John Edgar Hoover: Giám đốc FBI quyền lực nhất

Thứ Hai, 04/12/2017, 11:15
Ảnh hưởng của Hoover trên 8 đời tổng thống và Quốc hội Mỹ là rất lớn. Cái tên Hoover luôn gắn liền với FBI. Sau cái chết của Hoover, luật đã giới hạn lại thời gian nắm quyền của các giám đốc về sau chỉ tối đa 10 năm.


Cậu bé nói lắp nhiều tham vọng

John Edgar Hoover sinh ngày 1-1-1895 tại Washington D.C, là con út của ông Dickerson Naylor Hoover và bà Annie Marie Scheitlin Hoover. Gia đình Hoover sống trong một ngôi nhà hai tầng tại số 413 Seward Square. Và Hoover đã sống ở đây 43 năm cho đến khi cha mẹ ông qua đời.

Khi còn là một cậu học sinh, Hoover mắc bệnh nói lắp. Điều đó khiến cậu rất ít giao lưu với bạn bè. Để khắc phục điều đó, Hoover đã mạnh dạn đăng ký vào đội thuyết trình của trường và cố gắng hết sức để trở thành một diễn giả có sức thuyết phục.

Tốt nghiệp trường công lập Brent, năm 1913, Hoover theo học khoa Luật tại Đại học George Washington sau khi từ chối một học bổng có giá trị của Đại học Virginia. Năm 1916, Hoover tốt nghiệp và lấy tiếp bằng thạc sĩ Luật khoa trước khi vào làm việc tại Bộ Tư pháp Mỹ.

Người đàn ông không “bóng hồng”

Bên cạnh những thành công trên con đường sự nghiệp, trở thành người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ, có rất nhiều tin đồn liên quan đến chuyện đời tư, giới tính của Hoover.

Nhiều người truyền nhau rằng Hoover là một người đồng tính. Từ nhỏ, Hoover đã không chơi với bạn khác giới. Khi trưởng thành và thành công trong sự nghiệp, chưa ai nhìn thấy Hoover đi cùng một người phụ nữ nào với tư cách bạn gái. Người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời Hoover chính là mẹ ông, bà Annie Hoover.

Tuy không thể hiện bất cứ điều gì không bình thường liên quan đến giới tính của mình, nhưng việc Hoover không có bạn gái và khá thân với cấp dưới Clyde Tolson đã khiến người ta tin nhiều hơn vào tin đồn.

Clyde Toslon là một người đàn ông cao lớn và khá điển trai. Clyde đến từ Missouri và kém Hoover 5 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Clyde làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Tiếp tục lấy bằng luật tại Đại học Washington, tháng 5-1928, Clyde được nhận vào làm việc tại Cục Điều tra liên bang Mỹ.

Clyde nhanh chóng kết thân với Hoover. Khi Hoover nhận chức Giám đốc Cục Điều tra, Clyde cũng trở thành một trong những người có quyền lực nhất cục. Bất cứ cuộc họp hay sự kiện quan trọng nào có mặt Hoover đều xuất hiện Clyde bên cạnh.

Hoover và Clyde đồng hành với nhau trong công việc, thậm chí cả những sinh hoạt hàng ngày, mọi tin đồn về giới tính của Hoover bắt đầu từ đấy. Lo sợ những tin đồn sẽ làm xấu đi hình ảnh Cục Điều tra, Hoover và Clyde đã nhiều lần xuất hiện trước công chúng để khẳng định mối quan hệ công việc bình thường giữa hai người.

Giám đốc 29 tuổi nâng tầm FBI

Bạn thân của Hoover, Larry Richey, trợ lý Bộ trưởng Thương mại của Mỹ  thời điểm đó chính là người đã giúp Hoover rất nhiều trong việc trở thành người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ. Nhờ sự giới thiệu của Larry Richey, Hoover đã được gặp gỡ với Bộ trưởng Thương mại Herbert Clark. Sau này, chính Herbert Clark đã đề cử Hoover lên làm Giám đốc Cục Điều tra Liên bang. Với khả năng quản lý của mình, ngày 10-5-1934, vừa tròn 29 tuổi, J. Edgar Hoover đã trở thành Giám đốc Cục Điều tra.

Trong 7 năm liền, Hoover tập trung vào việc chấn chỉnh lại Cục và đổi tên thành Cục Điều tra liên bang (FBI). Hoover đã lập ra bộ phận lưu giữ dấu vân tay cũng như bảng số xe hơi mở rộng trên toàn quốc; thành lập một phòng xét nghiệm pháp y với những phương pháp khoa học tối tân hiện đại nhất thời bấy giờ; đào tạo một đội ngũ nhân viên điều tra chuyên nghiệp.

Nhân viên FBI được đào tạo bài bản tại Học viện FBI về võ thuật và các phương pháp do thám. Ông quy định các hệ thống gài mã và những “khuôn phép” khác để có thể kiểm soát mọi hành vi của thuộc cấp. Mục tiêu là để truy tìm tội phạm một cách nhanh chóng nhất. Về điểm này, có thể nói là Hoover là người có tầm nhìn xa khác thường, một bộ óc xuất chúng.

Sau khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu, Hoover đã vận động mạnh mẽ chính phủ mở rộng thẩm quyền của FBI trên khắp thế giới với mục đích biến FBI thành cơ quan tình báo Mỹ. Kế hoạch đó của Hoover bị phản đối bởi đối thủ của ông, Willian Donovan. Tuy nhiên, FBI vẫn phát triển rất mạnh. Chỉ trong vòng 2 năm, số nhân viên làm việc cho FBI đã tăng gấp đôi từ 7.420 lên 13.317.

Mạng lưới nghe trộm và giám sát điện tử của FBI bị khai thác triệt để. Năm 1945, FBI phát hiện một số điệp viên của Liên Xô đang hoạt động với những vị trí quan trọng trong Chính phủ Mỹ.

Một trong số đó là nữ điệp viên Helen Bentley. Bà là một phụ nữ có học vấn, bạn gái của một điệp viên Liên Xô nổi tiếng, Jacob Golos. Sau khi Golos qua đời, Helen trở thành người thay thế chuyển phát những tài liệu quan trọng cho mạng lưới tình báo của Liên Xô ở Mỹ.

Helen không biết nội dung những tài liệu mình đã chuyển đi. FBI đã điều tra và phát hiện ra thân phận của Helen, và việc bắt giữ người này đã giúp FBI lần ra một danh sách dài những người đang hoạt động trong Chính phủ Mỹ với vai trò điệp viên của Liên Xô. Hoover có công rất lớn trong việc truy bắt này.

Anh hùng dân tộc truy quét tội phạm

Năm 1933, làn sóng tội phạm phát triển mạnh hơn ở khu vực phía Tây. Nhiều tên tội phạm như John Dillinger, Kelly “súng máy”, Nelson… xuất hiện nhiều trong những câu chuyện của người dân Mỹ. Các phương tiện truyền thông thậm chí còn nhắc đến chúng như Robin Hood của nhân dân khi đột nhập vào nhiều ngân hàng, hủy toàn bộ các hồ sơ thế chấp cho vay.

Đối với Hoover, sự lộng hành của bọn tội phạm là không thể chấp nhận được vì chúng ngang nhiên thách thức pháp luật. Những nỗ lực chống tội phạm của Hoover đã dần tiêu diệt được nhiều tên tội phạm khét tiếng. Cái chết của John Dillinger được coi như một mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm ở Mỹ.

 Năm 1937, Louis Buchalter, tên xã hội đen đứng sau hàng loạt vụ giết người bị bắt giữ và kết án tử hình vì tội giết người. Vụ việc này đã đưa tên tuổi Hoover và hình ảnh FBI nổi tiếng hơn bao giờ hết.

Đầu hàng thời gian

Trong cuốn nhật ký của mình, Curt Hentry, một nhân viên FBI gần gũi với Hoover, đã chia sẻ rất nhiều cảm xúc của mình sau khi Hoover qua đời. Tổng thống Richard Nixon sốc khi nhận được tin này. Hoover là một trong những người bạn thân và người cố vấn đáng tin cậy của Tổng thống Nixon.

Tháng 5-1972, Hoover dự định kỷ niệm 55 năm ngày ông chính thức vào làm việc tại Bộ Tư pháp Mỹ. Tuy nhiên, vị giám đốc quyền lực này đã không có cơ hội làm được điều đó. Ngày 2-5, Hoover qua đời vì một cơn đột quỵ.

Sáng ngày 4-5-1972, tang lễ của ông được cử hành theo nghi lễ quốc gia. Sự kiện này được truyền hình trực tiếp và được coi là một trong những sự kiện chính trị nổi bật của Mỹ năm đó. Tổng thống Nixon và Đệ nhất phu nhân Mamie Eisenhower cùng nhiều quan khách cao cấp đã có mặt tại tang lễ. Hoover được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc hội, bên cạnh cha mẹ và cô em gái xấu số của mình.

Hollywood lấy J. Edgar Hoover làm hình tượng xây dựng nhân vật trong nhiều bộ phim. Nhờ truyền thông mà công chúng thấy được vai trò quan trọng của Cục Điều tra liên bang và Hoover thật sự trở thành người hùng của nước Mỹ.

Hoa Nam (Tổng hợp)
.
.
.