Họa sỹ Tạ Huy Long:

Không nên đóng khung mình vào một phong cách nào cả

Thứ Ba, 27/06/2017, 15:57
Với hơn 200 tranh minh họa của họa sỹ Tạ Huy Long, "Lĩnh Nam chích quái" do Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành là ấn bản đầu tiên có tranh minh họa màu. Sau khi phát hành, ngay lập tức, ấn bản đã tạo được sự chú ý của giới họa sỹ, độc giả và làm nên hiện tượng sách mùa hè 2017.


Tôi đi giữa các dòng thời gian, suy tư và vẽ

- Các họa sỹ vẽ minh họa thường làm việc theo đơn đặt hàng hoặc văn bản có sẵn. Tôi nghe nói, anh là người đã đề xuất với Nhà xuất bản Kim Đồng in cuốn này với phần minh họa bằng tranh màu như vậy?

+ Ban đầu tôi bị hấp dẫn bởi cái tên "Lĩnh Nam chích quái". Đây là tập truyện ghi lại những chuyện kì lạ ở nước Nam, là danh tác văn học trung đại, được xem là báu vật trong di sản văn hóa của ông cha.  Hơn nữa, lịch sử hay những đề tài mang cảm hứng lịch sử là một trong những đề tài xưa nay tôi quan tâm và rất muốn vẽ. Vì thế, tôi đã đề xuất với lãnh đạo Nhà xuất bản Kim Đồng in cuốn sách này với phần minh họa khá đậm nét.  

- Không ít người quay lưng lại với một đề tài "khó nuốt" như lịch sử. Còn anh có "ma lực" gì mà cuốn hút như vậy?

+ Tôi không biết nên diễn giải ý này như thế nào. Có lẽ, đó là một thế giới rất xa xăm, đầy tò mò với mình nên tôi có thể tưởng tượng ra được nhiều thứ hay ho hơn. Và bên cạnh những câu chuyện, những dữ kiện lịch sử có căn cứ của nó thì lịch sử cũng đầy những điểm mà chúng ta chưa biết. Bản thân tôi lại là người thích khám phá. Tôi suy nghĩ về nó rất nhiều. Tôi tưởng tượng mình đang đi giữa các dòng thời gian, suy tư và vẽ, cảm giác khó nói lắm.

Họa sỹ Tạ Huy Long, người làm nên linh hồn cho "Lĩnh Nam chích quái" ấn bản mới.

- Khi bắt tay vẽ minh họa cuốn "Lĩnh Nam chích quái", anh có nghĩ nó sẽ hot như thế này không?

+ Tôi chỉ biết vẽ một tác phẩm cũng giống như nuôi một đứa con. Phải trang bị cho nó những kiến thức cơ bản để nó lớn lên. Còn khen - chê, đón nhận hay không đón nhận, là chuyện của độc giả. Nhưng thú thực, khi sách ra và nhận được hiệu ứng tốt như vậy, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

- Khi mở "Lĩnh Nam chích quái" ấn bản mới do Nhà xuất bản Kim Đồng in, phần lớn độc giả được mãn nhãn về mặt thị giác. Có độc giả đánh giá, phần tranh vẽ vừa cổ điển vừa mới mẻ, vừa có "hương đồng gió nội" của tranh Đông Hồ, tranh làng Sình, tranh Hàng Trống… vừa có "mùi" của tranh giả kim của Tây phương, tranh thánh của Nga,… Phong cách vẽ đó được anh định hình như thế nào?  

+ Lúc đầu, tôi chưa định hình phong cách nào cả. Chỉ nghĩ rằng mình phải vẽ một cái gì đó khác khác. Hai là, vẽ như thế nào thể hiện tính đồ họa cao một chút, hiện đại một chút.

Sau đó, tôi đi sưu tầm các nguồn dữ liệu. Ngoài việc đọc truyện để nắm bắt các tình tiết, các mô típ, tôi còn đi tìm nguồn dữ liệu về đồ họa, từ tranh dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ, tranh làng Sình…. cho tới tranh Trung Quốc, Nhật Bản, tranh của các nước phương Tây.

Tôi thích dòng tranh Thánh của Nga. Tôi cũng bị ấn tượng bởi màu vàng ánh kim trong tranh Nhật.  Những dòng tranh ấy gợi lên một liên tưởng xa xăm, mang màu sắc tôn giáo nào đó... Tất cả những điều ấy làm cho tôi phải suy nghĩ. Những điều ấy cũng tác động đến tôi nhưng sau đó, tôi phải quên ngay, bởi nếu không mình sẽ bị lệ thuộc vào nó.

Với lại, thế giới phẳng mà. Mình không thể nghĩ ra một cái gì đó hoàn toàn thuần Việt được. Văn hóa là sự tương tác của rất nhiều dòng. Tôi nghĩ mình không nên đóng khung quá vào hai chữ "thuần Việt" trong câu chuyện này. Thay vào đó hãy cố gắng soi rọi tâm thức mình xem sẽ vẽ như thế nào. Và khi vẽ, gắng nghe ngóng mình một chút, nhìn sâu mình một chút. Khi đó, những phong cách kia chỉ mang tính hình thức và giải quyết phần nhìn mà thôi. Xuyên suốt vẫn là tâm thế của người Việt, tinh thần của người Việt mình.  

- Những hình ảnh mang tính biểu tượng trong phần minh họa thì sao, thưa anh?

+ Tất cả những hình ảnh đó đều có ý nghĩa riêng của nó. Tất cả như một bộ máy. Tất cả những chi tiết đều phải cân nhắc, không thể dễ dàng đặt nó ở đây hay ở kia được. Có những tranh tôi phải vẽ đi vẽ lại 3 lần. Bởi nếu đứng một mình thì nó đẹp nhưng khi xếp vào tổng thể lại thấy không ổn, tôi đã vẽ lại. 

Trước khi đặt bút vẽ, tôi có tìm hiểu thông tin qua các nguồn để hiểu hơn về các biểu tượng văn hóa. Trong quá trình đó, chính bản thân mình cũng vô tình bắt gặp những điều thú vị. Ví dụ như chiếc mặt nạ được sử dụng trong một điệu múa Chăm ở Thái Bình. Trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ, văn hóa cổ Việt Nam lại có một chiếc mặt nạ nào đẹp như thế.

- Có rất nhiều lựa chọn để làm bìa cho "Lĩnh Nam chích quái". Tại sao lại là hình ảnh Man Nương?

+ Ban đầu, tôi vẽ một cái hố đen. Tôi hay bị ám ảnh bởi hình ảnh hố đen và sưu tầm rất nhiều hình ảnh hố đen trong điện thoại. Nó gợi một cảm giác sâu thẳm nào đó. Nhưng khi mang vào đồ họa lại không thấy đẹp. Nó không diễn tả được tinh thần mà "Lĩnh Nam chích quái", muốn nói nên tôi đã bỏ cái bìa đó. Hình ảnh Man Nương gợi lên được tinh thần đó. 

Nhắc đến bìa, tôi đánh giá cao bạn Kỳ Nam ở cách trình bày chữ trên bìa. Nó vừa dày dặn vừa hay hay. Nó như nét phất của một chiếc bút, mộc mạc, gợi cảm giác.

- So với những cuốn sách trước đây thì "Lĩnh Nam chích quái" có vẻ như là một cuộc "đào tẩu" trong phong cách vẽ của anh?  

+ Bất cứ ai cũng phải lớn lên thôi. Không chỉ tâm sinh lý mà ở suy nghĩ nữa. Đến lúc, mình cần phải thay đổi thì sẽ tự khắc thay đổi. Như tôi nói ở trên, không nên đóng khung mình vào một phong cách nào cả hoặc theo một trình tự về cảm xúc nào cả. Từng có một Tạ Huy Long nguyên sơ, đơn giản và nhẹ nhàng thì cũng phải có một Tạ Huy Long suy tư, chiêm nghiệm hơn. 10 năm, 15 năm trôi qua, Tạ Huy Long cũng phải khác chứ. Đó là điều hết sức bình thường. Nếu không có gì thay đổi mới là bất thường.

Không phải là "chiêu" mà là xu thế! 

- Bên cạnh nội dung khô khan, cứng nhắc, sách về đề tài lịch sử hiện nay chưa đầu tư, chú trọng nhiều về mặt hình ảnh. Anh đánh giá như thế nào về vai trò của phần hình ảnh trong các cuốn sách sử hiện nay? 

+ Tôi luôn đề cao yếu tố hình ảnh cho lứa tuổi phổ thông cũng như những em nhỏ. Bản thân mình cũng từ một đứa trẻ lớn lên nên tôi hiểu, cái háo hức của một đứa trẻ khi tiếp cận một cuốn sách chính là phần hình ảnh đầu tiên. Nó sẽ gợi trẻ con quyết định sẽ đọc cuốn đó hay không, sau đó mới đến nội dung.

Trong câu chuyện này, tôi không có ý so sánh cái nào quan trọng hơn cái nào, tôi chỉ nói tới sức hấp dẫn của yếu tố ban đầu mà thôi. Phần mỹ thuật cũng quan trọng không kém nội dung đâu. Nên đề cao vai trò mỹ thuật cho trẻ em hơn nữa. Bởi ngoài việc định hình đời sống thẩm mĩ cho trẻ sau này, họa sỹ cũng phải quan tâm tính nhân bản của mỗi đứa trẻ nữa. Với lứa tuổi nào thì tiếp cận mỹ thuật theo hướng nào? Ví dụ, minh họa cho một cuốn sách dành cho lứa tuổi từ 3-5 tuổi không thể minh họa như cho người lớn xem được..? 

Hiện nay, các bạn họa sĩ trẻ vẽ theo cái tôi của mình, phong cách của mình là nhiều, ít quan tâm tới lứa tuổi, ít xem thử đối tượng đọc có tiếp nhận nó hay không.

Họa sỹ Tạ Huy Long giao lưu với bạn đọc xung quanh ấn bản "Lĩnh Nam chích quái" vừa phát hành.

- Giữa thời buổi công nghệ phát triển, có quá nhiều phương tiện giải trí như hiện nay, việc chú trọng mỹ thuật ở những cuốn sách viết về đề tài lịch sử hoặc mang cảm hứng lịch sử có phải là "chiêu" để kéo độc giả trẻ về với dòng sách này? 

+ Tôi nghĩ, không phải là chiêu, mà là xu thế. Kênh nhìn bây giờ quan trọng lắm. Nếu ngày trước, có thể kéo người ta đọc tác phẩm bằng chữ, bằng tên tuổi tác giả thì bây giờ, điều đó chưa hẳn đúng. Chưa kể, việc tiếp cận bằng hình ảnh cũng sẽ gợi mở thêm những góc nhìn đa chiều hơn. Vẫn là kim cương đó thôi nhưng nếu anh mài một cạnh sẽ không sáng bằng việc anh mài nhiều cạnh.

- Khi làm xong cuốn sách này, khoái cảm lớn nhất của anh là gì?

+ Giải phóng năng lượng của mình. Tôi muốn diễn giải lịch sử theo hướng hiện đại, tính phổ quát để ai cũng cảm nhận được. Tôi rất vui khi cuốn sách nhận được hiệu ứng tốt như vậy.  

- Xin cảm ơn họa sỹ Tạ Huy Long!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.