Lý Cường Từ thư ký thành Bí thư Thượng Hải

Thứ Tư, 08/11/2017, 14:47
Ngày 29-10 vừa qua, Bắc Kinh đã bổ nhiệm ông Lý Cường (Li Qiang), cựu thư ký của Chủ tịch Tập Cận Bình, làm người lãnh đạo hàng đầu của địa phương quan trọng nhất nhì Trung Quốc: Thượng Hải.


Sự bổ nhiệm này được báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nhận định sẽ là chìa khóa để thực hiện những tham vọng của chính quyền trung ương tại thành phố này.

Thư ký của ông Tập

Ông Lý, 58 tuổi (sinh vào tháng 7-1959), xuất thân từ cơ sở quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Chiết Giang và được miêu tả là một người ủng hộ cải cách kinh tế. Trước đây là Bí thư tỉnh Giang Tô, nay ông Lý thay ông Hàn Chính (Han Zheng), 63 tuổi, sau khi ông Hàn đã giành được một ghế trong cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Việc bổ nhiệm ông Lý diễn ra sau khi Thượng Hải tiết lộ kế hoạch phát triển một cảng thương mại tự do hoàn toàn mở cửa cho hoạt động kinh doanh toàn cầu, giống như của Hồng Kông.

Ông Lý là một ngôi sao đang lên thuộc cái gọi là “Chi Giang tân quân” - một nhóm các quan chức từ cơ quan quyền lực của tỉnh Chiết Giang (đã làm việc dưới thời ông Tập khi ông làm Bí thư Chiết Giang) được bổ nhiệm vào các bộ phận quan trọng của đảng, chính phủ và quân đội.

Một số người trong số đó, bao gồm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (Cai Qi), Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner) và ông Lý đã lọt vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Ông Lý đã trở thành thành viên mới của Bộ Chính trị tuần trước, mở đường cho sự nghiệp thăng hoa sau 16 tháng làm lãnh đạo đảng tỉnh Giang Tô.

Có đủ “tai mắt”

Các nhà kinh doanh Chiết Giang đã miêu tả ông Lý như một người ủng hộ cải cách kinh tế.

"Ông Lý sẽ có tai của lãnh đạo Trung Quốc nhờ thời gian làm thư ký của Chủ tịch Tập Cận Bình. Và những mối liên hệ của ông ở Chiết Giang và Giang Tô sẽ giúp Chính phủ Trung ương có kế hoạch hợp tác tốt hơn trong việc phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Dương Tử. Thượng Hải sẽ có một vị thế tốt hơn để mở rộng những bước đi tự do hóa hơn nữa khi ông Lý nắm giữ vị trí hàng đầu trong thành phố", ông Chen Daoyin, Giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật của Đại học Thượng Hải, cho biết.

Trong 30 năm qua, gần như tất cả các Bí thư Đảng ủy Thượng Hải đều được lọt vào cơ quan quyền lực cao nhất - Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị; ngoại trừ ông Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), người đã bị thất sủng do một vụ xìcăngđan quỹ hưu trí.

Ông Lý là thư ký của ông Tập trong 3 năm ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2003 đến 2007.

Tháng 6-2016, ông Lý đã được thăng chức từ tỉnh trưởng Chiết Giang lên làm lãnh đạo đảng của Giang Tô, tỉnh lớn thứ 2 về quy mô kinh tế của nó.

Mặc dù khu thương mại tự do của Thượng Hải đã được thiết lập trong 4 năm qua, nhưng mục tiêu chuyển đổi thành phố thành một trung tâm tài chính và thông tin đẳng cấp quốc tế vẫn chưa xảy ra.

Các công ty nước ngoài và các công ty trong nước đã bày tỏ sự thất vọng đối với khu vực bị xáo trộn, nói rằng họ thiếu các chính sách cụ thể cần thiết để tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới và dòng vốn.

Ông Hàn, một nhân vật thuộc phe cánh cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, cho biết trong cuộc họp của đảng tuần trước rằng một cảng thương mại tự do đã được xúc tiến nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Chiến dịch phát triển đồng bằng sông Dương Tử giàu có với dân số 150 triệu người là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thượng Hải vẫn cần sự chấp thuận của Chính phủ Trung ương trong việc đưa ra những cải cách cần thiết để cạnh tranh với Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm cả khả năng chuyển đổi hoàn toàn đồng Nhân dân tệ và giải quyết các quy định về thị thực cho các doanh nhân nước ngoài.

Gia Hân
.
.
.