NSƯT Đức Long: Mong muốn các nghệ sĩ thực sự sống được bằng nghề

Chủ Nhật, 25/11/2018, 09:57
Vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa tham gia công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ Đức Long để lại ấn tượng trong lòng các đồng nghiệp hình ảnh một người nghệ sĩ tận tụy hết lòng với công việc. Anh có biệt danh "Thầy Chùa" bởi tấm lòng bao dung, rộng rãi với học trò của mình. 

Cả đời làm nghề nhưng vẫn nghèo. Dù vậy, cửa nhà anh lúc nào cũng rộng mở. Anh luôn sẵn lòng miễn học phí cho những học trò tài năng có hoàn cảnh khó khăn.

- Tạm gác công việc biểu diễn sang một bên, xin hỏi anh trong công việc giảng dạy âm nhạc, niềm vui đáng kể nhất mà anh nhận được là gì?

+ Dĩ nhiên đối với một người thầy như tôi, niềm vui đáng kể nhất, to lớn và quan trọng nhất là nhìn thấy sự trưởng thành của các học trò. Tôi vẫn luôn dõi theo bước chân của mỗi em, tự hào khi các em đạt được một thành công nào đó. Tôi cũng thích cảm giác được gặp lại học trò vào những dịp đặc biệt, chẳng hạn như ngày lễ, Tết. Tình cảm của học trò làm tôi cảm động lắm. 

Có những em vượt đường xá xa xôi đi từ Thanh Hóa, Nghệ An ra thăm thầy, biếu thầy tấm bánh chưng, bao thuốc lá. Tình thầy trò là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, mà chỉ người làm công tác giảng dạy như tôi mới thấu hết.

- Trong làng giải trí hiện nay, có nhiều ngôi sao tên tuổi là học trò của anh. Anh có thể kể những cái tên tiêu biểu…?

+ Nổi tiếng theo kiểu giải trí, thành sao nọ sao kia thì nói thật là học trò của tôi không có nhiều đâu. Ngay như một tên tuổi nổi nhất trong số các học trò của tôi là Tùng Dương, thì cậu ấy cũng không phải ngôi sao giải trí. Cậu ấy là một nghệ sĩ đúng nghĩa, rất nghiêm cẩn với nghệ thuât. Tôi không có ý gì không hay với hai chữ giải trí, vì nghề ca hát ít nhiều phải gắn với yếu tố này. Ý của tôi là, những học trò của tôi được học hành bài bản, chính thống. 

Họ làm nghề bằng tài năng, nghiêm túc trên nền tảng học hành cơ bản, không dùng chiêu nọ chiêu kia để đánh bóng tên tuổi. Cá nhân tôi không khuyến khích các học trò nổi tiếng theo cách đó. Học trò của tôi ở các đoàn nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương rất nhiều. Có những học trò đã được nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu NSND, còn NSƯT thì dễ phải đến 5-6 chục người. Các em đều là những người có cống hiến thực sự cho nghệ thuật của đất nước.

- Được biết, với những em gia đình không có điều kiện, anh sẵn sàng miễn học phí, dù điều kiện cuộc sống của anh cũng không dư dả gì...

+ Điều này tôi thấy không có gì đáng nói cả. Những việc như vậy, một người bình thường cũng nên làm, và ai cũng nên làm, huống chi tôi lại là một người thầy. Trong quá khứ, tôi cũng từng là một người rất khổ, rất vất vả. Tôi trưởng thành được là bởi đã được nhận sự giúp đỡ của rất nhiều người.

- Trong một buổi họp báo, không ít người giật mình khi nghe anh chia sẻ về mức lương của một nghệ sĩ như anh trong một đơn vị nghệ thuật của nhà nước. Trong khi không ít học trò thành danh của anh có thu nhập hàng trăm triệu một show diễn. Anh có thấy điều này "trái khoáy" không?

+ Tôi không bao giờ so sánh như vậy, và do đó, không cảm thấy "trái khoáy" gì cả. Nếu các học trò của tôi ra đời làm nghề tốt, được ghi nhận, được trả cát-xê cao, tôi quá mừng. Chuyện nào đi chuyện đấy chứ. Tôi ăn lương nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc 5 triệu 1 tháng, với lại làm công tác giảng dạy bên Học viện Âm nhạc quốc gia cũng được trả từng đó nữa, thì cũng đủ sống tùng tiệm mà. Thực ra nhu cầu của tôi không lớn lắm.

- Tuy nhiên các ca sĩ thế hệ sau anh, thậm chí các học trò của anh khó mà "bình tĩnh" với mức thu nhập như vậy. Ngày hôm nay các bạn trẻ chạy theo hình thức bên ngoài nhiều hơn, ít để ý đến "nội dung" là trui rèn nghề nghiệp, sống bình dị với nghề, anh nghĩ sao về điều này?

+Tôi hiểu được tâm lý chuộng hình thức bên ngoài của các em làm nghệ thuật. Nghệ sĩ thời nào cũng chú ý chau chuốt chuyện hình thức mà. Điều đó không có gì xấu cả. Tôi thông cảm với các em, và chỉ nghĩ giá mà các em cân bằng được 2 yếu tố nội dung và hình thức thì các em sẽ trở thành những nghệ sĩ chân chính, nổi bật.

- Theo anh, một người thầy dạy học bình thường và một người thầy dạy nghệ thuật có điểm gì khác nhau?

+ Tôi nghĩ đã là thầy, dạy gì cũng vậy thôi, đều phải yêu thương độ lượng với học trò. Riêng nghệ thuật có đặc thù khác hơn một chút. Người dạy nghệ thuật là người truyền nghề, truyền lửa. Một thầy giáo dạy âm nhạc như tôi thì vấn đề làm sao phải dạy các em để khi ra đời các em có thể làm nghề được, tự tin trong vai trò một nghệ sĩ.

- Với những học trò không có tài nhưng vẫn muốn theo đuổi âm nhạc chẳng hạn, anh sẽ ứng xử thế nào?

+ Tôi là người rất thẳng thắn.Từng có những em học sinh được cha mẹ dẫn tới gặp tôi. Phụ huynh nhờ tôi dạy cho em để em có thể thi đỗ vào trường, hết bao nhiêu tiền cũng được. Tôi kiểm tra năng lực của em đó xong thì nói ngay, rằng tôi có thể dạy cho em thi đỗ vào Nhạc viện được, nhưng tương lai em sẽ không thể trở thành một nghệ sĩ đích thực. 

Nghề này khổ luyện đến đâu mà không có tài năng thì cũng không làm nên cơm cháo gì nhiều. Tôi nói, tôi không thể lấy tiền dạy em, rồi xúi em vào học nghệ thuật. Làm như vậy sau này em sẽ "oán" tôi. Bởi em học âm nhạc xong, không thành gì, lúc đó lại thi nghề khác thì đã làm mất nhiều năm tháng tuổi trẻ của em rồi thật lãng phí.

- Quay trở lại show diễn "Khi gió mùa về" sắp diễn ra vào ngày 24-11 tới đây, một show diễn chứa đựng tâm huyết của anh và các học trò anh yêu quý như Ánh Tuyết, Minh Thu, Bách Nguyễn. Chắc chắn, việc anh tham gia vào show diễn không chỉ đơn thuần là đi hát, nhận cát-xê, mà dường như anh muốn làm điểm tựa, động viên các học trò của mình nhiều hơn, khi họ quyết tâm làm một chuỗi chương trình riêng để phục vụ khán giả Hà Nội?

+ Điều này thì đúng. Khi các học trò của tôi đưa ý tưởng về chương trình này, tôi ủng hộ các em ngay. Tôi thương các em vô cùng. Các em đều là những giọng ca đẹp. Tôi từng đào tạo các em nên tôi hiểu được khả năng của mỗi người. Tôi rất xót cho nghề của các em. Các em hát tốt, nhưng lại ít có cơ hội được đứng trên các sân khấu lớn để thể hiện mình. 

Phần lớn thời gian các em cống hiến trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước. Nhiều show diễn của nhà hát, thậm chí trên băng rôn không có cả tên, ảnh của các em, vì các em không phải là những tên tuổi hot, dễ dàng bán vé... Bạn đi ngoài đường, bạn nhìn các băng rôn quảng cáo các show ca nhạc mà xem, toàn "sao ông", "sao bà" cả. Những người hát hay thực sự có khi lại không thể chen chân vào đấy...

NSƯT Đức Long và các học trò của anh làm show “Khi gió mùa về”.

- Theo anh Hà Nội có nhiều giọng hát hay mà bị "chìm lấp" như vậy?

+ Hà Nội có nhiều giọng hát hay lắm chứ. Nhưng có thể họ không phải là những người chăm chỉ lên truyền thông, tạo xì căng đan... Họ không nổi tiếng bằng một số "sao ông", "sao bà" nhưng có thể họ còn hát hay hơn cả sao. Chương trình "Khi gió mùa về" sinh ra là để dành cho những ca sĩ hát hay thực sự. Dù tên tuổi họ không hot như các sao trong làng giải trí. Tôi ví dụ một giọng ca là Bách Nguyễn. 

Tôi đã từng dạy Bách, tôi ngạc nhiên về chất giọng của em. Em hát rất đặc biệt, giọng đẹp pha chút lãng tử, phớt đời, rất dễ gây ấn tượng với người nghe. Nhưng số em cứ lận đận với nghề. Trong khi đầy những "sao" hát dở vô cùng thì lại nổi tiếng, cát-xê tăng vù vù. Nghệ thuật cũng có số phận là như vậy.

- Anh là nghệ sĩ làm việc trong một đoàn nghệ thuật nhà nước, anh thấy có điều gì bất cập trong đãi ngộ nghệ sĩ ở các đơn vị nhà nước?

+ Trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước có nhiều nghệ sĩ tài năng. Họ phải làm nhiệm vụ chính trị khi cần. Họ phải đến nơi nào nhân dân cần. Tôi chắc rằng, rất nhiều "sao" nghìn view, triệu view, đầy người hàng hiệu lại chưa từng đóng góp cho đời sống nhân dân như nhiều nghệ sĩ trong các đoàn nhà nước. Những chuyến đi diễn ở các bản làng xa xôi, họ phải đi bộ có khi cả ngày đường, đêm ngủ không màn, muỗi đốt, chân phỏng rộp vì bùn đất. Họ đến các vùng hải đảo, biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ. 

Họ sẵn sàng bỏ các show diễn kiếm tiền bên ngoài nếu show đó trùng với show diễn của đoàn, phục vụ các nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao phó. Nhiều nghệ sĩ đi diễn, đầu tư trang phục cả mấy chục triệu, nhưng chỉ để nhận thù lao dăm trăm ngàn đồng mà vẫn rất vui vẻ. Nhiều người sống rất cực, nhưng họ vẫn hăng say cống hiến. Đãi ngộ với nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật nhà nước đang có nhiều vấn đề bất cập lắm. 

Thu nhập không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, họ phải chạy đôn đáo làm thêm nhiều việc ngoài giờ. Tôi có chút chạnh lòng khi nhìn sang lĩnh vực thể thao. Trong khi nhiều môn thể thao được đầu tư khủng thì các đơn vị nghệ thuật nhà nước lại chỉ nhận được sự quan tâm vô cùng khiêm tốn. 

Chính vì thế nhiều nghệ sĩ tài năng đã phải lựa chọn giải pháp rời bỏ đơn vị, ra ngoài làm tự do, chạy sô kiếm sống. Nhiều cơ quan truyền thông của nhà nước hẳn hoi, hiện cũng chỉ cưng chiều các ngôi sao giải trí, các nhà tài trợ. Còn những nghệ sĩ thực sự, cả đời chỉ biết làm nghề, khổ công học tập, rèn luyện, cống hiến thì lại không nhận được sự quan tâm xứng đáng. Tôi nghĩ các nhà quản lý văn hóa nên nhìn nhận công bằng hơn về vai trò của các nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật của nhà nước.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Đức Long về cuộc trò chuyện.

Thùy Đỗ (thực hiện)
.
.
.