Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang:

Không bao giờ rời xa truyền thống

Thứ Năm, 21/07/2016, 15:52
Cái tên Ngô Hồng Quang có vẻ như khá lặng lẽ trong nước, nếu ai chưa được nghe Quang hát bài "Tiếng Việt" của nhạc sĩ Lê Tâm. Nhưng ở nước ngoài, Quang đã là một giá trị, khi anh mang những cây đàn dân tộc như đàn nhị, đàn tính, đàn bầu… và tiếng hát của mình đi khắp thế giới.


- Vì sao có cuộc trở lại lần này của Nón - một vở múa đương đại với sự kết hợp giữa nghệ sĩ ẩn dật Ngô Hồng Quang và Vũ Ngọc Khải?

+ Tôi nghĩ mình có duyên với Nón. Ngày còn nhỏ thì đội cái nón bé tí tẹo teo ra đồng cùng với ông nội, lớn hơn tí thì được cưỡi trâu, bắt châu chấu, chăn vịt… với cái Nón đủ to để che cho thân hình còm cõi của mình khỏi cháy nắng. Và gần đây thì đội cái Nón này đi từ Á sang Âu. Không biết là sẽ vác cái Nón này đi những đâu nữa, nhưng mỗi lần được đội Nón là mỗi lần được hoài niệm trong vô vàn hân hoan… Chúng tôi sẽ kể lại những câu chuyện cổ tích ngày xưa, sự tích bánh chưng bánh giầy, chiếc nón là bà và mẹ vẫn đội đi chợ, chiếc áo dài… Tôi đệm đàn còn Khải sẽ múa, và chúng tôi muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện về tình yêu nguồn cội và những giá trị bản sắc đẹp đẽ của dân tộc như thế nào.

- Vì sao có sự kết hợp thú vị đó, giữa một nghệ sĩ ẩn dật như Quang và nghệ sĩ múa đương đại Vũ Ngọc Khải?

+ Cách đây 3 năm tôi vô tình quen Khải khi diễn vở xiếc "Làng tôi". Khải học về múa đương đại ở Rotterdam. Và chúng tôi nói chuyện với nhau… Tôi mang âm nhạc của mình cho Khải nghe, Khải rất thích. Nếu mọi người nhìn Khải múa trên sân khấu, sẽ cảm nhận được đam mê của Khải đối với múa như thế nào. 

Chúng tôi muốn một sự kết hợp nào đó để chuyển tải văn hóa truyền thống Việt vào ngôn ngữ múa đương đại, trong một không gian nghệ thuật của áo dài, của nón, của bánh chưng, bánh giầy. Và chúng tôi muốn nói về những ý niệm về cuộc sống bây giờ, mọi người bị cô độc, chi phối bởi công nghệ và bị mất bản sắc cá nhân.

Chúng tôi chọn Nón làm biểu tượng cho chương trình. Tôi chọn những âm thanh phù hợp với ý tưởng múa của Khải. Như khi Khải múa về tình yêu cuộc sống, con người, tôi dùng đàn tính. Hay những biểu cảm khi câm, mù, điếc, tôi dùng kỹ thuật hát và lối chơi đàn môi, một sự hòa quyện tuyệt vời giữa chuyển động cơ thể và âm thanh. Chúng tôi từng mang "Nón" sang Luxembourg và khán giả ở đó rất thích.

Ngô Hồng Quang biểu diễn ở nước ngoài.

- Cách đây hai năm tôi gặp Quang ở Hà Nội, lúc đó có vẻ như Quang đầy tâm trạng, thậm chí hoang mang, dù Quang vừa mới phát hành Album "Song hành". Còn bây giờ thì sao?

+ Đó là hai năm tôi lấy lại được năng lượng sống của mình. Có những thời điểm trong cuộc đời, tôi đã rất buồn, bế tắc, nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác rồi. Có lý do của nó. Vì tôi tập yoga Tây Tạng, sức khỏe và tinh thần đều được cải thiện. Bây giờ, tôi sống ở trạng thái thanh thản nhất, tôi nghĩ, điều quan trọng trong cuộc đời là tìm được lối để sống thanh thản nhất. Ăn ít thịt và nhiều rau củ quả hơn. Tôi thấy yêu đời hơn, tìm được nguồn năng lượng để mình sáng tạo.

Hai năm qua tôi đi diễn rất nhiều, mang vác các nhạc cụ dân tộc đi khắp nơi trên thế giới. Tôi thấy vui vì được bạn bè thế giới đón nhận. Họ rất yêu nghệ thuật truyền thống của các dân tộc khác. Đó là điều đặc biệt. Có những show diễn của tôi ở Bỉ, liên tục 3 show trong một buổi chiều với các cây đàn, vừa đàn, vừa hát. Khán giả chật kín phòng, hơn 300 người. Năm nay họ lại mời tôi cũng trở lại Bỉ. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời, cho mình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và một điều cũng quan trọng nữa là kiếm tiền bằng nghề.

- Tôi cứ hình dung, một nhạc sĩ bé nhỏ như Quang, mang vác trên lưng tất cả những cây đàn dân tộc rong ruổi khắp thế giới. Cảm giác đó cũng hạnh phúc lắm chứ?

+ Tôi rất vui, bởi những chuyến đi giúp tôi có cơ hội chia sẻ với mọi người về văn hóa, con người Việt Nam. Một mình tôi một sân khấu, biểu diễn các nhạc cụ Việt Nam ở những nơi hoàn toàn xa lạ, nhưng tôi thấy tự tin. Tôi nghĩ không bao giờ mình rời xa dân tộc, dù tôi rất có khả năng trở thành một ca sĩ nhạc pop. Nhưng dân tộc chảy trong máu huyết của mình, nên dù sống ở đâu, ăn pho mát và nói tiếng Anh thì tôi vẫn làm về đàn tính, đàn môi, đàn nhị mà thôi.

Hình ảnh trong vở Nón sẽ diễn tại Hà Nội.

- Và tôi biết, có một kết hợp tuyệt vời giữa Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang. Một Album về Hà Nội?

+ Tôi quen nghệ sĩ Nguyên Lê qua một lần biểu diễn cùng nhau tại Toulouse Pháp. Tôi là khách mời trong tam tấu của nghệ sĩ Nguyên Lê. Tôi đã biểu diễn rất phiêu và cơ duyên làm việc với ông bắt đầu từ  đấy.

Qua nhiều lần biểu diễn, tôi thấy phong cách mình rất phù hợp với lối chơi bay bổng của bác Nguyên Lê. Một lần chúng tôi đi diễn cùng nhau, tôi cảm nhận được sự hòa hợp tuyệt vời đó, và chúng tôi đã nảy ra ý tưởng làm dự án âm nhạc. "Hanoi Duo" ra đời. Ý niệm của dự án này là âm nhạc Việt Nam, truyền thống và tương lai. Đó là sáng tạo cái mới dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam, dùng nhạc cụ Việt Nam để trình diễn những tác phẩm mới cũng như truyền thống trên nền nhạc ghitar điện tử và âm nhạc điện tử. Chúng tôi đã thu âm, và cuối năm nay, hoặc đầu năm sau, CD sẽ được phát hành toàn bộ khu vực Châu Âu. Sau đó sẽ lên kế hoạch biểu diễn ở Hà Nội.

- Điều gì kết nối một người trẻ như Ngô Hồng Quang và nghệ sĩ đẳng cấp thế giới như Nguyên Lê?

+ Vì chúng tôi chung một niềm đam mê văn hóa và tư duy đương đại. Có thể nói chúng tôi là tri kỷ trong âm nhạc. Tôi biết, ông không được khỏe, nhưng ông vẫn dành toàn bộ tâm huyết của mình cho âm nhạc. Ông rất trân trọng những người trẻ có nhận thức rõ ràng về âm nhạc truyền thống. Ông vẫn luôn nói rằng, cho dù nghèo, hay thế nào, đừng bao giờ làm nhạc tệ. Đó là điều gần gũi giữa tôi và ông.

- Làm về âm nhạc dân tộc, kén người nghe nhưng lại thành công ở nước ngoài. Ở một góc nào đó, Quang có buồn không?

+ Nghệ sĩ Nguyên Lê nói tôi là nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Việt Nam thời nay, đúng nghĩa, xã hội mình cần những người như thế, cần những tiếng nói đương đại. Nhạc viện có nhiều người học về truyền thống nhưng không ai làm thế, không phải vì họ yếu kém mà quan trọng là chọn một con đường đi, có dám lựa chọn, dám đi, dám trải nghiệm hay không.

Ngô Hồng Quang mang âm nhạc dân tộc Việt đi khắp thế giới.

Tôi nghĩ cần một tinh thần gang thép đấy, nói rất dễ nhưng làm không dễ bởi phụ thuộc vào niềm đam mê của mình đến đâu. Có dám chia sẻ không, có dám học hỏi cái mới không. Tôi thích cái mới, thích chia sẻ, không sợ mình dốt, tôi biết mình đang ở đâu và mình muốn gì. Để đi đến được thời điểm này của cuộc sống không dễ, bởi vì tôi may mắn có một con đường, không phải loay hoay lựa chọn, phân định thiệt hơn. Thời điểm này tôi rất vui, cái gì mình muốn làm đã làm được rồi, nên tại sao phải buồn.

- Xẩm và bây giờ là quan họ trên nền nhạc điện tử phương Tây. Quang có sợ là mọi người bảo Quang đang phá quan họ?

 + Cuối năm nay tôi sẽ phát hành một album tại Việt Nam, tôi chọn 10 bài quan họ cổ, hòa âm, phối khí, cho ngũ tấu đàn dây của phương Tây. Tôi mời các nghệ sĩ violon và các nghệ sĩ phương Tây đến thu âm. Tôi hát và họ chơi nhạc.

Dù phối theo phong cách mới nhưng vẫn không mất đi chất quan họ. Tôi tin album sẽ tạo nên dấu ấn, ở đó có sự đơn giản và trúc trắc, tôi dùng lối hòa âm riêng của mình, không dựa trên cổ điển hay bất cứ một trường phái nào mà dựa trên cấu trúc của quan họ, ngoài hòa âm, tôi còn sử dụng những hoa mỹ trong âm nhạc của quan họ vào lối chơi của đàn dây, các nghệ sĩ phương Tây cũng phải học mãi mới làm được. Đó là thời điểm tôi đầy hứng khởi với những dự án của mình, tôi có thể làm việc một mạch từ 10h sáng đến 6h tối, cứ miệt mài như thế mà không thấy mệt. Giờ thì mọi thứ đã xong.

- Đi từ dân tộc ra thế giới, Quang thấy mình đã tới đâu?

+ Tôi nghĩ, mình chạm tới trái tim mọi người, âm nhạc, bằng trí tưởng tượng của mình đã phá bỏ mọi rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Tôi đã khai thác tối đa trí tưởng tưởng trong những bản phối của mình, cho nên dù quan họ, chèo, hay xẩm, thì mọi người ở bất cứ đất nước nào cũng có thể nghe và cảm được. Đi xa khỏi dân tộc, ra thế giới, tôi càng hiểu hơn về dân tộc, nhưng không phải với tư cách là một nghệ nhân nhé. Chị thử nghĩ xem, tôi sống ở Châu Âu và làm luận văn tốt nghiệp về âm nhạc, văn hóa dân tộc Mông, còn sáng tác bài hát về họ nữa, thế mà trong buổi lễ tốt nghiệp, mọi người nghe thích thú vô cùng.

- Điều gì khiến anh mê đắm với truyền thống trong một tâm thế vững vàng như thế?

+ Vì tôi may mắn được ra nước ngoài học. Tôi nghĩ, cơ hội đó làm thay đổi tư duy âm nhạc của tôi. Làm sao mình tìm được một con đường để làm chủ được mình, để mình không bị sao lãng với những thứ khác ngoài âm nhạc. Tôi nghĩ, quan trọng là mình có yêu nó hay không. Và tôi đã sống với mục đích như thế. 

Ở nước ngoài họ rất trân quý truyền thống. Còn nền âm nhạc của chúng ta đang rất xô bồ. Chúng ta bảo tồn truyền thống theo phong trào, cả một nền âm nhạc đã bị pop hóa, nhưng pop ở mức độ nông chứ không sâu. Thôi đành vậy, mỗi người cứ cố làm âm nhạc tử tế, những giá trị được định hình, thì chúng ta sẽ thay đổi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà
.
.
.