Đạo diễn, NSƯT Trần Lực:

Không phải khán giả chán sân khấu đâu!

Thứ Ba, 07/02/2017, 18:33
Trình diện lần đầu tiên trong địa hạt sân khấu với tác phẩm "Quẫn", đạo diễn, NSƯT Trần Lực đã gây ngạc nhiên cho nhiều người bởi khả năng phục dựng, dẫn dắt kịch bản của mình. Trong cuộc trò chuyện đầu năm mới, vị đạo diễn này nói rằng, khán giả không bao giờ quay lưng lại với sân khấu. Chỉ có điều, sân khấu chưa tạo ra những cơn "dư chấn" hấp dẫn khán giả mà thôi.


- Anh học sân khấu ra, sau đó anh bén duyên với điện ảnh, rồi bây giờ, ở tuổi không còn trẻ nữa, anh quay về với sân khấu. Anh có thấy mình đi một con đường khá lòng vòng không?

+ Thực ra tôi không có định trước một thứ gì cả. Những điều gì tự nhiên nó đến thì nó đến thôi. Số phận đến thì mình theo thôi. Tôi không có định làm điện ảnh trước hay sân khấu sau. Từ trước đến nay, vẫn cứ đam mê sân khấu. Nhưng cuộc sống nó là như vậy. Tôi dính vào điện ảnh và cứ thế, cứ thế cuốn theo cho đến khi có cơ hội làm một vở sân khấu thì tôi làm thôi.

- Điện ảnh và sân khấu có mối quan hệ khá khăng khít. Cũng có không ít nghệ sỹ đã từ địa hạt này di chân sang địa hạt kia một cách thành công. Sao anh không thử mà phải chờ duyên tới? Tôi nghĩ, với một người nổi tiếng như anh, việc đó không khó…

Trần Lực là một trong những diễn viên xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam.

+ Đúng là điện ảnh và sân khấu có mối quan hệ khăng khít. Chúng cũng có những điểm chung nhưng mỗi một loại hình có một ngôn ngữ khác. Giữa hai lĩnh vực đó, ta có thể chuyển thể nếu chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu. Nhưng nếu bê nguyên sân khấu sang điện ảnh thì chết, và ngược lại. Còn việc chờ "duyên" tới, thực ra tôi cũng chả chờ đâu. Tự nó đến thôi. Cuộc sống mà, nó kéo mình đi thì mình đi thôi.

Gốc của tôi là sân khấu, gia đình, bố mẹ, đều dính tới sân khấu. Sân khấu ngấm vào máu rồi. Hồi làm phim cũng vậy thôi. Vẫn đam mê sân khấu. Vẫn ước mơ một lúc nào đó được làm sân khấu. Không phải Trần Lực làm diễn viên thành công rồi thì sẽ dẹp sân khấu đi đâu. 

- Cuối năm vừa qua, anh trình làng "Quẫn" - tác phẩm sân khấu đầu tay của mình và đã rinh về giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan sân khấu Thủ đô. Tác phẩm cũng giành được thứ hạng cao tại Liên hoan này. Lần đầu tiên xuất hiện ở địa hạt sân khấu như thế là quá hoành tráng và ấn tượng còn gì nữa, thưa anh?

+ May mắn là duyên đến muộn nhưng vở diễn lại được công nhận, ghi nhận bởi đồng nghiệp và khán giả. Đây là vở đầu tiên. Các bạn diễn viên của tôi - cũng là những sinh viên của tôi - lần đầu tiên được lên một sân khấu lớn. Tất cả đều là lần đầu tiên nên hết sức đặc biệt. Hiện thầy trò chúng tôi đang lên kế hoạch để giới thiệu "Quẫn" đến được nhiều tầng lớp khán giả hơn.

- Theo tôi được biết, "Quẫn" là một trong những tác phẩm hài kịch nổi tiếng của tác giả Lộng Chương. Trần Lực đến với sân khấu muộn màng, lại là thế hệ hậu sinh, anh không sợ cái bóng của tác giả Lộng Chương quá lớn ư? 

+ Thực ra đây là một bài tập tốt nghiệp tôi ra cho các bạn sinh viên năm thứ 4. Lúc đầu cũng chẳng nghĩ tới chuyện thi thố làm gì. Tôi chỉ muốn các em có thể tiếp cận được với những nét mới của sân khấu.

Còn về việc xử lý kịch bản, với "Quẫn", một tác phẩm được viết từ những năm 1959 -1960, thầy trò chúng tôi nhìn bằng con mắt mang tính thời đại bây giờ, bằng quan điểm của những con người thời đại này nhìn về thời đấy. Còn phong cách, tôi muốn hướng theo phương pháp ước lệ.

Tôi thấy rằng, sân khấu làm theo hướng này ở nước ta không nhiều, nếu không muốn nói rằng đếm trên đầu ngón tay thôi. Ước lệ: Ước lệ về không gian, thời gian, động tác của diễn viên… Hướng này yêu cầu diễn viên thể hiện có kĩ thuật biểu diễn phải tốt. Ngoài việc nắm bắt tâm lí nhân vật, nội tâm nhân vật, diễn viên còn phải có kĩ thuật thể hiện suy nghĩ, tâm trạng nhân vật ra bên ngoài. Nên đòi hỏi diễn viên phải giỏi.

Tôi luôn muốn các em sinh viên của mình được trang bị những kiến thức về nghề để có thể "chiến đấu" ở ngoài. Tôi dựng "Quẫn" mong các bạn có được trải nghiệm để lớn lên. Mục đích đầu tiên là thế, chứ không phải là đi dự liên hoan đâu. Nhưng thành công đến rất bất ngờ.

Hai diễn viên Trần Lực và Trọng Trinh trong một bộ phim.

- Dựng lại một tác phẩm đã từng "làm mưa làm gió" trong quá khứ, đi theo một phong cách mới, lại do những nghệ sỹ mới toanh (các bạn sinh viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh), anh có tự tin quá không?

+ Tôi dạy các bạn 4 năm, tôi dựng vở đó theo phong cách này và tôi biết rằng, các bạn làm được. Thầy trò cùng với nhau đầu năm thứ 4 đã lao vào vở kịch này rồi. Tôi luôn có một niềm tin dành cho học trò mình. Không có gì lo lắng cả. Và các bạn làm được thật. Thậm chí làm xuất sắc.

Các bạn ấy trẻ, tràn đầy nhiệt huyết. Khi các bạn ra sân khấu, sân khấu cứ tưng bừng và hút khán giả. Đó là ưu điểm của các bạn nghệ sỹ trẻ. Lúc nào cũng hừng hực. Phải luôn luôn nuôi cảm xúc, phải nuôi ngọn lửa ở bên trong mình, điều đó rất cần cho một nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ biểu diễn. Các bạn sinh viên đang tràn đầy sự hào hứng đó, sáng tạo đó. Cho nên tôi rất tự tin.

Chúng tôi xuất hiện không phải với một tinh thần thi thố nhưng không ngờ, nó thành công. Thành công đó nằm ngoài sự mong chờ của thầy trò chúng tôi. Trước đó, thú thực, tôi không nghĩ dân trong nghề và khán giả lại đón nhận phong cách dựng của tôi, tác phẩm của mình làm cho mọi người thấy thích thú. Bởi lẽ, ở nước ta, mọi người vốn đã quen với loại kịch tâm lý, hiện thực tâm lý, ở đó các số phận, cách dàn dựng,.. đều mang tính hiện thực. Thông qua tác phẩm này, không chỉ các bạn sinh viên được trải nghiệm, tôi cũng được trải nghiệm…

- Gừng càng già càng cay, có lẽ đúng với anh?

+ Có lẽ đúng đấy. Thời gian mấy chục năm lăn lộn làm phim, tôi cũng trải nghiệm được nhiều. Mặc dù học đạo diễn sân khấu, nhưng đi làm phim, từ những trải nghiệm đó mới ra phong cách sân khấu của tôi bây giờ. Làm phim thì mang tính hiện thực nhiều.

Điện ảnh cũng ước lệ nhưng là thứ ước lệ hiện thực, hiện thực tâm lý. Bây giờ làm sân khấu, đi theo hướng ước lệ này, tôi cảm giác mình được thoát ra. Mặc dù theo phương pháp ước lệ nên tự nhiên như không. Các diễn viên của tôi cũng diễn như không (mặc dù tập luyện cực lắm).

- Trần Lực là một diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam. Việc "phơi mặt" trên ti vi khác với cảm giác của một người lui về phía hậu trường như thế nào thưa anh?

+ Cũng chẳng có gì khác cả. Bởi khi là diễn viên, mình cũng phải sáng tạo nên nhân vật của mình, cũng làm nghệ thuật. Làm đạo diễn cũng vậy. Dù mình không còn "phơi mặt" lên trên đó nữa nhưng tác phẩm của mình, bộ phim của mình, vở kịch của mình được công chúng đón nhận, cảm giác cũng hạnh phúc, cũng hồi hộp như khi mình đóng phim.

- Anh đã dựng hãng phim tư nhân Đông A. Bao giờ thì anh mới mở một sân khấu tư nhân vậy? Nếu tôi nhớ không nhầm, trong một bài trả lời phỏng vấn, anh chia sẻ rằng, đấy là ấp ủ, ước mơ của anh…

+ Tôi là người mê sân khấu. Cả nhà làm sân khấu nên sân khấu ngấm trong máu mình từ nhỏ. Điện ảnh có cái hay của nó. Sân khấu cũng có cái hấp dẫn riêng của nó. Năm nay, có thể sẽ mở sân khấu tư nhân. Tôi nghĩ nó cũng như phim thôi. Mình phải làm tốt cái đã. Rồi lúc đó mới có khán giả.

- Nhưng có một thực trạng thế này, nhiều rạp hát ở ta, nhất là Hà Nội, vắng khán giả, rơi vào chết yểu, nghệ sỹ phải chạy sô kiếm ăn khắp nơi... 

+  Sân khấu, điện ảnh hay nghệ thuật nói chung chẳng bao giờ chết được. Quan trọng, những người làm nghề làm gì, họ có sản phẩm ra sao? Đặc biệt là sân khấu, một loại hình nghệ thuật "sang chảnh" và hấp dẫn.

Bạn vừa nói đến ý đó là khán giả bây giờ quay lưng lại với sân khấu. Không phải khán giả chán sân khấu đâu. Sân khấu ở ta hiện nay theo cảm quan và góc nhìn của tôi, làm giống nhau, cũ quá. Mỗi nhà hát không có nét riêng của mình.

Phong cách dàn dựng, diễn xuất của nhà hát này "na ná" nhà hát kia, và ngược lại. Điều đó tạo nên sự nhàm chán. Tôi nghĩ, khán giả không đến rạp là bởi vì sân khấu chưa có gì mới, hấp dẫn.

- Xin cảm ơn đạo diễn Trần Lực.

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.