Một chữ Làng

Thứ Tư, 16/05/2018, 12:51
Ông Trịnh Ðình Nghi sinh ra từ làng. Cái làng quê bé nhỏ vùng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam Ninh thủa nào đã nuôi ông khôn lớn. Rồi lớn lên ông đi dọc ngang đất trời, học hành, đỗ đạt. Làm một chức không hề nhỏ trong ngành giao thông vận tải.


Người trong thiên hạ, được như ông cũng là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng tự ông Nghi thấy mình như thế chưa đủ. Ông cứ thấy mắc nợ cái làng bé nhỏ của mình. Và rồi ông nghĩ đến viết văn. Viết đến cuốn sách thứ 4, ông vẫn cứ loanh quanh chuyện làng. 

Ðối với ông, viết bao nhiêu cuốn sách về làng cũng không đủ. Trong cái bầu khí quyển của làng, có biết bao nhiêu chuyện đời, bao nhiêu phận người khiến ông chú ý. Viết như một sự trả nợ vậy...

Nhà văn Trịnh Ðình Nghi và bạn bè trong buổi ra mắt sách của ông.

Làng quê Việt xưa đã đi vào biết bao tác phẩm văn học. Nhiều nhà văn đã bước chân vào lịch sử văn học nhờ những cuốn sách viết về làng, như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Kim Lân, Nguyễn Khải... Làng quê Việt thời kỳ đổi mới hôm nay, dẫu cho văn minh hơn, đầy đủ hơn, vẫn còn biết bao điều phải trăn trở, suy ngẫm. Những vấn đề của làng, xét cho cùng cũng là những vấn đề của một quốc gia, dân tộc, bởi vì nước Việt ta có tới 90% dân số làm nông nghiệp, sống chết gắn với những ngôi làng. 

Ông Trịnh Đình Nghi đi nhiều, biết nhiều, ăn cơm Tây ở nhà phố, nhưng tự thấy con người mình đầu tiên và trước nhất vẫn thuộc về “mảnh hồn làng”. Ông cảm nhận mình như một cái cây, bứng ra khỏi môi trường làng là trở nên lạc lõng, xa lạ. Ông yêu văn hóa làng như yêu phần cội rễ của mình.

Tất nhiên, trước một tình yêu người ta có thật nhiều cách để thể hiện. Ông Trịnh Đình Nghi chọn cách thể hiện là viết văn. Cái công việc ấy chẳng có gì nhàn nhã, nhất là trong thời buổi cái gì cũng vội vàng, sách vở chả được chú ý bằng phim ảnh, âm nhạc. 

Nhưng ông Nghi viết văn với tâm thế ngạo nghễ, viết cho tạnh những cơn bão lòng, ích kỷ vì sự nhẹ nhõm của mình, chứ cũng không hẳn là nghĩ đến độc giả. Dù không có ý coi thường độc giả, nhưng quả thật trong lúc ngồi viết ông chả xem độc giả ra gì lắm. Ông chỉ viết cho ông thôi.

Mấy năm trước, ông cho xuất bản loạt sách “đi bụi” gồm: “Nhà quê đi bụi”, “Quan lớn đi bụi”. “Đàn bà đi bụi”. Lần đầu tiên người ta thấy có một kiểu văn học “đi bụi” rất khó gọi tên thể loại như vậy.

Chính ông cũng không biết gọi nó là tản văn hay truyện ngắn. Đôi khi những mẩu viết ngắn ngỡ như là tản văn, nhưng dung lượng thông tin nó bao chứa, nghệ thuật nó men theo lại giống như một truyện ngắn. Nó là những ghi chép, những nhật ký thường ngày ông ghi lại, về cuộc sống và những phận đời xung quanh mình, những phận đời đôi khi bé nhỏ đến nỗi chả ai buồn để ý tới. 

Trịnh Đình Nghi có một sự quan sát rất riêng, và một cách viết cũng riêng mà trước ông dường như chưa ai có, sau ông, người ta cũng khó mà bắt chước. Văn của ông tuyệt chả thấy sự nghiêm trọng nào nổi lên trên bề mặt câu chữ. Nó là thứ văn trào lộng, hóm hỉnh, giễu nhại, có lúc thổi phồng, làm quá như một thủ pháp.

Trong số những cuốn sách văn học xuất bản gần đây, sách của Trịnh Đình Nghi chính là những cuốn giàu chất giễu nhại nhất. Viết văn với chất liệu “đi bụi”, và dùng giọng điệu giễu nhại để thể hiện, dẫu là ông không chủ ý, nhưng vô tình nó đã tạo thành những yếu tố hợp lý đến mức không thể hợp lý hơn. Những chuyện làng, chuyện phố mà được kể qua giọng ông Nghi, nó để lại một ấn tượng khó có thể quên. 

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét: “Đọc Cụ Trịnh (Cụ Trịnh là tên facebook của ông Trịnh Đình Nghi, một cái tên khá nổi tiếng trên mạng xã hội) tức là bước vào cái cuộc sống hỗn độn, nhơ nhớp, ngập ngụa bụi đời, nhập nhòa sáng tối, vô thưởng vô phạt, vô vàn chuyện lầm lụi dở khóc dở cười. Nhưng cũng vì thế mà thấy đời vui đáo để”.

Chụp ảnh cùng bạn đọc trong buổi ra mắt sách.

Làng văn vốn đã nhiều chuyện, một hôm thấy một ông với tên gọi có phần khụng khiệng Cụ Trịnh bước vào, giở giọng châm biếm chế giễu, viết cái gì cũng bỡn cợt như không, bỗng chốc làm không khí nhẹ đi. Nhất là cái ông này tay ngang, chả ham muốn danh hão, chỉ là tâm thế “mua vui một vài trống canh” thôi, thì cánh nhà văn được gọi là chuyên nghiệp bỗng thấy yêu mến, ấn tượng. 

Đọc cuốn sách mới nhất của ông có cái tên ra chiều khiêu khích “Đổ đốn ở làng”, ở phần phụ lục, thấy văn chương của người ngoại đạo này đã chạm được tới sự quan tâm của không ít người viết có tên tuổi như Sương Nguyệt Minh, Y Ban, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy... 

Trịnh Đình Nghi đã mang đến một sự lạ cho đời sống văn học những năm qua. Một cách tiếp cận vấn đề thẳng thừng, đến mức không ngại bất nhã. Và cách sử dụng ngôn từ không có ý né tránh, cứ băng băng mà viết, trần trụi, bạo liệt như chính tâm thế của một người đi bụi trong cuộc đời.

Quay lại chuyện làng. Tập truyện mới của ông Trịnh Đình Nghi “Đổ đốn ở làng” gồm toàn những chuyện xảy ra trong một cái làng Việt. Với khẩu khí quyết liệt vốn có, người cầm bút đã không ngại ngần kể những câu chuyện mang tính “đổ đốn” trong ngôi làng ấy. 

Những người đàn ông đàn bà của làng vào truyện ngắn của Trịnh Đình Nghi, chẳng mấy người nghiêm ngắn tròn trịa. Họ hao chỗ này khuyết chỗ kia, lúc nông nổi bồng bột, lúc dịu dàng thảo mai, lúc đanh đá nanh nọc, lúc bỡn cợt đĩ thõa. 

Như một người quan sát, lạnh lùng có lúc, nồng nhiệt có khi, chua cay yêu thương xa xót đủ cả, Trịnh Đình Nghi tỏ ra là một ngòi bút sành sỏi trong việc hiểu tâm lý người làng. 

Ông gọi hết những bản tính cố hữu ngàn năm của người nông dân lên trên mặt giấy, nhờ đó mà mỗi nhân vật của ông như Đỉn, Cả Chiện, Lành, Lĩn, Chạnh, Khang, Đãng... đều mang bóng dáng của những nhân vật điển hình. Họ thấp thoáng đâu đây trong đời sống ta đã gặp. 

Họ không phải những người đặc biệt - họ bình thường như cái tên của họ vậy. Nhưng họ là một lớp người kể cho ta về một hiện thực nông thôn Việt của quá khứ và của hôm nay.

Những truyện kể về làng của tác giả Trịnh Đình Nghi còn hấp dẫn độc giả ở yếu tố tính dục. Nếu trước đây, kể chuyện yêu đương người làng, các nhà văn thường quen lối ý nhị, ẩn dụ chứ không thẳng thừng, khơi khơi khiêu khích trên mặt chữ, thì Trịnh Đình Nghi đã làm một cuộc lật đổ những ý nhị đó. 

Ông viết chuyện đàn ông đàn bà ở làng trần trụi như muốn làm người đọc phải đỏ mặt. Viết về chuyện này khó, nó chênh vênh như đi trên dây, như chơi dao không cẩn thận đứt tay, bởi ranh giới giữa nghệ thuật và sự thô tục mỏng như một tờ giấy. 

Trịnh Đình Nghi thoát khỏi ranh giới mong manh này, bởi ông đã viết sex không phải trong sự cố ý, mà trong sự tự nhiên như nhiên. Như con người sống thì phải ăn, phải thở, và phải có tính dục. Bởi thế chuyện làng của ông mang một phong vị hiện đại, hấp dẫn, khác với những chuyện làng mà ta đã từng đọc của các nhà văn khác.

“Đổ đốn ở làng” gây bão trên mạng xã hội ngay từ khi ra mắt, có lẽ bởi sự thú vị đó. Tuy nhiên, vẫn có một chút nuối tiếc, ở chỗ trong một vài câu chuyện kể của mình, nhà văn đã an toàn “bỏ” nhân vật vào trong không gian làng của quá khứ, chứ chưa mạnh mẽ đặt họ vào không gian đời sống đương đại hôm nay, trực diện vào thực tại một bộ phận quan lại ở làng ngày nay “đổ đốn” ra sao. 

Âu cũng là cái sự hạn chế của quan cầm bút chăng? Giá như ông cắt nghĩa được gọn ghẽ hơn những số phận, những cuộc đời nông dân trong cái làng của hôm nay, của thế kỷ 21 này, thì sức nặng của những trang văn sẽ còn ám ảnh nhiều hơn nữa...

Chúng ta sẽ đợi Trịnh Đình Nghi, một người yêu làng đến đau đớn, đến xót xa giễu nhại, trong một cuốn sách sắp viết khác...

Mỹ Vân
.
.
.