Họa sĩ Trần Đại Thắng và câu chuyện về tầng Ba của Mỹ thuật Việt Nam

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:28
Trần Đại Thắng nói, anh sẽ dành một năm đi khắp Việt Nam và vòng quanh thế giới để tìm hiểu về thị trường mỹ thuật và tìm câu trả lời về đời sống nghệ thuật đương đại, về con đường mà Thắng đang lựa chọn. Cho nên cũng dễ hiểu, khi Mỹ thuật Việt Nam đang trong những cơn khó ở, Thắng lại dám mở galary ngay giữa Hà Nội.


1. Trần Đại Thắng là một họa sĩ, tốt nghiệp Mỹ thuật Công nghiệp năm 1997. Nhưng Thắng tự nhận mình không đủ tài, không đủ dấn thân để theo hội họa. Có lẽ, khá hiếm người như anh, khi tỉnh táo để nhận ra: “Tôi không đủ tài để vẽ nên làm việc khác, bởi nếu chấp nhận những cái tôi vẽ ra thì đã thành họa sĩ. Nhưng không có tình yêu, sự hy sinh thì không làm thể theo đuổi, nghệ sĩ phải đủ dũng cảm chấp nhận mọi thứ. Tôi không làm được điều đó.

Trần Đại Thắng tỉnh táo, không ảo tưởng về chính mình. Anh rẽ ngang làm bìa sách, rồi thành chủ thương hiệu sách nổi tiếng Đông A Books với rất nhiều cuốn sách giá trị như Bộ Văn mới, hay những bộ sách kinh điển bằng hình “Lịch sử thế giới”, “Lịch sử tự nhiên”...

Họa sĩ Trần đại Thắng.

Mỗi cuốn sách của Đông A đều mang tinh thần và tình yêu của người làm sách. Thành công với sách, nhưng giấc mơ của Trần Đại Thắng vẫn chưa dừng lại. Có vẻ như Thắng lựa chọn, thời điểm khi mà mọi bộn bề cuộc sống đã được thu xếp một cách ngăn nắp, anh dành trọn thời gian của mình cho hội họa, giấc mơ vẫn ám ảnh anh từ ngày còn bé.

Tôi hỏi Thắng, vì sao anh chọn thời điểm này, khi mỹ thuật Việt Nam đang trong cơn khó ở với hàng loạt vụ bê bối về tranh giả, khi thế hệ Tầng Hai của hội họa Việt Nam đang uể oải đi hết những hào quang còn sót lại của họ, còn thế hệ họa sĩ trẻ chưa khẳng định được con đường; người mua không còn niềm tin; các galary gần như im lìm ngủ đông để mở một galary ngay giữa Hà Nội, trên con phố nổi tiếng tranh chép, tranh giả, Nguyễn Thái Học.

Trần Đại Thắng cười, anh luôn có cái nhìn khác đám đông: “Đó lại là cơ hội cho mình. Tôi vẫn nghĩ về những tín hiệu khả quan của hội họa Việt, khi Tập đoàn Vingroup khai trương Trung tâm nghệ thuật đương đại ở Hà Nội, Lý Thị ở TP Hồ Chí Minh đấu giá, Chọn ở Hà Nội cũng tổ chức mấy phiên đấu giá.

Đó là câu chuyện của những người trẻ chuyên nghiệp, sẽ là thế hệ mới, giống như câu chuyện tôi đang kể, Tầng Ba. Thế hệ Tầng Một của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Tô Ngọc Vân không có galary…

Thế hệ Tầng Hai giàu có, galary mọc lên như nấm, trăm hoa đua nở nhưng sau một thời kỳ mua bán ồ ạt, thật giả lẫn lộn, người mua trở nên nghi ngờ, mọi thứ xuống dốc, tôi muốn tạo ra một cách thức mới đối với mỹ thuật đương đại. Đó là một kế hoạch dài hạn”.

Trần Đại Thắng nói, anh muốn đồng hành cùng các họa sĩ đương đại, hỗ trợ họ để họ yên tâm làm nghề. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện về họa sĩ Vincent Willem van Gogh. Sinh thời, tranh của ông không bán được, ông sống trong nghèo khó.

Một số tác phẩm của các họa sĩ thuộc thế hệ tầng Ba.

Em trai của ông, Theodorus van Gogh, không muốn làm mất niềm tin của anh, nên hằng tháng vẫn gửi tiền cho Van Gogh, bảo đó là tiền bán tranh. Và em trai họa sĩ lừng danh, Theodorus van Gogh, trở thành người quan trọng nhất trong cuộc đời của danh họa, người đã luôn lo lắng, hỗ trợ tài chính cho Van Gogh.

Anh muốn hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ trên con đường chông gai của mình. Một thế hệ đang định hình và sẽ làm nên gương mặt của hội họa Việt Nam đương đại. Dù anh không giàu có, không thuộc hàng đại gia, nhưng tâm huyết của Trần Đại Thắng nhận được sự chia sẻ của nhiều họa sĩ trẻ.

Thông thường, mọi người sẽ lựa chọn cách an toàn, chọn những tên tuổi đã định danh trong làng mỹ thuật. Còn Trần Đại Thắng, anh chọn theo ý thích của mình. Vì thế, những tác giả Thắng chọn trong Tầng Ba của anh đều là những gương mặt mới.

“Tôi bị định kiến là mình thích tranh của ai là bỏ tiền ra mua, coi đó là tài sản chứ không phải là tranh. Như thế khách hàng mới đảm bảo. Tôi muốn họa sĩ trong nhóm tôi làm việc, tranh của họ năm sau cao hơn năm trước”.

2. Những tác giả Trần Đại Thắng chọn trong Tầng Ba đều là những gương mặt trẻ. Ở đó, ta thấy một diện mạo khác của hội họa Việt Nam. Một Nguyễn Văn Hè (36 tuổi) chông chênh giữa thực tại và quá khứ.

Các tác phẩm của Hè đều lẩn khuất hình bóng của bom đạn, máy bay chiến đấu, xe tăng... như một tiếng vọng đau đáu từ quá khứ. Phần lớn các tác phẩm của anh gắn với những ám ảnh về chiến tranh với hình ảnh căng tràn nơi người phụ nữ. Nhờ những góc nhìn đa chiều, những cách biểu lộ phong phú, giàu sức sáng tạo nội hàm, Nguyễn Văn Hè đã tạo cho mình một lối đi riêng trong vòng vây của những tác phẩm khai thác bản ngã nhàm mòn.

Một Lương Đức Hùng (36 tuổi), với những cuộc giằng xé nội tâm dữ dội. Nhà điêu khắc trẻ thể hiện nỗi trăn trở khi nhìn sâu vào nội tâm con người và thấy một cái tôi, một bản ngã cần được giải phóng. Hùng thể hiện một cá tính mạnh mẽ, góp sức vào sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc nước nhà, một bộ môn luôn chịu lép vế so với hội họa.

Một Lã Huy - người của kỹ thuật mới, luôn dành tâm huyết cho việc kiếm tìm các vật liệu, chất liệu mới. Anh không thuộc kiểu bám giữ truyền thống hay có suy nghĩ chỉ truyền thống mới đẹp, nhưng điều Lã Huy theo đuổi, đó chính là cảm xúc của chính mình. Anh gây ấn tượng và bất ngờ vì chính sự tìm tòi của mình.

Một Lê Thúy mỏng manh và day dứt, chị là nữ họa sĩ duy nhất trong nhóm 8 họa sĩ có tranh trưng bày lần này, thuần khiết và bí ẩn, Thúy trình làng những tác phẩm tranh lụa về những người phụ nữ tươi trẻ, căng tràn, đầy nhục cảm. Chị biểu hiện những rung cảm tinh tế bằng lụa, tạo dựng một sự kết hợp hài hòa để tận dụng sự huyền bí của truyền thống khi truyền tải cảm xúc đương đại.

Tầng Ba còn mang đến cho người xem cái siêu hình tách rời thế tục nơi Phạm Tuấn Tú, cuộc ngược dòng huyền thoại qua họa phẩm Tạ Huy Long, những mâu thuẫn ánh lên gam màu gây ấn tượng mạnh trong tranh Đỗ Hiệp và những rung cảm tinh tế được khắc họa bởi bàn tay Bùi Tiến Tuấn.

Họ được Trần Đại Thắng lựa chọn một cách kỹ lưỡng và có phần cẩn trọng. Nhiều người chỉ quan tâm tác phẩm có đẹp hay không? Còn Trần Đại Thắng, anh dành nhiều thời gian trò chuyện với họa sĩ, tìm hiểu họ sống và vẽ như thế nào. Đó phải là những con người nghiêm túc và chân thành với nghệ thuật, mới có thể đi đường dài.

Bởi Thắng hiểu hơn ai hết: “Để một nghệ sĩ sáng tạo bằng chính những trải nghiệm của mình, vượt qua những khúc mắc xấu - đẹp, thiện - ác, hay - dở của xã hội không phải là dễ. Để những ý tưởng, cảm giác, niềm tin trên tác phẩm đâm chồi nảy lộc từ chính nhu cầu nội tâm của nghệ sĩ không phải giản đơn”. Và Trần Đại Thắng sẽ đồng hành cùng họ trong hành trình nhọc nhằn đó, để giúp họ có niềm tin vào sáng tạo. Nhiều người bảo Thắng quá mơ mộng so với cái gọi là “con buôn nghệ thuật” thông thường chỉ quan tâm đến tranh và giá tranh. Thắng cười: “Nếu làm theo cách thông thường, ta chỉ bán được bức tranh mấy nghìn đô trở lại. Tôi muốn bán bức tranh 1 triệu đô, phải có cách làm khác đi. Tôi không độc quyền mà đồng hành cùng họa sĩ, luôn ở bên họ, giúp họ lúc cần”.

Thập niên 1990, giai đoạn manh nha của thị trường nghệ thuật nội địa, cả nước có đến hơn 100 phòng tranh hướng đến nghệ thuật đúng nghĩa. Nhưng đến nay, những phòng tranh thương mại nghệ thuật như thế, trên cả nước, chắc chưa đến con số 10. Liệu Tầng Ba xuất hiện, có là một cuộc phiêu lưu? Trần Đại Thắng khẳng định: “Phải, đây là một cuộc phiêu lưu, nhưng là cuộc phiêu lưu của sức trẻ và lòng nhiệt huyết, bởi những gương mặt ở đây hầu hết là những nghệ sĩ đang sung sức, có phong cách riêng và tâm huyết với nghề.

Gia đình Nguyễn Văn Hè và tác phẩm.

Đó là thế hệ mới, lớn lên trong thế giới phẳng của Internet, họ điềm tĩnh, song cũng quyết liệt hơn trong việc theo đuổi đam mê nghệ thuật. Cứ thế, âm thầm, họ đang hình thành một thế hệ hóa mới, tầng thứ ba của hội họa nước nhà”.

Không chỉ Đông A Galarry, ngay tại Hà Nội, một trung tâm nghệ thuật đương đại cũng vừa mới khai trương, VCCA. Đó là những tín hiệu khả quan cho đời sống mỹ thuật, kích hoạt nền mỹ thuật nước nhà đang trong thời kỳ ảm đạm, thậm chí mất phương hướng, để những tiếng nói đi tìm sự tử tế trong nghệ thuật như Trần Đại Thắng không còn đơn độc.

Khi tôi viết bài này thì Trần Đại Thắng đang trên dặm đường thiên lý đi tìm câu trả lời tường tận về thị trường mỹ thuật. Anh điềm tĩnh đi con đường của mình. Đi để hiểu, vì sao, một bức tranh ở bảo tàng này lại bán được giá cao hơn cũng bức tranh đó ở bảo tàng khác. Giá trị của người bán - đó chính là niềm tin. Và niềm tin phải được gây dựng bằng chính cả tâm huyết, trí tuệ và đam mê chứ không giản đơn chỉ là những cuộc bán – mua.

V. Hà
.
.
.