NSND Doãn Tần: Tiếng hát trên đường chúng ta đi

Thứ Tư, 27/03/2019, 20:17
NSND Phan Doãn Tần, “giọng ca vàng” thời kỳ khói lửa đã ra đi ở tuổi 73 trong tiết thanh minh của mùa Xuân Kỷ Hợi. Đây là một mất mát lớn đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cũng là tổn thất đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Doãn Tần sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Chèo - huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, khi 18 tuổi, anh dời quê hương theo Liên đoàn Mỏ - Địa chất ra Quảng Ninh công tác. 

Là công nhân mỏ hàng năm miệt mài theo những mũi khoan thăm dò, chàng thanh niên Doãn Tần ngày ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Anh luôn nghĩ mình là một người công nhân bình thường có chút tài lẻ, yêu thích ca hát nên tham gia phong trào của đơn vị mà thôi… 

Duyên âm nhạc đến với anh vào năm 1969, khi Giáo sư Tạ Phước, ngày đó là Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) ra Quảng Ninh công tác và tham quan thực tế vùng mỏ. 

Nhân dịp dự chương trình biểu diễn văn hóa - văn nghệ của anh em công nhân, ông đã phát hiện ra chàng đội trưởng cao lộc ngộc có tố chất tiềm tàng của một ca sĩ chuyên nghiệp. 

Thời điểm này Doãn Tần đang được cấp trên chuẩn bị cử sang Liên Xô học chuyên ngành kỹ thuật Mỏ - Địa chất, quyết định trên đến muộn hơn giấy gọi nhập học của Trường Âm nhạc nên đáng lẽ Doãn Tần trở thành chàng kỹ sư Mỏ - Địa suốt đời cống hiến cho ngành Mỏ thì chàng công nhân mỏ đã mang theo giấy gọi nhập học về Hà Nội học khoa Thanh nhạc để mãi mãi theo nghiệp ca hát và trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng ngay sau đó không lâu…

Giáo sư Tạ Phước với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực đào tạo đã không nhầm khi tuyển chọn sinh viên thanh nhạc Phan Doãn Tần. Mới nhập học, anh đã tỏ rõ là một giọng ca đầy triển vọng với những bài hát được thu thanh, phát sóng trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Ai đã từng sống trong những năm 70 của miền Bắc-Việt Nam thời ấy đều không thể quên những thời khắc lịch sử bi hùng của cuộc chiến tranh tàn khốc giữa mưa bom, bão đạn lúc bấy giờ. Hà Nội trải qua những trận B52 trải bom và bắn phá ác liệt của không quân Mỹ, rồi cả nước nóng lòng chờ thông tin từ Hiệp định Paris về Việt Nam, tiếp đến là niềm vui vỡ òa trong tiếng reo ca khi cả nước thống nhất… 

Những cảm giác lâng lâng xen lẫn nghẹn ngào, sung sướng khi nghe hệ thống loa phóng thanh cả nước phát ca khúc “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du phổ thơ Xuân Sách. Bài hát được phát đi phát lại bởi giọng ca nam cao vút, hào sảng và tràn ngập niềm tự hào dân tộc của ca sĩ Doãn Tần.

 Với bài ca và giọng hát ấy, Doãn Tần đã khắc tên anh vào hàng triệu trái tim, tâm hồn người Việt. Cũng từ đây, anh vinh dự đứng vào hàng ngũ những nghệ sĩ- chiến sĩ của Nhà hát Quân đội năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Âm nhạc, để rồi tiếng hát của anh được chắp cánh ngân vang nhiều nơi: Trên nước Đức trong festival ca nhạc thanh niên, sinh viên thế giới năm 1973, trên sân bay Tân Sơn Nhất, cầu chữ Y… trước hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Sài Gòn trong ngày đất nước thống nhất (1975). 

Và rồi tiếng hát vang mãi không mệt mỏi theo dấu chân gian khổ nhọc nhằn của người lính Cụ Hồ trên khắp các nẻo đường nóng bỏng từ biên giới phía Bắc đến biên giới Tây Nam và đến với bạn bè nhiều nơi trên thế giới.

“Đường chúng ta đi” không chỉ là dấu ấn thành công đầu tiên trong sự nghiệp ca hát mà nó còn gắn bó sâu sắc với cuộc đời Doãn Tần như định mệnh, như một mối lương duyên về tinh thần để rồi từ đó anh nguyện suốt đời hát ca thủy chung trong màu xanh áo lính. Tiếng hát của anh như bài ca xung trận, như ngọn lửa tiên phong hừng hực cháy, thúc giục dẫn đường cho cả đoàn quân tiến lên phá tan giặc thù.

Món quà kỷ niệm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam năm 2005 - một chương trình nghệ sĩ Doãn Tần ấp ủ từ lâu, là đĩa CD mang tên bản hùng ca Đường chúng ta đi do Công ty nghe nhìn Thăng Long (Thăng long Audio- Visual., JSC) sản xuất với 11 ca khúc. 

Đây là những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của anh, như: Chim én bay (Nhạc: Nguyên Nhung, Thơ: Lê Thị Mây), giải Nhì đơn ca và múa ít người toàn quốc 1981; Người lính tình nguyện và điệu múa Ap-sa-ra (Minh Quang), hai năm liền Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân 1984, 1985; Đường chúng ta đi (Nhạc: Huy Du - Thơ: Xuân Sách) Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân năm 1995; Dáng đứng Việt Nam (Nhạc: Nguyễn Chí Vũ, Thơ: Lê Anh Xuân) Huy chương Vàng hội diễn  chuyên nghiệp toàn quốc 1999; Hát về tổ quốc tôi (Hữu Xuân); Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu); Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người (Nhạc: Cao Việt Bách, Thơ: Đăng Trung); Thương lắm tóc dài ơi! (Phú Quang); Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang); Chiếc vòng cầu hôn (Trần Tiến); Cùng anh tiến quân trên đường dài (Nhạc: Huy Du, Thơ: Xuân Sách).

Doãn Tần, người nghệ sĩ chiến sĩ.

Trong thời gian làm CD “Đường chúng ta đi”, ca sĩ Doãn Tần với quân hàm Thượng tá, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và là Đội trưởng đội Ca múa nhạc nhẹ Đoàn ca múa Quân đội. Anh Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Thăng Long Adio- Visual., JSC chia sẻ: “Tôi thật may mắn được gặp anh vào đúng dịp anh đang phải làm cái việc có lẽ không giống mình lắm là tìm kiếm, sao lục những tấm bằng khen, huy chương cá nhân để đơn vị đề nghị phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, nếu không công việc bận tối mắt với những chương trình biểu diễn của Đoàn, những buổi giảng dạy thanh nhạc tại các trường âm nhạc… anh sẽ không thể nhớ nổi mình có bao nhiêu thành tích trong hành trình hoạt động ca hát đã qua. 

Điều dễ cảm nhận là ánh hào quang của những tấm huy chương vàng hay bạc đã không làm thay đổi bản chất mộc mạc, khiêm nhường vốn có trong con người anh. 

Anh có một triết lý thật giản dị nhưng rất đáng kính trọng khi nói về hoạt động nghệ thuật của mình, rằng làm nghệ thuật cũng bình thường như việc thực hiện nhiệm vụ của mọi người lính ở mọi cương vị khác thôi, những gì mình làm được đâu có đáng kể so với sự mất mát, hy sinh, gian khổ của bao đồng đội trên khắp mọi miền tổ quốc.

Những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe không tốt, bệnh tật đeo bám khiến anh không thể tự do theo đuổi tiếp ước nguyện của đời mình, nhưng khi nào thấy khá hơn là anh vẫn đề nghị được tham gia biểu diễn. 

Bên cạnh anh, ca sĩ Minh Hồng là người bạn đời cũng là đồng nghiệp cùng Nhà hát trong những năm qua luôn tận tình chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ nhất là những khi anh đau ốm luôn có chị động viên, an ủi, tiếp sức hàng ngày. Vợ chồng anh chị với 45 năm chung sống hạnh phúc, luôn yêu thương nhau, cùng chăm sóc nuôi dạy con gái Hồng Vy nên người. Giờ đây Hồng Vy cũng là một nghệ sỹ có tên tuổi, yêu thương bố mẹ hết mực.

Nghệ sĩ Doãn Tần và vợ, nghệ sĩ Minh Hồng.

Nhân đây, người viết xin được gửi đăng những lời tâm huyết của một nhạc sĩ, một người bạn của NSND Doãn Tần từ phương Nam - nhạc sĩ Hữu Xuân, như một nén tâm nhang gửi tới anh: “Doãn Tần là một người bạn thân thiết của tôi từ rất lâu. 

Ngày xưa khi tôi còn làm việc tại Nhà hát Ca - Múa - Nhạc Việt Nam ở khu Mai Dịch, Nhà hát Quân đội ở gần nên anh em nghệ sĩ hai đoàn thường qua lại nhau chơi. Rất quý mến anh bởi anh là người hiền lành, chân thật, dễ mến. Bên cạnh đó anh còn là ca sĩ có giọng hát hay, truyền cảm. Anh cũng hát một số tác phẩm của tôi khi đi biểu diễn. Có một hôm anh điện thoại cho tôi và khoe vừa hoàn thành một CD mới trong đó có bài: “Hát về tổ quốc tôi” của tôi. 

Thật cảm động, khi mở nghe tôi đã rất hài lòng với cách trình diễn của anh, nghe như thấy trước mắt mình những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm canh giữ tổ quôc thân yêu. Mạnh mẽ nhưng hiền lành với chất lính qua giọng hát của anh. Giờ đây anh đã đi xa, rất xa, chẳng bao giờ còn gặp lại anh nữa, nhưng hình ảnh và giọng hát ấy không thể quên trong tôi”.

NSND Doãn Tần đã đi xa nhưng hình ảnh, giọng hát của anh vẫn còn mãi mãi trong lòng những người yêu âm nhạc. 

Xuân Tình
.
.
.