Mỗi ngày cả nhớ lẫn quên

Thứ Sáu, 21/07/2017, 09:00
Lẩn thẩn nhớ quên cả một ngày nên ghi chép nãy giờ nhiều quá, toàn là chuyện vụn vặt thôi xem như hầu bạn đọc mua vui hy vọng được vài phút ngắn ngủi vậy.


Mấy hôm trước, anh Phan Hoàng gọi đi tham dự giao lưu cây bút trẻ với Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Miệng thì dạ dạ, đầu thì gật gật, nhưng hẳn là không đi rồi.

Tính mình từ bé đến giờ luôn ngại chỗ đông người, có cà phê nhiều lắm cũng hai, ba, có uống rượu quá lắm cũng chỉ ba, bốn. Mỗi lần tham dự tiệc tùng không từ chối được, luôn là một sự cố gắng phi thường. 

Chắc anh Phan Hoàng cũng buồn, chắc anh Phan Hoàng cũng giận. Có nhớ thì mới gọi nhau, đành lòng vậy cầm lòng vậy, biết là làm sao.

1. Đang ngồi gõ lọ mọ trên phòng thì anh Nguyễn Tập gọi hỏi: "Hữu đâu?". "Em viết ở cơ quan". "Đợi anh xíu" - Nguyễn Tập đợi dưới tán cây cổ thụ trước cơ quan, nón bảo hiểm trên đầu cười tươi, tay chìa ra quyển sách mới in "Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero", một quyển du ký. 

Anh Tập lành tính, hiền khô. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc tại TP Hồ Chí Minh rồi sang Mỹ học tiếp ngành báo chí của Đại học Houston, tiếp nữa làm thường trú tại Thái Lan của Báo Thanh Niên.

Anh Tập tài hoa, tóc bồng bềnh lãng tử, chơi guitar rất hay, chân đi không mỏi. Tập kể chậm rãi, từ tốn: "Giấc mơ Nam Mỹ đã hấp dẫn tôi từ ngày bé, bởi những cô hoa hậu thế giới nóng bỏng người Venezuela, bởi vua bóng đá Maradona… Nhưng từ Việt Nam đến Nam Mỹ xa diệu vợi, nên giấc mơ đó đành gác lại vô thời hạn. Năm 2006, tôi qua Mỹ học, tình cờ được xem cuốn phim "Nhật ký xe máy" (Motocycle Diaries) kể về chuyến du hành dọc Nam Mỹ của Che Guevara khi còn là cậu sinh viên y khoa năm cuối. Cuốn phim đã đánh thức giấc mơ xưa. Thế là tìm tài liệu đọc và biết thêm Nam Mỹ còn có nền văn minh Inca quá lẫy lừng. Đọc lai rai, chuẩn bị tư liệu trong một năm, và tôi lên đường".

Cái phim "Nhật ký xe máy" rất hay, rất yêu. Ai có thời gian nên xem một chút để hiểu nhiều điều, để thấy tuổi trẻ quý giá như thế nào, để thấy những cơn lãng mạn mãi mãi ở lại với tuổi trẻ như thế nào, để thấy thời mà ta sung sức nhất, hồn nhiên nhất hạnh phúc ra sao.

Viết đến đây lại nhớ nhà thơ Thanh Tùng. Thanh Tùng khuôn mặt đã phảng phất thơ ca rồi huống hồ là đến tác phẩm, "Quán ngập lá và mắt em đen thế/ Rượu không say chỉ đủ để buồn thôi", "Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say"… 

Nhà báo Nguyễn Tập.

Ngồi trong quán vắng, nói những câu chuyện không đầu không cuối, nhà thơ Thanh Tùng vỗ vai khẽ khàng bảo: "Như cậu là thích, tuổi trẻ là thích". Mình cười cười: "Như bác mới thích, thi sĩ lừng danh mới thích". 

Hơn mười năm trôi qua, khi nhìn vào gương đã thấy tóc lòa xòa sợi bạc mới thấy câu nói của nhà thơ Thanh Tùng đúng quá, duy chỉ có tuổi trẻ là thích thôi. Cái giấc mộng vàng son ấy vĩnh viễn không quay trở lại nữa rồi, vĩnh viễn đã trôi về miền vô thanh vô ảnh rồi, vĩnh viễn không còn nhớ mỗi sớm mai thức dậy nhiệt thành nữa rồi.

Những năm xưa còn khỏe khoắn, Thanh Tùng hay bình thơ trên tờ Kiến thức Gia đình của anh Lê Thiếu Nhơn. Mình trẻ con, mỗi tuần chạy sang tòa soạn ngồi viết vặt, lần nào nhìn thấy Thanh Tùng đều cung kính cúi đầu chào. Người đàn ông này tài hoa quá đỗi, người đàn ông này trời cho nhiều quá đỗi, vậy mà vẫn buồn. Thi sĩ hay thế nhỉ, làm sao cũng buồn. Nói kiểu như anh Trần Nhã Thụy vẫn nghịch: "Ừ thì đời buồn buồn vui vui". 

Lê Thiếu Nhơn mới in quyển chân dung - phê bình có tựa "Hoa rơi hữu ý", với 22 chân dung tác gia cực kỳ hay và quý giá, từ Văn Cao cho đến Phùng Cung rồi Đông Hồ, Trần Huyền Trân, Hữu Loan cho đến Hoàng Nhuận Cầm, Dư Thị Hoàn, Phạm Công Trứ… 

Anh Nhơn viết: "Người Việt muốn hội nhập văn hóa thế giới, điều trước tiên phải làm là tự soi rọi tâm hồn mình, để suy nghiệm tâm hồn Việt nắng mưa nhẫn nại, tâm hồn Việt gió mây chịu đựng, tâm hồn Việt dằn vặt yêu thương, tâm hồn Việt bãi bờ tha thứ, tâm hồn Việt đại ngàn khoan dung. Thi ca có thể gánh vác sứ mệnh ấy, nếu công chúng chia sẻ được những thao thức của nhà thơ chưa bao giờ khô cạn trên từng dòng bản thảo xanh xao. Tập sách này được hoàn thành không có tham vọng gì lớn lao, ngoài mục đích truy vấn một câu hỏi vừa âm thầm vừa sốt ruột: "Nhiều nhà thơ đã thả ưu tư vào bộn bề hôm nay như hoa rơi hữu ý, lẽ nào bạn đọc lại như nước chảy vô tình…?"".

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Anh Nhơn với mình có nhiều kỷ niệm ngút ngàn, mình theo nghề viết được anh dạy cũng lắm. Những chiều chạng vạng vỉa hè, những đêm vật vờ đồi núi. Nhơn lành, tính hay đùa, mặc cho trên trang viết lúc nào cũng minh định đúng sai rõ ràng, cái nếp không phải ai cũng thích. 

Nhưng sống như vậy là hay nhất, sống như vậy là khó nhất, sống như vậy mới là thỏa chí bình sinh nhất. Bởi suy cho cùng trong kiếp người đơn lẻ và ngắn ngủi này, nếu mình không tự là mình thì còn gì nữa đâu, chớp mắt đã lụi tàn rồi thì làm sao còn đủ thời gian để so đo hay chiều lòng người khác được. 

Nhà Nguyễn Đức Vân chênh vênh núi đồi Bảo Lộc, mấy anh nói dạo này nhà đẹp lắm rồi, có am tu có chỗ lưu trú, có sim chín mọng au… Nhơn với mình lên thăm Nguyễn Đức Vân, lúc đó nhà chỉ là nhà gạch còn chưa đắp xi măng. 

Vân có khách nên vui, nấu cơm lam nói kiểu Tây Tạng ăn ngon lắm. Nhơn nhìn trước nhìn sau hỏi mượn Vân cái xe gắn máy cũ đến mức không thể cũ hơn, quay qua nói mình: "Hai anh em đi chút". Một phát Nhơn chở mình lên tận chợ Bảo Lộc mua thức ăn mặn. 

Về đến nơi, Vân nhìn nghi nghi nói, hai ông đi mua thịt phải không? Nhơn chối, có mua gì đâu, lang thang chơi thôi. Đêm lửa cháy bập bùng, Nguyễn Đức Vân ngồi đọc thơ rồi nói chuyện kinh kệ, Nhơn ngồi gật gật đầu tay bốc thịt ăn. Thi thoảng, kể một điển tích văn chương. Mình nằm chèo queo không biết nghĩ gì, hết nhìn Vân rồi đến nhìn Nhơn, thấy đời sống nhẹ nhàng quá đỗi.

2. Anh Lưu Đình Triều rủ anh Lê Minh Quốc với mình đi uống bia. Quán quen, người cũ thật thú vị. Cuộc đời của anh Triều nhiều biến cố, may mà vẫn giữ được cái tình rất tình và cái giọng cũng rất tình.  

Anh Triều vừa tuyển chọn in quyển "Lưu Quý Kỳ - Người nghệ sĩ tài hoa độc đáo". Lưu Quý Kỳ là thân sinh của anh Lưu Đình Triều, ông là nhà văn, nhà báo dấn thân mạnh mẽ, ông đúng là một trí thức của thời đại trước thời cuộc. Khi ông mất đi, Ban Tổng thư ký Hội Nhà báo Quốc tế ghi nhận: "Mất nhà báo Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất". Ông là một người Cộng sản chân chính.

Nhà báo Lưu Đình Triều.

Hôm nào đó cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng viết về ông đầy trân trọng, "Lưu Quý Kỳ - người anh trong làng báo Việt Nam", kể lại kỷ niệm về buổi chiều đầu tiên đi nghe Lưu Quý Kỳ diễn thuyết ở vùng giải phóng miền Tây năm 1950 và: "Giờ đây, tôi đang đọc tác phẩm của anh (Lưu Quý Kỳ). Mặc dầu anh đi xa hơn 20 năm rồi, tác phẩm và tên tuổi của anh vẫn nằm trong lòng những người yêu quý. Đọc anh, tôi có thêm một điều bất ngờ, anh là người miền Trung, nhưng hiểu về phong thổ, về địa lý, về sông rạch của Nam Bộ rất rành rẽ. Đặc biệt hơn và sâu sắc hơn là hiểu về con người Nam Bộ với một tấm lòng ưu ái. Mỗi bài viết của anh đều có những chi tiết không thể quên".

Đời sống nhiều kỳ lạ, nhà văn, nhà báo Lưu Quý Kỳ bên này anh Lưu Đình Triều bên kia, cha con hai lối chỉ tình thân mới thật ruột rà. Mấy lần ngồi cùng anh ướm lời mình có hỏi, "Ông cụ với anh có nói điều gì khác ngoài tình thân không?". Anh Triều kể, "Ba hỏi anh rồi giờ tính đi làm gì, cái hồi thống nhất đất nước". Anh trả lời: "Con muốn đi làm báo". Ông Lưu Quý Kỳ suy nghĩ hồi lâu rồi nói một điều gì khác, vậy mà tài hoa dường như di truyền, Lưu Đình Triều trở thành nhà báo nổi danh.

Lẩn thẩn nhớ quên cả một ngày nên ghi chép nãy giờ nhiều quá, toàn là chuyện vụn vặt thôi xem như hầu bạn đọc mua vui hy vọng được vài phút ngắn ngủi vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.