NSƯT Hoàng Lâm Tùng:

Sân khấu đừng như "trưởng giả học làm sang"

Thứ Tư, 15/06/2016, 13:48
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lâm Tùng quan niệm, làm sân khấu, dù kinh điển thì cũng phải mang hơi thở của đời sống, mang lại niềm tin yêu, lạc quan cho khán giả. Thử thách mình với vai trò đạo diễn, Hoàng Lâm Tùng đã có những chia sẻ chân thành và thú vị về nghề, từ góc nhìn của một người đã sống và cống hiến trọn vẹn cho sân khấu.


- Câu chuyện "Mùa hoa cải bên sông" quen thuộc đã đến với người đọc qua truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, kịch bản phim truyền hình một tập cùng tên do chính ông chuyển thể được NSND Khải Hưng dàn dựng, và kịch bản sân khấu chuyển thể mang tên "Khát vọng" của cố NSƯT-  Đại tá Tạ Xuyên. Vì sao anh lại chọn một tác phẩm quen đến vậy để bắt đầu cho con đường mới của mình?

+ Tôi không nghĩ là "Khát vọng" quen hay lạ, mới hay cũ mà quan trọng là những thông điệp của nó có còn phù hợp với đời sống hôm nay không. Khát vọng của con người mãi mãi là vấn đề, đó là khát vọng về cái đẹp, về sự thiện lương, về tình yêu. Quan trọng là ở cách khai thác câu chuyện. Khát vọng của tôi là nói về những vấn đề của xã hội một cách tế nhị chứ không trực diện. Hiệu ứng của cách nói sổ toẹt nhiều, nhưng hiệu quả không cao. Tôi muốn mọi người sẽ lãng mạn, yêu đời hơn và tôn trọng cái đẹp hơn, đó cũng chính là khát vọng tiềm ẩn trong mỗi cá nhân con người.

- Vâng, một câu chuyện ám ảnh nhưng vẫn được khai thác ở góc nhìn rất thơ. Đó  cũng là cách anh nhìn về con người, tàng ẩn phía sau những góc khuất tâm hồn là vẻ đẹp, là tình yêu?

+ Tôi nghĩ, trong sự xù xì, gai góc của mỗi con người đều có những phần đẹp đẽ, trong sự mạnh mẽ sẽ có những phần mềm yếu. Như ông bố (NSƯT Trung Anh thủ vai) và người anh cả (Minh Hải thủ vai) tưởng như chỉ là xấu, nhưng họ cũng là con người, biết đau đớn, biết mơ ước… Hay như cô em gái bé nhỏ, Giang, tưởng yếu đuối mà rất mạnh mẽ, dám làm những việc lớn như dời mộ mẹ vì niềm tin vào cuộc sống khác. Đó là con người hiện đại, bề ngoài  không còn tương xứng với con người bên trong nữa. Họ luôn có sự đối trọng với nhau, có mảng sáng, mảng tối. Câu chuyện quen đã lâu, nhưng diễn lại, diễn mới, vẫn rùng mình về sự u ám của những định kiến đè nặng cuộc sống con người, và xa hơn thế, là những hủ tục khiến người ta đánh mất cả tình yêu thương với đồng loại.

- Từ một diễn viên vốn rất lặng lẽ, ít xuất hiện trên truyền thông, vì sao anh lại chọn con đường chông gai trở thành một đạo diễn?

+ Có lẽ, điều này được lý giải một cách rất đơn giản là vì khát vọng của tôi, của một nghệ sĩ biểu diễn muốn đi con đường dài với sân khấu, để được sống trong không gian ấy. Tôi biết đó sẽ là con đường chông gai, nhọc nhằn, nhiều áp lực, để đạt được những thành quả như các bậc đàn anh là một sự hy sinh lớn về thời gian, trí tuệ. Tôi không nghĩ gì to tát, cứ thử xem sức mình đến đâu, và cố gắng làm những viên gạch nhỏ, xếp vào ngôi nhà chung của sân khấu.

- Nhưng rõ ràng, con đường của một đạo diễn sẽ chịu rất nhiều áp lực, nhiều nghệ sĩ học đạo diễn nhưng nửa đường đứt gánh vì quá khó khăn?

+ Tôi bị áp lực bởi nhiều thứ. Làm đạo diễn đòi hỏi phải đọc nhiều, có vốn tri thức kinh khủng, phải sống chết với nó. Bắt đầu từ tác phẩm đầu tay này, tôi nghĩ mình sẽ định hình con đường mình đi trong tương lai có ổn không. Để kiểm tra chính mình. Không quyết liệt thì không thể làm được. Mình không huênh hoang, mà bằng tác phẩm, nghệ sĩ phải khẳng định bằng tác phẩm. Tôi vốn sống lặng lẽ, không thích ồn ào, cũng không hay lên báo. Có người cho rằng, với tư cách là diễn viên, tôi đã thành công, có người nhìn nhận tôi bình thường, thậm chí có người cho rằng tôi thất bại. Nhưng quan trọng là tôi đang sống với đam mê của mình.

- Tôi tự hỏi, niềm say mê sân khấu của anh đến từ đâu để anh sống chết với nó đến thế?

+ Cũng vô tình thôi, bạn bè đi thi vào trường sân khấu thì tôi đi, bạn thi trượt còn mình đậu. Lúc đầu tôi chưa có tình yêu thực sự với sân khấu mà chỉ coi đó là một nghề. Nhưng tôi may mắn được tiếp xúc với một thế hệ vàng của sân khấu như NSND Trọng Khôi,  NSND Trần Tiến, NSƯT Phạm Bằng.

Tôi tự hỏi vì sao họ đam mê sân khấu đến thế, vì tiền bạc ư, vì danh vọng ư, tất cả đều không phải, mà chỉ có một lý do duy nhất, vì tình yêu sân khấu của họ quá lớn. Tôi được tắm mình trong không khí đó, và tình yêu cứ thế ngấm vào tôi lúc nào không biết. Làm sân khấu, tôi được sống nhiều cuộc đời khác nhau, trong không gian mơ ước, trong niềm vui, trong đau khổ. Hơn nữa, tôi được sống trong môi trường mà mọi người gắn bó như một gia đình, đầm ấm, sẻ chia. Tình yêu sân khấu đến với tôi rất tự nhiên, từ lúc nào tôi không biết nữa. Và tôi thấy mình không chỉ yêu mà còn có trách nhiệm với tình yêu của mình.

Hoàng Lâm Tùng có nhiều dấu ấn với điện ảnh và phim truyền hình.

- Trong thời buổi sân khấu gặp nhiều khó khăn, đời sống ít có không gian dành cho sân khấu, ở nhà hát Kịch Việt Nam, nhiều nghệ sĩ gạo cội cũng đã chuyển công tác, anh có nản không?

+ Đã yêu thì không bao giờ nản, yêu rồi thì người ta còn sẵn sàng chết vì tình yêu của mình cơ mà. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thấu đáo về thực tế của cuộc sống. Sự đãi ngộ đối với nghệ sĩ chưa tốt, thậm chí rất bọt bèo.

Tôi tốt nghiệp đại học, 20 năm gắn bó với nghề mà lương cũng chỉ 5 triệu đồng. Điều đó khiến nghệ sĩ chạnh lòng, nhiều khi cảm thấy thu nhập của mình không bằng một anh trông xe. Nên nhiều người trẻ nhìn thấy sự hào nhoáng bên ngoài của sân khấu thì sẽ bỏ cuộc ngay khi hiểu rõ bản chất câu chuyện. Vì thế mới có những khoảng trống về diễn viên, đó là khoảng trống đáng tiếc, như những bậc thang, thế hệ đi trước truyền cho thế hệ đi sau, cứ thế truyền lửa. Bây giờ chúng tôi bị hẫng, rõ ràng, lửa đến tay mình đã nguội đi nhiều. Khoảng cách đó tạo nên sự hẫng hụt của các thế hệ diễn viên.

- Nhưng với đạo diễn thì còn là một khoảng trống lớn hơn nữa, khi con đường này đòi hỏi sự bền bỉ, tài năng?

+ Tôi không kỳ vọng mình thành siêu sao, mà muốn mình làm được điều gì đó, tạo công ăn việc làm cho mọi người, có thu nhập, có vở để làm và kéo được khán giả đến rạp. Vở "Khát vọng" diễn mấy đêm ở nhà hát đều chật kín khán giả, chứng tỏ nó vẫn có sức hút. Phải làm những vở diễn để kéo khán giả đến rạp đã.

Đi theo cách dàn dựng nào, làm cái gì là một bài toán cực khó. Tôi sẽ lần mò, tìm hiểu, nghiên cứu chứ không khoanh tay ngồi nhìn. Tôi  vốn thích chinh phục những đỉnh núi. Tại sao người ta tạo ra những trò chơi cảm giác mạnh, vì họ muốn thử thách cảm giác của con người. Làm sân khấu cũng thế, nó có sức hút kinh khủng. Đó là một cảm giác mạnh, rất thú vị.

- Anh có chịu ảnh hưởng bởi đạo diễn nào không?

+ Tôi may mắn được học với nhiều đạo diễn, thầy Xuân Huyền, thầy Lê Chức, thầy Khánh Vinh, Thầy Thi… Rồi ra làm việc cũng thế, được tiếp xúc với nhiều đạo diễn lẫy lừng  như đạo diễn Lê Hùng, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, thầy Trọng Khôi, cô Tú Mai và bây giờ là NSND Anh Tú… Tôi quan niệm,  điều mình cần học là tư duy sáng tạo của các thầy, chứ không phải là thấy ai hay thì làm theo, đó là tư duy làm nhái, đoàn tàu này dừng thì mình cũng dừng. Học sự sáng tạo, sự quyết liệt trên con đường nghệ thuật của các thầy tôi mới tạo nên con tàu của mình và tự chạy được. Đó là điều tiên quyết trong nghề.

- Một câu hỏi rất quen với những người làm sân khấu, anh có sống được bằng nghề không?

+ Tôi vẫn sống bằng nghề 20 năm nay dù vất vả, khó khăn. Nếu thích nhiều tiền thì tôi đã đi buôn, cái gì cũng có giá của nó. Tôi đóng phim truyền hình, đi lồng tiếng, cái gì có thể kiếm ra tiền bằng nghề tôi đều làm, để có thu nhập. Tôi may mắn nhận được sự đồng cảm của vợ, nếu mình không thuyết phục được chính gia đình mình thì còn thuyết phục được ai nữa.

Một cảnh trong “khát vọng”.

- Sân khấu bây giờ rất khó khăn, nhiều đạo diễn xoay ra làm hài, làm kịch thiếu nhi, thậm chí kịch ma để kéo khán giả đến rạp. Có người cho rằng, đó là cách làm bình dân hóa sân khấu. Anh quan niệm như thế nào về điều đó?

+ Tôi không phản đối những cách làm đó, vấn đề dù thể loại nào tác phẩm cũng hướng tới những giá trị nhân văn của cuộc sống. Nhiều người quan niệm làm hài kịch, kịch thiếu nhi không phải nghệ thuật. Nhưng tôi nghĩ, cái gì cũng xuất phát từ căn cốt là sự cảm thụ, tình yêu của khán giả. Đưa những thứ học thuật cao siêu, kinh viện mà khán giả không hiểu thì cũng không có giá trị. Làm sao hài hòa được giữa nghệ thuật và thị hiếu khán giả mới là câu chuyện đáng bàn.

Không có chuyện làm hài là xấu, những tiếng cười châm biếm rất cần trong cuộc sống hiện nay. Chính kịch là một chân đứng, nhưng chúng ta cần một chân đứng khác, để nghệ sĩ được va chạm với cuộc sống. Chúng ta cần những cái nhìn đa chiều, phong phú hơn về góc nhìn, quan niệm sân khấu… chứ không bó hẹp một cách nhìn theo sân khấu chuẩn mực.

Tôi tôn trọng truyền thống, không phá bỏ truyền thống, nhưng cây phải có cành, có lá mới xanh tươi. Sân khấu đừng như trưởng giả học làm sang, lúc nào cũng đạo mạo, kinh viện. Cốt cách đâu phải bề ngoài, cái cốt lõi là sân khấu có mang lại tình yêu, niềm tin cho khán giả trong xã hội quá nhiều bất an, đau khổ. Tôi nghĩ, đôi khi sân khấu cần gần gụi hơn với đời sống hơn, vì nó  phục vụ cho công chúng, phục vụ cuộc sống. Dựng tác phẩm nào cũng được, nhưng vẫn cần hơi thở của đời sống, đừng xa rời đời sống.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh và chúc anh thành công trên con đường dài của mình.

PV (thực hiện)
.
.
.