi lại những vẻ đẹp đó. 

Nói chung luôn luôn thường trực trong tôi là sự bất lực. Bất lực khi chứng kiến nhiều vẻ đẹp của Hà Nội đang biến mất. Giờ mỗi lúc muốn vẽ, đi tìm một Hà Nội cũ hiếm lắm, phải "rình rập" lắm mới thấy. Rồi phập phồng lo âu vẻ đẹp đó có thể mất đi bất cứ lúc nào. Tôi chỉ còn một quyền là quyền vẽ thôi, chứ không có quyền giữ.

- Niềm an ủi nhất với anh khi vẽ tranh tả thực về Hà Nội bây giờ là gì?

+ Đối với tôi, niềm an ủi lớn nhất là mình đang làm một thứ "hàng độc". Nghĩa là mình đang vẽ những cái bây giờ mình thấy và mình biết chắc chắn là nó sẽ mất đi trong một sớm một chiều. Mình lưu giữ ký ức cho Hà Nội. 

Trong tốc độ phát triển như vũ bão của Hà Nội, một bức tranh phố mình vừa vẽ hôm qua, hôm kia, có thể ngay ngày mai đã trở thành bảo tàng ký ức, vì chỗ đó đã thay đổi. 

Như vậy, dù mình chỉ là một họa sĩ, nhưng bất đắc dĩ mình đã trở thành một người giữ gìn di sản Hà Nội, giữ gìn những giá trị đang dần mất đi. Thực ra ý nghĩ này đã an ủi tôi phần nào để khi vẽ tôi đỡ phẫn nộ.

- Theo anh, giải pháp nào cho một Hà Nội vẫn phát triển theo nhu cầu tất yếu của đời sống hiện đại mà vẫn giữ được các giá trị xưa cũ đẹp để những người làm nghệ thuật như anh không còn quá nhiều day dứt như vậy?

+ Câu hỏi này quá lớn với tôi, trong vai trò là một họa sĩ. Ở ngõ Khâm Thiên có một ngôi nhà cổ rất đẹp. Trên một mảnh đất có hình dạng rất xấu, nhưng người xưa khi xây dựng đã đặc biệt chú ý tính thẩm mỹ của nó. Kiến trúc của ngôi nhà rất đẹp, làm người ta quên mất hình dạng xấu xí của khu đất nó tọa lạc. 

Cùng với năm tháng, những mảng tường rêu của ngôi nhà có thể làm say lòng bất cứ ai. Những ngôi nhà như thế, theo tôi Hà Nội cần giữ lại. Có thể trùng tu phía trong cho tiện lợi hơn, nhưng hình dáng bên ngoài đừng can thiệp, và nhất là đừng phá bỏ, tiếc lắm. 

Hay một chi tiết khác, những ngôi nhà Hà Nội xưa thường được quét vôi ve, trải qua năm tháng nó có màu vàng óng rất đẹp. Rêu phong mọc trên những bức tường đó cũng đẹp, nhìn vào nó rất hội họa. Nay thì không ai sử dụng vôi ve. Người ta sơn vôi cho nhanh, cho tiện lợi. Nhưng  sơn vôi thì không tạo ra cái màu đẹp cho bức tường như vôi ve. Và khi bong tróc, thì bức tường sơn vôi trông nó ghẻ lở lắm, nó khác hẳn sự bong tróc nên thơ của một bức tường vôi ve. 

Những chi tiết nhỏ đó phố cổ ở Hội An người ta vẫn giữ được, vì người ta có ý thức về điều đó. Tôi nghĩ Hà Nội của 10 năm sau chắc là khác rất nhiều, lúc đó một họa sĩ như tôi sẽ phải đặt lại câu hỏi rằng mình sẽ vẽ Hà Nội cũ hay mới đây. 

Vì mình là một họa sĩ vẽ hiện thực chứ không phải người theo lối duy mỹ. Tuy nhiên, tôi phải học cách chấp nhận tất cả những băn khoăn dằn vặt đó, vì xét cho cùng, mọi băn khoăn dằn vặt là chất liệu tạo ra cảm xúc cho người nghệ sĩ.

- Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện. 
Hội Quân (thực hiện)
.
.
.