GS-NSND Đình Quang : Mây gió về trời

Thứ Ba, 21/07/2015, 10:20
Sáng sớm, trên trang Facebook của biên tập viên Nguyễn Mỹ Linh, con gái GS--TS-NSND Đình Quang đã có những dòng đầy đau đớn thương tiếc người cha kính yêu của mình. Tin dữ truyền đi, nhanh chóng và lan tỏa, hàng loạt nghệ sĩ khắp ba miền Bắc Trung Nam đều đồng thanh chia sẻ tưởng nhớ người thầy lớn, cây đại thụ của nền sân khấu nước nhà.

GS-TS-NSND Đình Quang ra đi ở tuổi 87 khi du lịch cùng con cháu tại Đà Nẵng, rồi mệt, được đưa vào bệnh viện và trút hơi thở cuối cùng trong đêm 12/7.

GS-NSND Đình Quang là thầy của nhiều nghệ sĩ thành danh trong giới sân khấu và điện ảnh của nhiều thế hệ như NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh, NSƯT Anh Tú, NSƯT Chí Trung... Dù các học trò của ông luôn có nhiều người thầy, người cô, nhưng GS - NSND Đình Quang luôn ở một vị thế bất di bất dịch, luôn được các học trò của mình kính trọng và yêu mến đặc biệt.

Dáng người nhỏ, bước đi chậm rãi, khuôn mặt phúc hậu hiền từ, giọng nói từ tốn và vô cùng hóm hỉnh, NSND Đình Quang luôn để lại ấn tượng gần gũi, thân thương, ấm áp với những ai được tiếp xúc. Khi còn đương công tác ông giữ nhiều trọng trách, năm 32 tuổi đã là Hiệu trưởng Trường Đại học- Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, rồi sau này đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Văn hóa khi đất nước trong thời kì đầu đổi mới.

GS-TS-NSND Đình Quang.

Ở các cương vị lãnh đạo, từ Thứ trưởng hay sau này là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Đình Quang luôn thể hiện được tư thế và vai trò cá nhân của mình (đôi khi có tính quyết định) với việc ra đời của nhiều tác phẩm nghệ thuật. Không có sự can thiệp của Thứ trưởng Đình Quang, khó có thể có một "Tôi và chúng ta" của cặp bài trùng tác giả Lưu Quang Vũ - đạo diễn Hoàng Quân Tạo (Nhà hát kịch Hà Nội) được tượng hình trên sân khấu trước sức ép từ tư duy bảo thủ giáo điều trong một số người lãnh đạo giới văn hóa văn nghệ thời kì ấy.

"Bài ca Điện Biên" (tác giả Tất Đạt - đạo diễn Doãn Hoàng Giang - Nhà hát kịch Việt Nam) chấn động dư luận dịp kỉ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng phải có sự đỡ đầu bằng chính bản lĩnh, sinh mệnh chính trị của Thứ trưởng Đình Quang mới được bảo toàn trọn vẹn tính tổng thể của vở diễn, dù chỉ là một câu thoại: "Báo cáo Đại tướng Tổng tư lệnh".

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng với ông, không hoạt động đồng nghĩa với việc là chết ngay từ khi còn sống. Ngày nào ông cũng cập nhật thông tin từ nhiều kênh. Ông đọc báo giấy, báo mạng, và cả gặp gỡ mọi người để lấy thông tin. Ông chẳng bỏ qua chuyện gì từ văn hóa, kinh tế, chính trị và những câu chuyện xoay quanh làm thế nào để phát triển sân khấu, có kịch bản hấp dẫn và vở diễn hay.

Ông hay đến Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo để gặp người của sân khấu. Cả cuộc đời ông gắn bó với sân khấu qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từ thời kì sân khấu hoàng kim rực rỡ, cho đến giai đoạn đất nước đổi mới sân khấu bị o ép đìu hiu vì có nhiều loại hình nghệ thuật khác cạnh tranh rầm rộ. Ông là chứng nhân về sự xuất hiện cũng như sự ra đi của nhiều ngôi sao sáng trong không gian sân khấu, đó là những Lưu Quang Vũ, Trọng Khôi, Hoài Giao, Hoàng Dũng… Và với mỗi người, ông luôn có những kỉ niệm. Ông là người có trí nhớ tốt, với mỗi người thì ông luôn có những câu chuyện nhỏ. Câu chuyện nhỏ nhưng kỉ niệm lớn.

Sáng 13/7, tại Nhà hát Tuổi Trẻ, NSND Lan Hương nước mắt mọng bờ mi òa khóc tức tưởi: "Thầy mất rồi". Chị chạy vào phòng của Giám đốc Trương Nhuận hỏi xem GS-NSND Đình Quang gửi phòng lạnh ở bệnh viện nào chị sẽ mua hoa vào viếng thầy. Anh Trương Nhuận bảo: "Bây giờ gia đình đang đưa linh cữu của ông từ Đà Nẵng ra bằng đường bộ". GS-NSND Đình Quang là thầy hướng dẫn  luận án tốt nghiệp đại học và tốt nghiệp cao học của NSND Lan Hương. Chị sụt sùi nói: "Xin thầy tha lỗi cho con vì một lần con đã nói dối thầy. Sau này thầy hỏi con, con vẫn cứ không dám nói thật".

Chuyện là đầu những năm của thập niên 90, khi GS-NSND Đình Quang dựng một vở kịch cho Nhà hát Tuổi Trẻ, NSND Lan Hương đóng vai chính. 8h tối hôm ấy tổng duyệt có các lãnh đạo ban, ngành đến dự. Vậy mà 8h30’ vẫn không thấy bóng dáng của nữ diễn viên chính đâu. Lòng GS - NSND Đình Quang như  lửa đốt. Tất cả các quan khách đều ngồi đợi giờ mở màn. Thêm 10 phút nữa, nữ diễn viên chính mới hớt hải chạy đến nhà hát, thay phục trang ra sân khấu.

Sau buổi biểu diễn, NSND Đình Quang ôn tồn bảo: "Lan Hương là người làm việc nghiêm túc, sao hôm nay con lại đến muộn để cả trăm người ngồi đợi một mình con?". Cô học trò nghĩ ngay đến một cốt chuyện nói thế nào để thầy không giận, mà còn thông cảm. Chị bảo: "Thầy ơi, con bị đau răng lắm, răng nhức buốt lên đến tận óc, mà tối nay lại là buổi tổng duyệt vở quan trọng nên buổi chiều con đến bác sĩ nha khoa. Thầy thuốc tiêm cho con một mũi giảm đau, con không biết trong đó có thuốc ngủ và con đã ngủ một mạch nên đến trễ giờ. Con ân hận và xin lỗi thầy lắm...". Người thầy đức độ và hiền từ nghe thấy thế liền cảm thông ngay chứ không hề trách mắng gì.

Thật ra hôm đến diễn muộn không phải là do chị bị đau răng, mà do đi đóng phim về đến nhà mệt lả và ngủ thiếp đi đến hơn 8 giờ tối mới tỉnh giấc. Người thầy bằng sự nhạy cảm và sắc sảo đã đoán ra cô trò nhỏ của mình đang nói dối, có vậy nên sau này nhiều lần gặp NSND Lan Hương, ông vẫn ôn tồn hỏi câu hỏi cũ: "Con có nói thật với ta không?". Cô học trò nhỏ vẫn không dám nói thật, nhưng người thầy nhân từ không hề trách mắng. Bây giờ thầy đã ra đi rồi, NSND Lan Hương nước mắt tràn hai bờ mi thảng thốt gọi hai tiếng: "Thầy ơi!"

Năm nào cũng vậy vào trưa mồng 4 Tết hằng năm là tại dinh cư của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang lại họp mặt những người bạn thân thiết. GS-TS-NSND Đình Quang vừa là thầy của đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang và cũng là người anh lớn thân thiết. NSND Doãn Hoàng Giang học được ở người thầy của mình sự tinh tế, nhẹ nhàng, chẳng thấy cáu khi nào, chẳng bao giờ nói câu gì nặng nề, lúc nào cũng thâm trầm, tinh tế và kín đáo.

Trong buổi gặp mặt ý nghĩa đó, đạo diễn Doãn Hoàng Giang luôn trang trọng mời thầy của mình vào vị trí chủ tọa. Nhiều năm liền tôi cũng có mặt ở buổi tiệc đầu năm ở nhà đạo diễn họ Doãn. Buổi tiệc đó luôn có thầy NSND Đình Quang, NSƯT Lê Chức, nhà văn Ngô Thảo, hai chị em diễn viên Quế Hằng, Quế Phương, vợ chồng diễn viên Lan Hương - Đỗ Kỉ, NSƯT Trung Hiếu, và có cả nhà nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cùng với một số nghệ sĩ khác nữa. Ở dưới bếp, chị Lan Hương (“Hương bông”) trổ tài khéo tay làm nem cua bể. Hai chị em Quế Hằng, Quế Phương làm bún thang. Riêng đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang tự tay cuốn nem giò tai.

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm, con trai của đạo diễn Doãn Hoàng Giang liên tục khui rượu vang đỏ mời cả nhà. Thầy Đình Quang luôn được đám trò nhỏ chăm sóc chu đáo: "Thầy ăn cái này nhé" hay "Thầy thấy có ngon không, có vừa miệng thầy không ạ?...". Ở buổi tiệc như thế, chúng tôi được nghe về những câu chuyện sân khấu, có cả chuyện buồn, chuyện vui, chuyện đời, chuyện nghề. Đôi lúc, không khí  lắng xuống, mọi người lại tổng kết năm nay ai là người của sân khấu đã ra đi.

GS-TS-NSND Đình Quang và con gái - MC Mỹ Linh.

Vậy là cứ từng người, từng người một xa lìa cõi thế. Hôm nay đây, chúng tôi nghe tin ông mất, vậy là từ giờ trở đi trong cuộc gặp mặt đầu năm ở nhà đạo diễn Doãn Hoàng Giang sẽ vắng bóng ông, GS - NSND Đình Quang. Chúng tôi sẽ không còn được nghe những câu chuyện hóm hỉnh và giọng nói từ tốn của ông. Ông như người thầy, người ông, người cha, người anh thân thiết và gần gũi của chúng tôi.  Biết rằng, rồi sẽ có lúc ai cũng phải ra đi sao vẫn thấy lòng bâng khuông, tiếc nuối.

Sáng sớm nay, hay tin thầy mất, đạo diễn Doãn Hoàng Giang ngồi một mình thâm trầm ở quán cafe phố Đỗ Hành. Phố Đỗ Hành ngay cạnh tòa soạn báo của chúng tôi. Thấy tôi ra, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đọc cho tôi bài thơ: "Thơ Doãn Hoàng Giang vẽ chân dung thầy Đình Quang". Những câu in nghiêng đậm trong bài là những vở kịch do tự tay thầy GS - NSND Đình Quang đạo diễn:

"Chưa có ghế anh trồng Bạch Đàn Liễu cho Quê hương Việt Nam giữa buổi tàn đêm/ Đất ngọt vẫn ngọt ngào qua từng cơn Bão biển/ Xóm vắng đìu hiu/ Đêm giông tố vẫn êm đềm.

Có ghế rồi anh mắc liền Bệnh sĩ/ Quên cố nhân khi Tuổi hai mươi/ Mượn Người tốt ở Tứ Xuyên làm Chứng nhân lịch sử/ Nhưng người tốt ở đâu chỉ là mơ ước Hão huyền".

Ghi lại bài thơ xong, tôi thấy đạo diễn Doãn Hoàng Giang lặng lẽ trầm ngâm, vậy là cứ lần lượt từng người của sân khấu lại ra đi. Tiết trời khắc nghiệt, nắng hè bỏng rát gay gắt kéo dài dữ dội, tuổi cao sức yếu, ông ra đi đột ngột để trở về với đất mẹ bao dung. Ở thế giới bên kia ông sẽ gặp những người bạn, những đồng nghiệp và học trò của mình. Một nén nhang thơm tỏ lòng thành kính dâng lên ông, GS-NSND Đình Quang.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.