Mahdi Gilbert: Nhà ảo thuật tạo nên kỳ tích

Thứ Ba, 07/01/2020, 17:00
Chàng ảo thuật gia Mahdi Gilbert người Canada lại có khả năng làm khán giả kinh ngạc dù không có cả hai bàn tay...

Ảo thuật từ lâu đã đem lại niềm thích thú lớn cho nhiều người bởi sự kịch tính cũng như đầy bất ngờ trong từng màn biểu diễn. Người ta vẫn bảo ảo thuật gia là người “nhanh tay, nhanh mắt”, nếu thiếu đi đôi bàn tay thì làm sao có thể trở thành ảo thuật gia được. Chàng ảo thuật gia Mahdi Gilbert người Canada lại có khả năng làm khán giả kinh ngạc dù không có cả hai bàn tay...

Mahdi Gilbert sinh năm 1989 ở Toronto, bị khuyết tật tay bẩm sinh. Tay trái của anh chỉ có đến phần khủy, tay phải dài hơn một chút và không có bàn tay. Mahdi chỉ cao 1,37m mà thôi. Khiếm khuyết cơ thể từ khi chào đời cộng với sự nghèo khó của gia đình khiến cậu bé Mahdi phải vật lộn hàng ngày với việc bị bắt nạt, bạo lực, cô đơn và trầm cảm. Cậu luôn cảm thấy chán nản vì sự khác biệt về ngoại hình của mình so với các bạn, và luôn tự hỏi mình sẽ làm được gì khi không có tay đây?

Mahdi chia sẻ: “Lúc 6 - 7 tuổi, mọi người nói với tôi rằng bạn cần phải có ngón tay, vì vậy tôi cảm thấy bất lực bởi điều đó. Nhưng khi tôi nghe người ta nói rằng ảo thuật gia là người có thể tạo nên kỳ tích, tôi rất hứng thú và quyết tâm sẽ trở thành một ảo thuật gia”.

Mặc dù “mạnh miệng” tuyên bố như vậy nhưng kỳ thực Mahdi không hề biết ảo thuật là gì, cậu thậm chí còn chưa từng xem chương trình ảo thuật nào trên ti vi chứ đừng nói đến việc tiếp xúc với các môn ảo thuật, cũng như chưa bao giờ đọc quyển sách dạy ảo thuật hay đến một cửa hàng bán dụng cụ làm ảo thuật nào... 

Chính vì thế, khi Mahdi nói với giáo viên hướng nghiệp thời trung học rằng cậu muốn trở thành một ảo thuật gia, cô giáo đã thẳng thắn hỏi lại cậu rằng: Em có biết làm ảo thuật không? Bởi cô nghĩ muốn làm ảo thuật phải cần đến đôi bàn tay, mà cho dù có đủ 2 tay thì không phải bất kỳ ảo thuật gia nào cũng có thể làm nên chuyện... trong khi cậu học sinh của cô lại thiếu cả 2 bàn tay thì việc lựa chọn nghề nghiệp như thế là viễn vông, xa rời thực tế.

Quả thực nghề ảo thuật rất khắc nghiệt, không chỉ cần tài năng mà còn phải đáp ứng những yêu cầu “nhất dáng, nhì duyên, tam tài” mới có thể trụ được trên sân khấu. Quan trọng hơn, ảo thuật không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà còn rèn luyện cho những người đam mê tính kiên trì, tỉ mỉ. Nếu không kiên trì luyện tập, ắt sẽ bỏ cuộc giữa chừng bởi độ khó và sự đa dạng của các trò ảo thuật.

Mặc dù không được mọi người ủng hộ, cổ vũ nhưng Mahdi vẫn quyết định trở thành một ảo thuật gia. Anh cho rằng “Nhiều thứ là không thể đối với tôi, nhưng nếu tôi trở thành một ảo thuật gia, tôi sẽ có thể làm bất cứ điều gì”. Thế là Mahdi bắt đầu thực hiện ước mơ của mình bằng cách tự học làm ảo thuật thông qua các kênh trên internet, truyền hình, và lấy hình ảnh nhà ảo thuật lừng danh thế giới David Blaine làm thần tượng phấn đấu của mình.

Lúc đầu nhận thấy đôi tay khuyết tật của mình không thể làm được những trò ảo thuật mạo hiểm như kiểu David Blaine, nên đôi lúc Mahdi muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi anh biết đến Deren Brown, một nhà tâm lý người Anh, người sử dụng trí não, nói chuyện với mọi người, dùng ký ức, tâm lý và các kỹ năng khác. Anh nghĩ mình có thể sử dụng những kỹ thuật ảo thuật đặc biệt như thế nên đã quyết học theo.

Khi lên đại học, Mahdi bắt đầu tập luyện những trò vận dụng trí nhớ như cố ghi nhớ thông tin cá nhân của bạn học từ cơ sở dữ liệu của trường và bắt đầu biểu diễn trước mặt bạn bè của mình. Tiếp đến, Mahdi học những kỹ thuật cao cấp hơn và tìm cách kết nối, học hỏi những nhà ảo thuật khác. Qua thời gian, ngày càng nhiều người biết đến Mahdi. Thậm chí Mahdi còn tự mày mò học biểu diễn với bộ bài tây, thứ mà chẳng ai nghĩ anh có thể làm bạn với nó.

Mahdi chia sẻ: “Có lẽ khoảng thời gian đó vô cùng lãng mạn và khó quên đối với tôi, tôi ngày đêm đọc sách hướng dẫn, luyện tập những kỹ xảo trong sách không biết mệt mỏi”. Tuy nhiên để có thể biểu diễn, Mahdi buộc phải sáng tạo ra những kỹ thuật ảo thuật cho riêng mình, vì không có cuốn sách nào viết riêng cho những người đặc biệt như anh cả.

Trải qua những gian nan, thử thách và kiên trì tập luyện, cùng với đam mê và tài năng đã giúp Mahdi vượt lên trên những trở ngại của bản thân, tìm thấy sức mạnh, sự thành công của chính mình. 

Cuộc đời anh bắt đầu bước qua một trang mới khi được mời tham dự sự kiện ảo thuật danh tiếng Magic-Con ở thành phố San Diego (Mỹ) vào tháng 3-2010. Tại đây, anh được gặp gỡ, giao lưu với nhiều ảo thuật gia xuất chúng khác, trong đó có cả thần tượng David Blaine và trở thành một trong những diễn giả của Magic-Con năm đó. Cái tên Mahdi Gilbert nhanh chóng được mọi người biết đến.

Kể từ lần đầu tiên biểu diễn ảo thuật vào năm 14 tuổi, ảo thuật gia trẻ tuổi này đã đi khắp 26 quốc gia trên thế giới, mang đến niềm hy vọng và truyền cảm hứng cho hơn 700 triệu khán giả đủ màu da, tuổi tác, tôn giáo và địa vị xã hội bằng câu chuyện của cuộc đời mình.

Thu Hồng
.
.
.