MC Lê Anh: Tôi không thực sự nhiều "màu" đâu

Thứ Hai, 12/02/2018, 07:48
Lê Anh nói, nếu chọn một hình ảnh cho mình, anh sẽ chọn con thoi, một con thoi càng bóng thì nó đi qua đi lại trên khung cửi càng nuột nà, không mắc mớ. Anh hào hứng chia sẻ với chúng tôi về vai trò host của mình trong một chương trình mới - "Người giấu mặt" của ANTV.


Nếu Xuân Diệu có nỗi "buồn thanh" thì tôi có "niềm vui nhẹ"

- Chúc mừng Lê Anh với một chương trình mới, "Người giấu mặt" của ANTV. Anh có thể nói gì về chương trình này?

+ Đây là một talk show không kịch bản, chất liệu thực, thông điệp tự câu chuyện và cách chia sẻ tạo nên. Tôi rất tâm huyết và hứng thú với chương trình này. Mọi người trong ekip hay đùa show có mỗi tôi được lên hình đầy đủ nhất, nhưng các bạn yên tâm, nhân vật chính không thấy mặt, mà các bạn cũng khó có thể rời màn hình được đấy!

-Tôi rất ấn tượng với cách gợi chuyện, với sự chủ động và cảm xúc mà Lê Anh vẫn giữ được trong khi trò chuyện với nhân vật. Điều gì giúp anh giữ nguyên vẹn xúc cảm đó?

+ Muốn giữ thì phải "nuôi"! Tôi cũng làm MC trên truyền hình được gần 15 năm rồi, nên tôi hiểu mình cần gì để khám phá và tái khám phá những cảm xúc của chính mình trước những con người, những câu chuyện xứng đáng.

Tôi tự bàn với nhà sản xuất về việc tôi không gặp trước, tìm hiểu trước nhân vật, bàn với biên tập về việc không cung cấp chi tiết câu chuyện của nhân vật... Tôi muốn 15 phút trên sóng, 1h ở trường quay tôi được trọn vẹn với nhân vật của mình.

- Anh nói rằng, có những câu chuyện ám ảnh anh cả tuần. Anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện khiến anh bị ám ảnh nhất?

+ Làm talkshow về những "thân phận thiếu sáng" như thế này, khó có thể chai lì hay thiếu biểu cảm, nhưng lại dễ bị sến súa, bị quá nhiều sự xúc động... Với tôi, chắc khán giả có thể luôn thấy một sự kiểm soát nhẹ, tôi luôn cố gắng bình tĩnh hơn khi đang nói chuyện với nhân vật.

Nhưng khi bước ra khỏi trường quay, thường một ngày ghi hình 6-8 số, tất cả những chi tiết, những lời nói của nhân vật cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi: hình ảnh gương mặt bị lửa thiêu làm biến dạng, những cô cậu trai trẻ xinh đẹp mang bệnh thế kỷ, sự khắc khoải của ông bố bà mẹ khản giọng kêu đòi chân lý cho con bị xâm hại, sự "bình thản giông bão" trong cử chỉ nét mặt của người từng nghiện ma tuý 20 năm... Tôi hay "ngẫm sự" sau những gì mình nhận được từ một ngày sống qua đi, nên gọi là ám ảnh cũng đúng, nhưng là sự ám ảnh xứng đáng!

- Đó là những câu chuyện đời…

+ Đến lúc này, gần 30 nhân vật đầu tiên tôi đã trò chuyện,  tôi nhớ nhiều lắm và nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng vì lý do khác nhau. Tôi muốn nhắc đến 1 trường hợp sẽ không thể lên sóng vì chúng tôi đã bị từ chối: Tôi đã bắt đầu những câu dẫn đầu tiên trên sóng như thế nào:

Ngày 14/9/2017 bị chồng và anh trai chồng đánh nhập viện

Ngày 7/12/2017 bị chồng dùng kéo đâm, cố ý giết, phải đi trốn

Tức là sự kiện đang diễn ra ở thời điểm ghi hình, chị ấy đang trốn và được bảo hộ một tổ chức... Khá khó khăn vì nhân vật đang nhạy cảm. Tôi giúp chị kể thêm được vài thông tin: 18 năm bên chồng là 18 năm bị bạo hành, từ thể chất đến tinh thần, kinh tế, tình dục..., mất 3 đứa con do chống đánh đập, con sinh ra chết non...

Tuy nhiên, tôi đọc được sự bình tĩnh của nhân vật trước mặt mình, dù gì 40 tuổi với một nửa đời chị chịu bạo hành nên tôi biết là chị rất bản lĩnh. Vậy lý do nào khiến chị phải chịu đựng như vậy? Lý do nào cho cuộc hôn nhân này? Ở góc độ của mình, tôi muốn để chính chị kể và nhận định lại, chứ tôi không muốn bản thân kết luận gì ở thời điểm đó!

"Và chúng ta sẽ trở lại giai đoạn yêu nhau nhé, chị có yêu anh không? Anh có yêu chị không? Anh ấy yêu chị vì điều gì? Chị có nhận thấy sự thay đổi ngay sau hôn nhân của anh ấy là do đã không còn yêu chị?..." Câu chuyện đang thuận lợi thì một cái đập bàn mạnh mẽ vang lên kèm câu nói "Dừng ghi hình, chúng tôi không cho phép nhà đài khai thác thông tin đời tư như vậy, nhân vật đã quá đau khổ rồi...".

Thì ra đó là ý kiến từ người đại diện tổ chức bảo hộ chị. Họ ngồi giám sát quá trình ghi hình quyết định thay cả nhân vật của tôi. Ngay lập tức không khí trường quay bị nóng quá mức và nhân vật của tôi bật khóc nức nở... Sau đó, người đó cho rằng nhân vật bị tổn thương sâu sắc vì chương trình và dù rất tiếc tôi không thể kêu gọi họ quay trở lại.

Tôi vẫn nghĩ suốt về những diễn biến đó, rằng mình có làm gì chưa đúng, rằng nếu muốn được sự chia sẻ của khán giả thì không lẽ nhân vật chỉ ngồi và khóc. Rồi nếu sự kiện đang diễn ra, muốn có bằng chứng tố cáo thì không thể không kể lại diễn biến câu chuyện cũng như những nhận định liên quan...

Tôi sẽ nhớ câu chuyện này, và thầm mong tổ chức kia giúp đỡ được chị, không phải bằng cách giấu chị ấy đi, mà bằng cách giúp chị ấy vạch tội được kẻ xứng đáng bị trừng phạt...

- Nhưng, sẽ là đen tối nếu chỉ là những câu chuyện buồn, éo le. Nó có rất nhiều ở ngoài kia. Thông điệp mà Lê Anh muốn chia sẻ với khán giả là gì đằng sau những nỗi đau ấy?

+ Sau những giot nước mắt chứa chan, ngậm ngùi, những khoảng lặng thinh trong chuỗi trò chuyện của tôi, thật mừng khi điều đọng lại luôn là cảm giác được chia sẻ. Tôi và khán giả của tôi được học, được hiểu và như được sống chính cuộc sống của nhân vật, để có kinh nghiệm cho mình.

Nhân vật thì được kể ra thôi, đôi khi cũng nhẹ nhõm rất nhiều rồi, chưa nói đến những gì hậu sự kiện mà chương trình và nhân vật có thể cùng hợp tác để giúp đỡ, để làm rõ, để cổ vũ người tốt, việc tốt và vạch mặt, trừng trị người xấu, việc xấu...

MC Lê Anh với “Người giấu mặt” - một chương trình được nhiều người quan tâm.

Do đó, tôi thấy vui hơn là buồn! Nếu Xuân Diệu có nỗi "buồn thanh" thì tôi có "niềm vui nhẹ"!

- Gần đây, Lê Anh có xu hướng thử sức ở những chương trình có vẻ khác với chất của anh như "Ngày An viên" và bây giờ là "Người giấu mặt". Điều gì thôi thúc Lê Anh thay đổi và luôn làm mới mình như vậy?

+ Tôi thích và muốn đầu tư cho talkshow từ khá lâu nhưng chưa tìm được format thật sự ưng ý và phù hợp. Nên "Người giấu mặt" đang là một cơ hội cho một MC thiên về nghị luận xã hội như tôi. Những thay đổi gần đây thực chất là sự lựa chọn kỹ càng hơn của tôi sau hơn 10 năm đóng góp hình ảnh trên các kênh sóng. Tôi tự nhủ: làm ít và nhỏ thôi, nhưng chất lượng là được!

Tôi tự tin khẳng định "màu" của mình

- Từ chính luận đến các chương trình văn hóa chuyên sâu… sự đa dạng của Lê Anh liệu có làm mất bản sắc của chính mình. Bởi những MC chuyên nghiệp thường gắn hình ảnh với một chương trình nào đó? Lê Anh thì sao?

+ Sự đa dạng là một năng lực không dễ tìm của giới MC chuyên nghiệp, nhất là ở thời kỳ chuyên môn hoá sâu như hiện nay. Việc có nhiều màu không có nghĩa là màu nào cũng nhờ nhờ, không nổi bật.

Tôi cũng không thật sự nhiều màu đâu, nhưng hơn một màu là chắc chắn.Và bạn yên tâm, tôi rất tự tin khẳng định màu của mình. Còn lại, khán giả và giới làm nghề sẽ quyết định.

- MC vẫn là nghề hot mà nhiều bạn trẻ theo đuổi. Nhiều gương mặt mới liên tục nổi lên nhưng để lưu giữ được một cái tên không dễ dàng. Lê Anh nghĩ gì về nghề, khi sự thành công của anh lại hoàn toàn từ việc mày mò, tự học?

+ Thật là một giai đoạn đáng nhớ, kéo dài suốt tuổi trẻ của tôi, khi làm MC mà không có thầy cô, trường lớp. Tôi lên sân khấu từ 1994, thuộc lứa đầu tiên ở Hà Nội, đến 2003 mới làm chương trình truyền hình đầu tiên.

Sự mày mò, tự học có cái hay vì đó là những "kinh nghiệm xương máu" giúp mình trưởng thành. Tuy nhiên tôi cũng muốn đi nhanh như các bạn trẻ bây giờ với việc kế thừa những tri thức, kinh nghiệm ấy, từ đó mình làm được nhiều và tốt hơn khi mình còn trẻ!

- Đôi khi nhiều MC chỉ là cái máy nói hơn là một người dẫn dắt làm chủ câu chuyện. Tôi thấy điều này ở khá nhiều bạn trẻ, khi họ nghĩ đơn giản có một chút nhan sắc, một chút hoạt ngôn là có thể thành MC, hoặc qua một khóa học là có thể làm MC. Thực tế, rõ ràng, nghề này đâu có dễ?

+ Nghề MC cũng là nghề của ánh đèn sân khấu, nên cần thanh và sắc! Nhưng không đủ đâu, nếu bạn muốn làm nghề dài hơn, định danh trong lòng khán giả thì việc bạn nói gì và nói như thế nào rất quan trọng! Do đó, đôi khi không còn quá trẻ như tôi lại là một lợi thế của nghề host, MC đó! (Cười)

 - Anh tự ví mình như con thiêu thân lao đi lao lại, tôi có thể hiểu thế nào về hình ảnh đó?

+ Con thoi thì đúng hơn (Cười). Vì mình làm việc liên tục, trau dồi và thay đổi liên tục cho chất lượng chương trình tăng lên. Con thoi càng bóng thì cách nó đi qua đi lại trên khung cửi càng nuột nà, thuận lợi, không mắc mớ. Ở những chặng nghỉ ngắn giữa hai đầu khung dệt là lúc con thoi tận hưởng niềm vui lao động của mình. Nhưng không đủ lâu để ngủ quên trên niềm vui ấy...

- Một MC Lê Anh thành danh và nổi tiếng hẳn có nhiều điều thú vị hơn một giảng viên đại học, theo một nghĩa nào đó. Vậy mà Lê Anh vẫn song hành hai công việc này. Vì sao?

 + Vì MC như con diều ấy, nó bay tốt nếu có gió thuận nhưng nó cần cái dây cột với mặt đất để bay đúng đắn. Tôi coi nghề đi dạy cũng là nghề đi học, tôi phải học nhiều mới có cái dây đó, cũng là cái dây níu khán giả lại bên mình!

- Nếu chọn một hình ảnh cho mình, Lê Anh sẽ chọn gì?

+ Con thoi đó bạn! (Cười)

-Cảm ơn cuộc trò chuyện của Lê Anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.