Giải nhất cuộc thi tìm kiếm MC năm 2013, Én vàng Đức Bảo:

Không muốn làm một con vẹt trên tivi!

Thứ Hai, 09/12/2013, 09:00

Từng làm giám đốc marketing cho chương trình "In the spotlight" và nhiều sự kiện quan trọng, nhưng Đức Bảo được biết đến sau giải vàng cuộc thi tìm kiếm người dẫn chương trình truyền hình 2013 do HTV tổ chức. Anh cũng là MC hiếm hoi có khả năng dẫn song ngữ Anh -  Việt một cách tự tin và biến hóa. Đức Bảo nói, muốn không thành con vẹt trên truyền hình thì buộc phải học nhiều hơn…

- Anh bắt đầu công việc MC thế nào?

- Tôi bắt đầu công việc MC từ … lớp 9, đó là trong vai trò MC của một ngày hội ở trường cấp 2. Nhưng phải đến 5 năm sau tôi mới thử sức lại với công việc này. Khi đó tôi đang là cộng tác viên dịch phụ đề phim. Một ngày kia, chị biên tập viên tôi quen hỏi tôi có muốn thử làm MC cho một chuyên mục về du lịch, chỉ đơn giản là đọc cue mà thôi. Tôi liền thử sức và được làm! Tôi đã bắt đầu nghiệp MC như vậy.

- Anh tìm kiếm điều gì ở nghề MC, một nghề mà người ta sẽ rất khó định danh chuyên môn, mà nó được lai ghép từ rất nhiều những kỹ năng từ chuyên ngành khác?

Mười năm trước có thể coi MC là một nghề khó định danh chuyên môn, nhưng hiện nay MC, hay nghề dẫn chương trình, hoàn toàn là một công việc có thị trường rộng, và nhiều cơ hội phát triển. Tôi thích nghề MC cũng chính bởi yêu cầu của công việc đòi hỏi người MC phải có hiểu biết rộng, nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cũng như các kỹ năng đa dạng: nói trước đám đông, diễn xuất, có thể cả ca hát nhảy múa. Tôi từng trải nghiệm ở các công việc khác nhau, học trường kỹ thuật nhưng lại thích các lĩnh vực nghệ thuật, giải trí nên công việc này rất phù hợp với tôi. Mơ ước của tôi là được "host" những chương trình như talk show, biểu diễn ca nhạc, truyền hình thực tế, diễn hài… hoặc một chương trình tạp kỹ bao gồm nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau trong tương lai.

- Ở tuổi 26, anh có 5 năm làm nghề dẫn chương trình, có khi nào anh tự hỏi, vì sao mình vẫn chưa thực sự nổi tiếng?

Nói là 5 năm làm nghề, nhưng thật ra đó là 5 năm chập chững từ khi biết thế nào là dẫn chương trình. Còn Đức Bảo mới chỉ thực sự đầu tư cho công việc này từ khoảng 2 năm trở lại đây. Rõ ràng sự nổi tiếng là thước đo cho sự thành công của một MC. Tôi không tự hỏi vì sao mình chưa nổi tiếng, mà câu hỏi là "làm thế nào để trở thành một MC nổi tiếng". Với giải Én vàng 2013, tôi đã có một tiền đề rất tốt để tiếp cận với những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn trước. Tôi tin rằng mình cứ chăm chỉ làm việc, có những bước đi vững chắc, đúng đắn thì thành  công sẽ đến. Hơn nữa nếu nổi tiếng quá nhanh chóng, thì sự nổi tiếng đó cũng khó mà giữ được. Tôi muốn mình sẽ còn được công chúng đón nhận nhiều và lâu dài.

- Anh nói muốn hướng tới hình ảnh của Ryan Seacrest của chương trình American Idol, không nhiều lời nhưng vẫn tạo được sự sôi động. Anh thấy mình và Ryan có điểm nào chung?

- Đúng như anh nói, Ryan Seacrest - host của American Idol - luôn hóm hỉnh, dí dỏm, không nhiều lời, nhưng vẫn rất sôi động. Tôi mới chỉ đang trên con đường hướng đến những tiêu chí đó mà thôi. Nhưng tôi không muốn bị coi là sao chép ai cả, trên thực tế tôi cũng chưa bao giờ bắt chước Ryan, đơn giản đó là một phong cách mà tôi thấy được khán giả yêu mến. Tôi sẽ cố gắng để cũng được khán giả mến mộ mỗi lần bước ra sân khấu.

- Trên thực tế, tư duy báo chí trong mỗi MC sẽ giúp họ có được sự cập nhật, logic, và tránh được những cái lỗi phông văn hóa kiểu "xin một tràng vỗ tay cho đồng bào lũ lụt miền Trung". Dẫu thế, điều đó sẽ khiến  MC không còn dám tung hứng nữa, luôn ở trong hàng rào an toàn mà mình tự xác lập. Vậy thì cá tính của MC sẽ nằm ở đâu?

- MC là nghề "làm dâu trăm họ", nói đúng chưa chắc được khen, nói sai thì sẽ bị chỉ trích. Nói đúng mà lại hay thì quả thật rất khó. Chính vì thế, tư duy báo chí sẽ là nền tảng để MC không thể nói sai, còn nói hay được hay không rõ ràng là cái tài, cái duyên của mỗi người. Sự an toàn sẽ luôn là tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất yêu cầu, nhưng sẽ chẳng ai phản đối một MC biết làm khán giả cười, nhưng không vượt quá giới hạn, luôn ý thức mình đang nói gì, đang ở chỗ nào trong kịch bản, và biết lái chương trình đi đúng theo kịch bản một cách tự nhiên. Theo tôi đó chính là cá tính của một MC.

- Anh có nói về khả năng dịch và nói tiếng Anh, điều này ở Việt Nam rất hiếm người làm được. Anh có thể chia sẻ về quá trình rèn luyện kỹ năng này của mình?

- Việc học và sử dụng tiếng Anh đối với tôi thực sự như một thứ bản năng.  Bắt đầu từ thời còn đi học, thú giải trí của tôi là xem các sê-ri phim truyền hình nước ngoài, từ thể loại sit-com đến thể loại tâm lý xã hội, hình sự, hành động… rất rất nhiều, mà không có thuyết minh. Hầu như tôi đều đã xem hết và thuộc nằm lòng tất cả các sê-ri nổi tiếng nhất. Chính từ quãng thời gian đó mà tôi đã xây dựng cho mình một nền tảng tiếng Anh khá đa dạng ở nhiều lĩnh vực, vốn từ, và nhất là cách hành văn tiếng Anh của người bản ngữ. Điều này giúp tôi giao tiếp và dịch thuật tự nhiên, không bị mô phạm cứng nhắc. Đến thời sinh viên, tôi chuyên tâm học tiếng Anh và kiếm tiền tiêu vặt nhờ vào việc dịch phụ đề phim, dịch tài liệu tiếng Anh. Đó cũng là những kinh nghiệm quý báu mà không ngờ sau này lại giúp được cho tôi khi làm MC trong các chương trình cần dùng tiếng Anh.

- Nhìn vào danh sách những người anh kể tên, như Diễm Quỳnh, Quỳnh Hương, Tạ Bích Loan… hầu hết là những gương mặt MC chính luận, nói những điều nghiêm ngắn và rất "đỏ" về tư tưởng. Đó có phải là mục tiêu mà anh hướng tới, trở thành một MC truyền hình nổi tiếng trong những chương trình truyền hình nghiêm túc (và hơi khô cứng, đi theo lối mòn)?

- Tôi có nhắc tới những đàn anh đàn chị đi trước trong một bài phỏng vấn bởi đó là những "tiền bối" mà tôi rất khâm phục, đã từng được tiếp xúc học hỏi trong công việc và cả ngoài đời. Mỗi người có một phong cách dẫn chương trình riêng, phù hợp với thể loại chương trình khác nhau. Tôi không nghĩ mình sẽ giống ai trong số những người dẫn chương trình này, tôi vẫn theo đuổi hình ảnh MC chững chạc, hóm hỉnh và thân thiện.

- Anh nghĩ thế nào khi hầu hết các Én vàng của cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình đều… không thành công lắm, mà những thí sinh chỉ đoạt giải phụ, như Trấn Thành, Anh Quân chẳng hạn, lại tạo được dấu ấn mạnh hơn? Anh có nghĩ điều đó cũng sẽ vận vào mình?

- Tôi nghĩ rằng sự thành công mà anh đang nói đến là trong vai trò của MC? Thật ra không phải tất cả những Én vàng đều chọn con đường MC sau khi đoạt giải, vì thế có thể nói họ vẫn thành công nhưng ở công việc mà họ đã chọn. Trấn Thành hay Anh Quân, họ là những MC chuyên nghiệp, dành toàn bộ thời gian, mồ hôi, công sức cho công việc này, và họ đã được đền đáp xứng đáng. Tôi rất hy vọng những cố gắng trong thời gian tới của mình cũng sẽ đem lại những trái ngọt.

- Có rất nhiều MC hiện nay nói như những con vẹt bằng lời của những người khác, cho đến khi gặp tình huống bất ngờ thì họ lộ ngay ra sự trống rỗng của mình. Theo anh, đó có phải là điều đáng trách. Và lấp đầy bằng cách nào?

- Để tránh được việc làm những "con vẹt" thì điều đầu tiên là phải hiểu được mình đang nói gì, rồi bước tiếp theo là sẽ sử dụng những kiến thức và trải nghiệm từ cuộc sống của chính mình để thể hiện kịch bản một cách hiệu quả nhất. Để lấp đầy cho sự "trống rỗng", chẳng có cách nào khác là phải "học, học nữa, học mãi".

- Anh có thích đọc sách không? Cuốn sách nào ảnh hưởng đến anh nhiều nhất? Vì sao?

- Tôi rất thích đọc sách. Khi đọc sách, trí tưởng tượng của tôi được sử dụng tối đa. Chẳng hạn như đọc một cuốn tiểu thuyết rất khác với việc xem một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết đó. Mọi chi tiết trong truyện đều được mô tả rất kỹ, và mỗi người đọc lại có một sự mường tượng khác nhau với cùng một chất liệu văn học. Đó là điều kỳ diệu của những cuốn sách.

Thêm vào đó, mỗi con người chúng ta chỉ sống một cuộc sống, trong một môi trường nhất định. Nhưng nếu đọc sách nhiều, ta có cơ hội được trải nghiệm cuộc đời của những con nguời khác, ở một nơi khác. Đó sẽ là một trải nghiệm rất thú vị, giúp mình có thêm sự hiểu biết, kinh nghiệm và sự cảm thông hơn với con người.

Cuốn sách ảnh hưởng tới tôi nhất là "Bố già" của nhà văn Mario Puzo. Tôi đã học được rất nhiều điều về việc đối nhân xử thế, sự quan trọng của việc giữ chữ "tín" không chỉ trong công việc, mà cả với những người thân, bạn bè. "Bố già" thật sự là một tác phẩm văn học vĩ đại.

- Hẳn là anh mê thể thao? Anh chơi môn nào tốt nhất? Anh có triết lý gì về những môn thể thao mình yêu thích?

- Tôi thích chơi bóng rổ nhất, và chắc là chơi bóng rổ khá nhất trong các môn. Tôi từng có ước mơ trở thành tuyển thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Còn bây giờ ước mơ đó trở thành quyết tâm phải đến Mỹ để xem một trận bóng rổ NBA trực tiếp. Triết lý trong bóng rổ mà tôi rất thích đó là: Tấn công giúp bạn thắng một trận đấu, còn phòng thủ giúp bạn giành được chức vô địch.

- Anh thích xem phim gì? Bộ phim mới nhất anh xem (và nhớ được)? Có gì hay từ nó không?

- Tôi thích xem những bộ phim có chiều sâu nội dung, thậm chí là hơi "dị" một chút, có thể đọng lại gì đó khiến tôi phải suy nghĩ, nhâm nhi dư vị của nó. Bộ phim gần đây nhất mà tôi xem và nhớ được thực ra lại là một phim không hề mới. Đó là bộ phim "I am Sam". Bộ phim kể về 2 cha con, người cha bị thiểu năng trí tuệ và phải chiến đấu với các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em để chứng minh khả năng nuôi đứa con mới 7 tuổi của mình. Tôi luôn cảm thấy xúc động với những bộ phim có chủ đề tình cha con.

Tình mẫu tử rất thiêng liêng, còn tình phụ tử thì lại rất sâu sắc. Bộ phim còn được xây dựng trên nền tảng âm nhạc của The Beatles với những bản cover tuyệt vời và những ca từ vô cùng thấm thía. Tôi tin là ai xem bộ phim này cũng đều phải ít nhiều rơi lệ vì cảm động.

- Anh có bạn gái chưa? Nếu có bạn trai tỏ tình, anh sẽ ứng xử thế nào? Anh nghĩ thế nào về hôn nhân đồng tính?

- Chuyện tình cảm cá nhân tôi sẽ giữ riêng cho mình thôi. Nếu có một người con trai tỏ tình, tôi sẽ đối xử với họ cũng như trong trường hợp có một cô gái tỏ tình với tôi mà tôi không có tình cảm với người đó, đó là từ chối một cách tế nhị, khéo léo, cố hết sức không làm tổn thương người đó. Về hôn nhân đồng tính: Tôi đồng ý!

Dương Thái Sơn (thực hiện)
.
.
.