NSƯT Đức Khuê: Diễn viên đừng "ăn mày dĩ vãng"

Thứ Ba, 07/11/2017, 21:20
Chậm rãi, từ tốn, NSƯT Đức Khuê chinh phục khán giả bằng cách riêng của mình. Khá lâu rồi tôi mới xem một vai chính kịch do anh đóng trong vở diễn kinh điển "Bến bờ xa lắc'' và anh vẫn thể hiện đẳng cấp của một ngôi sao.

- Khá lâu rồi, anh lại gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả khi vào vai Tùng trong vở diễn kinh điển của Nhà hát Tuổi trẻ "Bến bờ xa lắc". Đây là vở diễn từng gây đình đám thập niên 90 của thế kỷ trước với dàn diễn viên gạo cội. Anh có bị áp lực bởi điều đó?

+ Cảm ơn bạn đã xem "Bến bờ xa lắc". Những năm 90, vở diễn của đạo diễn Xuân Huyền đã từng gây tiếng vang mạnh mẽ trong lòng công chúng với dàn diễn viên toàn là những ngôi sao như NSƯT Đức Trung, NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSND Anh Tú, NSND Lan Hương, một ê kíp hùng hậu.

Tôi cũng bị áp lực, tôi trêu chị Lê Khanh là "Sao lại bắt bọn em chép tranh". Quả thật, rất khó để vượt qua cái bóng của vở diễn. Nhưng tôi có cảm nhận riêng của mình, sự từng trải, sâu sắc cũng như tiếng nói của thời đại mình đang sống sẽ khiến cho vai diễn mang một màu sắc khác. Tôi cũng hồi hộp chờ phản ứng của khán giả. Đó là tín hiệu mừng cho những vở chính kịch bởi khán giả e dè, họ thích cái gì vui nhộn, đơn giản hơn.

- Sân khấu phải chạm tới trái tim khán giả, cái bi kịch trong "Bến bờ xa lắc" theo anh có còn tính thời sự?

+ Trong chương trình hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Đoàn kịch Jigeum - Hàn Quốc đã chọn dàn dựng và trình diễn vở kịch "Bến bờ xa lắc" với hai phiên bản dàn dựng khác nhau bằng tiếng Hàn và tiếng Việt.

Các bạn Hàn Quốc chọn vở này vì họ cảm được sự gần gụi trong bi kịch của người phụ nữ, còn với chúng ta, đâu đó đằng sau những cánh cửa vẫn có những nỗi đau, những bi kịch bị dồn nén về gia đình.

Những vở kịch lớn, là những vở vượt qua thời gian để tồn tại. Cái khó của kịch tâm lý là ra lời hết, hành động tâm lý rất nhiều, đó là thách thức cho diễn viên. Nó đòi hỏi chiều sâu nội tâm của diễn viên rất ghê.

Nếu diễn viên không có xúc cảm nội tâm thì không ra được nhân vật. Nỗi cô đơn của người phụ nữ, tự do cá nhân bị hạn chế, tính thời sự của tác phẩm vẫn còn, ở đâu đó, những người phụ nữ vẫn tìm thấy mình. Chúng tôi chọn ''tái bản" lại "Bến bờ xa lắc" để xem phản ứng của lứa khán giả mới như thế nào, đó là cách sân khấu chủ động đi tìm khán giả.

- Anh không phải là nghệ sĩ hạng top, nhưng hành trình của anh cho thấy tình yêu và sự bền bỉ với nghệ thuật. Theo anh, đó có phải là con đường để thành công?

+ Tôi lớn lên và học ở Nhà hát Tuổi trẻ rồi ra trường làm nghề, nghề ngấm vào máu như thói quen. Tôi may mắn đi sau thế hệ vàng của sân khấu, các anh chị Minh Hằng, Anh Tú, Lê Khanh, Chí Trung, một thế hệ đã từng tạo nên sự rực rỡ cho sân khấu. Tôi học được nhiều điều ở họ, ở tình yêu bền bỉ với nghề. Tôi cũng cố gắng dù chưa bứt phá được gì nhiều. Mình sinh ra trong đời có một nghề để làm và chỉ biết làm một cách tận tâm thôi.

NSƯT Đức Khuê trong vai Tùng - ''Bến bờ xa lắc''.

- Với diễn viên sân khấu, được vào những vai chính kịch vẫn là cách để khẳng định đẳng cấp làm nghề. Còn anh, anh có buồn không khi khán giả nhớ anh là những vai hài kịch?

+ Tôi không phân biệt chính kịch hay hài kịch, tôi nghĩ quan trọng nhất là mình mang thông điệp đến cho khán giả. Và với thể loại nào cũng phải để lại dấu ấn riêng của mình trong đó. Diễn viên lý tưởng nhất là được thể hiện khả năng diễn xuất của mình ở tất cả các dạng vai, càng rộng càng tốt. Tôi chỉ phù hợp với những vai tính cách thôi. Tôi nương theo những cung bậc cảm xúc của nhân vật, có những vai hài kịch nhưng rất buồn, rất bi.

- Anh được "chết vai" vào những vai hài nổi tiếng như trong "Bệnh nói nhiều"? Anh làm thế nào để vượt qua?

+ Đó là hạnh phúc của diễn viên đã khắc dấu ấn trong khán giả, trong hàng trăm vai diễn để lại dấu ấn cho một vai diễn, khán giả nhớ vai diễn, tôi thích điều đó hơn nhớ mặt diễn viên.

Có người gặp Đức Khuê nhớ đến câu "Trời không mưa sao lại mặc áo mưa", có người nhớ đến vai thuê người yêu trong "Hoa đào ngày Tết".

Nhưng phải quên ngay vai diễn, để làm một việc mới. Đó là nhiệm vụ của diễn viên. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau, không thể lúc nào cũng "ăn mày dĩ vãng" dù những vai diễn đó làm nên tên tuổi của mình. Phải luôn sống với tinh thần mới, sắc màu mới.

- Nhiều diễn viên diễn hài kịch nhiều nên khi vào chính kịch sẽ không còn hợp vai, vì chất hài lấn lướt. Còn Đức Khuê, anh diễn rất ngọt trên cả hai sân khấu. Anh có bí quyết gì để không bị "mất chất”?

+ Làm hài khó lắm, tưởng dễ mà khó, tôi nghĩ, phụ thuộc vào thế mạnh của từng diễn viên, tôi thích đi theo hoàn cảnh làm cho hài hước, tình huống hài hước chứ không thích diễn viên cố làm hài, điều đó sẽ làm mình khó khi sang chính kịch.

Cố gắng tự nhiên chứ không gồng mình lên để tạo ra hài. Đó là cách tiếp cận của tôi, tôi quy mọi thứ về đơn giản, nghề diễn cũng như đời sống vậy, phải tự nhiên như đời sống chứ không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng quá.

NSƯT Đức Khuê trong vai Tùng, vở ''Bến bờ xa lắc''.

- Sân khấu, chính kịch, hài kịch, truyền hình, điện ảnh, anh dành tình yêu cho điều gì nhất?

+ Tôi xác định đó là công việc, làm kịch phải yêu kịch, làm phim yêu phim, phải có tình yêu thì lao động của mình mới ý nghĩa, không thể nói yêu cái nào hơn, tôi vẫn nói mình hay đi "ngoại tình" là thế.

Làm nghệ thuật, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tình yêu và đam mê, bởi mỗi lĩnh vực nó lại có sự hấp dẫn riêng, khiến mình cũng bị cuốn theo tình yêu đó.

Tôi đã đi qua những thăng trầm của sân khấu, thời nhà hát đỏ đèn hàng đêm, rồi đến thời thăng trầm, chật vật đi tìm khán giả. Tình yêu đó vẫn không mất đi trong tôi. Những năm tháng không có vai diễn chúng tôi lại đi đóng phim, công việc đó cũng chính là cuộc sống của mình.

- Nhiều nghệ sĩ sống chật vật với nghề, còn anh thì sao?

+ Tôi chăm chỉ làm việc, sống đơn thuần bằng nghề, cuộc sống cũng tạm ổn, bởi không biết thế nào là đủ, tôi không buôn bán, cửa hàng, sống giản đơn, không bon chen.

Nhiều người nghĩ rằng tôi nhạt nhòa, nhưng đó là phương châm sống của tôi, cái gì đến sẽ đến, yêu và làm hết mình thì trời sẽ không phụ lòng, chứ không bon chen để có được cái gì đó trong cuộc đời.

Tôi hạnh phúc vì được sống nhiều cuộc đời, cái khó nhất là đặt mình vào hoàn cảnh người khác để sẻ chia, thấu hiểu. Tôi luôn nhìn cuộc sống theo chiều hướng tích cực, chứ không bi kịch hóa nó, tìm mảng tối để nhìn thấy ánh sáng của vấn đề nên cuộc sống giản đơn, nhẹ nhõm.

- Giản đơn, nhẹ nhõm đến mức nhạt. Anh nghĩ sao nếu ai đó nói anh sống nhạt?

+ Sống nhạt cũng có giá trị của nó mà, cuộc sống thật mệt mỏi nếu ai cũng cố đua chen. Có những tham vọng không đạt được thì phải đau đáu với nó làm gì. Tôi biết nếu mình quyết liệt bằng mọi giá sẽ đạt được, nhưng tôi không làm. Sống nhạt là vì thế.

- Nhiều diễn viên lớn tuổi đều có xu hướng làm đạo diễn, còn anh?

+ Tôi cũng học xong đạo diễn rồi, từng làm những cái nhỏ, nhưng chưa có nhiều cơ hội thể hiện, bây giờ ở nhà hát đang có rất nhiều những người giỏi, còn tôi có khả năng diễn nên tôi vẫn diễn. Chờ sự hội tụ nào đó, chẳng vội vàng được, làm nghệ thuật càng muốn đi xa thì phải đi thật chậm.

- Sân khấu bây giờ trầm lắng, khó khăn. Kể cả hài kịch cũng không còn là món ăn hấp dẫn kéo khán giả đến rạp như cách đây chừng 10 năm, khi series "Đời cười" ra đời. Anh nhớ gì về những ngày đó?

+ Cuộc sống hiện đại đang làm con người xa cách với sân khấu, kể cả thị trường sôi động như trong miền Nam hay cả nước ngoài. Để sân khấu lôi kéo được khán giả là một thách thức cho những người làm sân khấu. Còn từ phía sân khấu, nó cũng chưa có những đổi mới để phù hợp với thị hiếu công chúng. Những vở diễn  được gọi là kinh điển như "Bến bờ xa lắc" để diễn đều đặn rất khó, bao tâm huyết và tình yêu, nhưng để thuyết phục được khán giả đến rất khó.

Chúng tôi vẫn mơ sân khấu có khán giả. Cách đây mấy năm có "Đời cười", khán giả đến nườm nượp mua vé, nhà hát đỏ đèn thường xuyên, còn bây giờ vẫn là câu hỏi đau đáu, không biết khán giả thích gì. Ai cũng cố gắng để tồn tại với nghề, tôi chỉ mong, qua từng vai diễn để níu chân được một người đã là hạnh phúc.

- Vì thế mà sân khấu cũng đang khủng hoảng vì thiếu thế hệ kế cận, thật khó để tìm một người thay thế NSND Lê Khanh trong "Bến bờ xa lắc" hay nhiều vở diễn kinh điển của các nhà hát đang dựng lại đều gặp sự cố về diễn viên.

+ Các bạn trẻ bây giờ có khả năng, cơ hội nhiều hơn thế hệ chúng tôi. Tôi ngày xưa, để có vai diễn chính trong một vở chính kịch là điều hiếm hoi, phải mất rất nhiều năm, vì trên tôi toàn những cây đa cây đề.

Cơ hội khó và hiếm hơn các bạn trẻ. Các bạn có rất nhiều cơ hội từ phim, sân khấu, truyền hình. Chỉ còn lại là bản lĩnh để vượt qua và thành công. Nghệ sĩ làm sao sống được bằng nghề, đó là trăn trở của tất cả chúng tôi. Và hình như, đó vẫn là câu hỏi chưa có hồi kết.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.