NSND Thái Bảo: Bão giông “giấu” vào trong âm nhạc

Thứ Năm, 15/02/2018, 07:00
Gặp lại Thái Bảo trong một ngày cuối năm, trong yên tĩnh nghe chị giãi bày về nghề, về sản phẩm mới, về đời ca sĩ nhiều thăng trầm, ngọt ngào và cay đắng.


Chị nói: “Trở thành NSND, xét về mặt danh hiệu làm nghề, đời một người ca sĩ như vậy là hết nấc để phấn đấu, nhưng với khán giả, tôi vẫn còn rất nhiều nấc phải vượt qua. Tôi thấy áp lực hơn từ khi là NSND. Là bởi mình phải nghiêm khắc với chính mình hơn nữa trong công việc, không để khán giả thất vọng về mình. Tôi cẩn trọng hơn không phải bài nào cũng hát, chỗ nào cũng hát, chương trình nào cũng hát”…

NSND Thái Bảo.

Nhớ khoảng chục năm về trước, ở một bài báo, tôi đã gọi Thái Bảo là “đàn bà tỉnh táo”. Bởi tôi thấy mọi lựa chọn trong cuộc sống của chị đôi khi nhiều lý trí, khác với không ít nghệ sĩ mà tôi đã gặp. Chị bảo, giờ nhiều tuổi hơn rồi, vẫn thấy hài lòng với hai chữ tỉnh táo đó, dù chị tự biết tỉnh táo không phải lúc nào cũng là hay, chỉ được mà không mất. 

Với người làm nghệ thuật, đam mê, cuồng si nếu có cũng rất tuyệt, nó như đôi cánh giúp mình có những phút giây thăng hoa, bay bổng. Nhưng hệ lụy của bay bổng đôi khi lại là nỗi buồn, nỗi đau không lường trước được. 

Thái Bảo trầm ngâm trong quán cà phê ngày mưa cuối năm, đủng đỉnh xác nhận: “Mình có cái hèn lắm, đúng như nhận định của một cậu em mà mình rất quý, là ca sĩ Tấn Minh. Mình là kẻ “tưởng vậy mà không phải vậy”, hay nghĩ trước nghĩ sau, sợ nhiều thứ, mà có lẽ cái sợ lớn nhất là sợ tổn thương. Tổn thương mình và tổn thương người, sợ lắm. Nên mình cứ thường hay chọn cái an toàn. Hèn là vậy. Hay là tỉnh táo cũng là vậy. Nhưng thôi, đó là con người mình, chấp nhận mình một cách vui vẻ. 

Nói chung mình hài lòng với cái đang có. Điểm nhìn của mình bao giờ cũng hướng về cái cơ bản, nên những khiếm khuyết nào đó trong đời sống mà mình cho rằng nó không cơ bản, mình bỏ qua. Có thời điểm mình đứng trước những cái, gọi là gì nhỉ, gọi là cơ hội cũng được, để nếu mà mình dám dấn thân, có thể mình sẽ có một tiền đồ tốt hơn chẳng hạn. Nhưng mình chưa khi nào định “liều một phen” cả. Mình luôn cảm thấy nguy hiểm, như là đứng trước vực thẳm vậy. Và mình “tẩu thoát” khỏi cảm giác đó, đúng nghĩa là chạy trốn khỏi vực thẳm”.

Tôi hỏi Thái Bảo, sao những giãi bày của chị nghe như thể có lúc chị đã phân vân về sự tỉnh táo của mình. Thái Bảo im lặng không trả lời vào câu hỏi. Rồi bất giác chị vui trở lại, chị nói, thời điểm này khó có điều gì làm chị buồn lắm. Nói một điều gì cũng chỉ là cách chiêm nghiệm đời sống mình đã đi qua với những dài rộng của nó. Phần quá khứ đã qua, dù đam mê dù tỉnh táo thì cũng đã trở thành đời mình, không thay đổi. Sao mỗi chúng ta không vui với phần đời ấy, đừng nghĩ chuyện đúng sai, đừng phân tích. 

“Mình giờ đây là NSND, có một gia đình ấm áp để đi về, có công chúng, và còn đủ say mê để bước lên sân khấu, mỗi lần vẫn mới mẻ thăng hoa như buổi đầu, chẳng phải mình là một người hạnh phúc hay sao. Hạnh phúc ấy biết đâu nếu không tỉnh táo, giờ này, mình đã hao khuyết ít nhiều, hoặc không thể trọn vẹn như vậy”.

Thái Bảo kể cho tôi nghe hai câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện xảy ra trong cuộc đời ca sĩ của chị, để nói về sự tỉnh táo mà chị lựa chọn cần thiết mức nào. 

Chuyện thứ nhất, hồi chị còn rất trẻ, hai vợ chồng mới kết hôn, một hôm có một lá thư gửi đến tận nhà cho chị. Bức thư của một người đàn bà xa lạ, viết rằng, đề nghị chị đừng có tiếp tục quan hệ và hãy tránh xa chồng bà ra, nếu không chị sẽ phải trả giá. Chị lặng người và quyết định chuyển lá thư cho chồng chị đọc. 

Sau khi đọc thư, chồng chị, anh Tuấn, đã quyết định lần theo địa chỉ trong lá thư đến gặp người đàn bà này. Anh nói với người đàn bà rằng, Thái Bảo là vợ anh và không biết chồng bà là ai, đề nghị bà dừng trò viết thư xúc phạm nghệ sĩ. Người đàn bà này kể tội Thái Bảo, ông chồng công nhân của bà mỗi lần nghe Thái Bảo hát trên tivi là như cơn nhập đồng. Ông ta cứ ôm lấy tivi rồi trước mặt vợ cứ khoe “hôm qua vừa đi chơi với Thái Bảo”, khiến bà mất ăn mất ngủ.

Chuyện khác, một lần Thái Bảo được mời đến biểu diễn trong một sự kiện của bệnh viện nọ. Khi chị hát xong, có một người phụ nữ, là bác sĩ của bệnh viện, hớt hải ôm bó hoa chạy lên sân khấu. Người phụ nữ tặng hoa cho Thái Bảo, rồi rất nhanh, bà giật lấy chiếc micro trên tay Thái Bảo và nói: “Hôm nay nghe Thái Bảo hát tôi mới hiểu được tình yêu của chồng tôi dành cho Thái Bảo lớn đến mức nào”. 

Thái Bảo bối rối, cả hội trường im phắc không hiểu chuyện gì. Người phụ nữ nói tiếp: “Chị nói thật với em, chồng chị ngưỡng mộ em đến mức đang tắm trong nhà tắm đầu đầy xà phòng mà nghe thấy em ôm đàn ghita hát trên tivi là ông ấy quấn khăn lao phòng khách xem em biểu diễn. Hôm nay được nghe em hát, chị hâm mộ em còn hơn cả chồng chị. Thay mặt chồng chị, xin tặng em bó hoa này”.

Thái Bảo nói, hai câu chuyện này ăn sâu vào đầu óc chị. Nó cho chị nhận diện khán giả của mình, nhận thức về sự trân trọng đối với khán giả. Đồng thời nó cũng nhắc chị, từ khi còn rất trẻ, về những phiền toái khi làm một người của công chúng. 

Hiểu lầm, tin đồn và bao nhiêu thứ khác có thể sẽ bủa vây, mà nếu không tỉnh táo, mọi thứ mình đã gây dựng có thể biến thành mây khói. Những câu chuyện cũng nhắc chị về việc phải tự đặt mình vào vị trí của người khác để tránh mọi tổn thương cần thiết. Đừng bao giờ cho phép mình theo kiểu, là nghệ sĩ hành xử tự do, thế nào cũng được.

Nói về người đàn ông cùng nhà với mình, Thái Bảo nhắc đến hai từ may mắn. “Anh ấy tốt, hiểu mình, và quan trọng là tin mình. Sống với một người vợ như mình anh ấy có áp lực không, chắc chắn là có. Chuyện có khán giả hâm mộ nhắn tin, gọi điện lúc nửa đêm không hiếm. Sáng mùng Một Tết mình vừa rửa rau, vừa áp điện thoại vào tai để hát theo yêu cầu khán giả ở nước ngoài gọi về, chồng mình đã quen.

Anh ấy phải vượt qua cảm xúc như ghen, như khó chịu, để rồi nhìn điều đó như một vẻ đẹp, để mình không phải mài tròn mình đi, hay căng thẳng chống đỡ những chuyện thường tình như vậy. Mình phải biết ơn anh và luôn tự nhắc mình về sự tỉnh táo. 

Mình không dám nói mạnh về hạnh phúc. Nói về hạnh phúc cho rạch ròi khó lắm. Mình cũng không khoe hạnh phúc ở bất cứ đâu cả. Mình chỉ biết rằng cái mình hiểu về hạnh phúc đơn giản lắm, ví như người ta sống cùng nhau thì phải yêu thương, tử tế, biết điều với nhau, vậy thôi”.

Tôi chợt yêu sự tỉnh táo của Thái Bảo thêm nhiều lần, vì tôi đã từng chứng kiến không ít cú ngã đau của những người bạn nghệ sĩ, khi họ nhân danh đam mê, cuồng si, bản năng, sáng tạo mà bước tới, lựa chọn và đánh đổi. Được mất ở đời thật khó để bình luận. Nhưng chắc chắn rằng khi đàn bà thông minh trong lựa chọn, số phận của họ ít mang theo giông bão. Những người đến cùng họ trong đời cũng vì thế mà bình yên hơn.

Thái Bảo, mong chị hãy luôn tỉnh táo như vậy trong đời thường. Mọi đam mê, đắm say, thậm chí là giông bão, hãy cất giấu vào trong nghệ thuật, để khán giả được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ giọng hát của chị.

Người kể chuyện tình buồn

Album mới của Thái Bảo có tên gọi “Giấc mơ vô thường”, gồm những ca khúc nhạc xưa đã nằm lòng khán giả nhiều thế hệ như: “Bài không tên số 2”, “Bài không tên số 4”, “Bài không tên cuối cùng” (Vũ Thành An), “Ướt mi” (Trịnh Công Sơn), “Cho người tình lỡ” (Hoàng Nguyên), “Thu sầu” (Lam Phương), “Sang ngang” (Ðỗ Lễ), “Nửa hồn thương đau” (Phạm Duy), “Niệm khúc cuối” (Ngô Thụy Miên), “Mùa đông của anh” (Trần Thiện Thanh). 

Bình Nguyên Trang
.
.
.