NSND Trà Giang: Người đàn bà hướng nội

Thứ Năm, 17/03/2016, 16:39
Dù là một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam, nhưng tôi luôn có cảm nhận NSND Trà Giang là một người hướng nội. Bà không có cái vẻ hướng ra ngoài như nhiều người của công chúng khác. Bà không quá cầu kỳ khi xuất hiện trước đám đông, cũng ít soạn sửa phát ngôn hay chú trọng những chuyện gây ấn tượng đặc biệt.


Bà thậm chí còn không thích đám đông, và bất đắc dĩ phải tới thì mới tới. Bà có tư chất của một người sống nhìn vào sâu bên trong mình, tìm kiếm những giá trị sâu sắc bên trong. Một người đàn bà kín đáo, nhuần nhị, âm thầm nuôi nấng những gì là truyền thống. Một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt.

Mùa xuân này NSND Trà Giang đã vào tuổi 75. Cả cuộc đời bà gắn liền với nghệ thuật, hy sinh cho nghệ thuật với niềm đam mê không bờ bến. Từ lâu bà không đóng phim, nhưng điện ảnh luôn là câu chuyện ấm nóng trong trái tim bà. Bất kỳ lúc nào có cơ hội gặp bà, nói chuyện phim ảnh, đôi mắt bà đều rưng rưng xúc động. Những kỷ niệm một thời tuổi trẻ gắn bó với phim trường, những câu chuyện chan chứa tình cảm bạn bè anh em đồng nghiệp lại ùa về. Bà kể, khi bà bắt gặp điện ảnh và kết duyên với môn nghệ thuật này, thì đất nước còn đang chìm trong chiến tranh khói lửa. 

"Thời ấy làm phim mất thời gian lắm, chứ không mì ăn liền kiểu như bây giờ đâu. Đạo diễn nhận kịch bản rồi thì phải thành lập một đoàn làm phim, sau đó đi thực tế rất dài ngày để chọn cảnh. Tuyển được diễn viên rồi thì lại phải đưa diễn viên đi thực tế có khi cả 6 tháng trời. Diễn viên phải sống cùng với nhân dân, hiểu tâm lý từng kiểu nhân vật khác nhau, thành thục kỹ năng, đời sống của nhân vật ngoài đời. Chẳng hạn vào vai một người nông dân, thì diễn viên phải trải nghiệm cuộc sống của người nông dân, chứ không phải chỉ là trong tưởng tượng. Mỗi diễn viên khi đọc kịch bản xong, phải dành nhiều thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu, tiếp cận những người tương tự như vai diễn của mình ngoài đời, để có thể hóa thân vào nhân vật nhuần nhuyễn nhất".

NSND Trà Giang.

Thời mà Trà Giang đóng phim, khái niệm về điện ảnh còn rất mới. Không có nhiều phim để xem mà học hỏi cách làm phim, cách diễn xuất. Người diễn viên gần như không có lý luận điện ảnh, chỉ là được các đạo diễn cầm tay chỉ việc, thực hành trên công việc cụ thể. Nhưng có một điều lạ là, trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thiếu thốn ấy, những bộ phim làm ra đều hay, đều thu hút sự chú ý của khán giả trong nước và quốc tế. 

NSND Trà Giang cắt nghĩa về điều này: "Chúng tôi thời đó không được học lý luận, không có lý thuyết, không có phim để xem mà học tập hay rút kinh nghiệm, nhưng chúng tôi lại đọc sách văn học rất nhiều. Gần như diễn viên nào cũng say mê đọc sách văn học. Mà văn học thì rất gần với điện ảnh. Những tác phẩm kinh điển của Nga, của Pháp chúng tôi đều đọc hết. Chính là văn học đã mở rộng trí tưởng tượng cho người diễn viên, làm giàu vốn sống và khả năng ngôn ngữ, tư duy của người diễn viên, khiến họ diễn xuất tự nhiên, chân thật hơn, giàu biểu cảm hơn".

Riêng về câu chuyện đọc sách, nghe NSND Trà Giang nói chuyện, chợt chạnh lòng nghĩ đến các diễn viên trẻ bây giờ. Họ được học nghề bài bản hơn, có rất nhiều điều kiện tốt, nhưng cả thế hệ không đếm đủ một bàn tay những gương mặt, những tên tuổi thực sự là chói sáng, ám ảnh tâm trí người xem. Họ có thể nổi tiếng như cồn, nhưng phần nhiều nhờ vào sắc vóc, xì căng đan hay các chiêu trò, chứ thuyết phục công chúng bằng chiều sâu diễn xuất thì không nhiều. 

Trong một vài cuộc thăm dò, người ta ngạc nhiên là các nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay chả mấy ai quan tâm đến sách. Không đọc sách, xa lạ với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Họ đứng trên sân khấu hay trước ống kính và diễn như một cái máy, theo thị phạm của đạo diễn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khán giả trong nước không mặn mà với phim Việt.

Trà Giang nói, bà thích làm việc với những đạo diễn giỏi, những người vừa có tài năng lại tận tâm với nghề, biết tạo ra những cú hích cho diễn viên, để họ lao vào nghề với toàn bộ năng lượng, khả năng của mình. Bà thích nhất cách làm việc của nữ đạo diễn Bạch Diệp và đạo diễn, NSND Hải Ninh. Đó là những đạo diễn có thể khai thác tối đa khả năng của người diễn viên, nâng tầm người diễn viên và tạo cho họ một cảm hứng sáng tạo để họ thăng hoa trong công việc của mình.

Thời của Trà Giang, nghệ sĩ cũng như bao người khác trong xã hội, sống với thiếu thốn khó khăn. Một diễn viên nổi tiếng mặc áo vá cũng là chuyện bình thường. Nhưng nhìn lại, bà rất hạnh phúc với "thời của mình". Hồi đó, tình con người sao mà trân quý đến vậy. Những triết lý làm nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng khác. Nghệ thuật có gì đó sâu hơn, cao quý hơn, thiêng hơn, được khán giả trân trọng hơn. Người nghệ sĩ không có trang phục lấp lánh, không có đồ hiệu và đi trên thảm đỏ. Họ làm nghệ thuật dưới mưa bom bão đạn, trong đèn dầu, trong đói và rét, nhưng ai cũng thiết tha với nghề.

NSND Trà Giang.

Thực ra, ôn lại chuyện xưa đâu chỉ là cách mà một người nghệ sĩ tuổi đã không còn trẻ... hoài cổ. Ôn lại chuyện xưa bởi nhìn vào hôm nay và có phần luyến tiếc. Tiếc cho không ít nghệ sĩ trẻ đã không tận dụng hết những ưu việt của thời đại mình đang sống, để mà đào luyện, chuyên tâm với nghệ thuật, tạo ra những giá trị sâu sắc giống như thời cha anh mình, và vượt cao hơn thời cha anh mình. Vốn là người khiêm nhường, không muốn đao to búa lớn, NSND Trà Giang chỉ lặng lẽ đưa bút lên giá vẽ, công việc mà bà yêu thích từ khi giã từ điện ảnh. Nhưng tôi hiểu có một nỗi buồn thật sâu trong lòng bà. Và để tỏ bày, bà sẽ trút vào những ô màu, những bức họa.

Nhiều người đã có cơ hội xem triển lãm tranh cá nhân của NSND Trà Giang và chắc hẳn vô cùng ấn tượng với vẻ đẹp của những bức tranh mà bà là tác giả. Những bức họa về thiên nhiên hoa cỏ với sắc màu thanh thoát, trong trẻo và có lúc u buồn như đưa chúng ta về một miền đất khác. Chúng ta tạm quên đi những bận rộn đời thường, để tìm mình trong yên lặng tịch mịch, và trả lời câu hỏi mình là ai, mình cần gì trong cuộc đời. 

Trà Giang có lối vẽ giàu nữ tính, giàu nhạc cảm. Mỗi bức tranh của bà như một bài thơ, như một bản nhạc, có thể thì thầm trò chuyện hay an ủi vỗ về người xem. Nhẹ nhàng mà bay bổng, không phải kiểu tranh được vẽ để phô diễn, mà là kiểu tranh được vẽ để yêu thương và tỏ bày với chính mình. Vẽ cho mình- NSND Trà Giang thường hay nói về hội họa của riêng bà là vậy. Bà nói thật may mắn là bà đã tìm thấy hội họa, và hội họa đã cho bà trú ẩn, nương náu. Một nguồn vui thuần khiết, đáng kể, khi người chồng thân yêu không còn trên cõi đời để cùng bà đi hết những buồn vui hạnh phúc. 

Con gái Bích Trà của bà thì ở xa quê hương, thỉnh thoảng mới về bên mẹ. Hội họa đã trở thành người bạn tri kỷ, lấp đầy những trống vắng cô đơn, và gọi tên những xúc cảm chân thật nhất của bà bằng màu sắc, bằng hình. 

Khi nói về người đàn ông của đời mình, đã khuất bóng trên thế gian, NSND Trà Giang thường ngừng lại rất lâu để ngăn những đợt sóng đang cồn cào trong trái tim. Từng kỷ niệm dù nhỏ cứ hiện về như một thước phim, nhắc rằng bà đã có những năm tháng đủ đầy hạnh phúc đến nhường nào. Bà nhớ những ly nước cam ông vắt cho bà đều đặn mỗi sáng. Những lúc ông ngồi chơi đàn violin cho bà nghe. Những buổi đàm đạo say sưa về nghệ thuật, về tình yêu, về cuộc đời.

Đến một tuổi nào đó, người ta thường có ý muốn được sống bằng ký ức, sống trong ký ức. NSND Trà Giang có lẽ cũng vậy, bà có cả hiện tại là tình yêu của con gái dành cho, của người hâm mộ dành cho, của bạn bè đồng nghiệp dành cho, và có cả những ký ức lộng lẫy để mỗi khi nhớ về khiến mình có thêm năng lượng. 

Những năm tháng làm nghệ thuật với tình yêu hồn nhiên trong sáng. Những tình cảm trân quý của nhiều thế hệ khán giả Việt. Và một tình yêu băng qua nhiều năm tháng để trở thành mật ngọt của tâm hồn, dù người đó đã tạm đi xa. Bằng đó ký ức thôi, đủ để NSND Trà Giang ngồi tĩnh tại trong không gian của mình, cho một cuộc trò chuyện bất tận với sắc màu. 

Những bức tranh ngập tràn hoa lá như tỏa mùi hương thanh nhã trong hồn người. Chúng là một ẩn dụ của tinh thần, biểu đạt mọi yêu thương, quyến luyến và cả sự buông bỏ của một người đàn bà một đời đắm đuối với nghệ thuật, với cuộc đời. Mỗi khi xem lại những thước phim NSND Trà Giang đóng, rồi xem tranh bà vẽ, hay đơn giản là gặp bà đâu đó trong thảng hoặc một vài sự kiện, tôi vẫn luôn nhìn thấy bà trong một tinh thần rất thanh xuân, rất nhuần nhị, kín đáo. Không dễ để hiểu hết những vẻ đẹp thầm kín, bí mật trong tâm hồn một người nghệ sĩ như vậy.

Lê Minh Châu
.
.
.