Đạo diễn, NSND Lê Hùng:

Không có thứ nghệ thuật nào hay mà lại bị khán giả quay lưng

Thứ Tư, 27/05/2015, 09:46
Khi chúng tôi đến, đạo diễn, NSND Lê Hùng đang say sưa dựng vở cho đoàn kịch nói Công an nhân dân. Ông hẹn chúng tôi ở đây, tranh thủ giây phút giải lao để trả lời phỏng vấn về một vở diễn khác ông vừa dựng cho Nhà hát kịch Quân đội, vở "Thời gian không im lặng" rất được công chúng chú ý ngay khi vừa công diễn. Vẫn là một Lê Hùng ngùn ngụt tình yêu, đam mê với sân khấu. Chạm vào lĩnh vực này, ông say sưa như… lên đồng.

- Thưa đạo diễn Lê Hùng, vì sao ông quyết định dựng lại một vở kịch đã được một số đoàn nghệ thuật dựng rồi?

Chúng ta đều biết, Tạ Xuyên là một nhà viết kịch nổi tiếng trong Quân đội. Ông viết nhiều vở hay, đụng chạm đến nhiều vấn đề của đời sống. Ông mất năm 2013 và để lại rất nhiều thương tiếc trong lòng bè bạn. Năm nay, Nhà hát kịch Quân đội muốn tôi làm đạo diễn cho một vở mới mà họ dựng, vào dịp 30/4. Nhưng tôi lại chọn vở "Thời gian không im lặng" của Tạ Xuyên và thuyết phục các anh bên đoàn kịch Quân đội rằng, đây chính là một vở diễn hay mà chúng ta nên dựng lại. 

Vở diễn này nói về câu chuyện đồng đội, những mặt sáng tối của mối quan hệ này trong chiến tranh. Nhưng trên hết vẫn là tình yêu, lòng trắc ẩn, sự tha thứ mà những người đồng đội dành cho nhau. Tôi cũng muốn đây là một nén tâm hương tưởng nhớ hương hồn anh Tạ Xuyên, vì những đóng góp của anh cho sân khấu. Hôm tổng duyệt, chị vợ anh Tạ Xuyên có đến xem, chị khóc rất nhiều vì xúc động. Và có lẽ khán giả khi xem vở diễn cũng chia sẻ cảm xúc này. Đối với tôi, "Thời gian không im lặng" là một vở diễn hay, bởi nó có cái cốt lõi là một kịch bản hay.

Đạo diễn Lê Hùng chỉ đạo diễn xuất.

- Một kịch bản hay mà vào tay Lê Hùng thì chắc chắn không bao giờ là vở diễn tồi được rồi. Xem xong "Thời gian không im lặng", tôi ra về và nghĩ mãi, rằng người ta nói sân khấu đang khủng hoảng khán giả, không có khán giả liệu có đúng không? Vì nhà hát vẫn chật chỗ ngồi, và khán giả vẫn thổn thức theo từng nhân vật, từng diễn biến của vở diễn. Hình như vấn đề chỉ là, chúng ta không có nhiều khán giả xem kịch vì chúng ta hiếm vở diễn hay mà thôi…

Cái này thì cũng có ý đúng. Bây giờ thời đại nở rộ công nghệ, các hình thức nghệ thuật phát triển phong phú. Có cơ man sự lựa chọn để giải trí cho công chúng, và sân khấu thì chỉ là một. Nói là sân khấu khủng hoảng hay khán giả quay lưng với sân khấu tôi nghĩ cũng chưa thật chính xác. Không có thứ nghệ thuật nào hay mà khán giả lại không nhận ra, lại quay lưng cả.

- Và nhiệm vụ đầu tiên và cuối cùng của người làm nghệ thuật là phải sáng tạo ra các tác phẩm hay, phải không ạ?

Đúng rồi, cặm cụi mà làm, nhiệt huyết say mê mà làm. Đối với tôi, khi đã nhận lời dựng một vở diễn bất kỳ nào đó, tôi chỉ có một cách duy nhất thôi, làm hay nhất có thể. Phải dốc toàn bộ tài năng, hiểu biết, kiến thức của mình vào vở diễn. Không qua loa hời hợt hay dùng mấy cái mánh rẻ tiền giật gân câu khách để thu hút khán giả tò mò tới rạp. Như thế thì vở diễn của mình không có sức sống lâu bền, không để lại dư âm trong lòng khán giả được.

- Nghe nói khi dựng vở, ông thường hay sửa kịch bản. Ở vở diễn "Thời gian không im lặng" vừa rồi, ông cũng sửa một số chi tiết thì phải?

Một vài chi tiết trong kịch bản, nếu thấy cần phải thay đổi chút ít để nêu bật tư tưởng, chủ đề, thông điệp của vở diễn thì tôi sửa, chuyện đó cũng hết sức bình thường trong nghề sân khấu thôi. Chẳng hạn như vở "Thời gian không im lặng" của anh Tạ Xuyên vừa rồi, tôi sửa cái chi tiết già làng lấy cô gái lưu lạc 13 năm làm vợ (như trong kịch bản), thành già làng nhận cô gái làm con nuôi. Như thế nó hợp lý hơn. Vì nếu để như trong kịch bản, già làng lấy cô gái một thời gian đã lâu, nhưng họ vẫn chưa "động phòng hoa chúc" thì thấy nó hơi khiên cưỡng, khán giả người ta thấy khó tin (cười). Tôi cũng thêm bớt một vài chi tiết khác cho vở diễn sinh động và giàu tính nhân văn hơn. Chẳng hạn chi tiết con bù nhìn. Anh chiến sĩ cách mạng đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao, cởi trói cho người đồng đội mà anh biết chắc bị kết tội oan, rồi chôn con bù nhìn xuống đất. Giây phút ấy anh ta trở về đúng với bản chất lương thiện, tử tế của mình. Khán giả cũng sẽ nhớ rất lâu chi tiết ấy. Nhưng thực ra trong vở diễn là không có chi tiết này. Tôi nghĩ ra đấy.

- Nghĩa là, từ kịch bản lên sàn diễn, người đạo diễn phải sáng tạo một lần nữa?

Đúng thế chứ. Nếu không vai trò của người đạo diễn ở đâu? Kịch bản hay đến đâu nó vẫn chỉ nằm trên con chữ. Còn vở diễn sống động thế nào, các nhân vật có hình hài, hành động ra sao, thì do tài năng của người đạo diễn.

- Xem các vở diễn ông làm gần đây, ngay cả những vở về đề tài lịch sử, có cảm tưởng ông xử lý kịch bản rất hoạt. Vở diễn thường có tiết tấu nhanh, không ề à kể lể. Đó có phải là triết lý làm sân khấu hiện đại của ông không?

Sân khấu hiện đại là phải theo kịp đời sống hiện đại. Các thể loại kịch có tính đặc thù khác như kịch múa, hát thì khó hơn, nhưng kịch nói nhất thiết tiết tấu phải nhanh. Người đạo diễn phải hiểu tâm lý khán giả thời mình. Bây giờ mà cứ dài dòng lê thê diễn giải thì khán giả người ta ngán lắm, người ta ngồi nhà xem truyền hình còn hơn là đến rạp hát. Với các diễn viên, tôi quan niệm là không có diễn viên tồi. Người đạo diễn giỏi là người biết chỉ ra cho diễn viên những chi tiết quan trọng để họ diễn. Tôi là người luôn nghĩ ra các chi tiết cho diễn viên, không bao giờ để họ "đánh vật" với kịch bản rồi ra loay hoay trên sân khấu. Họ suy nghĩ cái tâm lý nhân vật thôi, còn chi tiết diễn, thì người đạo diễn phải tư duy, phải chỉ ra cho họ. Cái đó gọi là đường diễn. Người diễn viên khi có đường diễn rồi, họ sẽ nhập cuộc rất nhanh, còn nếu không, có thể lúc ta sẽ thấy họ ngớ ngẩn trên sàn diễn.

- Nghĩa là vai trò của đạo diễn đặc biệt quan trọng. Người ta nói vở này hay vở kia dở thì trước tiên là nhắc đến đạo diễn…

Chuẩn quá còn gì. Người đạo diễn giỏi là người để lại dấu ấn cá nhân họ rất mạnh, rất đậm nét lên vở diễn. Và hiểu khán giả của mình. Thế giới có 3 trường phái sân khấu. Thứ nhất, tôi kể cho các bạn nghe về tôi. Thứ hai, tôi kể cho các bạn nghe về Nó (tức là về những nhân vật khác). Thứ ba, chính là trường phái sân khấu dân tộc mình ưa thích, là tôi cùng các bạn kể về mình. Nghĩa là sân khấu của ta ít lý tính hơn, giàu cảm tính hơn. Khán giả sẽ cùng tham gia vào vở diễn, lắng nghe các nghệ sĩ kể chuyện không phải với tâm lý của người đứng ngoài.

Muốn tìm mình trong vở diễn, là tâm lý chung của khán giả Việt. Tôi làm đạo diễn thì tôi rất hiểu tâm lý đó và luôn luôn tôi muốn khán giả đến rạp xem vở của tôi là hòa nhập vào vở diễn, sống trong vở diễn. Đây cũng là nét đặc trưng tâm lý của sân khấu các nước phương Đông. Và vì vậy, người ta có thể khóc cười với câu chuyện, với nhân vật, dù cho họ biết những hình ảnh dựng trên sân khấu là giả, là tượng trưng thôi.

Cảnh trong vở “Thời gian không im lặng” của đạo diễn Lê Hùng do Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng.

- Theo ông, trong sự phát triển của truyền hình, internet, điện ảnh như hiện nay, sân khấu phải làm thế nào để tồn tại?

Tôi nói rằng sân khấu sẽ không bao giờ chết, kể cả khi "thằng em ruột" của nó là truyền hình, điện ảnh đã mò đến tận giường ngủ của từng ngôi nhà rồi. Sân khấu không chết vì sao bạn biết không, vì nó có "hơi ấm". Bạn đến một nhà hát thưởng thức một vở diễn, là bạn cảm nhận được hơi ấm từ trái tim người nghệ sĩ đang buồn vui hay đau khổ với từng nhân vật trên sân khấu kia. Cảm nhận về "hơi ấm" đặc biệt ấy, nếu bạn xem điện ảnh hay truyền hình, bạn sẽ không có, không bao giờ có. Đấy là đặc thù, là quyền năng mà chỉ sân khấu mới có. Khi bạn mặc quần áo đẹp, soạn sửa để đi ra khỏi nhà, đến rạp hát, thả hồn mình nhập vào một câu chuyện được kể trên sâu khấu, những cảm xúc bạn có thực vô cùng, không hề ảo. Vì thế sân khấu không việc gì phải "xoắn", sẽ luôn luôn tồn tại cùng "hơi ấm" của nó, bên cạnh các loại hình nghệ thuật khác.

- Một số đạo diễn vì ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật đông khán giả hơn, đang muốn làm mới sân khấu, dụ khán giả tới rạp bằng cách truyền hình hóa sân khấu, tạp kỹ hóa sân khấu, thậm chí là điện ảnh hóa sân khấu… Quan điểm của ông về hiện tượng này?

Tôi không đồng ý. Sân khấu trong thời đại bùng nổ các phương tiện giải trí này, hơn bao giờ hết càng cần phải là chính nó. Sân khấu phải là sân khấu, với những khúc thức đặc thù của nó thì nó mới riêng biệt, đặc biệt, mới hấp dẫn khán giả. Vấn đề chỉ là làm sao cho có kịch bản hay, đạo diễn tài, diễn viên đẹp và giỏi, kể chuyện cho sâu sắc. Chứ còn nếu a dua chạy theo mấy anh thể loại khác để làm chiêu trò câu khán giả thì sẽ bị khán giả bỏ rơi nhanh chóng thôi.

- Xin cảm ơn đạo diễn Lê Hùng về cuộc trò chuyện!

Khánh Thảo (thực hiện)
.
.
.