Nhạc sĩ Nguyễn Cường:

Không buồn và oán giận cuộc đời này

Thứ Hai, 08/08/2016, 18:56
Lần đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Cường chính thức thực hiện liveshow riêng với 2 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 13,14 -8-2016. Một chân dung Nguyễn Cường, chàng trai Hà Nội sẽ được vẽ trọn vẹn bằng âm nhạc, bằng tình yêu mê đắm của ông với dân ca, với Hà Nội, với Tây Nguyên.


- Vì sao lại là một live show riêng ở tuổi 73, thưa nhạc sĩ?

+ Vì đơn giản tôi chỉ làm công việc sáng tác, không bận tâm đến điều gì khác. Và một buổi sáng đẹp trời, có một cô gái rất xinh đẹp đến ngỏ lời, chú ơi, làm một live show riêng đi, thế là làm thôi. Mọi thứ rất tự nhiên.

Tôi không quan tâm đến tác phẩm của mình sống thế nào, khi tôi sáng tác xong, một ca sĩ nào đó hát và phối khí mà tôi thấy ưng ý, tôi coi bài hát đó đã trưởng thành, 18 tuổi rồi và tự do đi ra ngoài có đời sống riêng của mình. Cũng như tôi không quan tâm đến việc làm live show hay không, vì tôi vẫn là Nguyễn Cường.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường - tác giả nhiều ca khúc thành công về Tây Nguyên.

Có những bài hát, tôi không quan tâm đến nó lắm, như "Đôi bờ sông Kông", nhưng tôi rất cảm động, khi có nhiều người nhớ đến nó. Bài hát viết cho sinh viên, do một cô sinh viên trong trường hát thôi, thế mà tình cờ lên Bắc Kạn, tôi gặp một anh người Dao nghêu ngao hát bài đó, giọng còn ngọng.

Trong khi có những bài tôi mất bao công sức, tâm huyết với nó, nhưng chỉ dừng lại ở huy chương vàng hội diễn chứ không ra đời sống được. Thế nên, tôi ngẫm thấy, mỗi bài hát có số phận riêng của nó. Việc của nhạc sĩ là tìm cảm hứng để sáng tác mà thôi.

- Ông định đính chính rằng ông là người Hà Nội chứ không phải Tây Nguyên như mọi người nghĩ, nhưng tôi thấy đó là một sự nhầm lẫn rất đáng yêu đấy chứ?

+ Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi luôn mang trong mình tình yêu đó. Live show này sẽ kể câu chuyện của một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gắn với phố cổ Hà Nội, những ký ức và tình yêu Hà Nội, tình yêu ấy theo năm tháng sẽ lớn lên, dọc theo con sông Hồng đầy kỷ niệm lớn dần ra biển lớn, lên với cao nguyên đại ngàn…

Và chàng trai ấy, dù đi bất cứ nơi nào vẫn luôn khẳng định một tình yêu Hà Nội sâu sắc, nồng nàn.

Và tôi mang tình yêu đó, tinh hoa văn hóa của Hà Nội vào Tây Nguyên. Đó là một cuộc gặp gỡ tất yếu của văn hóa, của lịch sử và đôi khi, của số phận nữa.

- Vì thế mà những bài hát của ông luôn mang âm hưởng của dân ca, như thể, dân ca là mạch nguồn cho sáng tác của ông. Vì sao có sự gặp gỡ thú vị đó thưa ông?

+ Âm nhạc của tôi không phải là những đau đớn của tình yêu. Tôi muốn chạm tới văn hóa, tình yêu nằm trong mạch chảy văn hóa của từng vùng miền, như thế âm nhạc của tôi mới có cớ để lấy chất liệu dân ca, bởi đối với tôi, bài hát thiếu dân ca, thiếu âm hưởng dân ca thì không gọi đó là bài hát. Tôi thích bài hát phải có mùi mắm tôm, mùi nước mắm, mùi hành, mùi sả…

- Ông có lo ngại về vấn đề bán vé không, khi đêm nhạc của ông kéo dài tận 2 đêm?

+ Người Việt có thói quen đi xem miễn phí và hình như phải mời mới sang, nhưng mời thì lại bảo trọng người này, khinh người kia. Tôi nghĩ, nếu yêu, thì hãy bỏ tiền ra mua vé.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Y Moan.

Cả Hà Nội này, chẳng lẽ không có đủ 1000 người yêu Nguyễn Cường, Tùng Dương, Thanh Lam để mua vé, sao cứ phải tặng vé mới sang, dẫn đến khó khăn cho người làm chương trình.

Ở Sài Gòn không có chuyện đó, nếu thích, người ta sẽ chủ động mua vé. Chúng ta nên thay đổi nếp nghĩ cho người Hà Nội.

- Live show của Nguyễn Cường chắc chắn không thể thiếu Siu Black, thưa ông?

+ Tôi muốn Siu Black trở lại và đêm nhạc này là một cơ hội. Năm 1984, khi tôi vào Đắk Lắk và nghe giọng của Siu hát "Without You", tôi nói các anh ở đoàn ca nhạc Đắk Lắk rằng, các ông nhận nó đi, 10 năm nữa thôi, giọng hát của Siu sẽ lan tỏa ra nước ngoài, và Siu sẽ đi bằng đôi chân của mình chứ không phải của Đoàn ca múa Đắk Lăk đâu. Và năm 1991, Siu Black đã nổi tiếng, ra nước ngoài biểu diễn.

Tôi nghĩ, Siu có một giọng ca đặc biệt, cái gì của Siu cũng khác thường. Đó là sản phẩm tinh hoa của Tây Nguyên. Tôi gọi đó là cú sốc của Tây Nguyên, như núi lửa phun ra, bản năng một cách tinh tế. Bây giờ, Siu sẽ hát hay hơn, như một sự kìm nén quá lâu.

- Nhiều người nói rằng, không có Nguyễn Cường thì sẽ không có Siu Black và Y Moan? Ông có nghĩ thế không?

+ Siu Black và Y Moan là hai tinh hoa của văn hóa Tây Nguyên, tôi là đứa con của văn minh sông Hồng, cuộc gặp gỡ của chúng tôi là tất yếu (nếu không có tôi thì sẽ có người khác) của quá trình thống nhất văn hóa các dân tộc Việt Nam, một sự thống nhất trong đa dạng.

Hà Nội là tinh hoa và tỏa ra khắp nơi, hành trang của tôi vào Tây Nguyên không phải là tôi mà tất cả tinh hoa của văn hóa Hà Nội, của Beethoven, của Moza… và trái tim tôi, chàng trai Hà Nội, yêu Tây Nguyên, yêu đất nước này.

- Vâng, nhưng tôi còn biết, có một phần chìm như một vỉa quặng quý không được biểu diễn trong live show này nhưng đó là phần mà ông đau đáu với nó nhất, phần khí nhạc. Có lần ông nói rằng, đó là “những giấc mơ gãy cánh”. Hình hài của những giấc mơ đó ra sao, thưa ông.

+ Đúng thế, cả một thế hệ, tôi, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến đều mang trong mình giấc mơ về một Moza, một Beethoven, một Tchaikovsky của Việt Nam nhưng chúng tôi chỉ làm được bài hát thôi, trình độ văn hóa, điều kiện kinh tế, chiến tranh nữa... đã chi phối tất cả chúng tôi.

Dương Thụ nói rất hay, mà cũng rất buồn. Nỗi buồn của thế hệ... nếu chỉ để viết ca khúc thôi, không cần phải vào trường nhạc.

Thời đó, chúng tôi học ngày học đêm, quyết liệt và đầy khát vọng. Thời của 18, 20, đam mê, mộng tưởng. Và cuối cùng thì giấc mộng không thành, và tôi gọi đó là “những giấc mơ gãy cánh”.

- Những khát vọng không thành, trong đó có dấu ấn của cả thời cuộc. Trải qua nhiều biến động, thậm chí có những thiệt thòi, mất mát trong tuổi thơ của mình, ông có buồn không?

+ Tôi luôn luôn hài lòng với cuộc sống, cả phần tích cực và tiêu cực của nó. Mình hạnh phúc vì được sinh ra trên đời này, và hạnh phúc vì được chứng kiến những sự kiện của đất nước.

Siu Black sẽ trở lại trong liveshow lần này.

Từ nhỏ 5 năm tôi học ở trường Pháp, nói tiếng Pháp làu làu. Rồi tôi cũng đi qua thời kỳ cải cách ruộng đất, hợp tác xã... Đủ những biến động của đất nước. Tôi và Trần Tiến vẫn đùa nhau, chúng ta vẫn như những đứa trẻ ấy nhỉ, gặp nhau vẫn cứ nhơn nhơn.

Tôi đặc biệt không coi tuổi thơ của mình là trắc trở, dù ngày đó, một mình mẹ tôi phải nuôi 5 đứa con, tôi chừng 12, 13 gì đó. Với 45 đồng và 5 đứa con, tôi thấy mẹ thật vĩ đại…

Và tôi đã đi qua những tháng ngày đó bằng bo bo, bằng những cơn đói, bằng cả những bầm dập khi vào trường nhạc với lý lịch của mình. Tôi nhớ, có lần mùa đông, tôi đang ngồi kéo đàn.

Không hiểu sao mình cứ bị nước mũi chảy ướt cả đàn, tôi lấy khăn lau. Nhìn xuống, giật mình hoảng hốt, khăn đỏ màu máu. Vì ăn uống khổ quá. Làm gì có bánh mì, chỉ ăn bo bo và mấy cọng rau, nước mắm cũng không có.

Hồi đó, tôi mới 20 tuổi. Nhưng điều quan trọng là tôi không thấy buồn và oán giận, trên đời này còn có bao nhiêu người khổ hơn mình, sao mình không nhìn cuộc đời đẹp hơn.

- Điều gì đã thôi thúc ông ghê gớm đến thế. Phải chăng là khát vọng của tuổi trẻ hay cả những tự ái cá nhân.

+ Khát vọng, tuổi trẻ, ghê gớm lắm. Và tôi muốn chứng minh bản thân mình, từ tự ái cá nhân. Không gì có thể làm mất ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ. Điều đó cũng là động lực giúp tôi chứng minh sự tồn tại của mình, bằng con đường học vấn. Khi tôi tốt nghiệp cello, tôi đã viết một bản sonat cho cello rồi.

Tuy nhiên, khát vọng là khát vọng, chứ không phải vì bất cứ mục đích nào khác ngoài nghệ sĩ. Tôi vẫn làm việc hồn nhiên. Ngày 20 tuổi, tôi không nghĩ mình cống hiến hay gì cả. Tôi viết nhạc từ nhu cầu của tôi.

Và may mắn thay, nhu cầu đó hợp với mọi người, thì ok, tôi rất hạnh phúc. Chứ không phải vì tôi có trách nhiệm này nọ. Đừng gán cho nghệ sĩ nhiệm vụ này nọ.

 - Có lẽ vì thế mà âm nhạc của ông không bi lụy bởi tinh thần sống lạc quan của ông, dù đi qua rất nhiều biến động. Tôi biết bây giờ ông còn vẽ tranh. Ông có dự định làm một triển lãm nho nhỏ?

+ Con người ta đến một tầng văn hóa nào rất tự trọng, tôi có thể làm thơ nhưng không bao giờ nhận mình là nhà thơ, tôi có thể vẽ tranh nhưng không bao giờ nhận mình là họa sĩ. Thực tế, rất nhiều người lạm dụng điều đó. Tôi thấy họ phải biết xấu hổ với chính mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt hà
.
.
.