NSND Anh Tú:

Ngôn ngữ sân khấu không nên vay mượn

Thứ Ba, 01/11/2016, 15:46
Mỗi năm dựng một vở nặng ký, NSND Anh Tú gần như dồn hết tâm lực cho sân khấu trong thời kỳ sân khấu đang "ngủ đông". Đầu tháng 11 này, anh sẽ cho ra mắt "Chuyện nàng Kiều". Theo anh, đó sẽ là một vở diễn ăm ắp những điều thú vị.


- Truyện “Kiều” là một kiệt tác văn chương với rất nhiều vấn đề được đặt ra trong đó. Với chỉ vỏn vẹn hai tiếng trên sân khấu, anh chọn điểm nhìn nào khai thác để giữ được hồn cốt của tác phẩm?

+ Tôi dựng "Chuyện nàng Kiều" dựa trên kiệt tác của cụ Nguyễn Du từ đoạn mở đầu cho đến cảnh chấm dứt 15 năm lưu lạc, còn đoạn Tái hồi Kim Trọng cũng rất hay nhưng vì thời lượng, tôi chưa làm được. Câu chuyện của cụ Nguyễn Du có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là chữ mệnh, "chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", hay thuyết tái hồi, nhân quả, tôi chưa khai thác ở vở diễn lần này, vì ôm đồm quá sẽ không sâu được.

Tôi chỉ dùng 3 ý của cụ thôi, đó là trong một xã hội phong kiến thối nát, thì người lương thiện bị đày đọa, người tốt bị vùi dập, đó là hiện thực phê phán, ý thứ 2 là tính dự báo trong truyện "Kiều" rất hay - đó cũng là lý do vì sao "Kiều" sống mãi - khi quyền lực bẩn và đồng tiền bẩn lên ngôi thì những thứ sạch sẽ khác sẽ bị truất ngôi, sẽ bị đảo lộn. Đó là tính thời đại của "Truyện Kiều".

Một điều nữa, trong "Truyện Kiều" thể hiện rất rõ, vạn vật đều có linh hồn, một ngọn sóng lao xao ở sông Tiền Đường, một ngọn liễu rủ lơ thơ, rồi "Cỏ non xanh rợn chân trời", vạn vật đều có linh hồn, đó là một nét đẹp của vũ trụ, của cuộc sống, ngoài ra không chỉ vạn vật hữu linh mà tôi còn nhấn mạnh thêm ý con người vốn "nhân chi sơ, tính bản thiện", sinh ra ai cũng có mầm thiện, nhưng do cuộc sống xô đẩy, do chế độ, họ bị méo mó theo, vì thế tôi cố gắng moi phần thiện lương trong con người.

Ở Tú Bà, tôi moi những ẩn ức của bà khi đối đãi với gái điếm hơi quá, có chút xao động, mủi lòng. Tuy nhiên cái thiện lương ấy, chút xao động mủi lòng ấy không chiến thắng được cái ác tiềm tàng trong con người do đồng  tiền chi phối. 

- Đây là một kiệt tác văn chương và chắc hẳn khán giả sẽ rất chờ đón một kịch bản sân khấu hoàn hảo, họ sẽ khắt khe hơn rất nhiều khi xem cách dàn dựng của Anh Tú. Anh có bị áp lực vì điều đó?

+ Tôi không  bị áp lực bởi những điều chị nói. Nhưng tôi có một áp lực duy nhất, vì truyện "Kiều" là một kiệt tác, mình phải dàn dựng làm sao để có một vở diễn ăm ắp những thú vị. Áp lực này luôn luôn có khi tôi làm vở, cố gắng dàn dựng những vở diễn hay, làm lay động khán giả và phải có những điều mới lạ, thú vị, nhất là trong tình trạng sân khấu đang đìu hiu. 

- Bối cảnh truyện "Kiều" của cụ Nguyễn Du là "Năm Gia Tĩnh Triều Minh", vậy anh làm thế nào thổi hồn Việt vào câu chuyện để không nó bị lai căng? 

+ Tôi yêu cầu ê kíp sáng tạo là vở này phải thuần Việt, đừng nghĩ thuần Việt là phải đưa nón quai thao, áo tứ thân lên sân khấu. Tôi vẫn giữ bối cảnh câu chuyện của cụ Nguyễn nhưng phục trang có những cách điệu gần gụi với Việt Nam. Thuần Việt trong tâm hồn, trong đối thoại của nhân vật.

Đặc biệt, âm nhạc là một yếu tố quan trọng thể hiện bản sắc Việt trong tác phẩm. Kể cả những sáng tác mới của Giáng Son cũng là dân gian đương đại, rồi tôi đưa lẩy Kiều, đàn tranh, đàn Tỳ bà vào. Tất cả đều mang hồn cốt Việt. Tôi muốn vở diễn của tôi luôn hướng đến khán giả, không phải cứ hàn lâm, bác học mới hay.

Đây cũng là một bước thể nghiệm thử sức diễn viên, ngoài diễn kịch ra, họ còn có thể hát tốt, vũ đạo tốt, tương lai tôi sẽ làm những vở nhạc kịch, dễ đi vào lòng người, hướng tới đại chúng. "Chuyện nàng  Kiều" là một phép thử để  tôi xem hiệu ứng của khán giả thế nào.

Nếu như cụ Nguyễn Du thể hiện hồn Việt trong ngôn ngữ và thể thơ lục bát, thì trên sân khấu, chúng tôi thể hiện bằng trang trí, bằng phục trang và âm nhạc. Trang trí chỉ có mấy bông Sen và dàn trống, âm dương- đối nghịch.

- Một vở diễn đặc biệt thú vị, quả thật đó là điều khán giả trông chờ, vì thế anh không đi theo truyền thống mà có rất nhiều phá cách trong ngôn ngữ sân khấu?

+ Xu hướng hiện nay trong ngôn ngữ đạo diễn của tôi là linh hoạt, cơ động trong cảnh trí. Cảnh trí được chuyển động theo nhân vật, câu chuyện, chứ không đóng khung, cũ kỹ như ngày xưa. Sân khấu tất nhiên vẫn có độ hoàng tráng của nó nhưng rất cơ động.

Tại sao sân khấu chúng ta cứ đìu hiu, vắng khách, vì những người làm sân khấu không chịu sáng tạo, không chịu vượt ra khỏi biên độ an toàn. Tôi cứ nghĩ và tôi làm thế xem sao. Vở "Chuyện nàng Kiều" sẽ không bục, không bệ, chỉ mấy bông hoa sen rất đẹp. Đó là một ẩn dụ thú vị. 

Những bông sen chớm nở vào buổi sáng tinh sương, đến trưa sẽ bung nở, mạnh mẽ và khỏe khoắn, chiều, những bông sen ấy sẽ tàn, đến đêm, có khi chỉ còn trơ mỗi đài sen nhưng vẫn có vẻ đẹp của nó. Đời sống của hoa sen cũng giống như đời một con người, có linh hồn, có buồn, vui.

- Nói đến những thử nghiệm sân khấu, nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam còn một khoảng cách rất xa so với thế giới? Đó có phải là lý do khiến khán giả thờ ơ, ngoảnh mặt?

+ Một phần do chính người làm sân khấu Việt ít đổi mới, nhưng khán giả Việt cũng không dễ dàng tiếp nhận cái mới, có những điều thuộc về tâm lý vùng miền, lãnh thổ. Tôi từng ra nước ngoài, xem những vở diễn thử nghiệm của họ, có khi chỉ hai người diễn thôi, họ tự mang các đạo cụ và diễn ngay bên đường, sân khấu của họ mở và tương tác đến thế.

Thế nhưng, quan điểm của tôi vẫn khác, với tôi, sân khấu vẫn là một thánh đường, phải có một địa điểm, một không gian nhất định, người ta đến đó để được gột bỏ mọi phiền muộn của đời sống, để chạm tay vào giấc mơ về Chân, Thiện, Mỹ. Đến đó để được chiêm nghiệm, được tẩy rửa, nó cũng hiện thực nhưng cũng như một giấc mơ mà con người ta phải hướng đến, một giấc mơ đẹp, thánh thiện. Đó là quan điểm của tôi.

Nhiều đoàn quốc tế mạnh mẽ đổi mới nhưng chưa chắc khán giả Việt đã chấp nhận, không phải cứ đổi mới hay học thuật cao là khán giả thích đâu. Một vở diễn có đời sống lâu bền trong khán giả là một vở diễn tốt.

Vở kịch "Chuyện nàng  Kiều" sắp ra mắt khán giả.

- Đầu tháng 11 này sẽ diễn ra Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm. Sân khấu thế giới đưa màn hình Led, đưa các ngôn ngữ khác, tương tác với khán giả rất thú vị. Nhiều người cho rằng, ngôn ngữ sân khấu bây giờ đã khác?

+ Tôi nghĩ sân khấu có ngôn ngữ riêng, không vay mượn, lai căng. Hãy khai thác những gì hay nhất của ngôn ngữ sân khấu.  Mọi thứ vay mượn đều trở nên khập khểnh, màn hình Led làm sao bằng với điện ảnh, chưa nói chuyện đầu tư, mãi mãi mình cứ theo đuổi những thứ nửa vời, không bao giờ chạm tới giá trị, thì đổi mới làm gì. Quan điểm của tôi là đổi mới dựa trên nền tảng đặc sắc nhất của ngôn ngữ sân khấu chứ tôi không ủng hộ quan điểm đi vay mượn các ngôn ngữ khác như màn hình Led,  hay các phương tiện điện tử hiện đại khác.

- Mỗi năm làm một tác phẩm kinh điển, bền bỉ và kiên định con đường của mình trong thời buổi sân khấu vắng lặng, đìu hiu. Điều gì giữ cho anh tâm thế bình an đó?

+ Phải cố thôi, mình chỉ có một con đường. Tôi muốn dành tất cả thời gian cho công việc, không facebook, không biết cả nhắn tin, nhiều bạn bè nhắn tin không thấy tôi trả lời, cứ hiểu nhầm. Tôi hạn chế mọi thứ bận tâm, để chuyên tâm vào việc của mình.

Ngoài chuyện nghề nghiệp còn là chuyện truyền lửa cho nhau, truyền tình yêu sân khấu trong thời buổi khó khăn này, nếu không có tình yêu họ bỏ hết. Phải yêu lắm mới trụ lại đội ngũ được như ngày hôm nay. Tôi cũng có những âu lo. Nhưng thôi, đành sống bằng hy vọng, con người ta bên cạnh nhưng âu lo vẫn phải sống bằng hy vọng, dù đôi khi hy vọng thật mong manh. Nhưng không còn cách nào khác. Phải tin vào lớp trẻ.

- Vâng, nói đến lớp trẻ, vừa rồi vở nhạc kịch của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Anh Anh "Đêm hè sau cuối" đã gây cơn sốt cháy vé tại Hà Nội. Đó là một tín hiệu đáng mừng?

+ Tôi luôn ủng hộ những người trẻ. Tôi chưa xem vở kịch nên không có ý kiến gì, nhưng quan điểm của tôi là làm gì cũng phải giữ tính dân tộc trong tác phẩm, không nên vay mượn. Sân khấu broadway của thế giới họ làm hay thế,  làm sao mình bằng họ được. Mình phải đi từ dân tộc mà ra, nhạc kịch hay thể loại nào cũng được, nhưng đừng vay mượn. Đừng theo đuổi những thứ mà họ đã thành đỉnh cao. Tuy nhiên sự thành công của bạn trẻ đó cũng là một tín hiệu vui để thấy khán giả không thờ ơ.

- Để sân khấu bươn chải đi tìm khán giả quả thật không dễ dàng. Xã hội hóa, theo anh, liệu có phải là bài toán khó đối với những nhà hát đặc thù như Nhà hát Kịch Việt Nam?

+ Tôi nghĩ, với sân khấu truyền thống, chúng ta cần sự tài trợ dài hơi như cho đội bóng ấy, cần một sự chuyên nghiệp, bài bản, có chiến lược chứ không phải chỉ dựa vào mối quan hệ thân, sơ của cá nhân. Các nhà hát cần hợp lại và nhà nước phải có một chiến lược phát triển lâu dài, phải ngồi với nhau. Xã hội hóa là cần thiết nhưng không nhất thiết phải làm bằng được. Trước khi đó phải có một con đường, cách làm như hiện nay vẫn là mệnh lệnh hành chính và manh mún nên nó khó thành công.

- Vâng, đó là điều trăn trở của rất nhiều nhà hát hiện nay. Trở lại với "Chuyện nàng Kiều" , anh tiên lượng khán giả sẽ thích hay không?

+ Tôi nghĩ đây là một vở diễn hay và khán giả sẽ đón nhận nồng nhiệt.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

V.Hà (thực hiện)
.
.
.