Họa sỹ Phan Kế An: Vây kín bởi ký ức

Thứ Sáu, 31/08/2012, 15:54
Lão họa sỹ Phan Kế An năm nay đã tròn 90 tuổi. Cụ ở ngay trong hẻm 72 phố Thợ Nhuộm trên gác của ngôi biệt thự Pháp cổ. Hà Nội hiếm còn những nếp nhà xưa, trong cơn lốc phát triển như vũ bão. Ngôi biệt thự già nua cõng trên lưng vết tích của thời gian như nhân chứng sống của một Hà Nội thời thuộc Pháp từng bị ảnh hưởng của bom đạn của những năm tháng chiến tranh.

Miệng sắc, mắt càng sắc
Hiền hòa khi vẽ tranh
Gợi nhớ "Chiều Tây Bắc"
Một gam màu rất xanh
Vài ly cồn đã nhắp
Thôi thì này công danh
Thôi thì này tiền bạc
Chỉ còn đôi mắt xanh.
                      (Phác Văn)

Nhà cụ, nói đúng hơn là căn phòng tập thể trên gác 2 nơi vợ chồng cụ ở chỉ cách tòa soạn Báo nơi tôi làm việc dăm bảy bước. Hàng ngày tôi vẫn cùng đám bạn qua cái ngõ hun hút ấy để uống chè chén. Có khi cũng đã chạm mặt ông trên vỉa hè này,  nhưng có lẽ vì một thói vô tâm nào đó mà tôi đã chưa kịp nhận ra.

1. Một trong những cây đại thụ của làng vẽ Việt Nam, người họa sỹ đầu tiên đã tìm ra hai gam màu xám xanh và xanh chàm nổi tiếng trong sơn mài, người được xem là một trong lứa đầu đặt nền móng cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam và vinh dự được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên.

Người sở hữu hơn nghìn tác phẩm hội họa đủ các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước, màu bột, ký họa, đồ họa, khắc gỗ, biếm họa, chân dung… với đỉnh cao là tác phẩm sơn mài: "Nhớ một chiều Tây Bắc" cùng hàng trăm bài lý luận phê bình, hàng trăm bức biếm họa chính trị nổi tiếng một thời nay đã già lắm. Nhưng qua biết bao biến cố của thời gian, bệnh tật và những cú đùa nghiệt ngã của số phận, ơn trời vẫn bình an. Tôi leo lên căn gác nhỏ thăm vợ chồng cụ mà ngỡ ngàng trước sức sống bền bỉ dẻo dai của người họa sỹ lão làng.

Cụ Phan Kế An ở tuổi 90, cụ bà Nguyễn Thị Mai Khanh ở tuổi 78. Mang trong mình trọng bệnh vậy nhưng bà vẫn kề cận bên cụ ông như đôi sam già không thể thiếu nhau lấy một khắc. Qua hành lang và góc cầu thang để bước lên phòng hai vợ chồng cụ là những hốc nho nhỏ chất đầy đồ vẽ, tài liệu vẽ. Có đến đây mới tận mắt mục sở thị một cách đắt giá nhất những chi tiết đặc tả của một góc phố cổ nơi Thủ đô Hà Nội đông đúc chật hẹp.

Trong cái chật chội phố phường ấy, con người bám trụ, cố thu vén cho mình những không gian sống chật hẹp nhỏ nhoi mà ấm cúng tình người. Vợ chồng lão họa sỹ Phan Kế An sở hữu hai căn phòng rộng chừng 15-18m2. Một phòng đủ để kê hai chiếc giường ngủ, chiếc bàn viết và những đồ dùng lặt vặt của hai ông bà, nơi vợ chồng sinh hoạt ăn ngủ thường ngày. Một phòng kế bên là nơi đặt xưởng vẽ của họa sỹ cùng một chiếc bàn nhựa nho nhỏ, đủ kê ba chiếc ghế nhựa con con làm nơi vừa là tiếp khách, vừa là phòng làm việc của ông.

Ảnh trong bài: Quang Anh.

Trong vây kín bừa bộn những phác thảo tranh phần lớn đã cũ, hơn cả cũ có những tập bản thảo được cuộn giấy báo chất chồng cao chạm tới đỉnh trần nhà, dễ chừng đã yên vị có đến ba bốn chục năm qua chưa một lần họa sỹ Phan Kế An giở lại. Phòng vẽ đã chật chội, càng nghẹt thở hơn bởi tranh cũ, phác thảo, bức vẽ cũ chồng chất lên nhau quây kín cả 4 bức tường.

Cả căn phòng ngập lút bởi la liệt những bức phác thảo chưa kịp hoàn thành. Ngổn ngang trong đó là những mảnh ký ức không thể mờ phai. Đó là những khoảnh khắc thiêng liêng trong ký ức của lão họa sỹ phiêu du, lãng tử, của tay chơi tiếng tăm và sang trọng vẫn giữ nét hào hoa của công tử một vị quan khâm sai Phan Kế Toại. Bằng chứng là những bộ xương thú treo ngay ngắn và bạc phếch cùng thời gian trên bức tường căn phòng làm việc. Những chiếc đầu lợn rừng, đầu bò rừng, đầu hươu còn nguyên cặp sừng đen bóng màu thời gian. Một phần những chiến lợi phẩm mà ông giữ lại làm kỷ niệm để nhắc nhớ thú đam mê đi săn của lão họa sỹ khi còn trẻ.

Phan Kế An còn là người yêu thiên nhiên, thích sưu tầm từ thiên nhiên những tặng vật của tạo hóa. Bộ sưu tập các tổ ong từ ong bọ muỗi, loài ong đào hầm dưới đất to đến nỗi người có thể chui lọt. Hay ong vàng, ong vò vẽ, ong Bắp cày đốt ngày chết đêm được ông giữ gìn cẩn thận treo trên một cành mai rừng đã khô. Hay bộ vợt tennis đã cũ mòn vẫn treo trên tường như nhắc nhở về một quá khứ vang bóng của gã đàn ông đích thực với hai thú chơi vừa thể hiện sức mạnh của người đàn ông, vừa thể hiện đẳng cấp chơi, và cách chơi sang trọng tao nhã đó là đi săn chim di thực, săn thú rừng và chơi tennis.

Vào cái thời cuộc sống của người dân Hà Nội còn phải lo chạy bữa, mấy ai biết đến môn thể thao du nhập từ Tây về. Hà Nội chỉ có vài sân tennis, vài ba chục người có điều kiện say mê thú chơi thể thao quyền quý này thì lão họa sỹ Phan Kế An đã góp mặt. Đó là những mảnh ký ức đẹp và kiêu hùng trong đời của lão họa sỹ con nhà trâm anh thế phiệt.

Theo thời gian ông vẫn luôn trân trọng và gìn giữ như gìn giữ chính linh hồn mình trong đời sống ngày một bỏ xa ông, lạc lõng ông. Giờ đây, có những khi Phan Kế An ngồi sấp bóng hàng giờ trong căn phòng này, ngó lên bộ chiến lợi phẩm thú rừng, lên bộ sưu tập tổ ong, hay bộ vợt thể thao tennis chỉ để hồi tưởng lại những tiếc nuối cháy tâm can…

Một phần không thể thiếu trong mảng ký ức thiêng liêng của ông là những kỷ niệm đầy xúc động của năm tháng ông đi chiến dịch. Trên bức tường cũ còn một mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hàm Rồng treo ngay ngắn. Hay chiếc mũ sắt ông lấy về từ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điều đặc biệt của chiếc mũ mà Phan Kế An đã giữ trọn bên mình suốt gần 60 năm qua đó là vết đạn xuyên thấu từ dưới cằm của người lính xuyên qua thái dương, xuyên qua mũ. Hẳn người lính đội chiếc mũ sắt này đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường Điện Biên Phủ. Chiếc mũ bỏ quên có một số phận bi tráng nơi chiến trường đã được người họa sỹ mang về nâng niu như một báu vật gợi nhắc về chiến tranh về những hy sinh của biết bao người lính trẻ. Kế đến là bức ảnh khổ lớn chụp ông với thầy giáo đầu tiên trong hội họa của ông là Tô Ngọc Vân, hay bức ảnh chụp cùng họa sỹ Mai Văn Hiến, Tạ Thúc Bình, Mai Văn Nam của một lứa bên trời giờ ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ còn mỗi mình ông sót lại một cõi. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc rất đỗi tự nhiên với những người bạn thân thiết.

Giờ xem lại ảnh cũ, ngay cả chính Phan Kế An cũng chịu không nhớ ra ông đã pha trò câu gì mà khiến hai người bạn họa sỹ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng lại cười phá lên như vậy. Thậm chí ông lục hoài trong trí nhớ cũng không nhớ nổi người bạn nào đã chộp được khoảnh khắc cả ba ông đang cười vui bên nhau để chụp lại và tặng cho ông.

Nhưng Phan Kế An lại nhớ rất lâu thời điểm chụp bức tranh bởi chỉ sau khi chụp bức ảnh đó độ một năm thôi, cả hai người bạn thân thiết, hai cây đại thụ trong làng hội họa Việt Nam đã lần lượt rời bỏ dương gian bạn hữu người thân mà ra đi trong cuộc viễn du bất tận của họ. 

2. Mặc dù đã 3 lần phải đặt stent động mạch vành tim, hay căn bệnh viêm dây thần kinh số 5 quái ác ở mặt khiến cho lão họa sỹ mất một thời gian dài đau đớn đến nỗi không ăn, không nói được thế mà giờ đây lại bước qua một cách ngoạn mục những ngặt nghèo của sức khỏe.

Ở tuổi 90, lão họa sỹ Phan Kế An vẫn hình dong cũ, mắt sắc, miệng sắc, thần khí minh mẫn, phong thái lịch lãm nhanh nhẹn cho thấy một trí tuệ vẫn chưa lão hóa nhiều đúng như người bạn Phác Văn đã họa chân dung ông trong mấy câu thơ trên vậy. Ông có bị nặng tai, nói chuyện và giao tiếp hơi khó khăn, thế nhưng ông vẫn kiên trì cùng tôi cho cuộc trò chuyện này. Phan Kế An nói, càng về già ông càng hay quên hiện tại, nhưng lại nhớ về chuyện cũ rất giỏi.

Nhớ như thể trong đầu óc ông có một bộ phim quay chậm ngược về quá khứ từ ngày ông còn là vị công tử con quan rời nhà, rời cuộc sống giàu sang để đi vào rừng phục vụ kháng chiến. Nhớ đến nỗi ông thuộc lòng hết những địa chỉ cũ, những thôn bản cũ, những căn nhà cũ, con người cũ mà cách đây trên dưới 70 năm ông đã từng đến, từng qua. Lạ lùng, càng già trí nhớ về chuyện xưa lại càng khỏe, thế mới lạ. Tôi nhớ tôi đã từng gặp và trò chuyện với rất nhiều những bậc trưởng lão trong làng văn nghệ như Hoàng Cầm, Tô Hoài, Đào Mộng Long, Khương Hữu Dụng, Lê Lựu, Thuận Yến…

Trong số này có người còn, có người đã đi xa nhưng hầu như tất cả họ đều thở than càng già càng nhớ rõ như in những chuyện trong quá khứ mà hiện tại thì lúc nhớ lúc quên. Một mặt là do sinh lý của người già, nhưng mặt khác, có lẽ đó là lúc, con người đã chậm bước một chân vào cõi phiêu bồng...

Tôi thấy tiếc cho cuộc gặp gỡ này, bởi không biết có còn nhiều thời gian nữa không, còn được bấy nhiêu năm nữa họa sỹ Phan Kế An vẫn còn ở lại để trò chuyện với chúng ta. Có thể trong đời ông còn có những chuyện khúc mắc, những định kiến, những hoài nghi… song vượt thoát lên tất cả ông là một nhân vật của lịch sử, một tài năng hội họa hiếm hoi còn lại… Phan Kế An làm thơ khá nhiều và hay. Trong buổi chiều mùa hè nóng bức trên căn gác nhỏ, Phan Kế An đọc cho tôi nghe những khúc thứ viết về ông, về cái chết và những dự cảm còn mất. Tôi thán phục trí nhớ và sự minh mẫn của lão họa sỹ tài hoa 90 tuổi này.

"Ơi trang sắc nước hương trời/ Lòng ta quằn quại đau người trong mơ/ Người chưa đi hẳn thẫn thờ/ Lặng im nằm đó đâu ngờ tơ vương/ Người ơi, nàng có đau thương?/ Riêng ai trĩu nặng nỗi đường éo le/ Đau cho cạn kiếp khắt khe/ Bên bờ không chiếc mảng bè sang ai/ không không không/ Hỡi người thương/ Không không có có trời hương xé lòng". "Rúc còi ga cuối hẳn gần thôi!/ Soát lại hành trang nhẹ quá trời/ Tranh sơn dăm bức tươi son mới/ Vừa gửi trăm phương trọn với đời/ Còn chăng mấy câu thơ dang dở/ Nhịp vần chưa thỏa, tứ chưa khơi/ Cả đời cầm cọ vì non nước/ Tình riêng một mối những đầy vơi

N.B.
.
.
.