NSND Hoàng Dũng: Sân khấu cần những "món ăn" tinh túy hơn

Chủ Nhật, 09/09/2018, 12:34
NSND Hoàng Dũng nói, sân khấu là tình yêu suốt đời của anh, vì thế, ông luôn đau đáu, trăn trở trước những vấn đề khủng hoảng của sân khấu hiện nay. Ông chia sẻ: "Có thể sân khấu không còn được đón nhận, chăm chút như thời hoàng kim mà tôi đã trải qua, nhưng tôi vẫn làm việc bằng cả tình yêu và danh dự của tôi".


- Những ngày qua, sân khấu kịch Hà Nội sôi động hơn khi các nhà hát dựng lại một số vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ông cũng vừa dàn dựng vở "Nguồn sáng trong đời" rất xúc động. Theo ông, vì sao đến bây giờ, sau 30 năm, kịch Lưu Quang Vũ vẫn có sức hút lâu bền đến thế?

+ Những tác phẩm của Lưu Quang Vũ đại diện cho sân khấu Việt. Ngày đó sân khấu đi trước báo chí, thậm chí những vấn đề báo chí không dám nói, chưa dám nói thì sân khấu đã đề cập, rất quyết liệt và mạnh mẽ. Bây giờ, có những vấn đề cấp thiết, bức bách của đất nước, báo chí đi trước, họ đặt những vấn đề trực diện hơn, sân khấu hiện nay không làm được nhiệm vụ tiên phong đó. Vì thế, kịch của Lưu Quang Vũ vẫn có sức sống bởi những vấn đề anh đề cập đến trong tác phẩm không mang tính vụ việc mà ở tầm vĩ mô. 

Mỗi thời điểm có cách nhìn về những vấn đề của cuộc sống khác nhau, cách thưởng thức cũng khác. Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn được dựng lại và tính thời sự đâu đó vẫn còn, nhưng có lẽ quan trọng hơn trong kịch của anh Vũ là tính thời đại. Những câu chuyện nhân văn về, sự tử tế, thiện lương trong mỗi con người trong tác phẩm của anh không bao giờ cũ.

- Nhưng rõ ràng, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ không thể bù đắp được khoảng trống đang thiếu hụt trên sân khấu hiện nay của chúng ta?

+ Chúng ta cần những nhà viết kịch tài ba, không sa vào vụ việc lặt vặt. Nhưng điều chúng ta cần hơn nữa là tình của người viết và ngôn ngữ của vở diễn. Lưu Quang Vũ là một hiện tượng. Còn chúng ta, hiện nay, đâu đó vẫn có những người tâm huyết, có một vài kịch bản hay, nhưng để làm nên một trào lưu, một hiện tượng thì không. Sân khấu đang thiếu vắng những tiếng nói mạnh mẽ, phản ánh đời sống, tâm tư nguyện vọng của ngày hôm nay. Đó là một khoảng trống mà những tác phẩm của Lưu Quang Vũ không thể bù đắp được.

- Đó có phải nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự khủng hoảng của sân khấu Việt hiện nay?

+ Sự khủng hoảng của sân khấu còn liên quan rất nhiều đến vấn đề thưởng thức. Ngày xưa, thập niên những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ở Hà Nội chỉ có các đoàn ca múa nhạc và các loại hình sân khấu. Phương tiện thưởng thức rất ít. Hồi đó không phải ai cũng có cơ hội xem tivi, chính tôi cũng phải đi xem nhờ tivi khi kịch của mình có lịch phát sóng trên đài truyền hình. Bây giờ mọi chuyện đã khác, chúng ta đã bàn quá nhiều về vấn đề này rồi. Sự phát triển của xã hội, của các phương tiện thưởng thức là đương nhiên. Chỉ có điều, sân khấu phải làm thế nào để thích nghi và lựa chọn trong khe hẹp đó một con đường đi của riêng mình.

- Tôi nhớ, trong một hội thảo bàn về sân khấu năm 1990, NSND Nguyễn Đình Nghi đã dự báo về sự khủng hoảng sân khấu và ông cho rằng, trong tương lai, sân khấu không còn là thánh đường? Phải chăng, lời dự báo của ông đang thành sự thật?

+ Cái gì cũng có quy luật của nó. Đời sống mà, khi có nhiều phương tiện thưởng thức, giải trí, nó sẽ bị san sẻ, chia đều. Rồi thời gian sẽ tự sàng lọc dần. Chưa bao giờ ở Việt Nam bùng nổ các show game nhiều như vậy, khi các show game nhạt đi thì khán giả lại chuyển sự chú ý sang những scandal, toàn những thứ rất bề nổi. Nhiều chương trình nhảm, nhạt. Đây là thời ai cũng có thể làm diễn viên, ca sĩ, MC được. 

Dù thành công trong nhiều vai diễn điện ảnh, nhưng với NSND Hoàng Dũng, sân khấu là tình yêu lớn nhất.

Thời đại mà mọi thứ quá dễ dàng và nhạt nhẽo. Có những chương trình có giá trị đích thực, có chỗ đứng nhưng khán giả sẽ bị phân tán. Sân khấu không còn là thánh đường vì chính nó đang phải vật lộn để tồn tại. Xu hướng chạy theo thị hiếu, kiếm tiền sẽ làm cho sân khấu dễ dãi hơn, nhạt hơn.

- Vậy theo ông, có cách nào để trong khe hẹp đó, sân khấu vẫn tìm được một lối đi riêng?

+ Đời sống văn hóa nghệ thuật cần nhiều màu sắc, nhiều món ăn và khán giả là người có quyền lựa chọn món ăn phù hợp với mình. Tôi nghĩ, sân khấu cần phải chọn lọc hơn nữa, cần có những tác phẩm tinh hoa hơn nữa, nó không phải là món ăn của số đông và phải là món tinh túy. Có giai đoạn sân khấu chạy theo thị hiếu, bị thương mại hóa. Nghệ thuật mà đặt cơm áo gạo tiền sẽ làm mất đi chất thuần khiết của nó. 

Khi chạy theo thị hiếu, nghệ thuật sẽ mất đi chức năng hướng dẫn, giáo dục thẩm mỹ cho người xem mà chỉ nhăm nhăm nhấn vào chức năng thị trường. Nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi cố gắng giữ được điều đó, không chạy theo thị hiếu dù người yêu sân khấu không nhiều.

Tôi muốn dẫn dụ vài câu chuyện khi tôi có dịp ra nước ngoài. Ở Anh, các nghệ sĩ mơ ước được diễn trong sân khấu Hoàng gia Anh, đó là mơ ước của những nghệ sĩ lớn vì là nơi thể hiện đẳng cấp của họ. Sân khấu trở thành một món ăn thượng lưu. Cách đây gần 10 năm, lần đầu tiên tôi bước chân vào Nhà hát Bansoi, Maskva, tôi được chiêm ngưỡng thánh đường sân khấu đúng nghĩa. Ở đó, sự xuất hiện khán giả như một cách khẳng định đẳng cấp văn hóa của họ, sảnh của nhà hát trở thành một sàn diễn thời trang. 

Có những lúc đời sống kinh tế Nga khủng hoảng, nhưng khu nghệ thuật ấy vẫn đỏ đèn và trở thành một địa chỉ văn hóa. Tôi chứng kiến những người mua vé, trông họ cũng tất  bật, bình dị như chúng ta thôi, nhưng buổi tối họ sẽ chọn những bộ đồ đẹp nhất của mình để đi xem kịch. Đó là văn hóa thưởng thức. Còn chúng ta thì sao? 

Tôi thấy lạ là ở Việt Nam, nhiều người không thiếu tiền nhưng họ có thói quen "xin cho", những buổi Nhà hát Kịch Hà Nội diễn chiêu đãi đông khủng khiếp, đông và không ngớt lời khen. Người ta tư duy rằng, quen ông Hoàng Dũng đồng nghĩa với việc không mất tiền mua vé xem kịch. Vì thế, khi bán vé lại vắng khán giả.

- Thực tế đáng buồn đó không chỉ tồn tại trong lĩnh vực sân khấu.

+ Nghệ thuật là một món ăn tinh thần, có nhiều món, có người thích ba lê, có người thích cổ điển, thích tuồng, chèo. Nhiệm vụ của người làm văn hóa ở Hà Nội khác các thành phố khác bởi Hà Nội là Thủ đô. Đến Hà Nội, Thủ đô của một nước, sự phong phú về nghệ thuật thể hiện bộ mặt văn hóa của một đất nước. Không thể đến Hà Nội mà kịch không có, ba lê không có. Ngoài việc gìn giữ văn hóa truyền thống thì kịch, sân khấu hội nhập cũng phải được đầu tư. 

Tôi cần xem một vở diễn về hip hop cũng phải có chỗ cho tôi xem. Một lịch diễn hòa nhạc giao hưởng định kỳ bán vé rất khó, còn khó hơn kịch, nhưng không thể nói tôi là không có. Văn hóa Hà Nội khác văn hóa Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh vì Hà Nội là Thủ đô. Chúng ta chỉ loay hoay vì thiếu tiền mà thu hẹp cái nọ, thu hẹp cái kia mà không nghĩ đến chiến lược phát triển lâu dài. Những người làm văn hóa không yêu văn hóa nghệ thuật thì khó vô cùng.

- Vì thế, nhiều năm nay, chúng ta đang khuyến khích sân khấu xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác đầu tư cho sân khấu?

+ Sân khấu xã hội hóa có sân khấu riêng. Còn lại nhà nước phải đầu tư và gìn giữ sân khấu chính thống, vì nó là bộ mặt văn hóa của Thủ đô, của đất nước.

“Nguồn sáng trong đời” vở diễn xúc động do NSNd Hoàng Dũng làm đạo diễn.

- Nhưng có một thực tế là có một thời, nguồn lực đấy đã bị lãng phí khi chúng ta dựng nhiều vở kịch kém chất lượng và chỉ để đắp chiếu?

+ Món ăn liên quan đến khẩu vị của nhiều người, có những cái chúng ta thất bại, điều đó là quy luật thôi. Một nền sân khấu, điện ảnh không thể thiếu những tác phẩm có giá trị lịch sử, tuyên truyền. Nhưng quan trọng làm thế nào? Tại sao cứ phải có những công trình, những tượng đài tiêu tốn hàng chục, thậm chí trăm tỷ đồng để kỷ niệm ngày nọ ngày kia, rất lãng phí mà không đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật, cho sân khấu, điện ảnh. 

Vấn đề là làm như thế nào, ở đó có cả cái tâm và sự tự trọng của người nghệ sĩ. Nếu bạn đã xem vở "Nguồn sáng trong đời" của Lưu Quang Vũ, bạn sẽ thấy rằng, đó không chỉ là vở kịch để kỷ niệm 30 năm ngày mất của anh Vũ, nó có thể đại diện để kỷ niệm nhiều thứ trong đó, về những người bác sĩ tử tế, về những người lính trở về sau chiến tranh… 

Hiện nay, chúng ta vẫn có một thực trạng làm phim hay dựng kịch kỷ niệm theo kiểu mô phỏng lịch sử, cứng nhắc và khiên cưỡng. Ta biến những tác phẩm nghệ thuật ấy thành bức tranh cổ động, phóng sự cổ động. Làm văn hóa mà không có tâm là điều rất dở, nhưng không có tầm thì càng dở hơn.

- Vì thế, sân khấu rất cần những người thắp lửa và giữ lửa như anh để giữ cho sân khấu, dù trong cảnh huống nào vẫn  còn lại những giá trị thuần khiết, cao đẹp của nó?

+ Chúng tôi là những người giữ lửa và thắp lửa, truyền lửa cho sân khấu. Bạn có thấy những diễn viên trẻ trong vở "Nguồn sáng trong đời" họ diễn trên cả sức lực của họ không? Có thể đôi chỗ còn thô, vụng nhưng nhiệm vụ của những người làm nghề như chúng tôi là thổi vào các em tình yêu sân khấu. Tôi yêu và trân trọng nghề của tôi.

Tình yêu nghề của tôi không bao giờ nguội, bất cứ chỗ nào được bộc lộ, tôi sẽ bộc lộ một cách mạnh mẽ nhất, đó còn là trách nhiệm công dân của tôi. Có thể sân khấu không còn đón nhận, chăm chút như thời hoàng kim mà tôi đã trải qua, nhưng tôi vẫn làm việc bằng cả tình yêu và danh dự của tôi. Tôi cứ làm thôi, nhiều người như tôi, như chúng tôi, sân khấu một ngày nào đó sẽ khác.

- Vâng, cảm ơn cuộc trò chuyện tâm huyết của ông.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.