NSƯT Chiều Xuân: Tiêu chí cái đẹp mỗi thời mỗi khác

Thứ Tư, 11/04/2012, 15:05

Là một đại diện cho thế hệ nhan sắc Việt Nam thời kỳ đổi mới, nữ diễn viên “Mẹ chồng tôi” đã trải qua nhiều đoạn đường thăng trầm của cuộc sống nhưng ở chị vẫn toát lên một vẻ xuân sắc hiếm thấy. Đôi mắt chị luôn ánh lên một nỗi niềm rạo rực khi kể về đam mê nghệ thuật, về nhan sắc và về gia đình nhỏ ấm áp của mình.

Tại LHP Việt Nam lần thứ 11 tổ chức năm 1996, giải Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất đã được trao cho Chiều Xuân với vai Na trong bộ phim “Người yêu đi lấy chồng”. Thuộc thế hệ diễn viên Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chị đã chinh phục trái tim của bao khán giả với những vai diễn dung dị mà sâu sắc, để lại chút hương vị ngọt ngào xen lẫn những đắng cay, bứt rứt khi xem xong. Sau nhiều năm hoạt động trong nghề, chị giờ không chỉ là một diễn viên mà còn là một giám đốc, một nhà sản xuất phim và sắp tới còn là một đạo diễn.

Dấu ấn khó quên nhất là “Mẹ chồng tôi”

- Trải qua nhiều năm hoạt động trong nghề, đam mê nghệ thuật của chị bây giờ khác biệt so với thời mới làm diễn viên như thế nào?

- Khi còn ở thời trẻ thì tôi thấy sự say mê của mình rất bồng bột. Khi mình làm một điều gì đó thì mình tưởng như đang được định hướng và theo bản năng. Đôi khi những gì bản năng mách bảo lại chính xác hơn những gì có trong lý trí. Trước đây tôi khao khát làm nghệ thuật theo bản năng, giờ đây vẫn thế nhưng cộng thêm những gì từng trải của bản thân. Đam mê nghệ thuật của tôi chưa bao giờ giảm sút, thậm chí lại càng nung nấu hơn khi đã được chứng thực qua một thời kỳ dài. Tôi vẫn say mê, miệt mài tìm tòi và ngoài công việc chính là diễn viên, tôi còn muốn tham gia sản xuất và làm đạo diễn các bộ phim.

- Kỷ niệm nào mà khi nhìn lại sự nghiệp của mình, chị nhớ tới đầu tiên?

- Nếu nói về những kỷ niệm khi mới bước chân vào nghiệp diễn thì chắc phải nhắc lại phim “Mẹ chồng tôi”. Trước đó, tôi có đóng những vai nhỏ trong “Dòng sông khát vọng” hay “Tướng về hưu” nhưng Thuận trong “Mẹ chồng tôi” là vai dài đầu tiên của tôi. Chính vì vậy, dấu ấn khó quên nhất với tôi là những ngày bắt đầu làm bộ phim này. Lúc đó tôi cảm thấy rất căng thẳng và không muốn mất tập trung vào việc gì cả. Khi đi, đứng, nói, cười với người khác tôi luôn có sự e dè và sợ rằng khi về nhà nói chuyện dông dài, không liên quan tới vai diễn thì sẽ bị “nhảy” ra khỏi nó, mất đi cái cảm giác mà mình đang phải nuôi dưỡng.

Chính vì vậy trong suốt thời gian quay, tôi cứ sống khép mình, sống trong tâm trạng, nội tâm của chính mình. Chính vì thế nên khi xem, khán giả có thể thấy cảm xúc của tôi trong tất cả các cảnh đều không bị hẫng hụt chút nào vì tôi phải giữ như thế.

- Nhiều người đã quá ấn tượng hình ảnh của chị với vai Thuận trong “Mẹ chồng tôi”, nên họ khó có thể chấp nhận được chị trong hình ảnh bà Diệp ở bộ phim truyền hình gần đây là “Lời thú nhận của Eva”. Chị nghĩ sao?

- Đó là một tâm trạng hoàn toàn hợp lý và phản ứng đúng vì nếu là tôi thì cũng vậy thôi. Nhiều khán giả yêu quý nhân vật Thuận của “Mẹ chồng tôi” nên khi tôi thể hiện một hình ảnh nhân vật khác có vẻ gì đó phóng đại hơn (mắt mũi lúc nào cũng tròn xoe) thì mọi người không thích dù có lẽ cũng không biết là tôi đang diễn gì. Khi tôi xem phim, tôi yêu thích hình tượng công chúa của một diễn viên này mà cô ấy lại nhảy sang một vai khác không đẹp như thế thì cảm giác ban đầu tôi cũng không thể thích ngay được.

Tuy nhiên, với vai Diệp trong “Lời thú nhận của Eva” thì tôi vui vì ban đầu khán giả ghét, thậm chí rất ghét nhưng ở những tập sau thì họ bắt đầu thích và càng gần cuối thì rất, rất “yêu cô Ngọc Diệp này quá”. Tôi nghĩ là với khán giả để hiểu được trọn vẹn tính cách con người hay một nhân vật nào đó thì không nên nóng vội mà nên hiểu, nắm bắt và phân tích vì sao những nhân vật đó lại như vậy.

Chẳng ai dám nói rằng mình bỏ tiền ra sản xuất một phim “thảm họa”

- Điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đã thu hút nhiều khán giả tới rạp hơn so với trước đây. Tuy nhiên, có rất nhiều bộ phim chất lượng kém và bị coi là những “thảm họa”. Bản thân chị nghĩ sao về tình trạng phim ảnh Việt Nam hiện tại?

- Theo tôi, các nhà sản xuất chẳng có ai dám nói là “tôi bỏ tiền ra để sản xuất một phim nhảm nhí”. Trước một kịch bản, chẳng ai nói được là 100% tôi dứt khoát không làm phim này vì nó sẽ dở, hoặc dở tôi vẫn làm và tôi sẽ lừa khán giả ra rạp. Chẳng ai nghĩ vậy đâu. Tuy nhiên, kinh doanh trong thị trường phim ảnh thì khi đã bỏ tiền ra rồi thì nhà sản xuất phải tìm cách câu kéo khán giả tới rạp để thu lại tiền. Khán giả thì thường nghe theo bề nổi và họ sẽ đi theo hiệu ứng của đám đông, của PR. Có thời điểm người ta sẽ tung chuyện diễn viên, bên lề hậu trường và đưa ra những yếu tố nghe chừng có vẻ kích thích trí tò mò.

Chính vì thế, khán giả sẽ đi xem để thỏa mãn phần tò mò của họ. Phim đã làm ra rồi thì vẫn phải có người xem nên mới xảy ra tình trạng có những “thảm họa điện ảnh”. Tôi chỉ mong sao trong tương lai bớt đi những phim như vậy, bớt đi chuyện “ăn không nói có” – phim dở không có gì mà mình nói bừa bãi để đạt được mục đích lôi kéo khán giả. Nhà nước cũng từng bỏ ra rất nhiều tiền làm các phim nhưng cũng đã có rất nhiều trong số đó là phim không hay. Nhưng chả ai dám nói là Nhà nước bỏ tiền làm phim dở cả, trên thực thế thì lại khác. Khán giả cũng nên cẩn thận hơn trước mọi “chiêu trò” của việc PR.

- Vậy với cương vị là một nhà sản xuất phim, chị sẽ sản xuất những bộ phim có tiêu chí như thế nào?

- Đó phải là một bộ phim sạch nước cản trước đã chứ tôi không dám nói gì về tiêu chí nghệ thuật. Khán giả ngày nay rất khó lường trước và nắm bắt được. Nhất là khán giả Việt Nam có nhiều dòng suy nghĩ, hướng thay đổi, hội nhập nên không dễ dàng gì mà bắt được tâm lý của họ. Tôi chỉ dám nói rằng một bộ phim thì nên có tiêu chí là sạch nước cản đã – người làm phim phải có nghề. Kịch bản đừng có bôi bác quá, người làm phim đừng có ẩu quá, các khâu đều phải cẩn thận thì lúc đó mình mới có đủ can đảm lôi kéo khán giả ra rạp được.

- Trong số các phim từng xem, chị yêu thích nhất tác phẩm nào?

- Tôi thích nhất là “Cuốn theo chiều gió”. Tác phẩm này tôi đã đọc truyện, xong rồi xem phim, rồi lại đọc lại truyện và cảm thấy thích thú vô cùng. Tôi cũng cảm thấy điên cuồng vì bộ phim này bởi có Vivien Leigh trong vai nàng Scarlett. Tại sao một người đàn bà mà ở từng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, sự đỏng đảnh lại hấp dẫn đến như vậy. Sự đỏng đảnh, khó chịu, thậm chí những việc làm phù phiếm của cô ấy lại khiến người khác điên cuồng lên vì mình. Tôi vô cùng yêu thích nhân vật và bộ phim này.

Thời nay, khoe trào lưu là phải “khoe” ra mới nổi bật được

- Cùng với Thu Hà, Lê Khanh, chị cũng là một trong những đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp người phụ nữ trên màn ảnh Việt Nam ngày trước với sự dịu dàng, nền nã, kín đáo. Tuy nhiên ngày nay, dường như các nữ diễn viên chịu khó “cởi” hơn. Chị thấy sao về vẻ đẹp màn bạc ngày nay?

- Tôi nghĩ có hai lý do. Thứ nhất là tiêu chí cái đẹp mỗi thời một khác. Thứ hai là những diễn viên đóng phim thế hệ trước họ ít khoe da thịt hơn vì lúc đó phải tập trung nhiều vào diễn xuất nội tâm. Tuy nhiên, thanh sắc, hình thể thì hồi đó mọi người phải có tiêu chuẩn khá tốt và phần lớn phải dựa vào vẻ đẹp tự nhiên thì mới thành diễn viên được.

Trước kia, những dòng quan niệm về cái đẹp khá ít. Chúng ta chỉ biết tới cái đẹp qua những bộ phim Nga, Mỹ, Pháp rất chọn lọc khi chiếu ở Việt Nam. Khi lớn lên, nhiều thế hệ chỉ biết tới cái đẹp khi nhìn theo những điều đó thôi. Bây giờ mình ảnh hưởng rất nhiều, mang đậm phong cách Hollywood và Hong Kong, Hàn Quốc. Ngoài việc có sắc đẹp ra thì phải cả hình thể mới hấp dẫn. Theo trào lưu thì cứ phải khoe ra mới nổi bật và cạnh tranh với người khác được. Thời nào cũng đều có sự cạnh tranh thôi. Nhưng khi có những vai diễn thiên về nội tâm đủ rồi thì người ta không cần viện tới da thịt nhiều.

Thời xưa thì mọi người làm phim ít, từ thời của cô Trà Giang, chị Lê Khanh tới tôi, phim ảnh rất ít nên người ta tập trung hơn. Giờ thì một năm có không biết bao nhiêu phim truyền hình, phim điện ảnh. Đứng trước sự xô bồ và cạnh tranh lớn đến vậy, nếu ai không khỏe và không biết gào lên giữa đám đông thì sẽ chẳng ai biết đến mình. Một trong những cái thu hút sự chú ý là thị giác và dễ dàng đập vào mắt người ta nhất là cứ phải hở hang thêm ra.

- Người ta cũng nói rằng làm diễn viên bây giờ rất dễ khi ca sĩ, hay người mẫu cũng đổ xô đi đóng phim. Chị nghĩ gì về điều này?

- Đúng là ngày nay làm diễn viên rất dễ vì nhu cầu quá nhiều. Bây giờ nhiều phim cứ sản xuất vài chục tập ầm ầm nên những ai có thể chưa cần qua trường lớp đào tạo mà có chút manh nha, nhan sắc là có thể làm diễn viên được rồi. Không thể trách cứ tại sao ca sĩ, người mẫu lại đi làm diễn viên. Nó có mặt tốt nhưng tôi nghĩ mặt không tốt nhiều hơn. Nếu trong thời điểm mà sự bùng nổ ngành công nghiệp giải trí như hiện nay thì đây có thể là một giải pháp tạm thời.

Nhưng nếu về lâu về dài mà vẫn như vậy thì nó sẽ tầm thường hóa nghề diễn đi và có lúc khán giả sẽ không còn thích xem nữa. Bởi những người xuất hiện trên màn ảnh sẽ đi lại, nói cười chẳng ăn nhập gì với nhau. Không thể vì sự vội vàng mà làm mất đi giá trị của nghề diễn viên được.

Tôi nhận được nhiều thứ từ công việc nghệ thuật

- Chị và chồng là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đều cùng làm nghệ thuật. Vậy trong cuộc sống hàng ngày, có bao giờ hai người nảy sinh mâu thuẫn?

- Có lẽ cũng không có đủ thời gian để mâu thuẫn vì tôi và anh Quân đều có những công việc thú vị riêng. Khi có thời gian dành cho gia đình thì chúng tôi thích làm gì đó tạo nên niềm vui cho các con, cho nhau nên ít khi mâu thuẫn lắm.

- Con gái thứ hai của chị, Hồng Khanh, năm nay mới là học sinh tiểu học nhưng đã bộc lộ sự quan tâm tới nghệ thuật. Chị có định hướng cho Khanh theo ngành nghệ thuật từ sớm không?

- Hiện tại đúng là Hồng Khanh bộc lộ những khả năng về nghệ thuật một cách tự nhiên, mạnh mẽ và khá là bản năng. Nhưng định hướng thì có lẽ còn xa để nói được. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng làm nghệ thuật đem tới nhiều khó khăn, nhưng cũng mang đến những vinh quang. Cái đáng quý mà mỗi người nghệ sĩ có được chính là khán giả, được họ trân trọng, chào đón. Tôi và anh Quân nhận được rất nhiều thứ từ công việc nghệ thuật nên tôi nghĩ đây là một ngành mà bất kỳ ai có năng khiếu cũng đều nên theo đuổi.

- Nhưng chị có thấy rằng ngành giải trí Việt Nam hiện nay rất khác xưa nhiều và theo chiều hướng tiêu cực hơn không?

- Đúng là nó rất khác. Nó có thể kéo con người ta lên cao hơn nhưng ngay lập tức có thể lôi họ xuống một cách nhanh chóng nên cũng phải cẩn trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ những ai làm được thì cứ dám làm thôi, không việc gì phải quá sợ hãi khi theo đuổi nó.

- Dự định nghệ thuật của chị trong năm nay là gì?

- Dự định thứ nhất của tôi là sẽ sớm bấm máy một phim truyện video có nhiều kỹ xảo do chính tôi làm đạo diễn. Dự định thứ hai là làm nhà sản xuất cho một bộ phim điện ảnh bấm máy vào cuối năm. Về kế hoạch đóng phim thì nếu có vai nào hấp dẫn thì tôi sẽ trở lại màn ảnh, còn nếu chỉ có những lời mời vào các dạng vai nhàm chán thì có lẽ tôi sẽ dành thời gian để theo đuổi những công việc mình đam mê mà chưa có dịp được làm như nhà sản xuất và đạo diễn

Nguyên Anh (thực hiện)
.
.
.