NSND Hoàng Dũng:

Tôi nhìn thấy tình yêu của những người trẻ

Thứ Tư, 26/04/2017, 21:58
Chúng tôi trò chuyện với NSND Hoàng Dũng trong một buổi chiều muộn ở phòng làm việc của ông tại Nhà hát Kịch Hà Nội.


Ông đang hướng dẫn cho hai học trò tham dự cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc. Còn tâm huyết, còn sức khỏe, ông vẫn say mê cống hiến, bởi với ông, sân khấu là cả cuộc đời, dù với cuộc đời đó, cũng lắm những nỗi niềm.

- Lâu lắm rồi mới có một phim truyền hình được khán giả háo hức chờ đợi như “Người phán xử”. Sự thành công của phim không thể không kể đến đóng góp ấn tượng của ông trong vai ông trùm Phan Quân. Trên mạng xã hội, rất nhiều câu nói của ông trùm được khán giả chia sẻ. Điều đó cho thấy ở NSND Hoàng Dũng “gừng càng già càng cay”?

+ Tôi không nghĩ bộ phim lại có hiệu ứng tốt như thế. Tôi nhận lời tham gia vai diễn này vì thấy rõ ràng đó là một vai hay, làm nghề trong đời để có những vai nhiều đất diễn như thế không nhiều, nhất là thế hệ tôi đã già. Phan Quân là một nhân vật đa diện, có đầy đủ hỷ, nộ, ái ố của một con người.

Là một nhân vật phản diện, nhưng khán giả sẽ không hoàn toàn ghét bỏ nhân vật này, thậm chí có rất nhiều đồng cảm với những góc rất con người trong ông ấy. Tôi luôn hứng thú với những nhân vật khó nắm bắt, đa diện về tính cách như thế. Phải sống thật nhiều, lăn lộn, sống chết với từng vai diễn mới rút được kinh nghiệm để mình có khả năng nhập vào nhân vật một cách tự nhiên nhất.

NSND Hoàng Dũng vào vai ông trùm trong phim truyền hình Người phán xử.

- Tôi xem khá nhiều vai diễn của ông và rất ấn tượng bởi lối diễn mà như không diễn của Hoàng Dũng thể hiện đẳng cấp làm nghề của một nghệ sĩ lớn. Với nhân vật bí hiểm như Phan Quân, ông làm thế nào để nhập vai một cách hoàn hảo như thế?

+ Tôi đã mất hằng tháng trời cày phim và kịch bản những bộ phim về thế giới ngầm của nước ngoài, ngoại trừ “Bố già” vì sợ sẽ bị ảnh hưởng. Bởi đó là một ông trùm vừa tàn độc lạnh lùng, vừa công bằng, trọng ân nghĩa, có những nguyên tắc sống rõ ràng. Thể hiện những nhân vật như vậy rất khó, vì làm sao lừa được khán giả, khiến chính họ cũng bối rối trước bản chất thật của ông trùm và không suy đoán được suy nghĩ của ông ta.

Thực tế, trong cuộc đời làm diễn viên, tôi chưa buông một vai diễn nào, dù lớn hay nhỏ, tôi đều làm với một tâm thế tốt nhất có thể, thậm chí đồng sáng tạo với đạo diễn để hoàn thiện nhất vai diễn của mình.

Trong cuộc đời, nhất là cuộc đời người nghệ sĩ, để đạt tới thành công, ai cũng phải trải qua nhiều thất bại, thậm chí là rất đau đớn. Và để vươn tới thành công thì nghị lực không đủ mà phải có tình yêu, đam mê nghệ thuật không ngừng nghỉ. Nếu chỉ nghiến răng bằng nghị lực để vượt lên mà không có tình yêu với nghệ thuật thì sẽ không đi được đường dài.

- Vâng, tôi được biết, một nghệ sĩ lớn như ông, khi mới vào nghề cũng phải trải qua rất nhiều thử thách, thậm chí cả những thất bại?

+ Tôi suy nghĩ mãi, ngày đi học tôi như là cánh chim đầu đàn. Ra trường các bạn được nhận những vai có thoại, có lớp diễn, đến nhà hát tôi luôn chỉ nhận được những vai quần chúng, vác kiếm chạy qua vác đao chạy lại, tốp ăn theo dạ dạ vâng vâng, gật gật gù gù. Tôi quyết tâm cố gắng thay đổi.

Sau này khi ngồi cùng anh Doãn Hoàng Giang, tôi có nhắc lại mấy câu anh nói, không rõ là anh quên hay như thế nào nhưng anh Giang cứ nói tôi "điêu". Quãng thời gian cay đắng đã đi qua nhưng tôi tin vào sự cố gắng và phải thực sự yêu nghề, sống chết với nghề mới có thể thành công. Không ai cho ta cơ hội ngoài tình yêu và sự khổ luyện của chính mình.

- Tình yêu ấy, sự sống chết với nghề ấy, ông có tìm thấy trong các thế hệ trẻ hiện nay của sân khấu, điều mà rất nhiều nhà hát hiện nay đau đầu vì thiếu vắng những người trẻ kế cận, thiếu ngọn lửa được thắp lên trong tâm hồn họ?

+ Tôi và lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội đã cố gắng tạo nên một thế hệ kế cận tốt ở nhà hát, đó là những người trẻ, tài năng và đẹp về thanh sắc như Kiều Thanh, Hồng Đăng, Thanh Hoa, Thùy Linh, những gương mặt đang phủ sóng phim truyền hình.

Có thể nói đó là những gương mặt sáng giá của sân khấu hiện nay, các em yêu nghề, đam mê với nghề. Nhưng thực tế đời sống sân khấu đìu hiu, như Nhà hát Kịch Hà Nội, mỗi năm cũng chỉ dựng hai vở, không có nhiều cơ hội cho các em làm nghề, vì thế tôi vẫn dành thời gian cho các em đi làm phim.

Làm phim truyền hình, được khán giả biết đến cũng là cách truyền thông cho mình, cho nhà hát. Với chế độ đãi ngộ như hiện nay đối với nghệ sĩ, đòi hỏi họ gắn bó, sống chết với nghề rất khó. Thế hệ tôi, ngay cả trong những năm tháng chiến tranh vất vả vẫn luôn cảm thấy được đãi ngộ hơn các ngành nghề khác, nghệ sĩ có những ưu ái đặc biệt, còn bây giờ, cào bằng tất cả, thậm chí nghệ sĩ rất nhiều thiệt thòi.

Chắc sẽ không ai tin rằng, lương về hưu của một NSND như tôi sau hơn 40 năm gắn bó và cống hiến cho sân khấu chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng. Nếu không yêu nghề, làm sao có thể gắn bó với nó cả cuộc đời.

- Vâng tôi có dịp trò chuyện với các nghệ sĩ gạo cội của sân khấu, họ có rất nhiều nỗi niềm về chế độ đãi ngộ, về những giá trị chuẩn mực của sân khấu đang càng ngày càng bị mai  một. Còn ông, ông trăn trở điều gì hiện nay, sau khi đã rời cương vị quản lý Nhà hát Kịch Hà Nội?

+ Rõ ràng ở nước ta, nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức, chúng ta chưa có những đầu tư xác đáng cho nghệ thuật. Nhiều khi như đi câu ấy. Lãnh đạo yêu văn hóa nghệ thuật trong thời điểm đương nhiệm thì văn hóa nghệ thuật được quan tâm, còn không thì sẽ thưa vắng đi.

Tôi muốn giữ thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội, khán giả đến đó để xem những vở chính kịch chất lượng, sâu sắc và nhân văn. Tôi không muốn ăn một bát phở có nhiều rau, rau tôi nghĩ dành cho bún. Tôi muốn khán giả biết đến Nhà hát Kịch Hà Nội như biết tới món phở Bắc và tôi muốn giữ nó như người Hà Nội đang cố giữ những nét tinh túy của phở Hà Nội vậy.

- Và ông đang làm được điều đó trong một quãng thời gian dài làm Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nói không với những thay đổi để giữ bản sắc của nhà hát. Nhưng có ai đó cho rằng ông bảo thủ, không theo kịp thời đại?

+ Tôi nghĩ, để tạo dựng một thương hiệu là chuyện khó, giữ được thương hiệu càng khó trong thời buổi sân khấu u ám, cuộc mưu sinh khó khăn. Nhưng không vì điều đó mà chúng ta đánh mất những giá trị chuẩn mực.

Một thành phố văn minh như Hà Nội cần một nhà hát opera đàng hoàng, một dàn nhạc giao hưởng đàng hoàng và một sân khấu chính kịch. Đó là bộ mặt của một thành phố văn minh trong thời kỳ hội nhập. Chúng ta đã làm được điều đó chưa, khi sau bao nhiêu năm vẫn chưa xây dựng được một nhà hát tử tế. Cái thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa.

Tôi vẫn tự hào vì Nhà hát Kịch Hà Nội sau nhiều năm vẫn giữ được bản sắc của mình. Bây giờ nhiều nhà hát dựng kịch kinh điển, nhưng các vở kịch đang có xu hướng bình dân hóa, như những vở tấu hài, không còn giữ được những giá trị chuẩn mực nữa. Nhà hát chúng tôi vẫn dựng lại các vở kịch của Lưu Quang Vũ như “Trái tim trong trắng”, “Ông không phải là bố tôi” và gia đình anh Vũ rất quý, họ nói rằng, đi xem kịch Lưu Quang Vũ ở Nhà hát Kịch Hà Nội ít bị phá phách.

Đổi mới không tinh tế sẽ làm mất đi cái phong cách của Lưu Quang Vũ. Chức năng của sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung là cảnh báo, phê phán và tìm ra hướng giải quyết, để góp tiếng nói nhân văn vào phát triển xã hội. Chúng ta không thể nhân danh sự đổi mới mà đưa vào những chất liệu không phù hợp với các vở kịch đã trở thành kinh điển, làm méo mó đi các giá trị chuẩn mực, hàn lâm.

NSND Hoàng Dũng trong Tiếng đàn vùng mê thảo.

- Vậy theo ông, làm thế nào để giữ được bản sắc của nhà hát trong thời điểm khó khăn này, vì sân khấu sẽ đóng băng nếu không có khán giả?

+ Chúng ta phải đi tìm lời giải cho câu hỏi, làm sao sân khấu có khán giả, có thể kéo khán giả đến rạp. Ở các nước phát triển, cứ đến ngày cuối tuần là mọi người đi xem kịch, nghe opera. Điều này ở nước ta có vẻ như là một giấc mơ. Nhưng thôi, sân khấu cứ làm tốt nhiệm vụ của mình, dần dần sẽ thay đổi thói quen của mọi người.

Đừng bắt sân khấu phải tự nuôi sống mình bằng xã hội hóa. Tôi vẫn nghĩ, với nghệ thuật cần sự đầu tư, bảo trợ của Nhà nước. Đến khi nào nghệ thuật thực sự mạnh, nó sẽ trở thành một nguồn thu. Đó là cả một chiến lược đầu tư lâu dài cho văn hóa, nghệ thuật mà Nhà nước cần quan tâm hơn nữa.

- Những câu hỏi không biết khi nào sẽ tìm được câu trả lời trong thời điểm khó khăn này. Tôi muốn hỏi một câu hỏi riêng tư, cuộc sống về hưu của một nghệ sĩ có nhiều thay đổi không, thưa ông?

+ Đến bây giờ tôi vẫn chưa có thay đổi gì, ngoài việc mình không còn bận bịu công việc giấy tờ, quản lý. Với cuộc sống nghệ sĩ thì sân khấu là cuộc sống của họ, còn sống chúng tôi còn làm việc. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện của hai nghệ sĩ lớn, NSND Tuệ Minh và NSND Trần Phương, hai tên tuổi lẫy lừng của điện ảnh Việt Nam giờ đang sống trong trại dưỡng lão, cô đơn, nghèo.

Hai tên tuổi đó, nếu ở Pháp, Mỹ sẽ có cuộc sống thế nào, chắc bạn cũng hiểu. Còn ở ta... Tôi thấy buồn. Nổi tiếng cũng đến chừng ấy, cống hiến cho nghề cũng đến chừng ấy mà thôi. 

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.