Khát vọng của ca sĩ Vũ Thắng Lợi

Chủ Nhật, 13/01/2019, 16:14
10 năm là một dấu mốc quan trọng trong đời nghệ sĩ. Với Vũ Thắng Lợi, người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy, 10 năm là một chặng đường của nỗ lực, cố gắng để vươn lên, chạm tới ước mơ, khát vọng của chính mình.


Nếu là người an phận, cuộc đời nghệ sĩ của Vũ Thắng Lợi sẽ bình yên đi qua với danh phận một ca sĩ - chiến sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 2. Đó là hành trình mang tiếng hát đến với những vùng quê nghèo, từ miền núi đến hải đảo. Vũ Thắng Lợi đi rất nhiều. Những chuyến đi mang lại cho anh nhiều dư vị của cuộc đời. Đi để hiểu và yêu hơn đất nước của mình. Đi để hiểu hạt lúa, củ khoai được làm từ đâu, hiểu vị mặn chát giọt mồ hôi của người nông dân, hiểu  tình cảm thiêng liêng và cả những khó khăn của người lính ngoài biên cương. 

Anh nói, anh là một nghệ sĩ của nhân dân, tiếng hát của anh đi ra từ những điều bình dị nhất của đời sống chứ không phải từ sự lấp lánh của ánh đèn sân khấu. Anh cảm ơn những chuyến đi, những trải nghiệm đã mang đến vị đời trong tiếng hát của mình. Nhưng Vũ Thắng Lợi muốn cống hiến hơn nữa, giấc mơ của anh muốn bay cao và xa hơn nữa trên bầu trời nghệ thuật. Có điều gì đó thôi thúc từ bên trong, từ bản năng của một người nghệ sĩ.

Lợi sinh ra ở Nghệ An trong một gia đình nghèo khó. Anh mê hát, những nốt nhạc đầu tiên của anh được học từ thầy An Thuyên mở tại quê nhà. Rồi anh xách vali, một mình ra Hà Nội học hát. Lăn lộn làm đủ nghề kiếm sống và hát. Giữa một thị trường âm nhạc mênh mông, Lợi quyết tâm định vị mình bằng một cách nào đó. 

Trước hết là từ các cuộc thi. Có bất cứ cuộc thi nào về thanh nhạc anh đều đăng ký tham gia, trượt lên trượt xuống hết cuộc này đến cuộc khác nhưng anh không từ bỏ. 

Năm 2008, Vũ Thắng Lợi dành giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội nhưng chỉ giải thưởng đó thôi chưa đủ. Lợi quyết tâm chinh phục một giải thưởng danh giá hơn là Sao Mai và phải đến lần thứ 3, vòng vào Quảng Ngãi anh mới dành được. Lúc đó, Vũ Thắng Lợi đã đầu quân vào Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 nhưng anh vẫn miệt mài ôn thi, đau đáu muốn làm điều gì đó. Vay tiền bạn bè mua một chiếc đàn piano để tự học ở nhà, rồi mày mò tìm đến những thầy giáo nổi tiếng xin học hát. 

Bền bỉ và quyết tâm, Lợi dành giải Nhì Sao Mai, dòng nhạc thính phòng cổ điển năm 2011. Đó là quãng thời gian vất vả. Lợi phải bán chiếc đàn piano duy nhất để trả tiền thuê nhà. Khó khăn và bế tắc. Bố ốm nặng. Lợi nhớ như in từng ngày, tháng, năm từng sự kiện diễn ra trong quãng thời gian đó. Nhưng cuộc sống không bao giờ đẩy con người đến ngõ cụt, khi một cánh cửa này khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra. 

Vũ Thắng Lợi, trong những năm tháng lênh đênh đi hát, đi thi, ngược xuôi đi tìm chính mình ấy, anh nhận ra nhiều giá trị trân quý của cuộc sống. Và tiếng hát của anh, vì thế cảm xúc hơn. Anh có thể không nổi tiếng bằng nhiều ca sĩ nhạc thị trường, nhưng những gì tiếng hát Vũ Thắng Lợi mang đến cho khán giả đã chạm tới cảm xúc người nghe.

Tôi hỏi Vũ Thắng Lợi, thường ca sĩ phải 20 năm mới làm một live show riêng. Còn Lợi, mới chỉ có 10 năm, lại là dòng nhạc kén người nghe. Anh có mạo hiểm quá chăng? Nhưng Lợi quan niệm, thời gian không chờ đợi ai, nếu có khát vọng thì hãy thực hiện bằng tất cả trái tim mình. Vũ Thắng Lợi đã làm được điều đó trong live show mang tên “Khát vọng” của anh ở Hà Nội. 

Chọn dòng nhạc kén khán giả, lại luôn bị so sánh với giọng hát của Trọng Tấn, nhưng Vũ Thắng Lợi đã tìm cho mình một lối đi riêng. Trong đêm nhạc “Khát vọng”, anh mạnh dạn mời Trọng Tấn - và thời gian đã minh chứng cho sự trưởng thành của Vũ Thắng Lợi trong giọng hát, không phải mang màu của bất cứ ai, dù đó là người nổi tiếng. Quan trọng nhất với người nghệ sĩ, là họ được là chính mình. 

Màn song ca “Trăng sáng đôi miền” của Vũ Thắng Lợi và Trọng Tấn liên tục nhận được những tràng vỗ tay của khán giả, khi tiếng hát của Vũ Thắng Lợi không kém cạnh giọng ca hàng đầu.

“Khát vọng” của Vũ Thắng Lợi đã dẫn dắt khán giả vào miền âm nhạc mà anh đang khai phá. Đó là những di sản của âm nhạc Việt, những bản tình ca đỏ nhưng được khoác màu áo mới mẻ, sôi động và trẻ trung. 

Lợi tâm sự: “Tôi theo đuổi dòng nhạc đỏ, những bài hát cách mạng nhưng tôi hát với tâm thế của một người trẻ. Những bài hát đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó và thế hệ trẻ hôm nay sẽ có cách nhìn về chiến tranh khác, không bi lụy mà tự hào”. 

Vũ Thắng Lợi đã minh chứng cho điều đó trong live “Khát vọng” của anh. Tất nhiên sự thành công của Lợi phải kể đến những bản phối mới mẻ, trẻ trung và mang màu sắc đương đại của nhạc sĩ tài hoa Hồng Kiên. 

Vũ Thắng Lợi hát “Bài ca Hà Nội”, “Những ánh sao đêm”, “Một đời người một rừng cây”, “Hà Nội niềm tin hy vọng”… mang màu sắc của một người trẻ, gần gụi, ấm áp. Đó là cách anh đang kéo khán giả trẻ và khẳng định với họ, dòng nhạc anh lựa chọn rất gần gụi, dễ nghe vì đó là những bài ca bất hủ theo thời gian. 

Nhưng trong “Khát vọng”, Vũ Thắng Lợi cũng khéo léo khoe giọng rằng anh không chỉ có sở trường hát nhạc đỏ, Lợi có thể làm chủ sân khấu với dòng nhạc trữ tình, với “Thời hoa đỏ”, “Mùa xuân bên cửa sổ” hay “Tình nghệ sĩ”… 

Đặc biệt, Lợi hát ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến, “Mẹ tôi”, một ca khúc gắn liền với thành công của nhiều tên tuổi như Tùng Dương, Thanh Lam, rất xúc động. Có lẽ, bởi nó chứa đựng cả tâm trạng của anh, một người con nặng tình với bố mẹ nhưng lại thiếu vắng họ trong live đầu tiên của cuộc đời.

Nghe Vũ Thắng Lợi hát, tôi nghĩ nhiều về sự tiếp nối của một người trẻ cho dòng nhạc truyền thống đang thiếu vắng người kế cận. Từ NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền… đến thế hệ của Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đăng Dương và bây giờ là Vũ Thắng Lợi. 

Nhưng điều trân quý hơn ở Lợi, đó là những trải nghiệm anh có được trong hành trình âm nhạc của mình, một giọng hát đi lên từ ngọn lúa, củ khoai, từ những điều bình dị của cuộc đời. 

Anh nói, anh ngưỡng mộ thế hệ trước, những tiếng hát từ chiến trường, từ vùng mỏ, từ công trường của NSND Thanh Hoa, NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên. Với anh, họ là những tượng đài âm nhạc lừng lững, những con người dấn thân, cống hiến cho âm nhạc và mang tiếng hát cho đời. Lợi muốn tiếp nối hành trình đó bởi anh nghĩ nhiều đến sự cống hiến của người nghệ sĩ cho cuộc sống. Và tôi tin, Lợi sẽ tiếp tục tỏa sáng bởi trong trái tim anh luôn ấm nồng một tình yêu với âm nhạc, với những trăn trở được bay, được thăng hoa trong thế giới đó.

10 năm, khép lại một hành trình. Đó là 10 năm của khát vọng không ngừng vươn lên trong người nghệ sĩ - chiến sĩ Vũ Thắng Lợi. Con đường đó không được rải hoa hồng, cũng không gặp nhiều may mắn. Đó là con đường của sự nỗ lực và một trái tim đầy khát vọng. 

Vũ Thắng Lợi chia sẻ với tôi rằng, anh sẽ ngừng hát khi hát không còn hay nữa. Lúc đó, anh sẽ lui về hậu trường làm giảng viên, truyền dạy cho học trò những kinh nghiệm của mình. Anh không bị lệ thuộc vào ánh đèn sân khấu hay ánh hòa quang. 

Sự tỉnh táo, lý trí và tình yêu đã giúp anh tỏa sáng. Đây là điều mà nhiều nghệ sĩ trẻ không dễ làm được, vì thế trong rất nhiều cái tên được xướng lên trong các giải thưởng sau này, kể cả những giải lớn như Sao Mai, mấy ai lưu lại được một cái tên bền bĩ trong đời sống âm nhạc. Vũ Thắng lợi chọn một khe cửa hẹp, bình tĩnh và bền bĩ bước đi. Và anh được tự do tỏa sáng theo cách của mình.

Anh có một ngôi nhà bình yên để trở về, ở đó, có người vợ yêu thương, ủng hộ chồng trên con đường nghệ thuật. Yêu anh, chị còn chấp nhận cả hoàn cảnh riêng của anh, đón bố mẹ già từ Nghệ An ra chăm sóc, phụng dưỡng. Lợi mang ơn người đàn bà đã cùng anh đi qua những ngày gian khổ của cuộc sống. Và mỗi sớm thức dậy, Vũ Thắng Lợi hạnh phúc vì còn được nhìn thấy bố mẹ bên cạnh. Đó là những giá trị đời thường mà anh trân quý, giúp anh thăng hoa trên con đường của mình.

Phan Chi
.
.
.