NSƯT Trung Anh: Thế hệ ­chúng tôi đã cũ rồi

Thứ Bảy, 13/04/2019, 14:43
NSƯT Trung Anh vừa trở lại màn ảnh nhỏ với dạng vai quen thuộc của mình, “ông bố đau khổ” trong phim truyền hình “Về nhà đi con”. Anh nói, làm phim truyền hình là một cứu cánh trong thời điểm khủng hoảng của sân khấu nhưng những đau đáu, trăn trở của anh vẫn dành cho sân khấu, nơi anh tôn sùng nó như một thánh đường.


- Khá lâu rồi, sau vai diễn đình đám trong “Người phán xử”, anh lại trở lại với dạng vai quen thuộc “ông bố đau khổ” trong “Về nhà đi con”. Anh chia sẻ gì về sự trở lại này?

+ “Về nhà đi con” là một kịch bản tốt, có nhiều tuyến nhân vật mà giới trẻ sẽ thích như tuyến cô con gái thứ 2 do Bảo Thanh đóng. Tôi vào vai một ông bố lam lũ, vất vả, vợ mất, một mình nuôi 3 cô con gái, mỗi cô một tính cách, số phận khác nhau. Cô nào cũng quyết liệt và bị cuộc đời quăng quật. Tôi thích nhân vật ông bố vì ông có những thay đổi về mặt tâm lý rất thú vị.

Trước đó ông là người mong có con trai, khi vợ mang bầu đứa thứ 3 là con gái, ông không vui, vẫn đi ăn nhậu no say cho đến khi vợ vào viện sinh con. Vợ mất khi cô con gái thứ 3 ra đời, đó là bước ngoặt thay đổi nhận thức của ông bố và ông quyết tâm ở vậy nuôi con.

- Phim truyền hình thời gian gần đây được đánh giá cao hơn về chất lượng. Từ góc độ là một diễn viên, anh có nhìn nhận như thế nào?

+ Đấy là một xu hướng tất yếu, chúng ta không chạy đua theo số lượng mà cố gắng làm cho tốt, từ khâu kịch bản, diễn viên đến máy móc được đầu tư hiện đại. Đây là một hướng đi tốt, phim phải đảm bảo chất lượng cao mới hy vọng có khán giả. Trước đó, phim “Người phán xử” và “Mẹ chồng tôi” đã đặt ra một dấu mốc về chất lượng và sự trở lại ấn tượng của phim truyền hình để mọi người phải luôn cố gắng làm tốt.

- Ngoài phim truyền hình, được biết anh vừa tham gia một bộ phim của đạo diễn Brazil, anh có thể chia sẻ về cơ hội này?

+ Tôi vừa tham gia một bộ phim của đạo diễn Brazil, “Những nẻo đường của cha” lấy bối cảnh phim ở Việt Nam. Đó là câu chuyện về tình cha con do hãng phim độc lập của Brazil làm và sẽ tham dự các liên hoan phim quốc tế. Cảm giác làm phim với đạo diễn nước ngoài rất thú vị nhưng vất vả vì họ đòi hỏi rất cao, cái gì cũng phải hoàn hảo 100%, chỉ một chút gợn, dù nhỏ cũng phải quay lại.

Thời điểm quay phim vào cuối năm ngoái, tôi ốm lên ốm xuống vì đúng thời gian lạnh nhất của Hà Nội. Nhưng bộ phim đã đóng máy và đang làm hậu kỳ. Hy vọng, trong thời gian tới, bộ phim sẽ ra mắt tại Việt Nam.

- Dù dành nhiều thời gian cho điện ảnh nhưng tôi hiểu,  niềm đam mê và những trăn trở của anh vẫn dành cho sân khấu?

+ Đúng vậy, đối với những người gắn bó cả cuộc đời với sân khấu như tôi thì sân khấu vẫn có sức hấp dẫn ghê gớm. Làm sân khấu vẫn “sướng” hơn. Nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam hiện nay không có những vở lớn, đường hướng của Nhà hát không phù hợp với tôi nữa.

Nghệ sĩ Trung Anh trong phim “Người phán xử”.

Tôi đã theo đuổi sân khấu cả một đời rồi, bây giờ nó đang rẽ sang con đường khác thì mình cũng đành đi con đường của mình. Đi làm phim là một cứu cánh về mặt kinh tế và được khán giả biết đến nhiều hơn sân khấu, nhưng đó không phải là mục đích của tôi. Với tôi, sân khấu vẫn là niềm đam mê lớn nhất.

- Anh nói sân khấu bây giờ không còn được như những gì anh mong muốn? Vì sao vậy?

+ Từ khoảng gần 10 năm trở lại đây, nhiều người cho rằng Nhà hát Kịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ,  nhưng theo tôi, nó không phát triển. Sự phát triển không thể đo đếm bằng những đêm diễn hợp đồng, theo kiểu quan hệ, đó không phải thực chất của sân khấu. Vì thế chất lượng nghệ thuật cũng đi xuống. Một tác phẩm sân khấu đích thực phải có lịch diễn cố định và khán giả đến mua vé chứ không phải mang đến chỗ nọ, chỗ kia nhờ mua vé.

Tôi mong muốn một Nhà hát Kịch Quốc gia phải có lịch diễn cố định, có những vở chất lượng cao, giúp nuôi dưỡng và tạo thói quen cho khán giả. Phải biết lấy ngắn nuôi dài. Tôi không phản đối việc đi diễn ở các tỉnh, theo hợp đồng để cải thiện đời sống cho anh em nhưng bên cạnh đó phải có những tác phẩm  đỉnh cao để kéo khán giả đến rạp. Phải hy sinh vài ba năm chúng ta mới có một lượng khán giả nhất định.

Còn nếu chỉ đi diễn như thế không khác gì gánh hát ngày xưa. Nơi diễn lộn xộn, khán giả chỉ vài ba chục người, không giải quyết được vấn đề. Phải tạo được một sân khấu mà diễn viên luôn cảm thấy hãnh diễn, tự hào khi được diễn ở đó, điều đó khuyến khích các nghệ sĩ  không ngừng cố gắng, hoàn thiện mình. Nghệ thuật phải có sự đào thải, vươn lên trong làm nghề.

Cảnh trong phim “Về nhà đi con”.

- Nhiều người cho rằng, sân khấu bây giờ không còn là thánh đường?

+ Đúng thế, chất lượng sân khấu đang có vấn đề, chúng ta quá dễ dãi từ khâu chọn kịch bản đến diễn viên… các giá trị không còn chuẩn mực nữa. Thế hệ trẻ sống lâu trong môi trường đó sẽ nhầm tưởng đó là phong cách của nhà hát, đó là nghệ thuật, là sân khấu đích thực và không ai có ý nghĩ phải làm lại, phải thay đổi.

- Đó cũng chính là một nguyên nhân khiến khán giả quay lưng lại với sân khấu?

+ Có nhiều vấn đề dẫn đến sự khủng hoảng khán giả của sân khấu nhưng một yếu tố quan trọng là sân khấu đang quá dễ dãi, xa rời những giá trị đích thực của nó. Nền kinh tế thị trường mở ra khi chúng ta chưa có một nền móng vững chắc về văn hóa. Dần dần chúng ta đưa cho khán giả những cái họ thích chứ không phải cái mình muốn làm, một sự thỏa hiệp dễ dàng dẫn đến sự khủng hoảng của sân khấu.

Những năm 80 trở về trước, thời sân khấu hoàng kim, nó có sức ảnh hưởng đến đời sống. Chúng tôi sống giữa hai thời kỳ, đã thấy cái gì đẹp nhất, tinh hoa nhất và chứng kiến sự xuống cấp của sân khấu nên rất buồn. Nghệ thuật bây giờ đang ngày càng rẻ tiền. Tôi không biết sự khủng hoảng đã đến đáy chưa và ai sẽ làm cho nó đi lên.

- Anh không tin vào thế hệ trẻ?

 + Chúng ta đang có nhiều bạn trẻ tài năng nhưng rất khó để thay đổi vì họ đi theo con đường khác. Kinh tế thị trường làm cho con người thay đổi, họ đam mê kiếm tiền hơn. Còn về mặt khán giả, chỉ khi nào nền tảng kinh tế, văn hóa ổn định họ mới có nhu cầu thưởng thức những giá trị sâu sắc như sân khấu chứ không phải là những thứ hời hợt, mua vui.

Sân khấu với anh chỉ còn là hoài niệm.

Lớp người đó có nhưng không nhiều, nếu kiên trì lôi kéo được họ sẽ tạo thành thói quen cho khán giả nhưng thực tế không ai làm, tạo ra vòng luẩn quẩn, bế tắc. Sự khủng hoảng còn kéo dài nhưng họ không cho đó là khủng hoảng. Chúng ta đang nuôi cho có chứ không phải nuôi cho tốt. Thời xưa sân khấu có tính dự báo, đi trước thời đại, chạm vào các vấn đề gai góc của cuộc sống chứ bây giờ, sân khấu luôn đi sau cuộc sống.

- Có lẽ trong thế hệ những người làm nghề và yêu sân khấu như anh, sân khấu chỉ còn là hoài niệm. Hay tại vì anh cũ rồi, sân khấu bây giờ đã khác?

+ Tôi cũng nghĩ nhiều về điều đó, hay tại chúng tôi đã cũ rồi, nhưng thực ra những giá trị đích thực của nghệ thuật  vẫn luôn trường tồn với thời gian, có một mẫu số chung. Có thể phương pháp, thủ pháp thay đổi nhưng các giá trị đích thực của sân khấu thì không thay đổi. Các diễn viên trẻ bây giờ bị nhầm lẫn về giá trị, họ lên sân khấu diễn vài vở khóc cười cứ nghĩ là thành diễn viên, kiểu đi ba bước đạo diễn bảo nói là nói, cười là cười...

Cho dù anh là diễn viên, đạo diễn có toàn quyền quyết định nhưng không có nghĩa anh phụ thuộc hoàn toàn, đạo diễn bảo gì nghe nấy. Nếu anh là diễn viên nhỏ thì phải có mong muốn trở thành diễn viên lớn bởi một khi anh là diễn viên lớn thì đạo diễn không thể nói được anh, đôi khi anh còn góp ý cho đạo diễn.

Trong một tác phẩm, có dấu ấn của tác giả, của đạo diễn nhưng không có nghĩa là diễn viên không có phần tư tưởng của mình trong đó. Nó có cá nhân anh trong vai diễn đó. Các diễn viên phải có suy nghĩ ấy trong đầu. Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với một thế hệ vàng son của sân khấu nước nhà, họ quá giỏi và nghiêm túc, tôi cố gắng giữ điều đó.

- Hà Nội mấy năm gần đây nổi lên sân khấu tư nhân của Lucteam, Lệ Ngọc. Theo anh, đó có phải là một xu hướng tất yếu của sân khấu?

+ Lucteam là một điểm sáng khác biệt. Đó là đau đáu của Lực nhiều năm nay rồi, Lực học đạo diễn sân khấu ở Bungari, sinh ra trong gia đình là cái nôi của sân khấu dân tộc. Đó là một sân khấu phát triển và ra đời có định hướng nghệ thuật rõ ràng. Hiện nay, nhiều nhà hát đang thiếu định hướng.

Định hướng những giá trị mình sẽ theo đuổi rất quan trọng dù hình thức sân khấu là gì. Lực có mục đích rõ ràng và quyết liệt theo đuổi mục đích của mình bằng chính các tác phẩm. Đó là sự chuyên nghiệp đáng nể. Còn sân khấu Lệ Ngọc thì tôi không có ý kiến.

- Nếu được mời diễn một vai trong các vở của Lucteam, anh có sẵn sàng tham gia không?

+ Trần Lực từng mời tôi đóng “Quẫn”, nhưng để hòa nhập với phong cách đó không đơn giản, để làm tốt được cần khá nhiều thời gian. Vấn đề thứ 2 là tôi đã đi theo một phong cách khác lâu rồi, tôi muốn giữ điều đó trong mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.