Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh:

Muốn tạo dựng những chương trình không có ngôi sao vẫn ăn khách

Thứ Tư, 27/09/2017, 22:00
Nguyễn Việt Thanh là ái nữ của một nhà thơ nổi tiếng. Tâm hồn yêu cái đẹp là ảnh hưởng mạnh mẽ từ người cha, nhưng thay vì chọn văn chương, chị chọn nghề đạo diễn. 20 năm làm báo, gắn bó với Đài Truyền hình Hà Nội, làm rất nhiều phim chân dung nhân vật, trong đó phần lớn là các văn nghệ sĩ, chị sắp sửa nói lời chia tay công việc ở Đài, để được tự do với các dự án của mình, trong đó có dự án "100 năm âm nhạc Việt Nam" vừa cho ra mắt số đầu.


- Chị Việt Thanh thân mến, dự án "100 năm âm nhạc Việt Nam" đã khởi động và ra mắt công chúng Thủ đô đêm nhạc đầu tiên về nhạc sĩ Lam Phương? Sau đêm diễn, chị nhận được phản hồi từ khán giả như thế nào?

+ Phải nói là tôi rất bất ngờ khi nhận được những phản hồi tích cực, mạnh mẽ trong công chúng. Dự án "100 năm âm nhạc Việt Nam" không phải là một dự án lớn đối với tôi, nhưng nó là một công việc mang nhiều áp lực. Tôi rất cảm ơn Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty Đông Đô đã tin tưởng trao cho tôi trọng trách đạo diễn 24 đêm nhạc tác giả này. Thực sự mà nói, những tín hiệu tốt từ phía công chúng và nghệ sĩ, vui thì vui, nhưng cũng là tăng thêm áp lực cho tôi. Làm sao để những chương trình sau phải giữ được ngọn lửa như vậy trong lòng khán giả.

- Nghe nói, đêm nhạc Lam Phương rất nhiều khán giả không mua được vé vào xem, vì sức chứa của Nhà hát Tuổi trẻ không đủ lớn. Tại sao lại cứ phải địa điểm là Nhà hát Tuổi trẻ, thưa chị?

+ "Dự án 100 năm âm nhạc Việt Nam" là do Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức, mục tiêu ban đầu của Ban Giám đốc Nhà hát là tăng thêm hoạt động đảm bảo Nhà hát luôn sáng đèn hằng đêm. Một điều nữa là muốn quay trở lại ý nghĩa ban đầu của Nhà hát, rằng đây không chỉ là một nơi biểu diễn kịch mà đã từng là một sân khấu ca nhạc ăn khách. Thực tế, Nhà hát Tuổi trẻ từng có một đoàn ca múa nhạc quy tụ nhiều giọng hát hay. Nhiều ca sĩ nổi tiếng đã trưởng thành từ cái nôi đào tạo này. 

Tham vọng của chúng tôi là làm những đêm nhạc tác giả thực sự chất lượng do chính các ca sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn dàn dựng là chủ yếu. Nhưng sau thành công của đêm diễn đầu tiên, lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ và nhà tài trợ đã quyết định chuyển địa điểm biểu diễn sang Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo khán giả. Tuy nhiên các tiêu chí của chương trình vẫn không thay đổi.

- Các chương trình ca nhạc hiện nay để đảm bảo thành công không thể thiếu yếu tố ngôi sao. Việc tổ chức các đêm nhạc sử dụng các giọng ca "cây nhà lá vườn" của Nhà hát Tuổi trẻ là chính liệu có khó khăn trong việc kéo khán giả đến rạp, cho dù đêm đầu tiên là thành công, thưa chị?

+ Chúng tôi có những cơ sở để tự tin về công việc mình đang làm. Yếu tố ngôi sao, đối với các chương trình nghệ thuật cũng là cần thiết, nhưng chúng tôi không đặt quá nặng yếu tố này. Dĩ nhiên là để hài hòa, mỗi chương trình vẫn mời một số ca sĩ ngôi sao phù hợp. Còn lại là những ca sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ. Nhiều ca sĩ có thể về mặt tên tuổi không hot trên truyền thông, nhưng chất giọng và biểu cảm thì không hề kém cạnh các ngôi sao. Họ thuộc quân số của Nhà hát, đang ngày đêm đóng góp sức mình cho các chương trình của Nhà hát. Họ sẽ có một sân chơi âm nhạc để được thỏa mãn tình yêu nghề, không có chuyện lép vế hay làm "món phụ" trong các chương trình, mà sẽ thực sự trở thành "món chính".

Không chỉ là một đạo diễn tài ba, Việt Thanh còn là người quản lý  hình ảnh cho nhiều ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng.

- Giá vé của chương trình khá bình dân, chỉ bằng nửa so với các chương trình nghệ thuật của một số nhà tổ chức khác dàn dựng. Vậy có thể hiểu rằng giá vé bình dân thì chất lượng chương trình cũng bình dân không chị?

+ Đầu tiên về phía tôi trong vai trò một đạo diễn, tôi đã trải qua con đường làm nghề rất dài để có hôm nay, tôi không cho phép mình làm cái gì ẩu. Tôi xác định, nhà tổ chức chương trình đã trả cho tôi một mức lương xứng đáng, đã tin tưởng giao cho tôi một cuộc chơi, mà tôi hết sức tâm đắc trong cuộc chơi này, thì tôi không thể làm dở để phụ lòng mọi người. Giá vé rẻ hơn các chương trình khác vì chúng tôi đã lựa chọn phân khúc khán giả mà phục vụ. 

Bạn biết đấy, có rất nhiều khán giả yêu âm nhạc không có cơ hội đến nhà hát xem chương trình mình yêu thích vì giá vé cao. Chúng tôi muốn mang cho họ cơ hội đó. Vì chương trình có nhãn hàng tài trợ nên cũng bớt đi nỗi lo tài chính. Hơn nữa, lợi thế của chúng tôi là âm thanh, ánh sáng, diễn viên, ca sĩ đều sẵn của Nhà hát Tuổi trẻ, thiếu gì thì bổ sung chứ không phải đi thuê toàn bộ nên chi phí cũng vì thế mà giảm xuống. Bởi thế, khán giả có thể yên tâm rằng, giá vé bình dân nhưng chất lượng chương trình thì đủ sang trọng, đẳng cấp.

- Những đêm nhạc tác giả rất dễ sa vào cách kể chuyện nhàm chán, chị chọn cách thể hiện như thế nào?

+ Cuộc đời một người nhạc sĩ thường rất dài và có rất nhiều chi tiết để nhắc nhớ. Trong một đêm diễn vẻn vẹn 2 giờ đồng hồ, nói gì kể gì hát gì để khán giả có thể hình dung đầy đủ nhất về một cuộc đời người nhạc sĩ đó, là một thử thách đối với ê kip của tôi. Tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi dự án bắt đầu. Tôi không khai thác nhân vật theo kiểu kể lại cuộc đời họ, mà tìm những lát cắt, những dấu ấn đặc biệt và xem đó như một chiếc chìa khóa mở cửa những cuộc đời nghệ sĩ mình đang tái dựng lại. 

Bố tôi thường bảo: "Cuộc đời là những cái tích tắc thôi". Tôi sẽ chắt lọc lấy những khoảnh khắc đó, bớt tham, bớt sa đà, dàn trải đi. Đối với nhạc sĩ, thì lựa chọn tác phẩm của họ qua từng giai đoạn sáng tác để trình diễn là rất quan trọng. Nhưng trình diễn theo cách như thế nào cho lạ, cho mới, cho hấp dẫn, cũng quan trọng không kém. 

Tôi cũng sẽ có những thay đổi trong cách tư duy làm đêm nhạc tác giả. Có thể mọi người sẽ hiểu là đêm nhạc tác giả là mỗi đêm trình diễn ca khúc của một người, nhưng tôi sẽ làm khác. Sẽ có những đêm tôi làm 2, 3, thậm chí 4 tác giả, miễn mình phải tìm ra một sự "có lý" nào đó giữa họ. Chẳng hạn tôi hoàn toàn có thể làm một đêm nhạc gồm các tác giả Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Lê Minh Sơn, vì họ là những người có chung đam mê gìn giữ âm nhạc dân gian qua các sáng tác của họ. 

Nói chung cách làm phải phong phú hơn, ngạc nhiên hơn, thì khán giả đến với mình họ sẽ thích thú hơn. Tôi cũng sẽ bám vào những "cái lý" khác trong âm nhạc mà cá nhân tôi trải nghiệm được, chứ không chỉ là yếu tố ngôi sao như bạn hỏi ban đầu. Chẳng hạn tôi làm đêm nhạc Phạm Duy bắt đầu từ một người thân trong gia đình là chú tôi. Ông yêu nhạc Phạm Duy, thường xuyên hát nhạc Phạm Duy và có một cách hát đặc biệt đến nỗi tôi không nghe nổi bất kỳ ca sĩ nào hát ngoài ông, dù họ có hát hay đến đâu. Người hát hay nhiều lắm, nhưng hình như âm nhạc không chỉ là như thế. Âm nhạc còn nằm trong cách người ta kể chuyện, trong những câu chuyện liên quan đến riêng cá nhân mỗi một người.

Việt Thanh từng làm đạo diễn cho live show “Cúi xuống thật gần” của ca sĩ Khánh Ly.

- Chị có cha là nhà thơ Hữu Thỉnh, một nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam, chị ảnh hưởng gì ở ông trong nghệ thuật?

+ 20 năm làm việc ở Đài Truyền hình Hà Nội, tôi làm đạo diễn mảng phim chân dung nhân vật là chính. Đây vốn là mảng có thế mạnh của Đài. Tôi làm tốt và say mê với mảng phim này vì tôi có vốn sẵn rồi. Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc, nghe chuyện, ở cạnh những văn nghệ sĩ tài năng. Họ là bạn của bố tôi. Những câu chuyện họ kể dường như không trôi qua, mà thấm vào tôi, trở thành tài sản, để khi trở thành đạo diễn, làm phim về các văn nghệ sĩ, những vốn liếng sẵn có ấy trong tôi cứ như chạm vào là lấy ra được. 

Tôi nhớ những năm còn đi học, tôi không biết bố mình ngủ khi nào. Bố nhiều bạn bè hay đến nhà chơi, tôi hay đi mua đồ nhậu cho bố. Rồi trong lúc bố và các bạn của ông nhậu, tôi ngủ mất. Sáng hôm sau ngủ dậy thì bố đã rời nhà đến cơ quan làm việc. Tôi tự thấy mình ảnh hưởng ở bố rất nhiều, nhất là ở cách nhìn đời, nhìn người nhân văn. Bố tôi cũng là một người sống luôn giữ được sự hồn nhiên, dù ông đã từng trả giá, trải nghiệm rất lớn với cuộc đời.

- Bố chị có thường xem các chương trình chị làm đạo diễn không?

+ Bố tôi bận rộn ít có thời gian lắm, nhưng khi ông đã đến xem một chương trình nào của tôi ông thường đến rất đúng giờ và ngồi từ đầu đến cuối. Có lần tôi hỏi ông, sao hết chương trình bố không về nghỉ mà còn đợi con, ông chỉ cười. Sau tôi mới hiểu ý bố muốn nói rằng, dù mọi người có về hết, không còn ai bên cạnh con, thì vẫn còn có bố. Tôi cũng là người được bố tin tưởng xem như bạn đọc đầu tiên của ông khi ông viết xong một tác phẩm. Những góp ý, cảm nhận của tôi ông thường lắng nghe. Ông coi tôi như một người bạn tri kỷ để chia sẻ. Tôi cũng đã bàn với ông xã chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội sống để được gần bố hơn, chăm sóc bố tiện hơn, vì bố tôi cũng đã cao tuổi rồi.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. 

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.