Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát:

'Làm kịch cho thiếu nhi lắm gian truân!'

Thứ Hai, 06/07/2015, 10:00
Vất vả cạnh tranh với những loại hình giải trí khác, thù lao không cao, thị hiếu khán giả khó nắm bắt, thiếu diễn viên, trang thiết bị hiện đại…là những khó khăn, thách thức với nhiều nghệ sĩ tâm huyết với thiếu nhi.

- Vào hè, nhu cầu giải trí của thiếu nhi lên cao. Năm nay anh đã và sẽ có những sản phẩm nào đáp ứng thị hiếu của khán giả nhí?

Trước khi vào hè, tôi cùng ê kíp của sân khấu Hoàng Thái Thanh tích cực tập luyện để cho ra mắt vở "Lọ Lem và hoàng tử".Đây là vở diễn phổ theo chuyện cổ tích "Cô bé lọ lem". Tuy nhiên, chúng tôi không giữ nguyên cốt truyện mà phóng tác nhiều tình huống cũng như tạo hình nhân vật cho phù hợp với cả khán giả nhỏ tuổi và phụ huynh đi kèm.Nguyên khâu phục trang, cảnh trí đã rất sặc sỡ, bắt mắt và cầu kỳ. Sau khi kịch công diễn dịp 1/6, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ báo chí và các bậc phụ huynh. Cho đến nay, vở diễn này vẫn bán được vé và đều đặn sang đèn mỗi tuần.

Bên cạnh đó, tôi vẫn tham gia dàn dựng nhiều kịch truyền hình và các chương trình văn nghệ khác cho thiếu nhi trên đài HTV.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát vào vai chú mèo trong kịch “Lọ Lem và Hoàng tử”.

- Anh nói sao về mức độ đáp ứng của các sản phẩm này đối với nhu cầu của thiếu nhi hiện nay?

Tôi chỉ nói riêng trên địa bàn TP HCM. Hiện thành phố có hơn 10 sân khấu kịch, chưa kể hang loạt mô hình kịch cà phê khác. Nhưng trong số đó chỉ có vài sân khấu tâm huyết với thiếu nhi, dù mỗi năm, họ chỉ làm kịch cho đối tượng này vào dịp hè hoặc Tết trung thu. Cứ nhìn vào mức độ ăn khách của chương trình Thế giới tuổi thơ bên Idecaf đủ biết nhu cầu xem kịch của thiếu nhi cao đến đâu. Tuy nhiên, khán giả nhí chưa thực sự thỏa mãn với số lượng ít ỏi các vở kịch được công chiếu theo thời vụ.

Nếu như hè năm 2013, sân khấu kịch Lê Hay ồ ạt tung đến 8 vở diễn, gồm: “Cô bé thần kỳ”, “Hỏa xà tinh”, “Quái vật rừng xanh”, Siêu quậy tí hon, Sự mất tích bí ẩn, “Khu rừng phép thuật”, Út Bự và bầy hổ, “Ngưu vương náo nhân gian”.  Sân khấu Idecaf diễn “Hoàng tử xấu xí và cô gái tóc vàng”. Những năm sau đó số vở diễn cứ thưa dần. Số vở kịch trong năm 2014 giảm xuống còn 5.

Hè năm nay, con số này tiếp tục giảm xuống còn 4 vở. Hoàng Thái Thanh khởi động đầu tiên với vở “Lọ Lem và hoàng tư”ã. Tiếp đến là Nữ thần mặt trăng của sân khấu Sao Minh Béo và “Tên trộm thành Bát Đa” của sân khấu Thế Giới Trẻ. “Nàng công chúa đi lạc” của Idecaf. Trong đó, chỉ ba vở được dựng mới, còn sân khấu Thế Giới Trẻ dùng lại vở của năm trước. Lịch diễn của sân khấu Lê Hay - đơn vị làm nhiều kịch thiếu nhi, năm nay không thấy giới thiệu vở mới.

Một cảnh trong kịch “Lọ Lem và Hoàng tử” do Huỳnh Tấn Phát làm đạo diễn.

- Hàng loạt tụ điểm kịch cà phê tại TP HCM chưa có tín hiệu cho thấy họ sẽ có sản phẩm dành cho thiếu nhi từ nay đến Tết trung thu?

Đó là số lượng, về mặt chất lượng, trong bốn vở kịch cho thiếu nhi năm nay, tôi nghe báo chí phản ánh có một vở mang hơi hướng kinh dị, tạo hình, ngôn ngữ và một số hành động của nhân vật được cho là gây hiệu ứng không tốt về mặt thị giác đối với khán giả nhí.

- Theo anh, khó khăn của người làm kịch cho thiếu nhi hiện nay là gì?

Khó khăn chồng chất khó khăn. Khó nhất vẫn là khâu kịch bản. Viết kịch bản cho thiếu nhi rất cực. Làm sao để thông qua nhân vật, người làm kịch có thể chuyển tải đến các em những thông điệp cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhất mà không giáo điều hay khô cứng.

Hiện tại, kịch nói riêng và kịch cho thiếu nhi nói chung bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình giải trí khác và kho tàng khổng lồ thông tin trên mạng.  Đó là lý do vì sao các sân khấu làm kịch theo thời vụ. Các ngày trong năm, khán giả nhí hầu như phải học, không có thời gian đến rạp thưởng lãm. Ngay cả khi vào hè, các em được nghỉ ngơi thì doanh thu từ kịch thiếu nhi cũng không thể cao hơn kịch làm cho các đối tượng khác bởi các em là những khán giả không chủ động về nhu cầu thưởng thức cũng như kinh phí bỏ ra cho nhu cầu đó.

Lâu nay, trong ngành ai cũng biết, làm kịch cho thiếu nhi lỗ nhiều hơn lãi, cùng lắm hòa vốn là may. Kinh phí đầu tư một vở kịch thiếu nhi bao giờ cũng gấp đôi, gấp ba so với kịch người lớn. Tốn kém nhất vẫn là khâu phục trang và cảnh trí, âm nhạc, những thứ mang đến sự bắt mắt, hấp dẫn, tạo ấn tượng ban đầu cho một vở kịch.Tuy nhiên, ngoài sân khấu Idecaf được coi là có lãi, các sân khấu còn lại gần như chịu hòa vốn hoặc lỗ do nhu cầu của khán giả nhí rất khó nắm bắt. Đó là lý do chính khiến số lượng vở diễn phục vụ thiếu nhi cứ thưa dần qua các năm.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát thị phạm diễn viên trong một chương trình truyền hình.

- Hiện nay kịch thiếu nhi toàn thấy diễn viên là người lớn, anh giải thích sao về điều này?

Đó là vấn đề khiến các đạo diễn đau đầu. Diễn viên kịch ngày nay rất thiếu, chưa nói diễn viên nhí. Tất nhiên, kịch cho thiếu nhi do chính thiếu nhi diễn sẽ có sức truyền tải tốt hơn là người lớn diễn. Bởi chính các em phản ánh thế giới của chúng qua nhân vật của mình sẽ khiến khán giả thấy gần gũi hơn. Sự ngây ngô, hồn nhiên của trẻ con dĩ nhiên cũng đem đến những màu sắc khác lạ cho vở diễn, đặc biệt là cho các bậc phụ huynh khi họ chứng kiến con em họ hóa thân trên sân khấu. Tuy nhiên, điều này đặc biệt khó. Lý do là tập một vở kịch mất tới vài tháng trời, thời gian tập lại phụ thuộc vào lịch của mỗi diễn viên.

Các em thiếu nhi với lịch học dày đặc không thể tham gia tập kịch trường kỳ như những diễn viên chuyên nghiệp, đó là chưa kể sức khỏe phải đảm bảo để theo hết buổi tập này đến buổi tập khác. Rồi khi công chiếu, ít nhất mỗi tuần phải diễn một suất nếu bán được vé, nhiều thì ba suất một tuần. Các em không thể sắp xếp thời gian tham gia vì đang ở tuổi đi học, chịu sự quản lý của gia đình. Bởi vậy, hiếm có ê kíp nào mạo hiểm mời nguyên dàn diễn viên thiếu nhi cho một vở kịch của mình.

- Từng phụ trách đoàn kịch Tuổi Ngọc lừng lẫy một thời, vì sao anh không nghĩ đến việc đào tạo những thế hệ kế tiếp?

Nói về Tuổi Ngọc, tôi có nhiều niềm tự hào, hạnh phúc nhưng cũng có nhiều nỗi buồn. Đây là đoàn kịch của nhà hát thiếu nhi quận 1 thời điểm những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thời đó, nó nổi tiếng khắp cả nước với những vở kịch mà các diễn viên hóa thân thành các con thú dễ thương rồi đối thoại với nhau. Rất nhiều diễn viên nổi tiếng sau này đều trưởng thành từ đoàn kịch này.

Thời đó, thậm chí chúng tôi còn đưa đội kịch đi lưu diễn khắp cả nước. Khi mọi thứ đang trên đà phát triển, cơ chế quản lý có sự thay đổi, thắt chặt hơn sự  sáng tạo của cả người phụ trách và thành viên đội kịch. Sau nhiều nỗ lực cố gắng, cuối cùng tôi bỏ cuộc do bất đồng quan điểm. Sau đó tôi chuyển sang làm phim cổ tích, dựng kịch truyền hình cho thiếu nhi đến tận bây giờ.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát.

Việc đào tạo thế hệ kế tiếp rất khó vì lý do tôi đã nói như trên. Nếu làm chơi chơi, thi thoảng tụ tập biểu diễn vài tác phẩm cho thỏa chí thì không sao chứ biểu diễn chuyên nghiệp thì không thể. Các em có chuyện học hành, tôi cũng có mối lo mưu sinh. Tôi mừng là mình vẫn còn trụ được và có thu nhập từ việc dựng các chương trình cho thiếu nhi.

- Trước những khó khăn và thách thức như vậy, anh làm thế nào để đưa kịch đến được với khán giả nhí?

Bên cạnh việc sáng tạo những kịch bản hay, tôi đang chú trọng hướng đến những mô hình quy mô nhỏ giúp đưa kịch đến gần các em nhỏ. Chẳng hạn, hiện nay một số trường học có nhu cầu giải trí cho học sinh nhưng không thể gom hết các em đến rạp do khó quản lý và cơ sở vật chất của rạp cũng không đáp ứng đủ chỗ ngồi. Thay vào đó, chúng tôi sẽ đem kịch đến tận trường học để khán giả khỏi phải di chuyển. Làm vậy vừa biểu diễn được cho số đông, vừa khiến các em thấy gần gũi, thân quen hơn với loại hình này.

Trước kia, chúng tôi đã làm vậy rồi nhưng chỉ diễn theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Sắp tới, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, phục trang, diễn viên, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền để kịch thiếu nhi đến gần hơn nữa với khán giả nhí.

Huỳnh Tấn Phát là một trong những đạo diễn tiên phong cho sự phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi tại TP HCM. Hàng loạt diễn viên nhí đã thành danh như: Quỳnh Như, Ngọc Trai, Tiểu Long,... đều được sự hỗ trợ từ phía đạo diễn tài năng này. Anh cũng từng là gương mặt đại diện cho Việt Nam tham dự Liên hoan Sân khấu Thiếu nhi tổ chức tại Thụy Điển (2008). Hiện tại, anh thường xuyên tham gia dàn dựng các chương trình thiếu nhi cho đài Truyền hình TP HCM.
Châu Mỹ
.
.
.