Lối đi riêng của Phạm Thùy Dung

Thứ Sáu, 13/09/2019, 14:10
Trong cuộc thi Sao Mai 2013, Phạm Thùy Dung được biết đến không chỉ bởi giọng hát ấn tượng mà còn bởi sắc vóc hơn người. Cô giành giải Nhì dòng nhạc dân gian, được xem như một ẩn số đáng chờ đợi của dòng nhạc này.


Tuy nhiên, sau cuộc thi, cô ca sĩ xinh đẹp đến từ miền quê Hà Tĩnh đã không lao vào chạy sô như nhiều bạn bè khác mà chuyên tâm vào việc học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cô cũng gây bất ngờ với công chúng khi quay trở lại sân khấu với một lựa chọn khác, là thực hiện các sản phẩm theo dòng nhạc thính phòng bán cổ điển chứ không chỉ là dòng nhạc dân gian như đã từng gắn bó tên tuổi.

Để theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển, ca sĩ chỉ có tài năng thôi là chưa đủ. Họ cần phải dành nhiều năm tháng tuổi trẻ để học tập, rèn luyện, nâng cao kỹ năng mới có thể đứng trên sân khấu gặt hái những thành công. Phạm Thùy Dung đã bình tĩnh ngay từ đầu với lựa chọn của mình.

Sau khi giành giải cao tại Sao Mai 2013, Phạm Thùy Dung đã có thể bước vào thị trường âm nhạc và có công chúng riêng, nhưng vì tình yêu lớn hơn dành cho dòng nhạc giao hưởng thính phòng nên cô tiếp tục dành thời gian cho việc học.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung.

Học trong nước chưa đủ, Thùy Dung còn thường xuyên sang Nga để “thỉnh giáo” những giọng hát opera hàng đầu thế giới, nhằm hoàn thiện kỹ thuật biểu diễn. Cho đến nay, theo nhận xét của nhiều nhà chuyên môn, giọng hát của Thùy Dung đã thực sự ở độ chín. Cô sẽ là một trong những gương mặt hiếm hoi kế cận các ca sĩ đàn anh đi trước của dòng nhạc ít người dám theo đuổi này, như Quốc Hưng, Đăng Dương.

Nói về lý do “ở ẩn” của mình, Phạm Thùy Dung chia sẻ: “Tôi đã ở ẩn rất lâu, cảm giác như là khán giả đã quên mình rồi nhưng đó là một sự ở ẩn cần thiết. 6 năm chuyên tâm vào việc học hành, thấu đáo với lựa chọn của mình, tôi biết mình đang đi đường khó nhưng là lựa chọn chính xác nhất.

Tôi đã tự học được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá làm hành trang cho mình trên đường chinh phục nghệ thuật. Giờ đây, đã đến lúc tôi phải gửi tặng khán giả yêu quý món quà mà mình đã nợ từ lâu.

Mặc dù làm live-concert riêng rất tốn kém, thậm chí bị lỗ là bình thường, nhưng tôi vẫn bước đi không lo sợ. Vì đây là câu chuyện âm nhạc mà tôi muốn kể với công chúng, nó chứa đựng tình yêu cũng như tâm huyết của tôi sau nhiều năm tháng ấp ủ. Tôi nghĩ muốn về đích thì phải bước đi. Điều đáng sợ nhất của người nghệ sĩ là không chạm được tới trái tim khán giả hoặc là bị khán giả lãng quên. Nên tôi phải nỗ lực và cống hiến hết mình cho khán giả”.

Để tổ chức một live show hát nhạc thính phòng cổ điển, cả ê kip của Phạm Thùy Dung đã vất vả cả năm trời. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, người đã từng làm Giám đốc âm nhạc cho live show của nhiều nghệ sĩ dòng nhạc thính phòng cổ điển chia sẻ: “Các yêu cầu cho một concert nhạc thính phòng cổ điển thường vô cùng tốn kém và mất nhiều công sức, thời gian. Tôi có thể nói Phạm Thùy Dung đã vô cùng can đảm khi đi theo yêu cầu đó, bởi không phải ca sĩ nào cũng có thể thực hiện được như vậy. Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với sự dẫn dắt của nhạc trưởng Olivier Ochanine mà Thùy Dung lựa chọn để làm việc cùng là một dàn nhạc đẳng cấp thế giới. Tôi đánh giá live concert “Trăng hát” của Thùy Dung sẽ là một sự kiện âm nhạc lớn trong năm nay. Riêng với tôi, chương trình này còn là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp, với vai trò giám đốc âm nhạc”.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung và ca sĩ Tùng Dương, Đăng Dương.

Nghệ sĩ Đăng Dương, ca sĩ khách mời của live show “Trăng hát”, người anh trong nghề của Thùy Dương không giấu được sự vui mừng: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy các bạn trẻ sau tôi như Phạm Thùy Dung đã lựa chọn dấn thân vào dòng nhạc thính phòng cổ điển vì đây là dòng nhạc không thể “ăn may” được, nó lấy rất nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc của nghệ sĩ.

Hát với cả một dàn nhạc không phải chuyện đơn giản, nếu người nghệ sĩ không đủ tự tin về giọng hát cũng như khả năng tài chính. Cá nhân tôi sau gần 20 năm đi theo đuổi dòng nhạc này mới dám đầu tư làm một live show và chấp nhận có thể phải bán nhà bù lỗ. Thùy Dung còn trẻ nhưng cô ấy có ý thức làm nghề rất nghiêm túc và đó là điều đáng khích lệ”.

Thực tế, sau Đăng Dương với live show “Mặt trời của tôi” giành giải thưởng Cống hiến một cách thuyết phục thì Phạm Thùy Dung là ca sĩ thứ 2 ở Việt Nam “dám” tổ chức live show với một dàn nhạc tầm cỡ. Bật mí về chương trình, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết: “Live concert “Trăng hát” ngoài phần âm nhạc cổ điển thính phòng châu Âu đúng khuôn mẫu với những gì một nghệ sĩ cổ điển thực sự đã học sẽ có những bài hát đi cùng năm tháng để tạo ra sự gần gũi hơn với khán giả.

Đặc biệt, trong chương trình này, Thùy Dung và ca sĩ khách mời trình diễn ca khúc “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” được phối với dàn nhạc giao hưởng. Người trong nghề khi xem chương trình sẽ biết, công việc phối một bài hát dân ca với dàn nhạc giao hưởng sao cho hấp dẫn được khán giả là công việc khó khăn đến nhường nào. Thùy Dung và cả ê-kip đã mất ăn mất ngủ nhiều ngày tháng để có thể mang đến cho công chúng những gì đặc biệt nhất, ấn tượng nhất.

Phạm Thùy Dung cho biết, cô rất may mắn được đồng hành cùng những người anh lớn trong âm nhạc. Khách mời trong live concert của cô ngoài Đăng Dương còn là Tùng Dương, ca sĩ với phong cách âm nhạc độc đáo, luôn luôn biến hóa và không ngừng sáng tạo. Cô tin rằng hai vị khách mời đặc biệt này sẽ thêm vào những màu sắc đầy thú vị cho chương trình. Hơn nữa, việc được đứng cạnh những người anh lớn trong nghề cũng sẽ khiến cô tự tin, máu lửa hơn.

Rất lâu trong nghề đi hát mới bắt gặp được một “đàn em” bền gan vững chí, dấn thân chọn con đường khó khăn để chinh phục, nên Tùng Dương rất nhiệt tình ủng hộ Phạm Thùy Dung. Khi Thùy Dung thực hiện album đầu tay với nhạc sĩ Dương Cầm, Tùng Dương cũng đã chia sẻ với Dung như một người anh hỗ trợ một người em. Chúng tôi có những bản thu âm cùng nhau rất mãn nguyện.

Nhưng làm album đối với một ca sĩ giao hưởng thính phòng chỉ là một cửa ải, dù khó nhưng vẫn đơn giản hơn nhiều khi làm live concert. Bản lĩnh, tài năng thực sự của người ca sĩ nằm trong việc phải thực sự cống hiến, thăng hoa với những bản phối khí lớp lang đồ sộ trên nền những ca khúc kinh điển. Có nhiều người hát hay trong thị trường âm nhạc nhưng không phải ai cũng chọn được đúng đường để đi và quan trọng là dũng cảm để đi.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nghệ sĩ tên tuổi không tiếc lời ca ngợi Phạm Thùy Dung cũng như sẵn sàng hợp tác với cô trong các sản phẩm âm nhạc. Đơn giản Thùy Dung chính là gương mặt nhiều hy vọng của dòng nhạc thính phòng cổ điển.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung và nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời Olivier Ochanine.

Mỗi thế hệ ca sĩ có không nhiều những người như Dung, dám đi theo dòng nhạc vừa tốn công sức rèn luyện vừa không dễ thành công, không dễ kiếm tiền như nhạc trẻ hay các dòng nhạc khác. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đánh giá: “Hát opera với thính phòng trên thế giới thì không có gì lạ, nhưng ở thị trường Việt Nam, món ăn âm nhạc này còn mới.

Để đưa dòng nhạc thính phòng, cổ điển gần gũi hơn với khán giả, nghệ sĩ phải biết “Việt hóa” âm nhạc thính phòng. Mỗi người phải có cách thức riêng để chinh phục người nghe, khi mà thói quen của họ vẫn hướng nhiều về nhạc trẻ, nhạc đỏ, hay dân ca. Các ca sỹ thính phòng Việt Nam cũng rất khó khăn để có bài hát mới. Việc đặt hàng viết bài hát thính phòng không hề đơn giản.

Tôi quan sát thấy Phạm Thùy Dung là nghệ sĩ thính phòng hiếm hoi nghĩ đến việc mình sẽ làm gì trong tương lai và con đường nghệ thuật của mình sẽ đi như thế nào. Cô có nhiều ý tưởng độc đáo sẽ được hé mở trong live show tới đây. Và tôi nghĩ những gì cô đang làm không phải chỉ là câu chuyện của riêng cô mà là câu chuyện có ý nghĩa với nhiều ca sỹ thính phòng khác tại Việt Nam”.

Vũ Quỳnh
.
.
.