Họa sĩ Phạm Bình Chương: Hội họa hiện thực, con đường khó đi

Thứ Ba, 15/12/2015, 17:00
Lần đầu tiên công chúng được thưởng thức một triển lãm tranh theo phong cách tả thực của 13 họa sĩ trong nhóm "Hiện thực". Với những tác phẩm gây ấn tượng mạnh, thu hút sự chú ý của đông đảo người xem, các họa sĩ đã chứng minh không có giới hạn trong hội họa, dù cho người họa sĩ có theo đuổi một phong cách gò bó về kỹ thuật mức nào. Chia sẻ của họa sĩ Phạm Bình Chương, một thành viên trong nhóm "Hiện thực", về nghệ thuật và những hoạt động của một nhóm họa sĩ đặc biệt trong đời sống hội họa đương đại.

- Thưa anh, nhóm "Hiện thực" được thành lập từ khi nào, và quan điểm hội hoạ của nhóm là gì?

+ Nhóm "Hiện Thực" ra đời vào ngày 1/11/2014. Nhóm không có quan điểm về hội họa, quan điểm là thuộc về từng cá nhân.

- Nói về hai chữ hiện thực, nhiều người xem, và cả một số ít người hoạt động trong lĩnh vực hội hoạ vẫn tỏ ý xem thường. Họ cho rằng khi chọn lối vẽ hiện thực, người hoạ sĩ đơn giản chỉ làm thay công việc của chiếc máy ảnh. Điều này có chính xác không và hiện thực theo triết lý của anh cùng các nghệ sĩ trong nhóm được lý giải như thế nào?

+ Đây là câu hỏi hóc búa nhất cho ngành hội họa từ khi chiếc máy ảnh ra đời. Những người làm khoa học ngạo nghễ : "Hội họa đã hết việc làm rồi". Có lẽ họ, và cả công chúng đã hiểu sai về chức năng của hội họa. Các họa sĩ đã vào cuộc ngay và cho ra đời chủ nghĩa Hiện thực ảnh (Photorealism) rồi sau đó là Cực thực ( hyperealism), là chỉ chép nguyên si một bức ảnh bằng sơn dầu, để chứng minh " hội họa còn kỹ hơn cả nhiếp ảnh". Phong cách này đã được công chúng vô cùng thích thú và còn được phát triển mạnh cho tới ngày nay.Chức năng nhiếp ảnh là ghi lại hình ảnh ta nhìn thấy bằng mắt lên một chất liệu khác, như giấy chẳng hạn, thông qua máy móc. Nhưng hội họa là làm bằng tay, với bút và sơn. Làm bằng tay  khác xa làm bằng máy chính ưu điểm, và cả nhược điểm của nó. Vì nó có sự truyền trực tiếp từ não bộ, trái tim ra tay, do đó xem tranh vẽ là có thể thấy được con người trong đó. Cái hay, cái dở, cái giỏi, cái kém đều bộc lộ ra hết.Nghĩa là người xem đã đối thoại được với nghệ sĩ rồi.Còn chụp ảnh thì khó đoán định.Nếu chỉ cần hai người cùng bấm máy chụp ở một vị trí cố định thì không thể đoán ra ai là tác giả từng bức ảnh, nhưng hội họa thì có đấy. Chúng ta hãy thử nghĩ xem tại sao người ta vẫn mua các poster vẽ tay mà không mua bản in. Vì họ muốn trò chuyện với tác giả.

- Nghĩa là cái "thực" của hội họa khác với cái "thực" trong nhiếp ảnh?

+ Ví dụ khi xem một bức tranh tả thực, người ta có thể có cảm nhận một con đường ướt át, bức tường bở hay một không gian có chiều sâu vài mét đến vô tận. Tranh còn có cảm giác yêu thích hay khó chịu, tác động tới cả sinh lý như dễ thở, thậm chí là buồn nôn. Có ai có cảm giác đó với một bức ảnh không nhỉ?Tôi nghĩ khó.Ảnh là gián tiếp, tranh là trực tiếp.Tuy nhiên, vẽ như ảnh không dễ.Đằng sau việc chép ảnh là hàng mớ lý thuyết màu sắc, kỹ thuật và chất liệu thể hiện, và nó rất lâu công, mất hàng tuần lễ.Các họa sĩ "cường thực" đôi khi chỉ cần thấy người xem nhầm tranh là ảnh là có thể gặm nhấm hạnh phúc được rồi, vì đó là cái đích của họ hướng tới.

Một khán giả nhí bên cạnh những bức tranh theo phong cách hiện thực đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật từ 11 đến 16 tháng 12.

- Chọn phương pháp vẽ hiện thực nghĩa là người hoạ sĩ tự làm khó mình, tự ràng buộc mình trong rất nhiều nguyên tắc mà nếu ở lối vẽ khác, họ ít phải bận lòng. Vậy để có một tác phẩm hội hoạ theo lối hiện thực có thể gây ra cảm xúc mạnh mẽ trong công chúng, yếu tố quan trọng là gì, thưa anh?

+ Điều gây ra cảm xúc mạnh trong lối vẽ hiện thực, hay bất cứ lối vẽ nào rất đơn giản là người họa sĩ phải có cảm xúc thật.Phong cách chỉ là công cụ truyền tải mà thôi.Tuy nhiên cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt. Để có được sự gây áp chế người xem trong sáng tác, họa sĩ phải song hành hai thứ: duy trì cảm xúc và kỹ thuật điêu luyện. Kỹ thuật giúp cảm xúc được bộc lộ dễ dàng.Nên không gì hơn là hãy học vẽ nghiêm túc đi.

- Ở Việt Nam, những hoạ sĩ theo đuổi phong cách hiện thực còn ít. Nó thậm chí khó mà trở thành xu hướng hay trào lưu. Theo anh sự e ngại đó là do đâu?

+Vị trí địa lý sinh ra con người có những năng khiếu khác nhau. Khi hội họa Châu Âu đã đạt đến đỉnh cao về diễn tả thì khu vực châu Á, hội họa chỉ là hình vẽ bằng nét với không gian ước lệ. Người Phương Đông nói chung khéo tay, giỏi trang trí nhưng yếu về tả chất và không gian. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Người Pháp khi đặt nền móng cho hội họa Việt Nam thì lại dựa vào đặc tính đó để tạo dựng nên một nền mỹ thuật, nặng tính trang trí, do đó hiện thực chưa bao giờ là môn học chính thức, trừ môn hình họa. Hình họa hiện nay đã bị cắt đi một nửa thời lượng, chứng tỏ mục đích đào tạo đã ngày càng xa hiện thực.  Khi ra trường, chỉ có ít người do sở thích mà theo đuổi. Nói chính xác, thực ra không có e ngại mà chỉ là né tránh.Vẽ hiện thực rất khó vì những quy tắc bài bản của nó nên không mấy người chọn.Hội họa thì vô cùng, mấy ai thích chọn đường khó.Mà  đã ít người thì làm sao có thể xảy ra một trào lưu hay xu hướng.

- Hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, đỉnh cao của hội hoạ hiện thực là phải tạo ra một sự khác thực, hay có thể là một hiện thực khác. Đâu là bình luận của anh về ý kiến này?

+ Họa sĩ Lê Thiết Cương nói rất đúng, anh nói về " đỉnh cao", tức là sự tột cùng, ít người làm được. Họa sĩ phải cho người xem một sự liên tưởng sau cái hình ảnh như thực kia. Xem tranh để yêu, để khóc, đó mới là hiện thực.

Các họa sĩ trong nhóm “Hiện thực”.

- Nhóm "Hiện thực" đã tổ chức các hoạt động của mình ra sao và những triển lãm như vừa rồi theo anh đã thu hút sự quan tâm của công chúng như thế nào?

+ Nhóm chúng tôi gặp nhau trên tinh thần cổ vũ và học hỏi lẫn nhau, cũng như trao dồi kiến thức để mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình.Về phong cách của từng người ("hiện thực" cũng nhiều phong cách khác nhau), chúng tôi không can thiệp. Hàng tháng chúng tôi gặp nhau một lần, gặp gỡ nói chuyện chuyên đề. Các chủ để rất rộng như kỹ thuật vẽ, lịch sử mỹ thuật, hay văn học, triết học,thậm chí cả về thị trường tranh. Phần nào khó sẽ mời các chuyên gia tới nói chuyện.Ngoài ra là các hoạt động đi dã ngoại, đi xem triển lãm mỹ thuật, thăm hỏi gia đình nhau khi có việc. Nhóm có điều lệ, nội quy rõ ràng và có ban chấp hành điều hành hoạt động. Hoạt động lớn nhất là triển lãm Nhóm, định kỳ 2 năm một lần.

- Hai năm 1 lần triển lãm, như vậy có lâu quá không, thưa anh?

+ Vẽ hiện thực rất lâu, và mỗi lần triển lãm phải có sự tiến bộ. Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi triển lãm.Rất vui là được công chúng đón nhận nồng nhiệt.Buổi khai mạc đông người đến xem, có thể nói là hiếm có khai mạc triển lãm tranh nào đông như vậy.Hàng ngày cũng đông khách đến lắm, đặc biệt ngày cuối tuần.Khách nán lại lâu, trò chuyện với họa sĩ nhiều và đặc biệt là chụp ảnh tranh.

- Khi họa sĩ chọn vẽ nệ thực, nghĩa là mọi sự trong tranh phải như thực trước đã. Vậy cái phần lãng mạn bay bổng, chất thơ, hay cá tính riêng của nghệ sĩ thường được bộc lộ ra sao, thưa anh?

+ Tả thực đã có nhiều cách vẽ khác nhau, ví dụ vẽ ướt trên ướt, vẽ láng nhiều lớp, vẽ đắp phụ gia, hoặc chọn chất liệu khác nhau như sơn dầu, acrylic, màu nước…Bản thân sự lựa chọn một chất liệu và phong cách đã bộc lộ cá tính. Ngoài ra là bút pháp, kỹ thuật riêng hay khả năng cảm nhận về màu sắc, hoặc sự lựa chọn đề tài cũng đủ cho mỗi người có một khoảng trời riêng.Hơn nữa, trong nghệ thuật, sự bay bổng, chất thơ cũng chỉ là một tiêu chí, không nhất thiết phải có.  Ví dụ chủ nghĩa lãng mạn (thế kỷ 19) chẳng hạn, nó ra đời với tiêu chí nghệ thuật phải có tâm trạng, phải có gió mưa bão táp…Nó chống lại cái chủ nghĩa hiện thực do Courbe sáng lập là chỉ vẽ những gì gọi là thực tế. Rút cục chúng đều là hiện thực và đều tồn tại song song, chẳng chủ nghĩa nào thắng.Còn khán giả thì được no nê thưởng thức các kiệt tác. Vậy thì cái gọi là sự bay bổng thăng hoa nó cũng không phụ thuộc nhiều vào phong cách lắm.

“Chiều muộn” - Tranh của Phạm Bình Chương.

- Công chúng gần đây rất bất ngờ với loạt tranh hiện thực vẽ phố của Phạm Bình Chương. Điều này cho thấy bất kể đề tài hay phương pháp nào, nếu sáng tạo của người nghệ sĩ chạm vào được trái tim của công chúng thì hiệu ứng sẽ luôn luôn mạnh mẽ, tích cực. Kinh nghiệm cá nhân anh khi vẽ tranh hiện thực là gì?

+ Tôi chọn hiện thực cũng vì cái tạng của mình là ưa tìm tòi, thích phân tích, lý giải các hiện tượng, và được trời cho cái khả năng vẽ hình. Tuy nhiên, tôi quan niệm: đã là sáng tác thì không nên giống ai, mà hiện thực lại là một khe cửa hẹp, nên  tôi đã chọn một lối hiện thực khác người. Tôi mê cổ điển vì sự chuẩn mực trong bố cục và diễn tả, tôi cũng mê ấn tượng với hòa sắc tự nhiên, có không khí, lại mê phong cách dã thú với bảng màu mạnh mẽ, chói chang.Tôi muốn "hiện thực" của tôi hội tụ đủ các thứ ấy.Về bút pháp, tôi kết hợp cả cổ điển, biểu hiện và cả…trừu tượng.Đó chính là cái riêng, không lẫn với họa sĩ hiện thực khác.Tôi cũng không ngờ đề tài Hà Nội lại được công chúng đón nhận như vậy.Ai cũng thấy được sự quen thuộc, thân thương hoặc nhớ lại kỷ niệm.Phải chăng chỉ có phong cách hiện thực mới chuyển tải được điều đó, vì người ta chỉ có thể có cảm giác sờ được, nghe được, thậm chí là ngửi được cuộc sống trong hội họa hiện thực mà thôi.

- Vì những khúc thức thậm chí gò bó của lối vẽ hiện thực, người ta nghĩ tranh hiện thực luôn có giới hạn, theo anh như vậy chính xác không?

+ Không phải cứ hiện thực là gò ép, đó chỉ là người vẽ chưa giỏi.  Vẽ hiện thực mà vẫn thấy bút lực ào ào thì không gì tuyệt hơn. Ngoài ra, nếu định nghĩa nghệ thuật như là công  cụ để thức tỉnh nội tâm thì hiện thực lại là một lợi thế cực kỳ vượt trội.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.