Nhạc sĩ Lê Minh Sơn:

Khát vọng cùng Du ca Việt

Thứ Bảy, 08/08/2015, 08:15
Lê Minh Sơn - "gã ngông" của showbiz Việt đang gác lại mọi dự án cá nhân để rong ruổi cùng hành trình Du ca Việt. Sơn là vậy, yêu cái gì cũng đắm đuối với nó đến tận cùng. Anh nói, lúc này, với anh "máu chảy trong người cũng Du ca Việt".

- Thỉnh thoảng anh lặn mất tăm rồi xuất hiện với những dự án đình đám. Đúng chất của "gã ngông" Lê Minh Sơn. Nhưng lần này sẽ là một dự án cộng đồng. Ý tưởng rong ruổi với chương trình Du ca Việt đã  đến với anh như thế nào?

- Tôi vẫn lao động quần quật đấy chứ. Liên tục những chuyến đi, tôi bay hơn chim, đến những vùng sâu, vùng xa, cảm nhận được nhiều thứ hay ho của đời sống và vẫn viết không ngừng nghỉ. Đấy là một cơ hội tuyệt vời cho nghề. Thực ra, tôi luôn vậy, những gì tôi nhìn thấy quan trọng hơn những gì tôi nghe thấy. Trong 3 năm tới, cuộc sống của tôi là những chuyến đi gắn liền với hành trình của Du ca Việt. Đó là khát vọng của người Việt, du ca qua các miền văn hóa, gặp những thân phận có hoàn cảnh éo le, nhưng khi họ cất tiếng hát, thì họ thấy cuộc sống còn có nhiều giá trị.

Chúng tôi đi qua nhiều vùng, miền khác nhau, bắt gặp nhiều cuộc đời, nhiều số phận, trong đó có những con người đã thành danh và để lại tên tuổi như anh Y Moan; qua những vùng văn hóa như tuồng Bình Định, chèo Thái Bình, quan họ Bắc Ninh, ví dặm Nghệ An... Tôi gặp những nghệ nhân dân gian, họ có công rất lớn trong việc bảo tồn văn hóa dân gian nhưng đời sống rất vất vả, khó khăn.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

Du ca Việt chỉ là một chương trình nhỏ thôi, phát sóng trên tivi, nhưng nó mang thông điệp kết nối cộng đồng, kết nối yêu thương. Qua đó chúng tôi muốn thành lập quỹ để bảo tồn những giá trị văn hóa mà ông cha để lại và giao cho người dân tự chủ.

- Hành trình của anh bắt đầu từ đâu?

- Tôi đã đi đến tỉnh thứ 10 và đang ở Nghệ An. Ở đây, tôi gặp một cậu bé bị căn bệnh quái ác, nhưng cậu có khả năng đặc biệt hát ví dặm rất hay. Tôi gặp những nghệ nhân 90 tuổi mà vẫn đam mê, say sưa với ví dặm. Những nghệ nhân như thế mất đi, thì coi như thư viện quốc gia về văn hóa dân gian vùng, miền đó bị đốt cháy. Nếu họ mất là chúng ta sẽ mất hết vì văn hóa dân gian chỉ truyền khẩu. Đó là một tình trạng đáng báo động. Và chúng tôi muốn mang đến cho họ món quà tinh thần, đó là khơi dậy tình yêu dân ca, để người dân có thể cất tiếng hát của mình. Thông qua chương trình mình có thể kết nối mọi người, kể cả những người xa quê hương. Tôi rất xúc động khi nhận được những tình cảm ấm áp của người dân. 

Có đi mới hiểu cuộc sống của người dân, nhất là những nghệ nhân, người nắm giữ kho tàng văn hóa dân gian chúng ta rất cực khổ. Khi đi thực tế, tôi bị òa vỡ bởi nhiều điều. Cuộc sống của người dân rất nghèo, nhưng thứ họ nghèo nhất vẫn là nghèo văn hóa. Con người sống không có văn hóa thì cuộc sống thật buồn tẻ. Tôi nghĩ đây là một dự án cộng đồng xúc động, trải dài 63 tỉnh, ít nhất 3 năm. Tuần nào tôi cũng trên đường, đi khảo sát nhân vật, rồi quay trở lại cùng họ, làm phim về họ, hát cùng họ…

Khát vọng của tôi và ekip là làm một chương trình cho cộng đồng, mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng để thực hiện những ý tưởng tốt đẹp và nhân văn như vậy. Chúng tôi cần sự chung sức của các nhà đầu tư. Họ hiểu về những giá trị của văn hóa, nó không có lợi được ngay, nhưng dần dần nó sẽ có hiệu ứng lớn trong đời sống.

Lê Minh Sơn và một chương trình trực tiếp của Du ca Việt.

- Tôi nhớ nhạc sĩ Trần Tiến, rồi sau này là Lê Cát Trọng Lý cũng từng "du ca", hát cho người dân nghe, vậy du ca của Lê Minh Sơn có gì khác?

- Các thế hệ đi trước từng đi du ca như nhạc sĩ Trần Tiến, ông cùng những người bạn đến đó và cất tiếng hát của mình. Còn Du ca Việt sẽ là hành trình 63 tỉnh, thành, đến từng vùng quê và để người dân ở đó tự cất lên tiếng hát của địa phương mình. Điều đó có sự tương tác rất lớn giữa nghệ sĩ và người dân. Đây là một chương trình thuần Việt, và tôi nghĩ, nếu chúng ta làm tốt thì biết đâu nó sẽ trở thành một thương hiệu để các nước xung quanh cũng phải tìm đến và mua format của chúng ta.

Từ trước đến nay, chúng ta chỉ nhăm nhăm đi mua bản quyền nước ngoài với giá cắt cổ về làm chứ ít nghĩ ra một chương trình thực sự của chúng ta. Từ "Du ca Việt" biết đâu sẽ có "Du ca Lào", "Du ca Trung Quốc", "Du ca Thái Lan". Tại sao không nhỉ? Đó sẽ trở thành một niềm tự hào của chúng ta. Biết đâu đấy, mình làm đến nơi đến chốn, mình làm có khát vọng. Nơi nào có người Việt thì nơi đó sẽ có "Du ca Việt".

- Dân ca vẫn bám sâu trong tâm hồn anh và hình như mọi ý tưởng của Lê Minh Sơn đều khởi hành từ đó?

- Tôi muốn, người dân ở bất cứ vùng miền nào cũng có thể cất lên tiếng hát của chính mình, về âm nhạc dân gian của vùng miền đó. Đó cũng chính là tinh thần âm nhạc của Lê Minh Sơn. Bởi âm nhạc dân gian là tinh hoa ông bà để lại. Đây là một chương trình không có rating, không câu view, không scandal ba lăng nhăng. Những nhân vật của tôi họ không nổi tiếng, lặng lẽ, hồn hậu, mộc mạc như vậy.

Tôi nghĩ, con người sinh ra từ  tinh hoa của ông bà để lại. Có những nước mà ảnh hưởng của âm nhạc dân gian rất lớn như Ireland. Tất cả những nhạc sĩ thiên tài như Mozart, Beethoven đều phát triển trên nền nhạc dân gian của đất nước họ. Còn tôi, bản thân nội sinh ra con người tôi đã như thế rồi. Tôi luôn tâm niệm, bất cứ việc gì chúng ta làm nhất tâm và làm với một khát vọng, thì chúng ta được sống một cách đầy sung sướng và thỏa mãn. Những người Nhật, họ tinh tế ngay từ những điều nhỏ nhất, chỉ một cái đinh thôi, cũng trở thành một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta thấy cả sự tận tụy và tâm hồn họ trong đó. Còn chúng ta đã làm gì cho văn hóa?

10 năm nay tôi đứng ngoài đời sống showbiz Việt bởi tôi muốn giữ cho đầu mình sạch. Nhưng tôi rất tâm niệm câu nói của một triết gia: "Chúng ta hãy thắp nên một ngọn nến nhỏ, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối". Chúng ta cứ bắt tay vào, làm việc với mong muốn tốt đẹp nhất, tôi tin sẽ thành công. Khi làm chương trình này, tôi càng hiểu rằng, mỗi con người sinh ra đều có sứ mệnh của mình.

Đệm đàn cho nhân vật hát.

- Vậy sứ mệnh của Lê Minh Sơn là gì?

- Sứ mệnh của tôi là kết nối yêu thương. Ngày xưa tôi đã từng làm 7-8 live show, vé bán tiền triệu, ra 11, 12 đĩa nhạc nhưng chỉ góc độ cá nhân. Nhưng giờ đi làm cho cộng đồng, tôi thấy nó thực sự có ý nghĩa và hạnh phúc. Để làm một chương trình cho cá nhân ở Nhà hát Lớn, bán vé tiền triệu dễ hơn nhiều. Nhưng tất cả chỉ để thỏa mãn cái tôi nghệ thuật của mình mà thôi. Còn bây giờ, đi làm chương trình cộng đồng, khó khăn, vất vả. Mình vừa làm vừa học, đi và quan sát, thấy nhiều thứ mình thiếu. Có thể nhiều nguời cho rằng tôi đang đi ngược lại đám đông, đi ngược lại xu hướng làm văn hóa nói chung là phải ồn ào, khuếch trương. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc.

- Tôi thấy anh đã bao giờ thỏa hiệp với đám đông đâu chứ?

- (Cười) Chúng tôi đang làm Du ca Việt với một khát vọng đẹp. Nhưng tất cả những ý tưởng, những khát vọng, những ước mơ nếu không có một nhà đầu tư đủ khát vọng, đủ thấu hiểu, đủ tiền bạc để cùng chung tay với chúng tôi thì rất khó.

- Người Việt của chúng ta chưa có thói quen đầu tư nhiều vào văn hóa. Với một chương trình như vậy, anh có nghĩ mình sẽ chạy được đường dài?

- Tôi cũng lo ngại. Với cá nhân tôi, đó là một chương trình vĩ đại. Tôi vô cùng thích. Tôi rất cần sự cam kết của nhà đầu tư để chung tay vào. Tôi đã gác lại tất cả những dự án cá nhân trong 4 năm tới để dành toàn bộ cho dự án này, ăn ngủ cùng Du ca Việt, máu chảy trong người cũng Du ca Việt. Tôi hy vọng chương trình sẽ có hiệu ứng tốt và lan tỏa trong cộng đồng để mọi người cùng chung tay vào.

- Năm ngoái, anh có chia sẻ với tôi rằng, anh sẽ làm một chương  trình với ca sĩ Thanh Lam, cỡ "Nắng lên". Bây giờ thì sao, mọi người thấy Lê Minh Sơn cứ loay hoay mãi trong bờ ao nhà mình?

- Tôi bây giờ không quan tâm điều gì khác ngoài Du ca Việt. Nó ngấm vào máu tôi rồi. Những dự án khác, hãy gác lại đã. Tôi chưa bao giờ ngừng làm việc nhé. Âm nhạc ở thời điểm này sẽ mặn hơn bởi nó chất chứa quá nhiều những vấn đề của đời sống. Còn mọi người nghĩ sao, tôi không quan tâm. Ít ra tôi còn có một bờ ao để bám vào đó. Có người loay hoay mãi mà chẳng biết bám víu vào đâu. Đừng cố gồng mình lên, cố đổi mới cách tân này nọ. Mà hãy bắt tay vào, dù từ những điều giản dị nhất. Tôi luôn sống trung thực và tử tế với tâm hồn của mình. Không suy nghĩ suy nghĩ của người khác, không nói lời của người khác. Một người sống thế cũng… bi kịch chứ, bi kịch không có đám đông. Nhưng không sao.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.