Nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hòa:

Muốn là người tiên phong khai phá một con đường

Thứ Hai, 25/12/2017, 14:09
Trần Xuân Hòa nói, thế giới của bộ gõ cũng đa dạng và đầy màu sắc như cuộc sống, càng đi sâu vào nó, anh càng hứng thú và say mê khám phá. Con đường của Trần Xuân Hòa đã làm nên sự khác biệt, một sự khác biệt thú vị.


- Cú hích nào khiến một nghệ sĩ trống trong dàn nhạc giao hưởng chọn con đường tiên phong, trở thành một nghệ sĩ độc lập với bộ gõ?

+ Trước đây tôi đi diễn ở nước ngoài trong các giao lưu văn hóa, được xem những chương trình chỉ một nghệ sĩ bộ gõ biểu diễn từ đầu đến cuối rất cuốn hút. Tôi tự hỏi, tại sao người ta làm được còn mình thì không. Trên thế giới, mô hình âm nhạc bộ gõ rất nhiều, người Nhật, Mỹ phát triển rất tốt, nhất là ở Nhật, có những buổi biểu diễn bộ gõ hàng ngàn người xem.

Tôi nung nấu ý định sẽ làm gì đó với bộ gõ. Vì mình đi sau nên phải cày gấp 10 lần họ mới ra cái riêng của mình. Tôi loay hoay khá lâu và đến năm 2010 mới giương biển mình lên làm những concert riêng, còn trước đó chỉ là một tiết mục trong các chương trình thôi. May mắn, chương trình đầu tiên của tôi được khán giả đón nhận nhiệt tình, tôi làm hai đêm ra mắt đều kín rạp. Khán giả thích thú có lẽ vì họ phát hiện, hóa ra bộ gõ rất thú vị.

Từ trước đến nay, họ chỉ biết đến nhạc công chơi trống đệm cho ca sĩ hát hay chỉ là một biên chế trong dàn nhạc giao hưởng, họ không nghĩ, bộ gõ có thể tạo ra một chương trình độc lập. Thôi thúc thứ 2 là tôi để ý thấy rất nhiều nghệ sĩ cha chú ngồi trong dàn nhạc rất nổi tiếng và hoạt động cả cuộc đời rồi cũng trôi vào tăm tích, không được nhắc đến. Tôi còn cả một quãng đường dài phía trước, không thể ngồi im cho đến lúc về hưu.

- Đó hẳn là một con đường khó khăn và đầy chông gai?

+ Tôi cố gắng hy sinh nhiều thứ mới có được ngày hôm nay, một nghệ sĩ mà không dám hy sinh, không dám dấn thân thì khó có thể tạo nên bước ngoặt mới cho chính mình, cả một chặng đường 20 năm từ 1997, loay hoay tìm cho mình một con đường.

Và để có ngày hôm nay, tôi phải hy sinh nhiều thứ. Có những lời mời kiếm tiền rất hấp dẫn, như đệm cho một ca sĩ nổi tiếng nào đó hát, cát xê có thể cao nhưng tôi từ chối. Tôi đã mất quá nhiều thời gian để tạo dựng cho mình một cái tên và không muốn những năm tháng mình vất vả trở thành công cốc khi vẫn chỉ là sân sau của ca sĩ, như những người không nỗ lực, phấn đấu.

Rồi hy sinh về thời gian, thời gian đó mình có thể làm công việc khác kiếm tiền nhưng vẫn loay hoay với con đường mình chọn. Để có một chỗ đứng, nghệ sĩ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng càng đi tôi càng thấy thú vị, giống như những chuyến đi phượt, càng đi càng tò mò, kích thích ham muốn khám phá và muốn biết những con đường mình đi sẽ mở tới đâu. Tôi vẫn đang trên con đường tìm đích của mình.

- Tìm về văn hóa dân tộc, phải chăng đó cũng là một lựa chọn khôn ngoan của các nghệ sĩ đương đại khi muốn dấn thân trên con đường mới?

+ Mình là người Việt Nam, nên dựa theo dân gian của Việt Nam để phát triển những sáng tạo của mình. Như thời cổ điển, nhạc sĩ vĩ đại Chopin phát triển trên nền dân ca Ba Lan trở thành âm nhạc của Chopin hay Tchaikovsky thì dựa theo dân ca Nga phát triển lên. Tôi là người Việt Nam cũng vậy. Tôi vẫn đi tìm những thể nghiệm và bám sát dân gian, phát triển nó lên.

Biết đâu, có lúc nào đó, tác phẩm của tôi được bay ra thế giới thì bạn bè thế giới cũng cảm nhận được, à có đất nước Việt Nam trong đó. Đó là cách định danh nơi mình sinh ra. Tôi khai thác những tiếng động của tự nhiên, đưa âm thanh tự nhiên vào tác phẩm và nó ra được chất Việt Nam. Chúng ta sống ở nơi nào sẽ quen với âm thanh nơi đó, âm thanh cũng là một cách nhận diện xứ sở mình đang sống. Tôi thấy rất thú vị.

- Mỗi năm một dự án và năm tới sẽ là một bước ngoặt mới khi anh dự định làm một vở nhạc kịch bằng âm thanh. Tôi tò mò tự hỏi, âm thanh sẽ được chuyển hóa bằng nhạc kịch như thế nào?

+ Năm 2018 tôi sẽ làm một vở nhạc kịch bằng âm thanh. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải thay đổi, khán giả đã quen những chương trình biểu diễn nhỏ lẻ, từng tác phẩm mà không có sự kết nối nên tôi nghĩ mình phải thay đổi, tìm cái gì đó mới. Vì thế, tôi sẽ làm một vở nhạc kịch bằng âm thanh, ở đó, các nghệ sĩ không chỉ chơi bộ gõ mà còn biết biểu diễn. Đó là một ngày của Hà Nội diễn ra bằng âm thanh.

Buổi sáng thức dậy, không khí trong veo, có những tiếng động thưa thớt của ông bà tập thể dục, tiếng leng keng đổ rác và âm thanh cứ đầy dần lên. Các nghệ sĩ không chỉ lên sân khấu để đánh trống mà họ còn biểu diễn, một buổi diễn vừa có âm thanh, tai nghe và mắt.

Tôi rất hào hứng với dự án mới này và đang tìm nghệ sĩ. Dù khởi đầu một dự án cũng nhiều mệt mỏi, có lúc làm xong tưởng như kiệt sức, cứ xong một dự án là ốm, nhưng phải làm thôi, tôi đã chọn con đường này rồi, không thể dừng lại.

- Hà Nội đã được tái hiện bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, thậm chí cả video. Đây sẽ bắt đầu cho một chặng đường mới của anh?

+ Cuộc sống Hà Nội đã được tái hiện giản dị, quen thuộc bằng âm thanh, người xem sẽ mường tượng ra những hoạt động mà họ từng trải qua. Tôi biểu diễn độc lập khá lâu rồi, bây giờ tôi muốn đi vào quy mô rộng hơn, có sự liên kết từ đầu đến cuối chương trình rằng tôi sẽ kể câu chuyện gì. Tôi hy vọng mình làm được. Khó khăn nhất là khán giả, khán giả tới đông mình càng có động lực đi tiếp. Tất cả những cái gọi là thành công của một đêm diễn phụ thuộc vào khán giả rất nhiều.

- Nhưng khán giả Việt Nam vốn dĩ không dễ tiếp nhận cái mới, bởi họ thường nghe nhạc theo thói quen?

+ Bài toán khán giả không dễ dàng, cho nên tôi cũng phải làm mới từ từ, rót vào tai họ những thứ quen quen để họ chấp nhận mình và len lỏi đưa vào những thử nghiệm. Nghệ sĩ cũng như một đầu bếp, có những gia vị như thế, làm sao tạo ra được những món mới nhưng mọi người ăn vẫn cảm nhận được hương vị quen thuộc của mình. Bởi khán giả vô cùng quan trọng,  sự có mặt của họ tạo hứng khởi cho nghệ sĩ biểu diễn và sáng tạo.

Tôi làm việc không cần ai ghi danh mà chỉ cần chạm được đến cảm xúc của khán giả. Nghệ sĩ chỉ cần khán giả tôn vinh, họ không cần ai tôn vinh ngoài khán giả của mình. Một môn nghệ thuật sống được nghĩa là nó có ích cho xã hội.

- Nếu chỉ có một mình thì con đường đến với khán giả của anh càng khó khăn. Anh có nhìn thấy thế hệ kế cận mình?

+ Con đường tôi đi không có nhiều người đi. Mình thích thì làm thôi, không mấy bận tâm đến xung quanh. Tôi có một mong muốn, mình là người tiên phong khai phá một con đường và những bạn trẻ sẽ đi tiếp. Nếu không có người đi trước thì ai cũng nghĩ, học xong trống rồi vào một ban nhạc nào đó đệm, thế là hết.

Nhưng tôi đã đi và chứng tỏ cho mọi người biết rằng, nghệ sĩ trống cũng có những đêm diễn độc lập. Tôi mong sẽ có các bạn trẻ đi con đường của tôi và phát triển hơn. Nó phát triển và nhiều người đi thì chắc chắn con đường đó sẽ có cộng đồng khán giả riêng. Bộ gõ rất thú vị, bất cứ gì ở ngoài đời sống tôi đều đưa được vào, nó mang hơi thở trực tiếp của đời sống.

Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa mô phỏng tiếng lá khô trong đêm độc hành của phó an my.

- Một con đường đơn độc bao giờ cũng thú vị, nhất là trong sáng tạo. Tôi đã nhìn thấy sự thăng hoa của anh và Phó An My trong đêm "Độc hành" của My tại Hà Nội. Điều gì kết nối những nghệ sĩ như anh và My với nhau?

+ Tôi và Phó An My đi hai con đường khác nhau, tôi nể trọng chị ấy vì phụ nữ mà dám dấn thân. Và sự dấn thân của những kẻ độc hành như My sẽ kích thích sự sáng tạo của những người như chúng tôi. Tại sao My làm được mà tôi thì không. Trong nghệ thuật, đôi khi cũng cần sự ganh đua như thế để cùng phát triển.

- Anh có sống được bằng nghề không?

+ Có chứ, tôi làm nghệ thuật và sống hoàn toàn bằng nghề, đôi khi phải chạy event, đi dạy, làm việc ở Nhà hát Nhạc vũ Kịch, rất nhiều khoản lương để sống và giữ được con đường chính mình đang theo đuổi. Nghĩ kỹ đôi khi cũng ấm ức, tại sao một cô ca sĩ cũng học hành như mình mà suốt ngày được tung hô, còn các nghệ sĩ nhạc cụ thì không được nhắc đến tên. Tôi muốn thay đổi cách nhìn đó, bằng chính hành trình mà tôi đã đi gần 20 năm qua, với những buổi biểu diễn trong và ngoài nước và được khán giả đón nhận.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Trần Xuân Hòa đang là nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Anh được khán giả biết đến với thương hiệu người đam mê với âm nhạc bộ gõ. Trần Xuân Hòa không chỉ chơi được nhiều loại nhạc cụ, anh còn mày mò chế tạo nhạc cụ, tự sáng tác tác phẩm cho mình biểu diễn cùng nhiều nhà thiết kế Việt.

Trần Xuân Hòa cũng là khách mời thường xuyên và là bè trưởng bộ gõ của Dàn nhạc ASEAN đi lưu diễn các nước trong khối Hội nghị cấp cao Đông Á của chỉ huy người Nhật nổi tiếng Yoshi Fukumura. Anh từng ghi dấu ấn khi tham gia nhóm tứ tấu bộ gõ Go Group, sử dụng hơn 100 nhạc cụ gõ, trong đó có cả đe, búa, lon bia, xoong, thùng nhôm... tự tạo.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.