Khi nỗi buồn tốc ký

Thứ Năm, 14/11/2013, 15:06

Hồng Thanh Quang có một trái tim thi sĩ si tình bậc nhất. Một trái tim đắm đuối, mãnh liệt, thật thà đến nỗi "Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời rơi không chịu mở dù". Đó là một thái độ cháy cạn mình với tất cả những năng lượng dồn nén, không muốn giữ lại gì sau một cuộc yêu...

Những người làm thơ thường trú ngụ trong nỗi buồn. Nó như ngồi nhà, như hầm trú ẩn, như cội nguồn gốc rễ cho mọi cơn cớ, mọi yêu thương khổ nạn trên đời. Và khi trái tim thật thà nhất, cũng là lúc người làm thơ buồn nhất. Hồng Thanh Quang đã chiêm nghiệm điều đó. Thơ anh, ngay cả bài sôi nổi nhất, vẫn buồn. Và "tốc ký" có thể là trôi đi cùng đời sống này, bám đuổi từng phút giây sống, không muốn chậm trễ, không muốn bị bỏ lại phía sau trong trùng trùng lớp lớp những vui buồn thời đại. Những vui buồn cũng như tăng tốc trong nhịp đời hôm nay...

Hai tập sách thơ, dày dặn đến gần ngàn trang in. Hình thức cuốn sách được chăm chút như người ta nâng niu một nhan sắc. Mà đúng là đối với nhà thơ Hồng Thanh Quang, thơ chính là nhan sắc của cuộc đời. Anh viết nhanh, viết nhiều, mảng đậm nét nhất trong thơ anh là viết về những người đàn bà. Từ hình ảnh mẹ: "Ta nhớ một người môi lại hôn người khác/ ta khóc một người thế mà nước mắt/ lại đầm trên vai áo mẹ ta", đến hình ảnh người đàn bà của của tình yêu "Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm", đến con gái bé bỏng của mình: "cha ngắm con hoài không chán/ thêm cảm thấy mình có lỗi/ trước mọi phụ nữ đang sống ở trần gian...".

Hồng Thanh Quang có một trái tim thi sĩ si tình bậc nhất. Một trái tim đắm đuối, mãnh liệt, thật thà đến nỗi "Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời rơi không chịu mở dù". Đó là một thái độ cháy cạn mình với tất cả những năng lượng dồn nén, không muốn giữ lại gì sau một cuộc yêu. Không cần biết những toan tính thua thiệt, không cần nghĩ về tương lai hay quá khứ. Chỉ là rất đầy cho những khoảnh khắc được tan ra, được biến mất vào vũ trụ.

Tình yêu, và đặc biệt hình ảnh Em trong thơ tình Hồng Thanh Quang giống như một cứu rỗi. Anh thường hay "dựa dẫm", nương tựa vào những đàn bà áo mỏng, gương mặt mờ sương khói như vừa về trong tiền kiếp, trao cất giùm những nỗi niềm không thể giãi bày cùng ai trong đời sống ồn ào bụi bặm mà anh đang trải nghiệm từng ngày.

Thơ tình Hồng Thanh Quang trong trẻo, nhiệt thành và có chút gì như khờ dại. Cảm giác anh viết dễ và viết nhanh, như không một chút tính toán của lý trí khi sa chân vào tình yêu vậy: "Chỉ cần một bàn tay phụ nữ/ Quệt ngang qua những vết đau đời/ Ta sẽ thấy cuộc sống dù gian khó/ Những mùa thất bát sẽ qua trôi". Và: "Anh chỉ còn mình em/ Cuối cùng và duy nhất/ Như trong khắp thiên hà/ Chỉ có mình trái đất...".

Hình ảnh Em không chỉ trong những bài thơ tình,  có khi Em còn xuất hiện trong cả những bài thơ nặng thế sự của Hồng Thanh Quang. Nếu anh cần một người để bàn chuyện nhân gian, chuyện đời, chuyện được mất trong đời sống, thì vẫn là Em ngồi đó. Như một lựa chọn không thể khác và không muốn khác.

"Dù đơn độc, dù đớn đau, thất bại/ Không bao giờ anh dám trách vì ai/ Và duy nhất với anh niềm an ủi/ Chính em, người, anh đã hiến đời trai...". Nếu Tình là những phút giây nhẹ nhõm, bay bổng thì khi viết về thế sự, Hồng Thanh Quang trĩu nặng. Anh nhiều suy tư, nhiều chất vấn. Một cái Tôi ưa nghĩ ngợi, truy tìm những câu trả lời cho câu hỏi số phận. Một cái Tôi nhạy cảm thường hay để mình tổn thương, và có khi tự làm tổn thương mình trước xoay vần đời sống. Những cảm thức về thời gian cứ như đeo bám ngày càng thấm thía với người cầm bút. "Thời gian chẳng tha ai cả/ Chúng ta một kiếp như nhau.../ Duy nhất một điều rất thật/ Khói sương dần phủ trên đầu...".

Trong sự thảng thốt của thời gian trôi quá nhanh ấy, có lúc người làm thơ tê tái nhận ra một sự vô nghĩa nào đó, một sự vô nghĩa rất điềm nhiên: "sống như không thể chết/ như chuẩn bị/ cho một cuộc sống khác"... Và có lúc trong đời sống tốc độ này, nhà thơ rất muốn mình chậm lại, buông bỏ những gánh nặng, hay chí ít là mất dấu trong những ồn ào. Nhưng anh dường như không cho phép mình ở lại phía sau, anh phải đi ngang thời cuộc, muốn nhìn mặt thời gian hơn là khuất lấp vào trong nó. Và tốc ký những nỗi buồn chính là xác nhận cho một tâm thế: "Anh cũng muốn chậm rãi/ Nhưng đời trôi quá nhanh".

Tâm thế "tốc ký" trong thơ Hồng Thanh Quang rất logic với con người anh ở ngoài đời. Ồn ào, bụi bặm, đi nhanh nói nhanh. Cứ như thể anh sợ những gì mình nói không kịp với tư duy của mình vậy. Nhưng tôi cũng biết một điều rằng, khi tốc ký được một nỗi buồn, nghĩa là người làm thơ đã đi qua rất nhiều, rất sâu những trải nghiệm cuộc đời. Và chỉ còn một cách thôi, phải viết ra cho kịp những trải nghiệm ấy, như thể còn kịp "trả nợ' cho những trải nghiệm mới, trong đời sống mà càng tháng năm càng thấy, thật hữu hạn, thật vô tình...

Bình Nguyên Trang
.
.
.