NSƯT, Phó Trưởng đoàn Kịch nói CAND, Đại tá Nguyễn Hải: Tỉnh táo để đắm say

Thứ Năm, 07/07/2016, 08:27
Nhắc đến NSƯT Nguyễn Hải, có lẽ người ta sẽ nhớ đến đôi mắt nhỏ, điệu cười nhếch mép, gương mặt góc cạnh của anh. Và như một định mệnh, với vẻ bề ngoài không dễ nhìn ấy, anh sinh ra để dành cho vai phản diện. Anh diễn "sâu" và khán giả nhập tâm quá nên đã có lần, Nguyễn Hải bị khán giả… đuổi đánh. Đôi khi anh tự cười, tại sao đạo diễn không mời mình đóng kiểu vai khác, cái mặt mình có xấu lắm đâu mà sao cứ mời mình phản diện mãi?


- Chào NSƯT Nguyễn Hải, tôi được biết anh là một người ngoại đạo "sa" vào con đường nghệ thuật này. Có lí do gì đặc biệt để anh quay 180 độ như thế không? 

+ Tôi tốt nghiệp Khóa 7, Đại học Sân khấu - Điện ảnh vào năm 1986. Là sinh viên lớn tuổi nhất của khóa học. Trước khi về trường Sân khấu Điện ảnh, tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Mỏ Địa chất và có 6-8 tháng làm việc ở tỉnh Quảng Ninh. Tôi nguyên là kĩ sư khai thác hầm và lò. Rồi quay 180 độ như hiện nay, tôi cũng không biết mình yêu nghề diễn viên như thế nào và yêu bao nhiêu cho đủ.

- Sau mấy chục năm gắn bó với nghề, giờ chắc là đã đủ, thưa anh?

+Thực ra, tôi là người yêu cái gì thì khó đủ lắm. (Cười)!

- Tôi đồ rằng anh hơi "tham" đấy?

+ Ai mà chả tham, vấn đề là tham cái gì và tham như thế nào thôi. Tôi thấy rằng, tham hay không tham, chỉ là khái niệm mang tính tương đối. Nhưng vì yêu nghề này, tôi đã đủ can đảm để bước sang. Tôi cũng giằng xé nội tâm ghê lắm khi phải từ giã môi trường Khoa học kĩ thuật để bước sang lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Tuy nhiên, bây giờ, tôi lại thấy rằng giữa 2 lĩnh vực văn  học nghệ thuật và khoa học kỹ thụât cũng chẳng có gì là xa lạ cả. Cả hai giống nhau ở tính logic về con số và logic về tư duy hình tượng. Đừng có tưởng diễn viên không cần logic. Họ cũng phải tưởng tượng ra được bóng dáng của vai diễn, xương thịt của vai diễn. Tư duy hình tượng ấy lại được vận hành theo quy luật xã hội.

- Nghệ sỹ thường mơ mộng, lãng mạn. Nhưng dường như cái gốc rễ của một người có xuất phát điểm từ ngành Khoa học tự nhiên vẫn còn rất đậm nét trong cách trả lời của anh nên nghe rất tỉnh táo?

+ Tôi nghĩ, trong mọi lĩnh vực phải tỉnh táo. Tỉnh táo để mà yêu. Để mà đắm say, để mà mông muội, phiêu du. Để hóa thân thành nhân vật. Để nhân vật sống được cũng phải tư duy cho nó, để nó có hình hài, có khuôn dáng. Tất nhiên, khuôn mẫu không phải là điều bất di bất dịch. Khuôn mẫu là do con người tự tạo ra. Tùy từng điều kiện cụ thể mà sản sinh ra mẫu nào cho phù hợp với thực tế, mẫu cũng phải mang tính lịch sử. Tất cả những vai tôi đóng, đều là những nhân vật đã được quy luật điển hình hóa chi phối. Rất quen mà lại hoàn toàn lạ. Có một điều mà lúc này tôi có thể tự hào, đó là các nhân vật mà tôi hóa thân vào, cho đến bây giờ nhiều người vẫn nhớ. 

- Trong nghiệp diễn của mình, diễn viên Nguyễn Hải nổi tiếng với dạng vai phản diện. Anh có nhớ mình đã đóng bao nhiêu vai phản diện không?

+ 12 vai phản diện, vai nào tôi cũng nhớ. Đó là vai Trịnh Khả trong "Chuyện làng Nhô", Minh "hói" trong "Cổ cồn trắng", tướng cướp Hoàng Đạo trong "Cái chết của con thiên nga", Tổng giảm đốc Lý Hân trong "Con nhện xanh", Phó giám đốc Đỗ Sung trong "Trò đùa số phận", Đỗ Sủng trong "Ngôi biệt thự màu tro lạnh", Dương Sẹo trong "Chuyến xe bão táp", Hoàng khát máu trong "Đầm lầy bạc", Lê Thanh trong "Chạy án", Thuần Vu trong "Cầu Trầm", Tổng giám đốc Trần Hùng Lân trong "Bí mật những cuộc đời", Cu Nên trong "Đội H88" (chưa phát -PV)… Một số vai diễn khác nữa.

Trên sân khấu, cũng có một số lần tôi được giao vai chính diện, như vai Trung tá Hoàng Đàm trong vở "Khoảnh khắc mong manh" của tác giả - nhà văn Hữu Ước đoạt Huy chương bạc Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc ở Hà Nội năm 1999, vai Đại tá tình báo Lê Đức Duy trong vở "Sống trong cô đơn" đoạt Huy chương vàng trong cuộc thi Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thừa Thiên - Huế vào năm 2012… Tuy nhiên, nhìn chung, số lượng vai diễn phản diện vẫn áp đảo. 

Tôi hóa thân những nhân vật phản diện, đi đâu thường bị "lộ". Người ta xin chữ ký, ngỏ ý muốn chụp chung kiểu ảnh. Thậm chí, có người còn chửi bới. Họ nói, xem phim tôi đóng chỉ muốn đánh cho tôi một trận. Tất nhiên, tôi cũng thấy có phần hạnh phúc vì khán giả nhớ diễn xuất của mình quá. Nhưng đôi khi cũng buồn man mác chứ. Họ có khi chỉ bằng tuổi con mình, nhưng gọi mình là "thằng". Nghĩ cũng buồn cười. Tự hỏi, tại sao đạo diễn không mời mình đóng kiểu vai khác, cái mặt mình có xấu lắm đâu, mà sao cứ mời mình phản diện mãi? Nhưng rồi, bây giờ nhìn lại chợt thấy, hóa ra cái mặt của mình hình như vào vai phản diện sắc nét hơn.

- Mặc dù thế, diễn đi diễn lại một vở kịch hoặc một kiểu vai cũng chán chứ, thưa anh?

+ Với phim, tôi luôn tìm cách diễn riêng của từng vai. Còn với sân khấu, có một đặc điểm của thể loại này, đó là người diễn viên có thể tự rút kinh nghiệm liên tục, sửa sai liên tục nên 100 đêm sẽ không có đêm nào giống đêm nào. Làm diễn viên mà không biết mình sai là hỏng. Có đoạn nói to quá… sẽ hỏng. Nói nhỏ quá… chưa chắc đã hay. Có đoạn, chỉ cần thì thầm thôi là đủ. Điều này phụ thuộc vào độ nhạy, độ cảm của diễn viên tới mức nào. 

Cũng có những vai tôi không tìm ra được chìa khóa. Bất lực phát khóc. Tức! Rồi muốn mình say đi để mà quên, quên để rồi mà tỉnh. Quên cho đỡ tức, đỡ phải lẩm bẩm, đỡ giận mình, đỡ phải làm khổ mình. Nhưng cũng là để bứt ra, không theo đường mòn cũ, để có thể tái tạo nhân vật theo cách riêng, chìa khóa riêng của mình. Đạo diễn, biên kịch rất quan trọng nhưng người diễn viên phải biết điều tiết lại tất cả kịch bản, phải biết sáng tạo trên nền hiện thực đã có. Hiện thực đó là khuôn mặt, là hình thể, là chiều cao, là mập hay gầy, cả giọng nói của mình nữa… phải hóa trang cả nội dung lẫn hình thức.

-  Có lần nào, vai diễn của anh khiến khán giả "lên đồng" và để lại cho anh một bài học nào không quên được không? 

+ Năm 1996, tôi về Kinh Môn, Hải Dương diễn vở kịch "Quả báo" (Kịch bản: Nhà văn Hữu Ước - Đạo diễn: NSND Lê Hùng, dựa trên chất liệu về vụ án Dương Văn Khánh, tức Khánh "trắng"). Sau vai diễn đó, thanh niên địa phương tìm tôi cho bằng được để… đánh vì ghét quá..., họ cho một viên đá vào bình xăng, nửa hòn gạch bay tiếp vào vai, thủng cả chiếc áo comple đang mặc, làm vai chảy máu. May hôm ấy, tôi đội mũ cối nên đầu không sao. Sau đó, tôi phải chạy bạt mạng ra đường 5 để về Hà Nội.

4 năm sau, khi diễn lại vở này tại Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh, người dân ở đây cũng tìm tôi đánh. Lúc đó, may mắn cho tôi được đồng chí Thiếu tướng - nhà văn Phạm Văn Thạch, Cục trưởng Cục X15 kịp thời cho xe giải cứu.

Diễn viên Nguyễn Hải (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp tại Đoàn Kịch nói Công an nhân dân.

- Với một người diễn viên "bỏ túi" khá nhiều vai phản diện ấn tượng như thế, dạng vai này chắc hẳn có một sức quyến rũ nào đó, thưa anh?

+ Trong tâm trí, mình là người hướng thiện, luôn muốn nói toạc hết những mặt xấu xa của cuộc đời này ra. Có người hỏi, hay là do cái mặt tôi trông "đểu đểu" nên hợp vai. Nhưng khuôn mặt tôi chỉ có thế thôi, bố mẹ sinh ra, tôi phải tự hào, không thể vì thế mà đi thẩm mỹ viện, đổi tướng. Tôi thích loại vai này, khẳng định mình hợp với nó và nhiều người cũng phát hiện ra ở tôi đó là khuôn mặt dành cho điện ảnh, dành cho vai phản diện. 

Có thể, do tôi trầm luân, vất vả từ bé. Hoàn cảnh gia đình buộc mình phải bươn chải, vật lộn để rồi có nhiều vốn sống, sống được nhiều mảnh đời. Vốn ấy tự nhiên ăn vào hình thể của tôi, ở cái dáng đi khuỳnh khuỳnh, ở cả khuôn mặt gồ ghề của mình. Dẫu như thế nào, tôi vẫn có một tình yêu lớn cho dạng vai phản diện. Tất nhiên, tôi đã yêu thì yêu tất, kể cả vai phản diện hay chính diện, kể cả vai chính lẫn vai phụ, không có số phận.

- Một số diễn viên chê vai diễn không số phận mà anh vừa nói lắm đấy. Với họ, đã diễn, phải diễn những vai chính, vai để đời.

+ Với nghề diễn, để yêu nó không hề dễ dàng. Với vai không có số phận, diễn viên vẫn phải diễn cho tròn vai. Vai diễn nào cũng phải thử sức. Kể cả những vai không có danh phận, nếu là người nghệ sỹ đích thực, với tài năng của mình, anh ta cũng phải tạo cho nó một số phận chứ; còn nếu thiếu hụt mặt nào đó về xây dựng hình tượng nhân vật thì tác giả, đạo diễn có thể sáng tạo cùng với diễn viên, để cho "ra" nhân vật, "tròn" vai diễn.

- Dạng vai phản diện khá kén người. Nhất là những nhân vật phản diện ấy có một"lý lịch" lênh đênh nhiều thăng trầm. Anh đã hóa thân như thế nào để có thể sống cuộc đời của họ?

+ Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất của một diễn viên hóa thân vai phản diện đó là vốn sống, sự quan sát và biết tích lũy. Anh ta cũng phải biết cách sắp xếp các ô trong bàn màu của mình. Đi buôn người ta cũng cần có vốn cơ mà. Anh ta cũng phải đi nhiều nữa. Tôi thích câu của cha ông ta: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Và phải qua nhiều cái "sàng" như thế mới "khôn" được. Nhưng nói như thế không có nghĩa, ai cũng có thể khôn ra được đâu. Đi nhiều có khi còn dại ra đấy. Đi ở đây tôi muốn nói là đi để mà học!

- Lứa diễn viên mới trong chục năm trở lại đây bị đánh giá khá mờ nhạt, thiếu chiều sâu. Là một diễn viên để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, anh có chia sẻ gì không?   

+ Bây giờ lượng thông tin nhiều, cập nhật liên tục nên cứ trôi tuột. Do cả yếu tố đào tạo ở ta và sự tự học và tu dưỡng ở các bạn trẻ. Tôi thấy, một số bạn bỏ qua quá trình diễn biến tâm lí. Một số bạn vướng mắc ở vấn đề, không biết khán giả cần gì, chỉ biết diễn một cách cho có lệ mà thôi. Khi diễn, người diễn viên phải biết "nghe" khán giả, thậm chí nhạy cảm để nhận ra gu thị hiếu bây giờ của khán giả là gì để mình nhấn vào.

- Nghĩa là khi hóa thân vào vai phản diện, anh biết khán giả cần gì?

+ Cần mình nói những tiếng nói thay họ. Cần mình nói những điều họ muốn nói. Điểm mạnh nhất của vai phản diện ở chỗ, các đạo diễn thường chêm vào miệng họ những câu mà bản thân những người tốt, những người trung lập không dám nói. Thực ra đó là cách các tác giả mượn nhân vật phản diện để nói hộ tâm tư của họ. Và tiếng nói ấy phát ra ở cái lúc mà những nhân vật phản diện phân rã thành những nhân vật đa tính cách, lúc mà lương tri họ bừng tỉnh. 

Làm gì có chuyện xem một nhân vật hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu mà không thấy nó nhạt. Cũng đừng nghĩ nhân vật chính diện lúc nào cũng tốt. Họ tốt về động cơ nhưng có thể xấu về hành vi. Diễn dạng vai nào cũng thế, nếu bỏ rời tính logic, bỏ đi tính khoa học, bỏ đi tư duy hình tượng đầy đủ thì khó có thể trở thành hình tượng nghệ thuật, thì nhân vật ấy khó trở thành hình tượng nghệ thuật.

-  Cảm ơn anh!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.