Mandy Harvey: Âm nhạc không chỉ là âm thanh

Thứ Năm, 29/06/2017, 15:44
Nhất thấy nhì nghe. Ðôi tai là giác quan quan trọng thứ hai đối với một người bình thường, nhưng với những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, đôi tai chính là giác quan quan trọng nhất. Không có đôi tai, hay có tai nhưng không thể nghe, thì gần như không thể làm âm nhạc.


Thế nhưng, nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mandy Harvey lại vượt qua được điều đó, vì với cô âm nhạc không chỉ là âm thanh, mà chính là cảm nhận, là rung động của trái tim và linh hồn.

Mandy Harvey sinh ngày 2-1-1988 tại Cincinnati, bang Ohio, Mỹ. Năm 10 tuổi, gia đình cô chuyển tới Longmont, Colorado, nơi Mandy học trung học tại Học viện Charter Twin Peaks. Tại đây, Mandy tham gia vào các nhóm hợp xướng cũng như các cuộc thi âm nhạc ở trường. Tài năng ca hát của cô nở rộ từ đây, và trong buổi Lễ tốt nghiệp Trường trung học Longmont, Mandy được công nhận là Nữ ca sĩ có giọng hát hay nhất.

Năm 2006, Mandy thi đỗ vào Trường đại học bang Colorado (CSU). Cô là 1 trong 15 sinh viên ưu tú được Trường CSU chọn vào chuyên ngành âm thanh. Tuy nhiên, mới học năm đầu, cô đã bị mất thính giác ở cả 2 tai, do vi khuẩn Ehlers Danlos Syndrome.

Việc đôi tai bị thoái hóa và nhiễm trùng màng nhĩ dẫn đến mất khả năng nghe vĩnh viễn đã khiến Mandy phải nghỉ học nửa chừng. Đó là cú sốc mà không phải ai cũng có đủ nghị lực để vượt qua. “Bầu trời trở nên xám xịt hơn”, Mandy kể lại cảm nhận của mình trong một ca khúc.

Rời trường âm nhạc khi vừa tròn 18 tuổi, Mandy trở lại Longmont để tham gia các lớp học ngôn ngữ ký hiệu và các khóa học giáo dục tiểu học tại một trường cao đẳng cộng đồng ở địa phương. Đã có lúc Mandy nghĩ rằng âm nhạc đã vĩnh viễn rời xa mình. Tuy nhiên, cha cô vẫn luôn bên cạnh động viên con gái rằng “Âm nhạc vẫn sống trong con, vấn đề là con có làm nó thức dậy được hay không”.

Chính nhờ sự động viên của cha, năm 2008,  Mandy trở về thăm thầy giáo dạy nhạc cũ của mình, giáo sư Cynthia Vaughn. Cuộc nói chuyện giữa hai ầy trò đã làm sống dậy niềm đam mê âm nhạc và làm thay đổi cuộc đời cô. Thầy Vaughn đã giới thiệu Mandy với nghệ sĩ chơi nhạc jazz nổi tiếng Mark Sloniker, người giúp cô khám phá khả năng cảm nhận âm nhạc mà không cần đôi tai.

“Tôi không còn cảm nhận được như trước đây/ Bầu trời trở nên xám xịt hơn/ Nhưng tôi biết một ngày nào đó tôi sẽ vượt qua/ Và giành lại vị trí của mình một lần nữa/ Nếu tôi cố gắng…”.

Không thể nghe, Mandy phải tự học lại cách hát bằng trí nhớ và cảm nhận âm nhạc thông qua đôi tay, đôi chân. Chính vì vậy, khi hát cô phải đi chân trần để cảm nhận nhịp điệu và sự rung động. “Âm nhạc với tôi bây giờ không phải là âm thanh, mà là sự cảm nhận”, Mandy chia sẻ.

Không chỉ hát hay, Mandy còn có thể chơi đàn ghi-ta rất thuần thục. Cô đã phát hành được một vài album riêng. “Smile” (2009) là album cô tự sản xuất và đã nhận được nhiều lời khen tặng của các nhà phê bình nhạc jazz. Năm 2011, Mandy giành được giải thưởng Young Soloist quốc tế. Năm 2014, cô có buổi biểu diễn tại Trung tâm Kennedy.

Giờ đây, Mandy trở thành nghệ sĩ độc tấu nhạc jazz và là một diễn giả khơi gợi niềm cảm hứng cho mọi người. Cô cũng được chọn là Đại sứ của tổ chức phi lợi nhuận No Barriers.

Tại vòng loại cuộc thi America's Got Talent năm 2017 đang diễn ra, Mandy đã trình diễn ca khúc tự  sáng tác “Try”. Ca khúc kể về chính cuộc đời và những biến cố mà cô gặp phải, thể hiện nghị lực vượt qua nghịch cảnh.

Bài hát mở đầu bằng những lời ca đầy cảm xúc khiến nhiều người rơi nước mắt: “Tôi không còn cảm nhận được như trước đây/ Bầu trời trở nên xám xịt hơn/ Nhưng tôi biết một ngày nào đó tôi sẽ vượt qua/ Và giành lại vị trí của mình một lần nữa/ Nếu tôi cố gắng…”.

Nghị lực và tài năng của Mandy đã khiến giám khảo Simon Cowell bấm nút “vàng”, cho phép cô tiến thẳng vào vòng biểu diễn trực tiếp (live show).

Huỳnh Anh
.
.
.