NSND Trung Anh: Tình yêu còn lại

Thứ Hai, 26/08/2019, 14:45
Sau nhiều lần vì những vướng mắc của huy chương và giải thưởng, thì cuối cùng, cái tên NSND Trung Anh cũng đã được xướng lên trong đợt vinh danh các nghệ sĩ năm 2019. Đó là một ghi nhận xứng đáng cho “ông bố quốc dân”, cả cuộc đời tận tâm, cống hiến cho nghệ thuật.


Tôi hỏi Trung Anh về danh hiệu NSND, anh cười, lần này phía nhà hát đã chủ động làm hồ sơ và danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu cho anh. Tôi nhớ mấy năm trước, trong một đợt phong tặng, NSND Trung Anh và một số nghệ sĩ đã bị “gạt” ra ngoài vì những quy định cứng nhắc về huân, huy chương. 

Lần đó, giới làm nghề và truyền thông đã lên tiếng mạnh mẽ, bởi không chỉ có Trung Anh mà còn rất nhiều nghệ sĩ tận tâm cống hiến cho nghệ thuật mà chưa được nhìn nhận xứng đáng vì những quy định “cứng nhắc” từ phía Nhà nước.

“Tôi không nhớ phải mất bao nhiêu thời gian nhưng cứ bền bỉ, cố gắng từng tí một. Nhận được vai diễn nào là mất ăn, mất ngủ để suy nghĩ, tìm ra cho mình một lối diễn riêng".

Danh hiệu đến vào đúng thời điểm vai “ông bố quốc dân” của Trung Anh đang được đông đảo công chúng theo dõi, hâm mộ. Có lẽ đây là bộ phim truyền hình đầu tiên lấy được cảm tình của khán giả đến vậy, không chỉ khán giả đại trà mà trong đó có nhiều nhà báo, giới trí thức cũng xem, dành cho “Về nhà đi con” những lời khen tặng. 

Ông Sơn của Trung Anh đã chạm tới cảm xúc người xem, trở thành một hình mẫu ông bố lý tưởng điển hình của xã hội Việt Nam còn nhiều định kiến. 

Ông Sơn, ở một phương diện nào đó đã góp phần thay đổi tư duy làm bố của các ông bố Việt Nam, giúp mọi người biết quý trọng hơn những tình cảm gia đình. 

Nhưng sự thành công của ông Sơn không thể không nói đến tài năng và tâm huyết của nghệ sĩ Trung Anh. Đến lúc này, thì cái tên Trung Anh càng phủ sóng rộng rãi trong lòng công chúng. 

Anh quan niệm, làm nghề không chỉ làm theo chỉ đạo của đạo diễn, mà với từng vai diễn, anh cùng họ suy nghĩ, tìm ra một hướng đi phù hợp nhất. Có thể nói, diễn viên là người sáng tạo lại nhân vật một lần nữa. Với mỗi nhân vật, anh đều làm việc với tâm thế đó, vì thế các vai diễn của Trung Anh luôn chiếm được cảm tình của khán giả. 

NSND Trung Anh và ba cô con gái trong phim “Về nhà đi con”.

Năm ngoái Trung Anh lần đầu tiên vào vai một gã giang hồ, Lương bổng trong phim “Người phán xử”. Nhiều người hoài nghi bởi Trung Anh luôn bị đóng khung vào những dạng vai hiền lành, khổ sở và nhân hậu. Nhưng anh đã mang đến một Lương bổng hoàn toàn khác, không phải là những gã giang hồ bặm trợn, gân guốc mà chỉ bằng ánh mắt. 

Anh chia sẻ: “Tôi nghiên cứu rất nhiều về giới giang hồ và tôi biết, thế mạnh của tôi không phải là hình thể, vóc dáng mà chỉ có thể là ánh nhìn, tôi khai thác ánh nhìn trở thành một điểm nhấn riêng, một kiểu mẫu giang hồ được dán tem riêng của Trung Anh”.

Đó là quan niệm làm nghề của anh, từ những vai nhỏ cho đến vai lớn, cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng lời thoại, từng chi tiết. Trung Anh vui không phải vì vai diễn ông bố quốc dân của anh nổi tiếng, mà vì, những thông điệp nhân văn mà bộ phim mang lại được lan tỏa trong cộng đồng, đó là những giá trị của gia đình, tình yêu thương, sự phá bỏ những định kiến. Và vui hơn nữa khi phim Việt Nam được khán giả Việt đón nhận nồng nhiệt. 

Có thể nói “Về nhà đi con” đã đánh thức tình yêu thương, trách nhiệm trong mỗi gia đình người Việt khi cuộc sống hiện đại đang khiến cho mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ khi góp phần mang đến những giá trị nhân văn cho xã hội.

Truyền hình mang lại cho Trung Anh cũng như các nghệ sĩ sân khấu sự nổi tiếng, tiền bạc để mưu sinh. Nhưng đó chỉ là cứu cánh tinh thần của anh những lúc không làm sân khấu. Bởi với Trung Anh, tình yêu và đam mê của anh vẫn dành cho sân khấu. Nó chảy trong huyết quản anh như máu thịt, như hơi thở, như không khí vậy. 

Có lẽ, Trung Anh gần như là những người cuối cùng của một thế hệ sống chết với nghề, đam mê nghề, sinh tử vì nghề. Có phải vì thế mà tôi luôn cảm giác anh cô độc, cô độc trong chính tình yêu của mình vì anh không dễ gì tìm được sự đồng cảm của mọi người. Sân khấu giờ đã khác, giấc mơ bây giờ cũng đã thay đổi. Và một thánh đường sân khấu dường như càng ngày càng lùi xa.

Trung Anh nói: “Đối với những người gắn bó cả cuộc đời với sân khấu như tôi thì sân khấu vẫn có sức hấp dẫn ghê gớm. Làm sân khấu vẫn “sướng” hơn. Nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam hiện nay không có những vở lớn, đường hướng của nhà hát không phù hợp với tôi nữa. Tôi đã theo đuổi sân khấu cả một đời rồi, bây giờ nó đang rẽ sang con đường khác thì mình cũng đành đi con đường của mình. Đi làm phim là một cứu cánh về mặt kinh tế và được khán giả biết đến nhiều hơn sân khấu, nhưng đó không phải là mục đích của tôi. Với tôi, sân khấu vẫn là niềm đam mê lớn nhất”.

Trung Anh đến với sân khấu cũng rất ngẫu nhiên, khi bố làm ở Nhà hát Kịch Việt Nam, anh lớn lên trong không khí của sân khấu, trong thời hoàng kim nhất của sân khấu Việt Nam. Những buổi ngồi cánh gà xem kịch đã ngấm vào anh. Rồi anh mạnh dạn đi thi và đậu. Anh thuộc khóa thứ 2 của nhà hát kịch đào tạo tại nhà hát. 

Tôi hỏi Trung Anh về hành trình của mình, anh cười, hành trình đến với sân khấu của anh chỉ bằng đam mêm và nỗ lực từng ngày. 

“Tôi không nhớ phải mất bao nhiêu thời gian nhưng cứ bền bỉ, cố gắng từng tí một. Nhận được vai diễn nào là mất ăn, mất ngủ để suy nghĩ, tìm ra cho mình một lối diễn riêng. Tôi tập trung cao độ, khi công việc đến quên hết mọi thứ để làm. Thế thôi chứ tôi chẳng giỏi giang gì. 

Khóa đầu tiên ấy, nam và nữ đều rất đẹp về ngoại hình, tôi chẳng có lợi thế gì. Nhưng tôi biết điểm mạnh và điểm yếu của mình để khắc phục, lấy cái nọ bù cái kia, bằng diễn xuất. Cố gắng và nỗ lực không ngừng. Lúc nào cũng cố gắng. 

May mắn là sự cố gắng ấy nằm trong tình yêu với từng vai diễn của mình, còn nếu cố mà không yêu thì không cố mãi được. Tôi nghĩ, điều quan trọng là mình yêu nghề và yêu từng nhân vật của mình”.

Từ những cố gắng, nhẫn nại và bằng tất cả tình yêu ấy, Trung Anh trưởng thành qua từng vai diễn, vào thời điểm sân khấu đang được khán giả quan tâm và lựa chọn. Anh học được nhiều từ thế hệ đi trước, tình yêu, tài năng và ngọn lửa sân khấu luôn cháy trong các nghệ sĩ như NSND Trọng Khôi, NSND Hoàng Dũng… Chính họ đã truyền cho anh ngọn lửa đam mê. 

Tôi còn nhớ mấy năm trước, khi NSND Anh Tú còn sống, Nhà hát Kịch Việt Nam ấp ủ dựng lại một loạt những vở kinh điển của thế giới như “Hăm let”,  “Romeo và Juliet”, “Lão hà tiện”. Trung Anh hăm hở đến nhà hát để được sống trong không khí của sân khấu đúng nghĩa. 

Nhưng những khoảnh khắc được sống và làm việc hết mình với sân khấu đó quá ít ỏi. Cuộc sống đã thay đổi, các nghệ sĩ trẻ cũng không có nhiều người mặn mà với sân khấu. Quá nhiều thay đổi, những giá trị chuẩn mực của sân khấu đang dần bị thay đổi. Trung Anh biết và hiểu, thậm chí cảm thấy mất mát, nhưng lực bất tòng tâm.

NSND Trung Anh nói, anh đã có một cuộc sống “đủ đầy”, vì được làm công việc mình đam mê, dù công việc đó không mang lại cho anh nhiều tiền bạc hay danh vọng. Và anh có một mái ấm bình yên để trở về, ở đó có người vợ đảm đang và lo lắng chăm sóc cho anh. Vợ anh cũng là người yêu sân khấu, chị gần như không bỏ qua vở diễn nào của chồng và nhà hát. Có một người vợ thấu hiểu và yêu thương, với những nghệ sĩ như Trung Anh đó là hạnh phúc.

Linh Nguyễn
.
.
.