NSƯT Hồng Vy:

Muốn làm những đêm nhạc thính phòng "made in Vietnam"

Thứ Sáu, 16/12/2016, 13:30
Bốn năm theo chồng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng “Nam tiến”, NSƯT Hồng Vy trở ra Hà Nội hát trong chương trình "Bài ca không quên". Chị nói, đó cũng là lần duy nhất sau 4 năm chị trở lại hát nhạc đỏ.


Trong thời buổi các ca sĩ thính phòng thỏa hiệp đi hát dân gian, nhạc trẻ, thì Hồng Vy vẫn bền bỉ đi con đường của mình. Chị kiêu hãnh với tên gọi, ca sĩ của dòng nhạc thính phòng. Và Hồng Vy sẽ trở lại Hà Nội với những dự án mới của mình.

- Một ca sĩ thính phòng sinh ra và lớn lên ở đất Bắc, dịch chuyển vào Nam chắc hẳn là quyết định khó khăn với chị. Đến bây giờ sau 4 năm nhìn lại, chị thấy mình được gì, mất gì trong chuyến đi ấy?

+ Đơn giản lúc đầu tôi theo chồng vào Nam. Tôi không nghĩ rằng vào trong đó sẽ có cơ hội nổi tiếng hay đi theo showbiz. Ở Hà Nội, thời điểm đó, tôi cũng đã định vị mình và đang đà phát triển, nhưng tất cả cũng chỉ là bề nổi thôi chứ không phải con đường tôi thực sự mong muốn và đam mê.

Ở Hà Nội, khán giả mặc định ca sĩ thính phòng là hát nhạc đỏ. Nhưng tôi không nghĩ như thế, con đường đi của tôi phải là nhạc thính phòng.

Vào Nam, tôi làm nghề một cách nghiêm túc và không thỏa hiệp. Tôi không đi hát phòng trà, không phải vì tôi chê mà nó không phù hợp với tôi. Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ được đứng ở những vị trí khác, hát với dàn nhạc giao hưởng, với piano, với tứ tấu dây, đúng dòng nhạc thính phòng mà tôi đã được học. Đó mới là tôi. Nhưng có nhiều lý do khách quan để nhạc thính phòng hiếm khi vang lên.

Thứ nhất là không có tác phẩm mới. Thứ 2 là không có đất diễn, khán giả không nghe hoặc có thể chúng tôi làm chưa hay nên không thu hút được khán giả. Người ta thấy dòng nhạc thính phòng chỉ dành cho vé mời chứ không bán được. Khi không có tính thương mại thì đồng nghĩa với không có khán giả.

Giống như đồ khuyến mại ở Việt Nam là thế, cái gì khuyến mại cũng đều không hay, không quý. Đó là tâm lý của người Việt. Vì thế, tôi nghĩ, phải làm gì đó khác đi với thứ âm nhạc tinh hoa này, phải làm cho khán giả rung động.

- Và vì thế, chị đã nỗ lực làm concert "Tình yêu và đam mê", một chương trình thính phòng gây được hiệu ứng tốt với khán giả TP Hồ Chí Minh?

+ Tôi nói với chồng tôi, anh Trần Mạnh Hùng rằng, tôi muốn làm một cái gì đó cho bản thân mình. Ở Hà Nội, tôi không dám làm gì cả vì không chắc có ai đó đi xem. Đời sống sôi động ở TP Hồ Chí Minh làm cho tôi thay đổi quan điểm, tôi dám làm và tôi đã làm được một số chương trình.

Đầu tiên là một đêm diễn trong chương trình cao học của tôi, hát cả nhạc Tây và nhạc Việt. 350 chỗ ở phòng hòa nhạc ở Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh kín chỗ. Đó là một thành công.

Tôi còn nhớ, cách đây 4 năm, trước khi vào Nam, chúng tôi gặp gỡ một số nghệ sĩ dòng thính phòng với mong muốn kết nối mọi người để cùng nhau tạo ra sân chơi cho chính mình. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng tình nguyện hỗ trợ nhưng không ai hưởng ứng. Tôi rất buồn vì điều đó nhưng tôi không từ bỏ.

Sau nhiều gian nan thì "Tình yêu và đam mê" ra đời. Tham vọng của tôi là tạo sân chơi cho các nghệ sĩ thính phòng cùng tham gia, đôi khi mất tiền, nhưng họ sẽ cảm thấy xứng đáng để tham gia. Đầu tiên là 4 nhân vật: NSƯT Đăng Dương, Duyên Huyền, Đào Mác và tôi…

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chỉ đạo âm nhạc, nghệ sĩ khách mời là NSND Quang Thọ. Ngoài ra còn có sự đóng góp rất tuyệt vời của nhạc trưởng Lê Hà My. Chương trình gồm 2 phần, phần 1 là những bản nhạc nước ngoài đang thịnh hành và phần 2 là 10 bài dân ca Việt Nam.

Các nghệ sĩ tham gia concert “Tình yêu và đam mê”.

Anh Hùng đã chọn những gì tinh túy nhất của dân ca 3 vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và dân ca Chăm để viết lên một câu chuyện tình yêu. Chúng tôi đã diễn một đêm ở Nhà hát Lớn thành phố Hồ Chí Minh và khán giả rất chào đón. Tôi đang lên kế hoạch ngoài Tết đưa chương trình ra Hà Nội.

- Bốn năm vào TP Hồ Chí?Minh không hát nhạc đỏ và bây giờ chị có thể kiêu hãnh nói rằng, tôi là một nghệ sĩ thính phòng. Đó là một con đường dài và bền bỉ. Điều gì giúp chị theo đuổi đam mê của mình đến tận cùng như thế?

+ Có thể vì tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống. Bố tôi, NSND Doãn Tần đã dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc. Ông luôn tâm niệm phải làm thế nào để những tác phẩm ông hát được vang lên một cách hay nhất, đẹp nhất.

Điều đó đã được chứng minh, nhiều tác phẩm của bố tôi đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng như "Đường chúng ta đi", "Sông Lô chiều cuối năm"… Tôi ngấm tư tưởng của bố thông qua những gì mà cuộc đời ông từng trải qua, ngấm một cách tự nhiên từ khi nào tôi cũng không biết.

Tôi luôn nghĩ, mình sẽ đi con đường đó, trở thành một nghệ sĩ nghiêm túc, theo dòng âm nhạc chính thống. Và điều tôi trăn trở là âm nhạc còn phải mang tính hội nhập, có nghĩa không chỉ hát cho khán giả trong nước mình mà phải được bạn bè quốc tế công nhận.

- Và chị quyết định sẽ mang "Tình yêu và đam mê" ra Hà Nội?

+ Thời điểm này tôi muốn quay trở lại Hà Nội để làm điều gì đó, kết nối những người bạn cùng tâm huyết. Không phải một, hai nghệ sĩ mà phải là sự đồng hành của nhiều người cùng với các nhạc sĩ, những Mạnh Thường Quân yêu âm nhạc.

Hà Nội có nhiều điểm đến âm nhạc, nhưng điều mà khán giả cần, tôi cảm giác không nhiều. Tôi muốn làm những đêm nhạc thính phòng made in Việt Nam. Bản sắc Việt trong chương trình của tôi khá rõ nét.

Tôi muốn các ca sĩ thính phòng được học bài bản, có thể trưng trổ các kỹ thuật thanh nhạc  của họ ở phần 1 và phần 2, họ đem tinh hoa đó kết hợp với nhạc Việt. Đông - Tây kết hợp để tạo nên một phong cách thính phòng Việt Nam. Đó là những gì mới mẻ, mang hơi thở của đời sống hôm nay.

- Tôi có dịp trò chuyện với nhiều ca sĩ trẻ thành danh từ dòng nhạc thính phòng, nhưng cuối cùng họ đều thỏa hiệp đi hát dân ca, nhạc đỏ để mưu sinh. Đó là một thực tế, nhạc thính phòng chưa bước ra đời sống?

+ Tôi nghĩ, khán giả đang cần một cái gì đó, nếu là cũ thì chất lượng phải tốt hơn, còn không là phải mới. Tiêu chí thẩm mỹ vẫn phải hay và đẹp. Bản thân các ca sĩ trẻ họ bị chi phối bởi đời sống rất nhiều chứ không phải họ không đam mê.

Họ muốn làm gì đó, đôi khi không hoàn toàn vì mục đích kinh tế mà muốn cống hiến, tôi đã ở trong giai đoạn tuổi trẻ đó nên tôi hiểu.

Nếu ai cũng nghĩ con đường khó khăn mà mọi người đều đi theo thì nó không còn khó khăn nữa. Nghệ sĩ có vai trò định hướng khán giả, cứ chiều theo thị hiếu thì không biết âm nhạc sẽ đi về đâu.

- Chị nói đến vai trò định hướng của nghệ sĩ, hình như bây giờ người ta cần một bản hit, cần sự nổi tiếng hơn là điều đó?

+ Có thể tôi được sinh ra trong một gia đình theo âm nhạc chính thống, tôi chịu ảnh hưởng thái độ làm nghề nghiêm túc của bố mẹ nên tôi luôn có suy nghĩ, ngoài việc mình cống hiến bằng tiếng hát, mình cũng nên góp phần gìn giữ những giá trị đẹp của âm nhạc như tạo ra một sân chơi, hỗ trợ các nghệ sĩ khác cùng phát triển và đi theo con đường mình mong muốn.

- Nhưng trong đời sống hôm nay, để đi dài hơi con đường đó rất khó khăn, vì khán giả có quá nhiều món ăn và khán giả Việt vẫn quen với nhạc pop hơn là thính phòng, giao hưởng. Chị có tin mình sẽ chạy đường dài?

+ Cách đây 10 năm tôi đã như thế này rồi, tôi luôn khẳng định sẽ theo đuổi con đường khó khăn đó. Cho đến bây giờ, dù đi những bước khá chậm nhưng tôi có thể đi dài hơi vì tôi luôn tin vào cái hay cái đẹp trong con đường mình chọn, cũng như cái hay cái đẹp của âm nhạc.

Âm nhạc thính phòng là những giá trị tinh hoa, những gì thuộc về cái đẹp sẽ làm cho mọi người dễ dàng rung động. Tại vì họ chưa quen nên tôi muốn cùng các nghệ sĩ tạo thói quen cho người nghe. Cứ kiên định sẽ đạt được điều mình mong muốn.

Tôi nhìn thấy rất nhiều lạc quan, từ việc các nghệ sĩ quan tâm, dàn nhạc cũng thích thú với chương trình và đặc biệt khán giả đón nhận. Tôi hy vọng và mong mỏi nhiều người sẽ góp tài năng và cả một phần tài chính để chương trình chạy được đường dài.

- Chị có nghĩ mình kiên định với con đường khó khăn đó, một phần vì bên cạnh chị luôn có sự hỗ trợ của chồng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng?

+ Nhân duyên chúng tôi đến với nhau cũng từ ý thức cả hai chúng tôi luôn nghiêm túc với nghề và kiên định con đường mình đi, không lo lắng hay mệt mỏi về việc mình đi một con đường khó khăn.

Đó là điểm chung lớn nhất giữa chúng tôi. Trong cuộc sống, chúng tôi đều có công việc riêng, nhưng rất hay trao đổi và hỗ trợ nhau. Đặc biệt, chồng tôi luôn ủng hộ và trực tiếp tham gia phần âm nhạc cho những dự án của tôi, đó là một yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của chương trình rồi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị. Chúc chị giữ trọn vẹn niềm đam mê của mình.

V.Hà (thực hiện)
.
.
.