NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội:

Làm nghệ thuật chuyên nghiệp và có tâm phải định hướng cho khán giả

Thứ Năm, 06/02/2020, 10:52
Trò chuyện với NSƯT Thu Huyền, mới hiểu, với những người coi chèo là lẽ sống của cuộc đời, họ luôn tràn đầy niềm tin và hy vọng về sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống.


Với Thu Huyền, chèo sẽ không bao giờ mất, quan trọng là những nỗ lực, định hướng để giành đất sống cho chèo của các nghệ sĩ.

- Đầu năm mới, có vẻ chị khá bận rộn với các lịch diễn của cá nhân và Nhà hát Chèo. Như thường niên, đây cũng là thời điểm sống của chèo?

+ Năm nay, có một sự kiện trọng đại kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3 - 2-2020). Đêm 3-2, Nhà hát Chèo đóng vai trò chủ công trong chương trình kỷ niệm tại sân vận động Mỹ Đình. 

Đây là một chương trình hoành tráng, được đầu tư kỹ lưỡng, gồm các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và những lớp múa tái hiện lại lịch sử hình thành phát triển của Đảng. Phần âm nhạc do nhạc sĩ Mạnh Tiến và Dương Cầm làm được phối khí dàn dựng mang hơi thở hiện đại. Chương trình không bị đóng khung nặng tính kỷ niệm mà vẫn mang hơi thở mới của thời đại, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ lớn.

NSƯT Thu Huyền.

- Với một nghệ sĩ thì việc tham gia những chương trình kỷ niệm như thế này có ý nghĩa như thế nào? Nhiều người cho rằng, tình yêu, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ thời nay có phần phai nhạt?

+ Tôi cho rằng, nghệ thuật luôn đóng vai trò tiên phong trên con đường đấu tranh chống lại cái xấu và lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Nên người nghệ sĩ chân chính không thể thờ ơ trước các vấn đề của xã hội và đất nước. Nghệ sĩ lại dễ bị lợi dụng vì là người nổi tiếng, quy tụ được người hâm mộ. Vì thế cần phân định đúng sai rõ ràng. 

Mỗi thời sẽ có một cách yêu nước riêng. Như thời đại hiện nay, nghệ sĩ cần làm tốt công việc của mình, góp phần tạo ra những tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa trong xã hội bởi nghệ thuật cũng là tiếng nói tôn vinh những cái tốt đẹp và chiến đấu, loại bỏ những cái sai trái. Đó cũng là trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.

- Chị hiện là Phó giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội, phụ trách phần chuyên môn. Nhiều năm nay, chèo chủ yếu hoạt động vào 3 tháng mùa lễ hội. Theo chị, việc đi diễn lễ hội có làm mai một chất lượng nghệ thuật của chèo?

+ Sân khấu chèo chúng tôi diễn từ đêm 30, sáng 1 Tết ở Văn Miếu đến tận mồng 5  Tết và sau đó tham gia các hội làng. Ba tháng xuân rất tưng bừng. Thường chúng tôi vẫn mang các vở đi diễn. Tùy từng quy mô lễ hội của địa phương. Nhiều nơi thích các trích đoạn, còn nhiều nơi thích chèo, dân ca và các giá hầu đồng. Diễn hội làng rất hay, được gần gụi, tương tác với khán giả, bởi sân khấu chèo bắt nguồn từ đời sống nông thôn mà ra. 

Riêng ở Nhà hát Chèo Hà Nội, đi diễn ở hội làng cũng như diễn ở sân khấu, các nghệ sĩ luôn hết mình và cố gắng làm tốt nhất. Nên không thể nói là diễn hội làng làm mai một giá trị chuẩn mực của chèo. Nếu chỉ diễn ở rạp không gần gụi với khán giả, vì rạp vắng người xem. 

Đi diễn hội làng dù tiền không nhiều nhưng nghệ sĩ rất thích đi vì khán giả vô tư lắm, họ yêu mến và tương tác, khóc cười với diễn viên. Diễn không hay người ta chê luôn, cũng là cái hay để ta biết mình như thế nào. Chính hội làng cũng là nơi nuôi dưỡng chèo, mang lại đời sống thực sự cho chèo.

Vợ chồng Thu Huyền và Tấn Minh.

- Vậy theo chị, khán giả của chèo ngày nay có còn nhiều không?

+ Khán giả chèo chủ yếu ở các tỉnh, ở nội thành có quá nhiều phương tiện giải trí như phim ảnh, các sân khấu chứ các tỉnh miền Bắc, ngoại thành Hà Nội vẫn thích chèo. Đầu năm các đoàn chèo diễn không hết việc. Khán giả của chèo hiện nay chủ yếu là trẻ con và người lớn tầm 40 tuổi trở đi. 

Trẻ con đi theo bố mẹ xem chèo, dù chưa hiểu gì mấy nhưng nó sẽ gieo vào ký ức các em những kỷ niệm. Và sau này, lớn lên, biết đâu trong số đó có những khán giả của chèo. Sân khấu học đường hiện nay chúng ta vẫn đang làm mang tính hình thức, nhưng tôi nghĩ, đưa chèo đến trường học là cách tốt nhất để tạo dựng các lớp khán giả mới cho loại hình nghệ thuật này.

- Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng của chèo đang ngày càng mai một, ở một góc nào đó, chèo đang bị kịch nói hóa?

+ Thực tế, có những vở diễn như thế. Nhất là qua hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 2019, nhiều nhà hát sát nhập nên họ đi hội diễn trong tâm thế đi cho xong, lấy huy chương cho diễn viên, không đầu tư về chất lượng. Hiện nay, chúng ta lấy cơ sở các huy chương để xét danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân nên các đoàn có bao nhiêu vở đều mang đi, có khi yếu cũng đi, để lấy huy chương. Đó cũng là một lý do làm chất lượng của các vở diễn giảm.

- Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, chèo là một loại hình mang đậm hồn cốt Việt. Theo chị, tình trạng xuống cấp của chèo có khiến chèo mất đi không?

+ Chèo không bao giờ mất được. Có thể chúng ta mất các đoàn nghệ thuật -nhưng trong dân, chèo không bao giờ mất vì nó thực sự hay, nó mang hồn cốt của dân tộc. Hiện nay, ngoài các đoàn nghệ thuật, chúng ta vẫn còn những đội chèo. Nếu mất thì mất lâu rồi. Nhưng tôi nghĩ, những người làm chèo chuyên nghiệp phải nghĩ cách làm thế nào để chèo phát triển và hay lên theo thời gian. Đừng đổ lỗi cho ai cả mà phải từ chính nỗ lực và trách nhiệm của những người làm nghề.

- Với một người tâm huyết với chèo như chị, liệu có con đường nào để chèo phát triển hay không?

+ Có nhiều con đường để chèo có thể phát triển, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị. Chính nhà nước phải đầu tư không thể bỏ lửng như thế được, rồi những người làm nghề chuyên nghiệp phải định hướng cho khán giả. Làm nghệ thuât chuyên nghiệp và có tâm phải định hướng cho khán giả chứ không phải chạy theo ý thích của họ. Khán giả không thích thì không làm. Làm thế nào để khán giả hiểu và thích, đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ. 

Nhà nước phải đầu tư cho nghệ thuật truyền thống về chất lượng chứ không phải đầu tư theo phong trào. Các nhà hát không được dễ dãi, dễ dãi là chết. Mình phải làm những sản phẩm có chất lượng, các nghệ sĩ cũng vậy, không được dễ dãi với nghề. 

Các nhà hát phải nỗ lực tự đi tìm khán giả, lên các chương trình, kịch mục để đưa chèo đến khán giả, kết hợp giữa các nhà hát và chính sách của nhà nước, cho học sinh hiểu chèo hơn. Sân khấu học đường vẫn đang mang tính hình thức, chưa sâu rộng. Phải giới thiệu hẳn cho các em về các loại hình như chèo, cải lương, ca trù…

Vở chèo “Điều còn lại” của Nhà hát chèo Hà Nội xuất sắc giành huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc 2019.

- Và điều quan trọng là chèo phải xây dựng những vở mới, mang hơi thở của thời đại. Nếu chèo cứ dựng lại các vở cũ, dễ bị nhàm và chán?

+ Vừa rồi, Nhà hát Chèo Hà Nội dựng vở "Điều còn lại" tham gia hội diễn và giành rất nhiều huy chương vàng. Đó là một vở diễn xúc động. Khán giả lên tặng hoa ôm diễn viên khóc vì xúc động quá. Ngoài ra, các nhà hát cũng nên chú trọng đến vấn đề đào tạo nghệ sĩ trẻ. 

Chúng tôi vừa dựng vở "Tình sử Thăng Long", về nhân vật Lý Chiêu Hoàng, giao toàn bộ cho ê kíp trẻ, các diễn viên mới ra trường, chỉ 19 tuổi, hát hay, xinh đẹp, diễn tốt. 3 vai chính của vở đều giao cho trẻ hẳn, phải tạo điều kiện cho lớp trẻ. Tôi 45 tuổi rồi, chỉ làm được 1, 2 năm nữa mà thôi. Chèo phải có lớp kế cận. 

Nhà hát luôn mạnh dạn gây dựng lớp trẻ mới phát triển được. Ngày xưa, nghệ thuật chèo ở đỉnh cao, nhiều người theo là đương nhiên. Bây giờ, các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn nhưng các em vẫn theo chèo, say mê, yêu nghề nên tôi rất trân trọng. Các em mới là những người dũng cảm, yêu nghề thực sự hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa. Tất nhiên các em cần thời gian, tôi 17 tuổi về nhà hát mà phải đến 23 tuổi mọi người mới biết đến. Con đường còn rất dài và bền bỉ.

- Chị là một người đắm đuối và quyết liệt với nghề. Nhưng trong gia đình, chị lại là một phụ nữ mềm mỏng, biết tiến - lui để giữ được mái ấm của mình. Có bí quyết nào để giữ được sự bình yên đó?

+ Tháng 11 vừa rồi chúng tôi kỷ niệm 15 năm ngày cưới. Ngẫm lại tôi thấy những gì mình nghĩ và mong muốn tôi đều có được. Có thể tôi không mong ước cái gì quá cao xa, viển vông và tôi biết bằng lòng với cuộc sống của mình. 

Cuộc đời đã cho tôi quá nhiều, tôi thấy thế là may mắn. Tôi và anh Minh có thể chia sẻ, nói chuyện với nhau về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng như mình mong muốn, có lúc thành công, có lúc thất bại, thế nên, có người nghe và chia sẻ là điều may mắn. Tôi và anh Minh như hai người bạn tri kỷ. Đó là hạnh phúc và may mắn mà tôi có được.

- Tôi cũng tò mò không biết Tết của những gia đình nghệ sĩ như chị và anh Tấn Minh thường diễn ra như thế nào?

+ Năm nào cũng vậy, sáng mồng 1 tôi thắp hương xong về quê ăn tết với bà nội, trưa mồng 2 ra ăn tết với nhà ngoại. Đêm giao thừa, lúc nào tôi cũng phải xin về trước để làm mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà. Còn anh Minh, chỉ về xông nhà, mừng tuổi cho vợ con. Đó là lịch bất di bất dịch rồi, vì anh Minh phải chủ trì ở nhà hát. Gia đình tôi vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống như làm mâm cơm gia tiên cúng giao thừa và mồng 1. Các con cũng được bố mẹ dạy về những phong tục cổ truyền khá cẩn thận…

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.