NSND Lan Hương:

Làm nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng

Thứ Hai, 17/10/2016, 12:37
NSND Lan Hương - mọi người vẫn quen gọi chị với cái tên gần gụi Hương Bông - nói, làm nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng. Sau 38 năm làm nghề, chị vẫn coi mình chỉ là một diễn viên.


Chị vừa nhận quyết định nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Việt Nam, tạm dừng cuộc đời của một công chức. Còn cuộc đời của một nghệ sĩ, với chị, vẫn sẽ cháy đến hơi thở cuối cùng.

- Cách đây không lâu, tôi có trò chuyện với nghệ sĩ ưu tú Trung Anh, anh có rất nhiều nỗi niềm, về một thế hệ đã sống trọn vẹn với sân khấu. Còn chị, ngay lúc này, khi đã nhận quyết định nghỉ hưu, chị có tâm sự gì?

+ Tôi cũng thấy buồn, đó không phải là nỗi buồn của cá nhân nữa. Tôi thấy rõ một điều rằng, thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam mất đi, nó lâng châng, lẫn lộn, thậm chí không bằng các nhà hát khác về đội ngũ diễn viên, về tầm vóc và thương hiệu Anh cả đỏ đang mất dần.

Từ trước đến nay tôi vẫn sống trong hy vọng, một ngày nào đó sân khấu được khởi sắc, được trân trọng. Vừa rồi, có quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa các tác phẩm kinh điển vào Nhà Hát Lớn biểu diễn, điều đó manh nha những hy vọng.

Tôi còn nhớ, trước đây, vào những ngày trọng đại của đất nước, Nhà hát Kịch có những tiết mục để chào mừng, để diễn, yêu cầu là có ngay, nhưng giờ để tìm được những vở như thế như mò kim đáy bể.

Tôi rất ủng hộ chủ trương lớn của Bộ để không biến Nhà hát Lớn thành nhà họp, nơi trao bằng khen mà trở thành một nhà hát đúng nghĩa, để các nghệ sĩ được sáng tạo, được bay bổng, đem đến những giá trị chân, thiện, mỹ đích thực cho khán giả.

- Tôi nhìn thấy nước mắt rơi trong đêm diễn chia tay của chị ở Nhà hát Lớn, cảm giác đó, đối với thế hệ những người đã sống trọn vẹn với sân khấu như chị chắc hẳn vẫn còn thiêng liêng lắm?

+ Lúc nào, với chúng tôi, sân khấu cũng là một thánh đường đúng nghĩa. Sân khấu như NSND Nguyễn Đình Nghi nói, nếu mang ra khỏi nhà hát sẽ không đạt được hiệu quả nghệ thuật, từ âm thanh, ánh sáng, nội dung, không chuyển tải hết được.

Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch vẫn đi diễn đều, xung quanh Hà Nội hoặc xa hơn nữa, chiều đi đêm về, sân khấu thì tạm bợ, nhiều khi chỉ là rạp chiếu phim, khi là sân khấu ngoài trời, mình diễn, còn phía sau tiếng chọc bia còn to hơn tiếng diễn viên, ngoài sân các trò  chơi của trẻ em, nhạc ầm ĩ.

NSND Lan Hương và chồng, NSƯT Đỗ Kỷ.

Làm sao mà một vở diễn của Nhà hát Kịch lại diễn ở những nơi như thế được, không đạt chất lượng gì cả, chưa kể đội ngũ diễn viên ngày càng mỏng, chưa có bề dày, chưa tạo được dấu ấn, nét riêng.

Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ bây giờ chỉ căn cứ vào huy chương, trong khi, với những người làm nghề như chúng tôi, thì tài năng phải khẳng định bằng vai diễn, có những nghệ sĩ họ không có huân, huy chương, nhưng họ đóng những vai diễn không ai thay thế được.

Đó chính là tài năng. Bây giờ thì không phải như vậy, có người đạt huy chương vàng nhưng thay người khác vào có khi diễn còn hay hơn. Đó không phải là tài năng, mà chỉ như xếp hàng gạch. Thành Lộc là Thành Lộc, Lê Khanh là Lê Khanh…

Đó là tài năng, nó khác hẳn với việc đổ đồng. Tại sao khán giả ngày càng xa rời, ngay cả phim truyền hình cũng thế thôi, các bạn trẻ không có nét riêng, vai nào cũng na ná nhau, nên chỗ đứng của họ không vững chãi, bạn A không đóng thì thay bạn B cũng được.

Tôi muốn nói đến một thế hệ nghệ sĩ công chức, thiếu có dấu ấn cá nhân. Các bạn trẻ bây giờ không thể lăn lóc, sống chết với nghề, họ có bao nhiêu sự phân tâm trong cuộc sống, không thể toàn tâm toàn ý với nghề được.

- Đôi lúc tôi vẫn tự hỏi, vậy vì sao, chị và thế hệ chị vẫn yêu nghề và làm nghề một cách đắm đuối như vậy?

+ Tôi vào nghề, có nghề từ nhà hát, thành danh cũng từ nhà hát, và tôi lớn lên trong không khí đó, qua bao nhiêu thăng trầm của nhà hát vẫn luôn sống trong hy vọng một ngày nào đó, sân khấu sẽ bùng cháy.

Tôi được sống cạnh những nghệ sĩ mà khi bước ra sân khấu họ luôn đốt cháy sân khấu bằng ngọn lửa của đam mê, làm cho sân khấu rất sống động, còn sân khấu giờ vắng lặng.

NSND Lan hương trong vở Tai biến.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã từng thông qua một đề án xây dựng Nhà hát Kịch thành Nhà hát Quốc gia, với những tác phẩm nghệ thuật đích thực nhưng khi triển khai thì vẫn lấy ngắn nuôi dài, vẫn xây dựng những tiết mục chứ không phải tác phẩm, nhiều cái như một tiểu phẩm chứ không phải tác phẩm, nhưng vẫn được khen.

Chúng ta đang sống trong những thành tích hình thức, như một ví dụ đơn giản, Hà Nội đang trồng bao nhiêu cây xanh, rất nhiều cây nhỏ được trồng dưới gầm cầu vượt Hoàng Cầu, chắc chắn sẽ bị phá bỏ. Vậy người thực hiện có biết điều đó không, hay chỉ cần biết trồng đủ cây thôi.

Cuối năm người ta vẫn có thành tích, nhưng thực tế, họ có lỗi không, và họ có chịu trách nhiệm phần nào không. Đó cũng là một sự lãng phí nhìn thấy rõ. Ở Nhà hát Kịch cũng vậy thôi, có nhiều vấn đề khiến cho sự phát triển rất lâng châng.

Chúng ta vẫn đang bơi và lấy ngắn nuôi dài, chính điều đó làm cho sự tiến bộ của diễn viên không nhanh được, vì đang diễn chính thống, rồi lại sang vở khác rất hời hợt. Nhất là khi các bạn trẻ chưa định hình được phong cách của mình nên khó phát triển nghề nghiệp.

Tôi vẫn tâm niệm rằng: “Có công mài sắc mới có ngày nên kim”, phải mài dũa, rèn luyện rất nhiều mới có được một nghệ sĩ thành danh. Cho nên mỗi ngày đọc báo, có một nghệ sĩ nào ra đi đều mang lại cho tôi một sự tiếc nuối vô bờ vì để có được một nghệ sĩ như thế không dễ.

Tài năng hiếm lắm, ngày xưa các cụ nói phải đãi cát tìm vàng. Còn bây giờ, nhiều người không làm được nghề khác mới thi vào đây, vì đời sống kinh tế quá thấp, không nuôi sống được họ. 

- Xu hướng xã hội hóa, liệu có đem lại những khởi sắc cho nhà hát, theo cách nhìn của một nghệ sĩ gần 40 năm gắn bó với sân khấu kịch như chị?

+ Ở một đất nước phát triển nào cũng cần một nhà hát kịch quốc gia, đó là bộ mặt văn hóa của một đất nước. Chúng ta phải giữ nó, chứ để nó bươn chải như thế không biết sẽ đi đến đâu.

- Nhiều người nói, người nghệ sĩ khi rời xa ánh đèn sân khấu chắc sẽ hẫng hụt và buồn lắm, nhất là với những người đắm đuối với nghề như chị?

+ Nhớ nghề chứ, cha mẹ cho mình cuộc sống nhưng Nhà hát Kịch cho mình nghề và những mối quan hệ thân thương, là gia đình thứ 2, nhiều tiếc nuối, bâng khuâng.

Đối với nhiều người, ánh đèn sân khấu sẽ là nỗi nhớ. Nghề diễn viên như con thiêu thân, cứ thấy ánh đèn sân khấu bật lên là lao vào. Họ sẽ không bao giờ quên.

Nhưng tôi đã chuẩn bị cho mình điều này rồi, lâu nay tôi nhường cho các bạn trẻ tham gia các vai, làm được điều này không dễ nhưng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho mình khá tốt. Đến lúc này, cuộc sống của tôi vẫn chưa có gì xáo trộn, vẫn những vai diễn ở nhà hát, rồi đi đóng phim…

- Nếu có một lời nhắn nhủ cho các bạn diễn viên trẻ, chị muốn nói điều gì?

+ Tôi nghĩ, các bạn trẻ hơn thế hệ của tôi là được hội nhập, có nhiều thông tin hơn và cuộc sống tiết tấu cũng nhanh hơn. Các bạn trẻ thỉnh thoảng chậm lại một chút để nhìn lại chính mình.

Tôi không biết các bạn trẻ nghĩ gì, còn tôi sau 38 năm làm nghề vẫn luôn thấy rằng, làm nghệ thuật thực sự nhọc nhằn, khắc nghiệt và khó, nó chưa bao giờ dễ dàng. Hiểu được điều đó, các bạn sẽ cố gắng hơn.

Đối với tôi, đến bây giờ tôi vẫn chỉ nghĩ mình là diễn viên thôi, hai chữ “Nghệ sĩ” rất thiêng liêng và trân trọng. Ngày xưa, từ “Nghệ sĩ” chỉ dành để nói đến bậc lão thành, gạo cội. Nhưng bây giờ dễ dãi quá, tất cả thành nghệ sĩ hết.

Làm một nghệ sĩ không dễ, họ không chỉ là một tài năng trên sân khấu, mà còn là một người có tư chất nghệ sĩ từ trong máu. Nó là một nghề khắc nghiệt, khó khăn và nhọc nhằn. Các nghệ sĩ thành danh ai cũng lăn lộn với nghề, có ai thấy dễ dàng đâu.

- Phụ nữ làm nghệ thuật không nhiều người có một cuộc sống bình yên ở ngoài đời, còn chị, chị có một gia đình  yên ấm bên nghệ sĩ Đỗ Kỷ. Chị có nghĩ mình là người may mắn?

+ Tôi thấy mình may mắn, song cái may mắn đó đòi hỏi bản lĩnh của người phụ nữ, luôn hiểu mình ở đâu, tôi tự chọn con đường mình đi và chủ động trong cuộc sống. Tôi không bao giờ bị tác động bởi ngoại cảnh, tôi xác định được điều gì tốt sẽ theo đuổi đến cùng.

Phụ nữ, ai cũng có sự lãng mạn, nhạy cảm và nhẹ dạ, nhưng mình cũng phải hiểu mình. Tôi là người may mắn, nhưng không phải sự may mắn tự dưng đến mà mình chủ động lựa chọn nó, vận hành nó.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.