NSND Thu Hà & Giấc mơ bình yên

Thứ Hai, 23/09/2019, 11:59
Nhiều người bảo, danh hiệu đến với chị NSND Thu Hà quá muộn. Nhưng với người đàn bà không tuổi ấy, danh hiệu đến sớm hay muộn không quá quan trọng, bởi chị vẫn được sống với nghề bằng tất cả đam mê của mình.

Tôi ngồi với chị ở quán caphe góc phố Tràng Tiền, ngay gần nhà hát kịch Hà Nội. Khá lâu rồi, dễ chừng hơn 10 năm, Thu Hà gần như rời khỏi điện ảnh và phim truyền hình. Chị dành thời gian và tâm trí cho gia đình và sân khấu kịch Hà Nội. 

Tôi còn nhớ vai diễn của chị năm đó, vai diễn đầu tiên đánh dấu sự trở lại của NSND Thu Hà với sân khấu, nàng Thuận Khanh trong vở “Ngàn năm tình sử” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Một người đàn bà 40 tuổi vào vai cô gái 16 tuổi nhẹ như không. 

Và Thu Hà đã thăng hoa trên sân khấu bằng bản năng của một người làm nghệ thuật và bằng cả sự trải nghiệm của chính mình. Một sự hóa thân hoàn hảo. Người xem lại được gặp chị, một Thu Hà của 20 năm về trước, như một đóa hoa rừng đang tỏa hương giữa làng sân khấu Việt bằng tài năng và niềm đam mê, một vẻ đẹp tỏa ra từ nội lực của chị. 

"Ðối với NSND Thu Hà, niềm vui không chỉ là cống hiến cho công chúng mà còn được nuôi dưỡng bằng mái ấm gia đình và tiếng cười của hai con trai".

Nhiều năm qua, chị lui vào ở ẩn, dành thời gian chăm sóc gia đình. Và có lẽ, vì thế, cái tên Thu Hà cũng gần như vắng bóng. Nhưng chị không buồn vì điều đó. Thu Hà chủ động lựa chọn cuộc sống bình yên ấy. Sau những biến cố riêng, chị biết trân quý hơn hạnh phúc của mình, chăm sóc hai cậu con trai bé bỏng và gia đình nhỏ của chị. 

Tôi hỏi Thu Hà, chị có nuối tiếc, khi nhìn một góc nào đó, chị lựa chọn sự an toàn thay vì dấn thân, làm nghề. Và có vẻ như một Thu Hà hiện tại không giống với người đàn bà quyết liệt từng có những năm tháng dấn thân và đam mê máu lửa với điện ảnh. Chị gần như khước từ mọi lời mời đi đóng phim. Phần vì chị dành ưu tiên cho gia đình nhỏ và hai cậu con trai đang tuổi lớn. Nhưng một phần nữa, không kém quan trọng, đó là chị muốn được sống chậm lại, để dành thời gian cho niềm đam mê lớn nhất của chị, sân khấu. 

“Hai cậu con trai đã "ngốn" mất 14 năm của tôi rồi, sao đó tôi trở lại sân khấu kịch. Sau này với truyền hình, tôi cũng nhận được nhiều lời mời nhưng quả thật là tôi không có thời gian vì còn bận chăm sóc gia đình. Làm sân khấu thì tôi có nhiều thời gian hơn, nó phù hợp với điều kiện sống của tôi khi đó nữa. 

Nhiều đồng nghiệp cũng tiếc cho tôi nhưng với tôi, được đóng góp cho nghệ thuật thì dù ở điện ảnh, truyền hình hay sân khấu thì cũng đều hạnh phúc. Kịch nói là niềm đam mê của tôi, và danh hiệu NSND tôi nhận được cũng là từ sân khấu. Tôi sẽ cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này”. Thu Hà chia sẻ.

Nhà hát kịch Hà Nội, thời NSND Hoàng Dũng còn làm giám đốc, có khá nhiều vở gây tiếng tăm. Và sự trở lại của Thu Hà ở thời điểm đó đã để lại nhiều dấu ấn. “Bỉ vỏ”, “Mê thảo thời vang bóng” đều mang dấu ấn của Thu Hà. Chị tiếc nuối khi nhớ lại những ngày tháng đó. 

Sân khấu dù không sôi động nhưng vẫn có những vai diễn để những nghệ sĩ như chị được làm nghề. Còn gần đây, nhà hát Kịch Hà Nội gần như không đỏ đèn. Sân khấu đang loay hoay đi tìm khán giả. Nhà hát kịch Hà Nội vốn chung thủy với chính kịch, giờ đang lay lắt tìm đường. 

Sân khấu vắng bóng, Thu Hà nhớ về thời hoàng kim của sân khấu không khỏi chạnh lòng, nuối tiếc. Bởi những ai đã trót dấn thân và yêu sân khấu, sẽ hiểu, tình yêu đó như có ma lực khiến ai đã trót yêu thì không thể rời xa. 

Đến bây giờ, chị vẫn là một gương mặt sáng giá của nhà hát Kịch Hà Nội. Vì thế, dù ngoài 40 tuổi, mà Thu Hà vẫn vào vai 18-20 tuổi nhẹ như không. Nhiều đạo diễn làm việc với chị cũng ngạc nhiên trước nhan sắc trời cho và trước cảm xúc mà Thu Hà biết chắt chiu, nuôi dường cho từng vai diễn của mình.

Năm 17 tuổi, một cô gái miền sơn cước Tuyên Quang xuống Hà Nội mang theo giấc mơ được làm nghệ thuật. Ngày đó, chị chỉ nhìn thấy ánh hào quang lung linh của sân khấu chứ chưa thực sự hiểu gì về nghề. Nhưng nét đẹp dịu dàng, tinh khôi và có gì đó mong manh của chị đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trần Phương. 

Thu Hà trúng tuyển cả kịch lẫn múa, nhưng chị chọn kịch, trở thành người trẻ nhất của Đoàn kịch Quân khu II. Và chị bắt đầu hành trình nghệ thuật của mình, một con đường được trải đầy hoa hồng. Chị chọn về nhà hát Kịch Hà Nội. Khởi đầu cho sự tỏa sáng của chị không phải là sân khấu kịch mà là nghệ thuật thứ bảy. 

Một công chúa Quỳnh Hoa có vẻ đẹp mong manh dễ vỡ trong "Đêm hội Long Trì", đạo diễn Hải Ninh; cô sinh viên Mai ngơ ngác bị lừa vào cạm bẫy tình trong "Canh bạc", đạo diễn Lưu Trọng Ninh và nàng tiểu thư Nga mạnh mẽ, dám trả giá cho lòng khao khát yêu và dám yêu trong "Lá ngọc cành vàng", đạo diễn Vũ Châu. 

Liên tục những bộ phim gây tiếng vang và Thu Hà trở thành một gương mặt hot cùng với Việt Trinh, Diễm Hương, Lý Hùng thời đó. Chị bị đóng khung trong những vai diễn tiểu thư, công chúa đài các sang trọng. Chị bị cuốn theo những bộ phim mì ăn liền thập niên 90. Nhưng Thu Hà tỉnh tảo trước sự cám dỗ của tiền bạc và sự nổi tiếng. 

4 năm và một series phim thị trường đã quá đủ. Thu Hà dừng lại. Bởi chị hiểu, chị vẫn muốn cống hiến cho nghệ thuật theo một cách khác. Đó là nhữn vai diễn sâu sắc với số phận ám ảnh hơn. Có những khoảng lặng không mấy bình yên trong cuộc đời Thu Hà, có những thời đoạn tâm hồn mong manh của chị đã bị thương tổn. Thu Hà ném nỗi đau của mình vào trong từng vai diễn. 

Người đẹp lá ngọc cành vàng, ít xuất hiện trên sân khấu, màn ảnh, nhưng sự xuất hiện của chị mang dấu ấn mới, của những từng trải có phần nghiệt ngã. Chị đã thổi linh hồn sống vào những người đàn bà đa đoan nhưng thiệt thòi, để làm nên một Tân trong "Đường đời", một Ái Trinh trong "Cát bụi" với cá tính thời thượng điển hình của phụ nữ hiện đại. 

Thu Hà đã từng nói, những vai diễn hay nhất của chị là những lúc chị đau khổ nhất. Người nghệ sĩ trong nỗi đau tột cùng, trong nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai, họ đã trút vào vai diễn. Họ thăng hoa trong nỗi đau của chính mình. Với Thu Hà cũng vậy.

Chị đã từng chọn cách lánh mình, ẩn vào đời bằng những niềm vui bình dị. Và hạnh phúc lại gõ cửa trái tim người đàn bà đẹp. Dẫu muộn mằn, nhưng đó là hạnh phúc của chị. 

Tôi cảm giác, đối với Thu Hà, bây giờ không có gì quan trong bằng mái ấm và tiếng cười của hai con trai. Bởi một người đã phải nếm trải quá nhiều mất mát như chị, hơn ai hết hiểu được cái giá của hạnh phúc và sự bình yên quý giá như thế nào. 

Có cái gì đó mâu thuẫn khi chị vẫn dành đam mê cho sân khấu và tìm kiếm những vai diễn để đời, nhưng chắc hẳn chị sẽ không bao giờ đánh đổi sự bình yên và hạnh phúc hiện tại cho hào quang của sân khấu. Thu Hà của bây giờ là vậy.

Tôi gặp chị và con trai lớn trong buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND. Cậu con trai cao vượt mẹ, trở thành chỗ dựa bình yên cho chị rồi. Hạnh phúc của chị đó, cũng giản dị và bình thường như bao người phụ nữ khác. Nhưng chị đã phải đánh đổi bằng rất nhiều gập ghềnh của số phận. 

Nhưng có lẽ, điều tôi cảm nhận ở NSND Thu Hà là một trái tim ấp áp, yêu thương cuộc đời, yêu thương con người. Chị nói, ngay cả lúc tuyệt vọng nhất, chị cũng chưa bao giờ mất niềm tin vào con người. Và nghệ thuật cũng chính là cứu cánh của chị.

NSND Thu Hà nói nhiều về sân khấu, về khát vọng của những vai diễn và sự phát triển của sân khấu. Chị nói, sân khấu vắng khán giả cũng một phần lỗi từ các nghệ sĩ đã không đủ tai năng và tâm huyết để kéo họ đến rạp. Thu Hà vẫn chờ những vai diễn. Giấc mơ của chị  vẫn dành cho một thánh đường sân khấu mà ở đó, chị được thăng hoa, được sống với đam mê của mình. Và chị vẫn chờ, một ngày nào đó, sân khấu lại sáng đèn…

Phan Nguyễn
.
.
.