Kong Xuanyou - Tân Ðặc sứ CHDCND Triều Tiên của Trung Quốc

Thứ Ba, 29/08/2017, 08:00
Khi các nhà lãnh đạo ở Washington và Bình Nhưỡng còn mải mê khẩu chiến liên quan đến tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Bắc Kinh đã lặng lẽ thay đổi người đàn ông được giao nhiệm vụ xoa dịu cuộc khủng hoảng, đó là ông Kong Xuanyou.


Nhiệm vụ khó thực thi

Wu Dawei, 71 tuổi, nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán 6 bên, đã nghỉ hưu sau hơn 13 năm giám sát các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Theo các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh, ông Wu Dawei đã được thay thế bởi Kong Xuanyou, hiện là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc phụ trách các vấn đề châu Á.

Theo tờ SCMP của Hồng Kông, ông Kong đã tham gia rất nhiều vào các nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm leo thang căng thẳng về Triều Tiên kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Trợ lý Ngoại trưởng 2 năm trước. Giờ đây, ông Kong phải gánh một nhiệm vụ được coi là bất khả thi: phục hồi các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa. Các bên tham gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản. Ông Kong đảm nhiệm vai trò này vào thời điểm mà các cuộc đàm phán đã sụp đổ.

Kerry Brown, cựu ngoại giao Anh, nói: "Đó là một công việc không được cảm ơn, với những thách thức gần như không thể vượt qua vào thời điểm này, nơi mà không ai có thể nói chuyện về cùng một vấn đề, và những rủi ro thất bại thực sự là rất cao”.

Các chuyên gia tin rằng tình trạng “bên miệng hố chiến tranh hạt nhân” của Triều Tiên không chỉ làm nước này nâng cao năng lực vũ khí mà nó còn khiến các cường quốc lớn - đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ - chống lại nhau.

Mặc dù Bắc Kinh đã có các nỗ lực không ngừng nghỉ để khởi động lại các cuộc đàm phán, nhưng ít có dấu hiệu cho thấy họ sẽ sớm thành công. Được khởi động bởi Bắc Kinh vào năm 2003 và bị đình chỉ từ năm 2008, sau khi Triều Tiên tẩy chay cuộc đối thoại tiếp theo, cả Bình Nhưỡng lẫn Washington đều không tỏ ra sẵn sàng trở lại bàn đàm phán 6 bên.

Người gốc Hàn

So với Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi (Vương Nghị), người từng là nhà đàm phán chính đầu tiên cho cuộc đàm phán 6 bên, hay Wu, cựu Đại sứ Nhật Bản và Hàn Quốc, Kong Xuanyou hầu như không được biết đến nhiều. Ông là người gốc Hàn sinh ra ở Hắc Long Giang và có thể nói tiếng Nhật lưu loát, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải sau Cách mạng Văn hóa.

 Kong đã kinh qua nhiều công việc ở Bộ Ngoại giao, chủ yếu là giải quyết các vấn đề của Nhật Bản và giữ các vị trí tại các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở Nhật Bản hơn một thập niên kể từ giữa những năm 1980.

Kong làm Công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản từ năm 2006 đến 2011, phục vụ như cấp phó cao nhất của 3 phái viên Trung Quốc đến Tokyo, bao gồm: Wang Yi, đương nhiệm Đại sứ Washington Cui Tiankai và Cheng Yonghua. Sau đó, ông trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và là người đứng đầu bộ phận các vấn đề châu Á vào năm 2014.

Theo các nhà quan sát, Kong được cho là thông thạo tiếng Hàn mặc dù chưa bao giờ nói ngôn ngữ này ở các hội nghị chính thức. Seong-Hyon Lee, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong, cho biết mặc dù là người gốc Hàn nhưng Kong dường như không có liên hệ gì với cộng đồng Hàn Quốc. "Giờ đây, công việc mới đòi hỏi ông ấy phải có nhiều liên lạc với người Hàn Quốc", Lee nói.

Theo giới truyền thông Hàn Quốc, đây sẽ là lần đầu tiên các đặc sứ hàng đầu về vấn đề Triều Tiên từ Bắc Kinh và Washington có thể nói chuyện bằng tiếng Hàn. Trước đó, vào tháng 10-2016, Joseph Yun, một nhà kinh tế học sinh ra ở Seoul, được bổ nhiệm Đại sứ mới của Washington về chính sách Triều Tiên.

Dưới cái nhìn của các nhà quan sát thì Kong Xuanyou sẽ phải đối mặt với một bán đảo Triều Tiên nhiều thử thách và bất ổn hơn người tiền nhiệm Wu của ông. Bởi chỉ từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã 5 lần thử hạt nhân và 14 lần thử tên lửa, bao gồm 2 lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng 7.

Cần rất nhiều may mắn

Giáo sư Brown của Trường King's College ở London, nói công việc của ông Kong sẽ chủ yếu liên quan đến việc đối phó với một nhóm đối tác có sự ngờ vực lâu dài với nhau. "Không ai trên trái đất có thể có đủ kỹ năng ngoại giao để làm điều đó. Kong cần được cầu chúc may mắn - ông ấy sẽ thực sự cần nó", Brown nói. "Và không rõ liệu ông có biết điều quan trọng nhất cho vị trí của mình: trực tiếp tiếp cận với Bộ Chính trị và Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều đó mang tính quyết định, bởi vì đó là nơi mà các quyết định sẽ được đưa ra".

Sun Xingjie, một chuyên gia về vấn đề Hàn Quốc từ Đại học Cát Lâm, cũng cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã trở thành một trong những hóc búa ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, và có thể Trung Quốc cần phải sửa đổi lại chính sách của mình về vấn đề khôi phục đàm phán 6 bên.

Vì thế, “Các kỹ năng ngoại giao và kinh nghiệm đã và đang được tính tới, nhưng không quan trọng ai sẽ làm công việc này, vì đơn giản là nó sẽ không tạo ra nhiều khác biệt", ông Sun  Xingjie nói. "Không ai, bao gồm cả Henry Kissinger của Mỹ, có thể đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nếu mục đích của các cuộc đàm phán là phi hạt nhân hóa".

"Không ai trên trái đất có thể có đủ kỹ năng ngoại giao để làm điều đó. Kong cần được cầu chúc may mắn - ông ấy sẽ thực sự cần nó". - Giáo sư Brown của Trường King's College ở London
Ước Lễ
.
.
.