Nhà văn Phong Điệp:

‘Mỗi tác phẩm giống như một bữa tiệc’

Thứ Hai, 15/06/2015, 09:00
Tôi viết như là nhu cầu thiết thân. Bởi vậy tôi hoàn toàn không có ý định "tổng kết" đầu sách như là bảng đánh giá thành tích, mà chỉ tự nhủ mình viết cái gì đừng để bị uổng phí: uổng phí công sức bản thân, uổng phí thời gian, tiền bạc của độc giả. Văn chương giúp tôi sống có ý nghĩa hơn...

- Chúc mừng nhà văn Phong Điệp vì sự trình diện ấn tượng của "Ga ký ức" - cuốn tiểu thuyết thứ ba, đầu sách thứ mười tám trong gia tài văn chương của chị. Từ truyện ngắn "Ma mèo" - tác phẩm có thể coi là tấm vé thông hành, tấm thẻ căn cước để chị có thể dấn thân bền bỉ làm một nhà văn chuyên nghiệp - đến tiểu thuyết "Ga ký ức" là cả một hành trình dài. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, chắc hẳn là một "ga ký ức" luôn giục mời con tàu văn chương của chị tìm về?

Tôi viết như là nhu cầu thiết thân. Bởi vậy tôi hoàn toàn không có ý định "tổng kết" đầu sách như là bảng đánh giá thành tích, mà chỉ tự nhủ mình viết cái gì đừng để bị uổng phí: uổng phí công sức bản thân, uổng phí thời gian, tiền bạc của độc giả. Văn chương giúp tôi sống có ý nghĩa hơn. Tôi hay đùa với bạn bè, may mà còn có văn chương để tôi vẫy vùng, thể hiện chứ không thì tôi cũng chẳng biết làm gì. Buôn bán thì chắc ba bữa mất sạch vốn, đi dạy học thì không đủ kiên nhẫn, làm nhân viên văn phòng chắc được một tháng thì bỏ nhiệm sở đi chơi…

Quả thực từ "Ma mèo" đến giờ là một hành trình dài, và cũng rất cực nhọc. Thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng. Hai chữ "chuyên nghiệp" buộc tôi làm việc có trách nhiệm hơn, học hỏi và rèn giũa nhiều hơn chứ không thể chỉ vin vào cái sẵn có là "năng khiếu". Để đạt được thành công, năng khiếu chỉ chiếm 5% mà thôi.

- Nhìn tên sách và đọc chương đầu của "Ga ký ức", tôi cứ chắc mẩm lần này Phong Điệp đã làm một chuyến trở về "tự - ăn - mình - vĩ - đại". Nhưng đến hai chương sau thì lại gặp một Phong Điệp ham chơi cấu trúc, thích phiêu lưu trong thế giới của hư cấu, tưởng tượng. Chị quan niệm như thế nào về hai kiểu văn chương này?

Tôi luôn hình dung thế này: mỗi tác phẩm giống như một bữa tiệc. Để tạo hứng thú, sự hấp dẫn thì cần tài năng cũng như sự tinh tế, khéo léo của người đầu bếp. Đừng mời thực khách đến dự những bữa ăn mà họ biết mười mươi nó là gì và không còn cảm giác háo hức, chờ đợi. Mừng là Ga ký ức đã khiến bạn thấy bất ngờ. "Hai kiểu văn chương" mà bạn gọi tên trên đây, tôi nghĩ, có lẽ còn nhiều hơn thế. Giống như khối rubic mặc định chỉ có sáu mặt, nhưng bạn thấy đấy, mỗi lần xoay nó lại tạo thành một mặt với những mảnh ghép rất khác nhau. Nghề viết và văn chương luôn quyến rũ tôi là vì thế. Không có khuôn mẫu, công thức nào hết; ngược lại văn chương luôn mở ra vô vàn những con đường, kích thích người viết dấn bước và thử sức.

- Nhưng tôi vẫn cứ thích thú với chương một của cuốn sách hơn cả, bởi cường độ cảm xúc, cảm hứng, bởi cái chất giọng vừa trào giễu, vừa rưng nghẹn, và bởi ở đó, tôi gặp lại "những ngày buồn" của bản thân, gia đình, làng xóm những năm của thập niên tám mươi thế kỷ trước…

Tôi hạnh phúc vì bạn đọc của mình có những phản hồi rất đa dạng. Có người đọc thích chương một giống như bạn vì tìm thấy sự gần gũi, đồng cảm. Nhưng như thế thì chỉ là một câu chuyện "tự - ăn - mình" như bạn đã cảnh báo rất đúng ở trên. Có bạn đọc thì khuyên tôi nên bỏ hẳn chương một, mà chỉ duy trì chất hiện thực - huyền ảo của những phần sau, và họ quan niệm đó mới thực sự là sáng tạo có giá trị. Nhưng sự đánh đố đó liệu có hiệu quả khi chân đế quá khứ - hiện thực chưa được dựng chắc?

Tôi lắng nghe tất cả ý kiến, gạn lọc trong đó những điều có ích nhất cho mình. Với tư cách là người dựng nên "Ga ký ức", thì lang thang trong "những ngày buồn" của bản thân, gia đình, làng xóm những năm của thập niên tám mươi thế kỷ trước hay lặn vào các trò chơi cấu trúc, phiêu lưu trong thế giới của hư cấu, tưởng tượng đều có vai trò quan trọng như nhau; và cùng góp phần mang lại cảm xúc trọn vẹn nhất cho độc giả. Hãy thử hình dung "Ga ký ức" mất đi chương một, hay cắt bớt chương ba. Đó là những mảnh ghép không thể thiếu để các nhân vật gặp nhau, để câu chuyện về quá khứ và hiện thực đối diện nhau, và cất lên tiếng nói của mình.

Một cô gái day dứt giữa quá khứ và hiện thực. Một người đàn ông không thoát khỏi nỗi ám ảnh của vùng đất bị yểm bùa. Và Phùng - nhân vật chính duy nhất có tên, luôn muốn gột bỏ quá khứ. Ba tính cách ấy, ba cách hành xử chỉ có sức nặng khi họ được đặt cạnh nhau, và thúc bách họ buộc phải lựa chọn một lối đi phù hợp nhất cho mình.

- Các nhân vật trong "Ga ký ức", từ chính đến phụ, từ đàn ông đến đàn bà, đều là những khối ẩn ức, chấn thương, từ họ tỏa ra đặc quánh mùi buồn bã, cô đơn. Cũng dễ hiểu thôi, nếu không như thế thì họ đã không trở thành những nhân vật văn học. Điều tôi muốn chị chia sẻ ở đây là, chị có nghĩ rằng thường bản thân những nhà văn lớn, nghệ sỹ lớn cũng là những khối ẩn ức, chấn thương?

Nhà văn trước hết họ cũng là con người. Họ cũng sống trong đời sống này, thấm mọi buồn vui của cõi đời này và từ đó tư duy, sáng tạo ra những tác phẩm của mình. Chỉ có điều sự hời hợt, nông cạn sẽ không thể sản sinh ra những tác phẩm lớn, những nhà văn lớn. Tôi thích quan điểm này: văn chương "đứng về phe nước mắt". 

- Trong "Ga ký ức", chị đề cập đến thân phận của văn chương chữ nghĩa. Cô em dấm dúi làm thơ thì cô chị rủa "đồ dở hơi", mẹ thở dài "Thơ với chả thẩn". Theo chị, thời nay, văn chương ích gì?

Trong thời đại mà giải trí truyền thông đa phương tiện lên ngôi, văn chương quả là đang đứng trước rất nhiều thử thách. Nhưng tôi tin, con người còn tồn tại thì văn chương còn chỗ đứng. Bạn hỏi văn chương có ích gì ư? Tôi nghĩ, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về ích dụng của văn chương. Tôi đã từng chia sẻ trên facebook của mình rằng: "Cảm ơn văn chương đã mở lối cho mình nương náu". Với tôi, đó quả thực là "chốn thiêng" để mình giải mã đời sống này và để thấy cuộc đời này còn nhiều nhân ái và đáng sống lắm.

- Các nhân vật trong "Ga ký ức"do không thể sống yên ổn ở quê nên sau cuối đều bỏ quê lên phố, nhưng họ lại không thể hòa nhập, thích nghi được với thực tại mới. Họ mang bi kịch của người không - thuộc - về - đâu. Bản thân nhà văn Phong Điệp, bấy nhiêu năm, đến nay đã giảm bớt được cảm giác "lạc chốn thị thành", "bay trên mái nhà thành phố" hay chưa?

Giữa đô thị với những tòa cao ốc mọc lên mỗi ngày một nhiều, tôi vẫn thèm mùi khói đốt đồng; thèm những buổi chiều ngồi trên rệ đê nhìn hoàng hôn mờ dần; thèm tiếng rao "lục tầu xá" trên phố vắng những đêm khuya thức học bài; nhớ quán sách cũ ở ngã tư Cửa Đông (Nam Định). Những ký ức xưa cũ ấy neo bám vào tôi, không nỡ chia lìa. Bởi vậy, hơn hai mươi năm sống ở Hà Nội mà lòng tôi vẫn chưa hết cảm giác thảng thốt, ngơ ngác. Nhưng quay trở lại chốn cũ thì tất cả cũng chỉ còn là kỷ niệm. Vậy là câu chuyện của người không - thuộc - về - đâu sẽ không bao giờ có thể kết thúc.

- Được biết, đồng thời với sự ra mắt của tiểu thuyết này là một tiểu thuyết khác của chị được hoàn thành bản thảo. Thật khó hình dung câu chữ của nhà văn Phong Điệp được tượng hình ra sao giữa bề bộn, tất bật việc nhà, việc cơ quan, và cả việc đi, việc chơi nữa…  

Tôi tiếc thời gian lắm. Tiếc như thể sợ ngày mai mình không còn nữa. Tôi hạn chế các cuộc tiếp xúc không cần thiết. Tôi viết "Ga ký ức" ở bàn làm việc cơ quan, giữa những tiếng nói cười ồn ã của đồng nghiệp viết trong những giờ phút ít ỏi chờ đến giờ đón con. Rất ít khi tôi viết ở nhà, vì thú thực cứ đặt chân về đến nhà là bù đầu vì lo cơm nước, con cái, dọn dẹp nhà cửa…

Thời gian viết của tôi thường xuyên bị đứt đoạn vì có quá nhiều việc phải làm, có nhiều chuyến đi cần phải khoác balo lên đường. Nhưng nhờ ba năm gắn bó với cuốn sách, khiến các ý tưởng của tôi được triển khai kỹ càng, thấu đáo hơn. Lượng chữ thừa bị loại bỏ chắc cũng gần tương đương độ dài hiện giờ của cuốn sách. Sau khi kết thúc "Ga ký ức", tôi đã dồn sức bắt tay vào viết tiểu thuyết thứ tư của mình có tên là "Vực gió". Cuốn sách này tôi cũng đã tư duy trong khi viết "Ga ký ức". Tôi thường tư duy cùng lúc nhiều đề tài như vậy. Dừng viết tiểu thuyết thì viết truyện ngắn. Hoặc viết báo, viết tản văn.

Ơn trời, thời gian viết "Vực gió" tôi không quá bận nên chỉ trong ba - bốn tháng, cuốn sách đã hoàn thành và chuẩn bị ra mắt độc giả trong tháng 6 này. Cũng thật vui được chia sẻ với bạn là "Vực gió" đã được trao giải B Cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, sẽ trao giải vào ngày19/6 tới đây.

- Chúc mừng chị. Chúc chị trường sức, trường vốn trên hành trình văn chương của mình.

Hoàng Đăng Khoa (thực hiện)
.
.
.