Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân:

Kiếp hồng nhan mang tên “thất vọng”

Thứ Ba, 24/09/2013, 10:08

Thời vàng son, bà cùng lứa với Thanh Nga và những anh tài cải lương tạo nên những hình tượng lộng lẫy. Nhưng, đời cô đào hát, bước qua thời xuân sắc, chỉ còn lại quá khứ. Ở tuổi 61, hai chị em Trang Thanh Xuân đang sống cuộc đời buồn vượt ngoài mọi tưởng tượng. Đời đưa đẩy đã khiến chị em bà rơi vào túng quẫn, sống trong những khu phòng trọ tồi tàn nhất Sài Gòn suốt gần 40 năm. Tuổi già, sức yếu, bệnh tật triền miên, chị em bà lội bộ đi bán vé số kiếm rau cháo qua ngày…

Người về cởi áo lau son phấn... ra chợ bán vé số

Bà nói qua điện thoại, cứ tới trước chợ Rạch Ông (quận 8) là thấy chị em tôi thôi. Nếu không thấy, cứ hỏi hai bà già bán vé số, dân chợ sẽ chỉ cho. Đừng có nói nghệ sỹ Trang Thanh Xuân, chẳng ai còn nhớ đâu! Bà nói thản nhiên, nhưng nghe sao quá ngậm ngùi.

Bà ngồi quán ven đường uống nước với tôi. Dáng ngồi mỏi mệt. Quả thật, bộ dạng của bà với gương mặt thiểu não, trên trán dán mấy miếng salopas, thật khó để nhận ra cô đào Trang Thanh Xuân nổi tiếng thập niên 70, cùng thời với Thanh Nga, Minh Vương, Lệ Thủy… đã từng khiến giới mộ điệu cải lương “say như điếu đổ”.

Bà bảo mấy hôm nay đi bán vé số ngày nào cũng phải dầm mưa nên trong người vốn đã mang nhiều bệnh lại càng thấy mệt hơn. Vân vê mấy tờ vé số chưa bán hết, bà chép miệng: “Mưa gió chán lắm, mỗi ngày hai chị em giỏi lắm  cũng chỉ bán được vài chục tờ, lời lãi chẳng bao nhiêu”. Nhưng bà vẫn phải bám vào đó, như một nghề mưu sinh, vì ngoài nghề hát ra bà chẳng biết làm gì nữa cả. “Đời chị em tôi chẳng có gì để nói ngoài hai chữ “thất vọng”.

Thất vọng vì mọi thứ - gia đình, nhà cửa, tiền tài, sức khỏe đều không có. Bao năm qua, từ khi bỏ nghề hát, chị em tôi sống lặng lẽ, chán nản vì luôn đau yếu bệnh tật, nghèo túng. Không trách ai, cũng chẳng trách số phận, chỉ là cái số kiếp nó thế, nên giờ đi bán vé số kiếm bạc cắc mà ăn”, người nghệ sĩ một thời vang bóng thở dài khi vừa nói hết câu.

Bà tên thật là Lê Thị Thanh Xuân, người gốc Sài Gòn. Khi xưa, 5 anh em bà sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ ở quận 3. Đến khi các con lớn lên, người anh thứ hai cưới vợ thì ba mẹ bà đành phải bán nhà đi để trang trải, chia đều cho các con làm vốn.

Cả gia đình bà, đến nay dường như đều không may mắn lắm. Chị gái lớn nay cũng hơn 70 đang đi phụ giúp việc nhà cho người ta vì chẳng còn nơi nào để về. Người anh thứ hai mất đã lâu lắm rồi. Hai chị em bà cũng đang đi lang thang kiếm sống nay đây mai đó. Còn người em trai út vẻ như may mắn nhất, có gia đình đàng hoàng, nhưng cũng không đủ khấm khá để lo cho ba người chị vất vả của mình. Một mái nhà Sài Gòn đến nay chỉ còn là ký ức…

 Cha mẹ bà vốn là những nghệ cải lương. Cha bà, ông Chín Thêm, cùng từng nức tiếng một thời, cùng lứa với với các nghệ sĩ tài danh Út Trà Ôn, Kim Chưởng. Học đến hết cấp 2 (năm 1968), bà giấu cha mẹ tự ý bỏ học đi theo nghiệp cầm ca, bắt đầu với lớp dạy cổ nhạc của danh cầm Văn Vĩ.

Ở tuổi 15, bà đã bộc lộ rõ năng khiếu của một nghệ sỹ. Và đến năm 17 tuổi, bà đã vào vai đào chính. Khi thấy con đam mê cải lương, cha bà vốn đã quá lận đận trong nghề nên không muốn con gái sẽ khổ. Nhưng rồi thấy ý con đã quyết và sự đam mê quá lớn, nên ông đành chiều ý con gái. Và đến giờ, bà vẫn nhận ra, lời khuyên của ba khi ấy không bao giờ là thừa.

Trang Thanh Xuân nhanh chóng được giới mộ điệu khen ngợi bởi làn hơi cao vút, ngọt ngào, lối diễn xuất chững chạc và cả một vóc dáng sáng đẹp sân khấu. Bà được nhiều người biết đến với những vai đào võ, đào thương, đào lẳng trong những tuồng xã hội khi lần lượt đầu quân trên sân khấu của nhiều đoàn cải lương lớn như Hoa Thế Hệ, Nam Phương, Thành Được - Phượng Liên, Hương Dạ Thảo - Phương Bình, Thái Dương, Tầm Nguyên, Khải Hoàn, Hòa ca Quốc nhạc… Sau giải phóng, bà tiếp tục hát cho nhiều đoàn cải lương như Huỳnh Long, Minh Tơ, Phước Chung…

Ở thời điểm ấy, dù chỉ là một nghệ sĩ mới nổi nhưng bà có lợi thế sức trẻ và sự tiến bộ từng ngày, vì thế khi đi lưu diễn ở nhiều nơi, bà đã được giới báo chí và khán giả mộ điệu nhận xét một cách “tổng quan” rằng bà “có sắc vóc giống Ngọc Hương (nghệ sĩ tài sắc được trao HCV giải Thanh Tâm năm 1962), diễn xuất tương tự Thanh Nguyệt (HCV giải Thanh Tâm năm 1965) và ca ngâm phảng phất Lệ Thủy”. Và cũng chính vì hơi ca giống như của nghệ sĩ Lệ Thủy đang nổi đình nổi đám lúc đó nên khán giả Hậu Giang - miền Tây còn đặt nghệ danh Xuân Lệ Thủy cho bà…

Chị em nghệ sĩ Trang Thanh Xuân hiện nay.

Còn nhớ, trước giải phóng, giới báo chí đã có một cuộc bình chọn bốn nữ nghệ sĩ cải lương được khán thính giả yêu thích nhất. Và Trang Thanh Xuân cùng được lọt vào danh sách này cùng với 3 tên tuổi lớn là Thanh Nga, Tô Kim Hồng và Thanh Kim Huệ.

“Hồi đó tôi đi hát nhiều và thu nhập cũng rất khá nên đã mua được nhà nhưng năm 1983, do mê lập đoàn hát riêng tôi và em gái Thanh Đào (đến nay đã 57 tuổi)  đã bán nhà và đầu tư vào đoàn hát. Thật không may, một năm sau đó thì đoàn hát tan rã. Họa vô đơn chí, tôi phát hiện mình bị bệnh tim khá nặng, không thể làm được việc gì nặng nhọc nữa. Tôi trở thành người trắng tay và bỏ nghề hát từ đó tới giờ”, bà lắc đầu chua chát.

Cảm thương thay, một kiếp tằm!

Ngồi nói chuyện một hồi đã quá giờ trưa, bà bảo để đi ra kêu em gái về nhà nấu cơm ăn chứ ăn ngoài mắc tiền, và còn giới thiệu chỗ ở của chị em bà (gần chợ Rạch Ông, quận 8) cho biết. Phòng trọ của chị em Trang Thanh Xuân trong một dãy tối, lối đi quá hẹp, nên em gái bà phải ở ngoài đường trông xe cho khách, còn bà đưa tôi vào nhà.

Căn phòng trọ dột nát khoảng 6m2 vương đầy mùi ẩm mốc; chiếc tivi cũ kỹ là vật dụng có giá trị nhất của chị em bà. Chiếc giường một kê vừa đủ trong phòng, là nơi hai chị em vừa sinh hoạt vừa ngủ, trên trần là những tấm nylon được giăng ra để che nước dột vì mưa. Bà bảo, cái ăn cái ở khổ cũng ráng được. Mà kẹt nỗi, hai chị em càng ngày càng nhiều bệnh già, đau tim, thiếu máu não, đau khớp, cao huyết áp, chẳng biết thế nào, sống nay chết mai…

Căn phòng trọ dột nát.

Bà chậm chạp mở chiếc tủ nhỏ lấy ra quyển album, thứ kỷ vật cuộc đời nghệ sỹ duy nhất bà còn lưu giữ được. Vừa lần giở từng trang cho tôi xem, bà vừa từ tốn chỉ dẫn và giới thiệu từng hình ảnh, bài báo đã ngả màu viết về bà, về những vai diễn đình đám…

Đa số những bài viết bà lưu giữ được đều hết lời ca ngợi tài năng và sắc vóc của bà, chẳng hạn như “Em Lê Thanh Xuân - ánh sáng mới trong vòm trời ca kịch”, “Đào trẻ Trang Thanh Xuân được nhiều đoàn hát chú ý”, “Trang Thanh Xuân - Đào trẻ nhiều danh vọng”, “Trang Thanh Xuân, một Lệ Thủy mới tấn lên”, “Trang Thanh Xuân sắp sửa thành minh tinh”…

Lật giở những trang ký ức, bà như vui hơn vì sự huy hoàng xuân sắc, nhưng thoắt cái bà lại buồn rầu: “Bây giờ tất cả quá khứ của tôi chỉ còn lại bấy nhiêu đó thôi, chỉ là những mảnh báo ố vàng, cũ kỹ, chẳng có giá trị với ai. Tôi lưu lại để thỉnh thoảng cho ai đó xem để hiểu thêm, chứ cũng chẳng thể giúp gì cho cuộc sống hiện giờ”.

Thời trẻ, bà cũng từng lấy chồng, khi 28 tuổi, và có một đứa con trai. Ba năm sau, bà chia tay vì không hợp nhau. Bà không muốn nhắc đến đứa con trai duy nhất của mình. Lúc ấy trông bà rất buồn, nỗi khổ tâm khiến bà day dứt đến nghẹn lại. Bà nói, xin cho tôi không nói về điều này. Tôi sợ tim mình nổi cơn đau khi nhắc tới. Tôi sợ mình sẽ chết…

Đúng ra, bà có đủ tiêu chuẩn để được vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8) nhưng bà không nỡ rời xa em gái,cũng đi hát cải lương mấy năm trời nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để được vào viện. Hỏi về ước mơ lúc này, bà cười chua chát: “Ước gì tôi có một căn nhà nhỏ vì mấy chục năm qua ở nhà trọ quá khổ sở rồi. Nhưng đó chỉ là ước mơ cho có với người ta, chứ tôi biết điều đó chẳng bao giờ tới. Thôi thì đến đâu hay đến đó, ngay cả chuyện một ngày nào đó nằm xuống cũng không biết ai sẽ lo cho mình chiếc áo quan. Hiện tại của tôi quá thê thảm. Có lẽ kiếp trước tôi ăn ở không phải nên nghiệp quá nặng và kiếp này phải trả giá cho mọi chuyện chăng?! Hồi trẻ làm mọi việc vì đam mê nên chẳng bao giờ nghĩ đến hậu vận của mình lại ra nông nỗi vậy”.

Bà nói với đôi mắt khô cạn, vẻ như nước mắt không còn để khóc. Nhưng nghe sao đầy nỗi xót xa và cảm thương cho thân phận người nghệ sĩ một thời vàng son và đa đoan với nghiệp dĩ. Một kiếp tằm đầy bi ai!

Chị em Trang Thanh Xuân hiện đang phải mang món nợ hơn 20 triệu đồng - số tiền vay mượn để chạy chữa cho em gái bà bị bệnh nặng thời gian trước. “Không biết tới khi tôi chết có kiếm đủ tiền để trả cho chủ nợ hay không”, bà nói.

Hiện nay hàng tháng, bà được Ban Ái hữu nghệ sĩ (Hội sân khấu TP. Hồ Chí Minh) trợ cấp 10kg gạo và 150 ngàn đồng.

Phú Lữ
.
.
.