Đạo diễn Nguyễn Ngọc Mai:

Mất nhiều nhưng nhận lại nhiều hơn

Chủ Nhật, 29/10/2017, 14:46
Ở tuổi 18, Nguyễn Ngọc Mai chưa hiểu mình thích làm gì, muốn trở thành một người như thế nào. Dù đỗ Học viện Ngoại giao trong kỳ thi tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2017 nhưng Mai xin phép bố mẹ “gap- year” - nghỉ một năm trước khi học đại học để trải nghiệm cuộc sống. Rồi tình cờ, Mai đến với phim ảnh và ghi tên mình trong lịch sử của giải thưởng Bông sen vàng diễn ra vừa qua với 3 giải cùng một lúc trong bộ phim tài liệu “Lẫn”.


- Lần đầu tiên trong lịch sử của giải thưởng Bông sen vàng, có một tác giả trẻ đoạt cùng một lúc 3 giải thưởng: Búp sen vàng phim tài liệu do khán giả bình chọn, Búp sen vàng phim tài liệu do Ban giám khảo bình chọn, Búp sen vàng phim tài liệu đầu tay xuất sắc. Em có nghĩ, mình sẽ thắng lớn như vậy không?

+ Sau khi nghe Ban tổ chức công bố 2 giải đầu tiên thuộc về mình, em đã rất bất ngờ. Em nghĩ, không còn giải nào nữa và dừng ở đó đã là một điều tuyệt vời rồi. Khi giải thứ 3 được công bố, em đang nhắn tin với bạn khoe về 2 giải thưởng kia. Khi nghe thấy tên mình được xướng lên, em đã bị sốc, mãi mới bước lên sân khấu vì vẫn không tin rằng giải cuối cùng cũng thuộc về mình.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Ngọc Mai năm nay mới 18 tuổi.

- Bộ phim tài liệu của bạn được đánh giá cao ở sự chân thực, cảm động về tình cảm gia đình. Vì bộ phim chưa được chiếu rộng rãi nên nhiều khán giả vẫn chưa có cơ hội được xem nó. Mai có thể nói một chút về nó không?

+ “Lẫn” lấy bối cảnh ở làng Then, tỉnh Bắc Giang. Nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong phim là ông bà, cô ruột của em. Bà em là người bị thoái hóa chất trắng. Gần 2 năm trước, bà ốm nặng, sau đó có phục hồi lại nhưng bị lẫn. Càng về sau, bà càng quên nhiều thứ. Nhất là bà có cách hành xử, nói chuyện rất giống trẻ con. Bộ phim nói về tình cảm yêu thương của người già, ông em, cô em chăm sóc bà như thế nào và cách gia đình em vượt qua chuyện đấy ra sao.

- Nhiều bạn làm phim trẻ hiện nay thường đi vào những đề tài có vẻ giật gân, câu khách. Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Mai lại khá bình dị với tình cảm người già trong “Lẫn”?

+ Em nghĩ, điều quan trọng không phải là phá cách, giật gân hay bình dị mà ở việc, mình có tâm huyết với nó không. Ban đầu, em cũng hoang mang vì không rõ mình sẽ làm một bộ phim như thế nào, về cái gì. Sau đó, em được truyền cảm hứng từ một người thầy của em.

Thầy nói với em, em nên làm phim về cái gì mà mình có động lực, có tâm huyết, có tình cảm thì mình mới làm nó một cách chân thành và sâu sắc được. Trong quá trình học một khóa học ngắn về làm phim tài liệu tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam, em cũng được truyền cảm hứng bởi chị đạo diễn Nguyễn Ngọc Thảo Ly, người cũng từng giành thắng lợi kép tại Búp sen vàng năm 2016 với bộ phim “Rito Rito”. Đó cũng là một người rất chân thành khi làm phim.

- Chân thành khi làm phim ư? Với Mai, như thế nào được gọi là chân thành?

+ Mỗi người sẽ có một cách chân thành riêng. Nó gần như là kiểu một lý tưởng. Có người sẽ cho rằng cái này đẹp hơn nhưng cũng có người khác cho rằng, cái kia mới thực sự đẹp. Em nghĩ, sự chân thành khi làm phim nghĩa là phải chân thành với chính mình, biết mình muốn phản ánh điều gì, mình học được điều gì khi mình làm bộ phim đó. Và sau khi phản ánh và hiểu được bản thân mình như thế nào.

Một cảnh trích trong bộ phim tài liệu “Lẫn” của Nguyễn Ngọc Mai.

- Nhắc đến phim tài liệu lâu nay, phần lớn khán giả vẫn cho rằng đây là thể loại phim dành cho người già và người ta cũng ngại xem nữa. Nguyễn Ngọc Mai mới 18 tuổi thôi, bộ phim đầu tay của em đã “bập” ngay vào thể loại này rồi. Em thấy mình có già so với bạn bè không?

+ Hơi hơi (Cười!). Thực ra, em không có nghĩ quá nhiều về điều này lắm. Mối nhân duyên dẫn đến việc em đi làm phim cũng tình cờ. Được biết, TPD có mở những khóa tài trợ học làm phim miễn phí cho các bạn trẻ. Em vốn thích phim nhưng không hiểu lắm, nên thử đăng ký để tìm hiểu.

Để rồi, trong quá trình làm, em mới biết, có nhiều khó khăn hơn em tưởng. Và cũng đã có những lúc em nghĩ, có lẽ mình không hợp với mảng này. Nhưng sau đó, em nhận ra một điều rằng: trải nghiệm này không mất gì, trải nghiệm này là miễn phí; và em mất rất nhiều thứ, để rồi em có được nhiều thứ hơn.

- Mai mất những gì?

+Thời gian, công sức… Em đi đi về về quê để quay. Có một điều thú vị đó là trong thời gian làm phim, lần đầu tiên, em tự về quê bằng xe khách. Trước toàn đi với bố mẹ. Em bắt đầu tự lập và hiểu ra rằng, mình muốn làm gì thì phải hướng tới mục đích đó và sẽ cố gắng bằng tất cả sức mình.

Và có một điều nữa, em không chắc nó là được hay mất, khó trả lời rành rọt quá; nhưng rõ ràng, thời gian gắn với trải nghiệm này làm em suy nghĩ và ngẫm nghĩ về câu chuyện của chính gia đình mình, bản thân mình.

- Ngẫm nghĩ như thế, em thấy điều gì là xúc động nhất?

+ Em nghĩ về việc bà em bắt đầu lẫn và quên đi dần mọi thứ. Em bắt đầu suy nghĩ rằng sau khi quên rất nhiều thứ thì điều gì sẽ còn lại, ở lại? Em nghĩ, bộ phim của mình đã trả lời câu hỏi đó. Mặc dù bà em lẫn, dù gia đình còn có những khó khăn khi chăm sóc bà hay bà đã có những thay đổi mà không còn như trước nữa. Tất cả biết nhưng vẫn vui với những thứ không bao giờ thay đổi. Ít nhất là tình cảm gia đình dành cho bà không thay đổi. Bà cũng thế.

- Trực tiếp cầm máy quay, quay lại chính người thân của mình, cảm giác như thế nào?

+ Ban đầu, em dễ xúc động. Dù em biết, đạo diễn cần có một cái đầu lạnh nhưng có những lúc khi quay, em xúc động, cầm máy quay không chắc thì em tắt máy quay đi, không quay nữa. Sau một vài lần, không hẳn quen với điều đó nhưng em cảm thấy, em đã lỡ mất một cái gì đấy và em tiếc vì đã không ghi lại khoảnh khắc ấy để chia sẻ lại với những người khác trong gia đình.

- Làm xong phim, em có đưa cho gia đình, bạn bè xem không? Phản ứng mọi người ra sao?

+ Trong gia đình, mọi người không nói trực tiếp những cảm nhận về bộ phim. Nhưng em có thể cảm nhận được cảm xúc qua cách phản ứng của mọi người. Chẳng hạn như chiều em hơn, bố em còn in đĩa mang về cho ông bà em xem. Khi bắt tay làm “Lẫn”, một phần thỏa niềm yêu thích phim của em, một phần nữa, đó là tình cảm của em dành cho gia đình mình.

Bộ phim của cô gái 18 tuổi nhận được sự đánh giá cao.

Em cũng không nghĩ, mình nhận được một điều gì đó khác. Nhưng một trong những điều tuyệt vời nhất khi làm xong bộ phim này là có những người bạn nhắn tin rằng họ tự hào về em và họ như được truyền cảm hứng về những điều họ tin, họ thích. Em nghĩ mỗi người sẽ rút ra cho mình một điều gì đó, một giá trị nào đó. Riêng điều đó thôi, cũng đã rất vui rồi.

- Sau “Lẫn”, em có định làm tiếp phim tài liệu về một nhân vật nào đó không?

+ Nếu em gặp được một nhân vật thú vị cho em nhiều cảm xúc và tình cảm, em sẽ làm.

- Tương lai dài thì sao?

+ Trước đây, bố mẹ trước cũng định hướng em theo nhiều nghề. Còn em,  thì chưa hiểu mình thực sự thích cái gì. Sau khi đỗ vào Học viện Ngoại giao, bố mẹ ít nhiều cũng yên tâm phần nào về con mình; nên khi em xin phép “gap- year” – nghỉ học một năm để trải nghiệm cuộc sống, thì bố mẹ đồng ý.

Chưa chắc chắn 100% nhưng em nghĩ, em khá thích sân khấu và điện ảnh và muốn có cơ hội học cả 2 ở bậc đại học. Hai ngành này khác nhau nhưng có một điểm chung đó là giúp em diễn tả được cách nhìn của mình với đời sống, thể hiện được cảm xúc, quan điểm của mình trước cuộc đời.

- Cảm ơn em!

Búp sen vàng là giải thưởng phim ngắn được tổ chức thường niên từ tháng 4-2010 bởi Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam. Giải thưởng nhằm mục đích tôn vinh những nhà làm phim không chuyên xuất sắc nhất thuộc Cộng đồng Chúng ta làm phim (CTLP) của Trung tâm TPD trong vòng 1 năm hoạt động. Sau 7 lần tổ chức thành công, Lễ trao giải Búp sen vàng đã trở thành ngày hội được mong đợi nhất trong năm của cộng đồng các nhà làm phim trẻ, đồng thời được báo chí và các nhà chuyên môn đánh giá là một trong những giải thưởng phim ngắn có uy tín tại Việt Nam.

Nhiều bộ phim tài liệu và phim truyện ngắn từng được đề cử giải thưởng Búp sen vàng đã và đang “chinh chiến” ở nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế, mang lại niềm tự hào to lớn cho cộng đồng làm phim trẻ thuộc Trung tâm TPD.

Trải qua 7 lần tổ chức, giải Búp sen vàng ngày càng khẳng định được uy tín khi có sự tham gia của rất nhiều nhà làm phim tên tuổi trong và ngoài nước ở vị trí ban giám khảo như đạo diễn Mark Jonathan Harris (từng đoạt 3 giải Oscar), đạo diễn Arnaud Soulier, nhà sản xuất/ diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Phan Huyền Thư, đạo diễn Nguyễn Trinh Thi, đạo diễn Nguyễn Kim Hải, đạo diễn Trần Phương Thảo, nhà quay phim Hoàng Tấn Phát, nhà dựng phim người Pháp Julie Béziau, nhà báo Tạ Bích Loan, diễn viên Johnny Trí Nguyễn, diễn viên Thái Hoà, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Hồng Ánh, …

Du Nguyên
.
.
.