NSƯT Tự Long: Nghệ sĩ cũng có thời

Thứ Ba, 14/01/2014, 08:32

Tự Long ngoài đời có vẻ mỏi mệt. Cảm tưởng anh đang vắt kiệt sức mình, chạy đua với thời gian để làm việc, quần quật cả ngày lẫn đêm. Anh nói, nghệ sĩ cũng chỉ có thời thôi, không bề bỉ lao động là hết thời, là trôi vào tăm tích. Và Tự Long chỉ có một nỗi buồn truyền kiếp trong cuộc đời, đó là buồn ngủ.

- Chúc mừng anh vừa hoàn thành vai diễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Chắc hẳn Tự Long chịu rất nhiều áp lực.

- Nguyễn Chí Thanh là một vai diễn ấn tượng, tôi rất lo lắng khi nhận vai diễn này. Tôi gặp nhiều khó khăn nữa, như thời gian làm vở gấp gáp, thông tin về Đại tướng không có nhiều, rồi về hình thể nữa, trong kháng chiến người ta gầy chứ không béo như tôi.

Còn áp lực, rất nhiều. Phải thể hiện như thế nào mà hình tượng Đại tướng trên sân khấu chèo không bị yếu đi. Bởi sân khấu chèo tính tự sự cao, làm về những nhân cách lớn, những lãnh tụ mức độ thành công không cao. Nhưng bằng cách làm tài tình của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, đã lột tả được thần thái một nhân cách lớn, một  người tài, vì dân, thương dân, gần gụi, dân dã. “Sáng trong như ngọc” là câu chuyện lịch sử nhưng vẫn để lại cho thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay nhiều bài học, con người ta sống phải có nhân cách, có cội có nguồn.

- Sự trở lại với sân khấu chèo của Tự Long và những vai diễn lịch sử hoàn toàn khác với một Tự Long vẫn xuất hiện trên truyền hình. Điều đó hẳn là một khó khăn với anh. Việc chạy xô truyền hình, các tiểu phẩm hài có làm mất đi chất chèo nguyên bản của Tự Long hay không.

- Không hiểu tại sao tôi lại có may mắn được vào vai những nhân cách lớn như vậy. Tôi trước đây đã quen với việc lên sân khấu là của mình, đùa cợt, nói cười một cách ngẫu hứng, thoải mái, sáng tạo một cách vô tư. Nhưng khi vào những vai diễn này, tôi thành một con người khác. Khó khăn nhiều lắm. Cá tính của tôi là thích tự do mà giờ phải vào khuôn khổ. Mệt phết đấy. Như nhân vật Chu Văn An, một nhà Nho, từ phong thái, ăn nói cũng phải nho nhã, một cái hất tay cũng phải có hồn. Còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì gần gụi hơn nhưng là sự gần gụi của một ông tướng chứ không phải của một nghệ sĩ. Khi làm được điều đó đòi hỏi nghệ sĩ phải có một cách nhìn sâu về cuộc sống, phông văn hóa không như cũ được. Tôi đã cố gắng hết sức và khá hài lòng với những vai diễn của mình. Bên cạnh đó, tôi vẫn phải quay chương trình Chém chuối, làm MC cho Đài truyền hình Hà Nội và quay Gặp nhau cuối năm vào lúc 4h sáng.

- Anh có buồn khi những nghệ sĩ như anh, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Vân Dung đều nổi tiếng từ những vai diễn hài chứ không phải bằng chèo hay chính kịch mà mình đang theo đuổi.

-Sân khấu truyền thống vẫn chật vật, nó là xu thế chung thôi. Bây giờ có nhiều đoàn nghệ thuật phải làm tổng hợp, không chỉ chuyên chèo nữa. Đó là một thiệt thòi với nghệ sĩ, nghệ thuật truyền thống chính trong lòng các nghệ sĩ không còn được đặt lên hàng đầu nữa.

- Vậy mà có lúc mỏi mệt, Tự Long đã định bỏ nghề cơ đấy.

- Có chứ, có nhiều lời mời tôi có thể bỏ quân đội, bỏ chèo, để làm các việc khác, kiếm được nhiều tiền hơn. Chứ bây giờ, thời gian eo hẹp, mà tôi phải bao sân quá nhiều, thời gian dành cho ngủ và nghỉ ít quá. Có lúc tôi nghĩ sẽ ra ngoài làm gì đó và nghề cũ của mình chỉ là tay trái thôi. Kể cả bây giờ vẫn có những tư tưởng như thế. Nhưng cũng may về cơ bản, tôi được ưu ái trong nghề, nên vẫn giữ được những gì mình đã có.

- Nhiều nghệ sĩ truyền thống sống chật vật với nghề, thậm chí bỏ nghề vì mưu sinh. Còn anh thì sao, chắc Tự Long dư dả vì đắt show mà?

- Tôi đã làm việc gấp 200% công suất để mình tồn tại được. Đến giờ phút này, tôi chả làm được gì khác ngoài nghề diễn của mình, không kinh doanh, buôn bán, mà đi hát, đi diễn. Nguồn thu nhập chính là đi diễn, đi quay, đi làm chương trình.

Tiền bạc là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của mình, mình vẫn phải sống, thế nên tôi mới trăn trở, có nên làm nghề nữa không, hay đi học đạo diễn để làm một việc gì khác. Sân khấu để sống được phải thay đổi theo cuộc sống, hôm nay có thể lung linh, nhưng mai nó có thể lỗi thời. Nó có thể lúc hưng, lúc thịnh, nhưng truyền hình và điện ảnh là những thứ thời thượng, phục vụ thị hiếu, nên luôn tồn tại và sống được. Sân khấu cũng vậy nhưng chậm hơn, đòi hỏi sự chiêm nghiệm sâu hơn, để ra đời một tác phẩm sân khấu đòi hỏi sự thai nghén. Một nhà biên kịch sân khấu gạo cội sống chật vật, nhưng một đạo diễn trẻ truyền hình có thể sống đàng hoàng. Sự đầu tư cho nghệ thuật có những cung bậc khác nhau, nên có rất nhiều những chuyện bi hài khác nhau.

- Anh cũng định chạy theo những thứ thời thượng hơn chăng? Tự bao giờ, Tự Long thức thời vậy?

- Hiện tại tôi không nghĩ đến chuyện đó, vì tôi vẫn sống được với cuộc sống này, có thể không giàu có, không nổi bật, nhưng mình vẫn yêu nó và muốn sống với nó.

- Trong nhóm hài của anh, Xuân Bắc và Vân Dung, Quang Thắng vẫn chưa được phong nghệ sĩ ưu tú. Anh có nghĩ mình may mắn hơn họ?

- Chả phải. Khi đưa ra danh hiệu thì có phần cứng, phần mềm. Nhưng chúng tôi vẫn nói vui với nhau, nhà nước nên phong một lần cho bọn tôi, một loại thôi, có thể đây là những nghệ sĩ đặc biệt bởi vì số lượng người biết đến chúng tôi đôi khi còn nhiều hơn một số nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân. Và mức độ cống hiến cho khán giả cũng không kém ai. Cho nên, chúng tôi vẫn nói vui, nếu có một đặc cách nào đó, nên đặc cách cho chúng tôi, để đỡ thiệt. Chứ đợi Xuân Bắc, Vân Dung hay anh Thắng đủ huy chương để phong thì hơi lâu. Trong số những nghệ sĩ làm Táo quân như chúng tôi, 11 năm nay, đến bây giờ, chỉ đếm đầu ngón tay là hết, làm gì còn ai. Sau chúng tôi ai sẽ là người làm, thế hệ kế cận chưa có. 

- Tôi thấy những nghệ sĩ hài như các anh cứ lao động quần quật, gấp gáp, vội vàng. Anh có nghĩ, mình cần một khoảng tĩnh tại, bởi sân khấu truyền thống cần sự tĩnh tại và chiều sâu, thì những vai diễn của Tự Long chắc chắn sẽ sâu sắc hơn nữa.

- Thực ra nghệ sĩ có thời, nếu chúng ta không tận dụng làm việc thì thời gian sẽ trôi qua. Và một trong những cách làm mới mình là không ngừng lao động, miệt mài sáng tạo và xuất hiện liên tục trên truyền hình để hình ảnh mình không bị lãng quên.

Còn công chúng, tôi tin họ vẫn yêu mến chúng tôi. Nhiều đài muốn có hình ảnh của chúng tôi mà không có được. Tôi chỉ xuất hiện ở một số chương trình mình thích chứ đâu phải cái gì cũng làm. Như chương trình Táo quân, 11 năm rồi người ta còn bảo nhàm nữa là. Nhưng tôi đảm bảo trong những ngày này, người ta chỉ quan tâm hài năm nay có gì hay, Táo quân năm nay thế nào chứ chả mấy ai quan tâm ca sĩ này sẽ hát bài gì. Đó là hạnh phúc của chúng tôi, phục vụ số đông công chúng.

- Con đường nghệ thuật của anh khá gập ghềnh. Đến bây giờ, đã ngoài 40 tuổi, anh nghĩ mình đạt được những gì.

- Trong cuộc đời tôi, từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ ước mơ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, hay một nhân vật nổi tiếng, trong khi làm nghề, tôi chỉ nghĩ, đơn giản, tôi làm bằng những gì mình có, làm tốt nhất công việc được giao, làm thật hay những vai diễn của mình để cống hiến cho khán giả chứ không phải để cầu sự nổi tiếng. Có nhiều người, một bộ phim, một vai diễn đã nổi tiếng, còn tôi 5-7 năm mọi người mới biết đến mình. Bắt đầu nổi tiếng từ năm 1999 từ Gặp nhau cuối tuần và đến năm 2000, mọi người mới biết Tự Long là ai. Làm đủ loại, từ cầm cờ, từ bò, lăn, ngồi, đi, đứng. Không chê gì cả.

- Không có sự may mắn, vậy điều gì giữ cho anh niềm nhiệt huyết với nghề như vậy?

- Tôi không có may mắn, không phải ra ngoài cửa bắt gặp một cục đô la, tôi không có số may như vậy, mà phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có những đồng tiền lẻ, mình phải biết chắt chiu nó, trân trọng nó, sự thành công của mình chậm như vậy mình càng phải gìn giữ nó, bền bỉ với nó. Nếu mệt thì không có bây giờ. Và đến bây giờ vẫn miệt mài, hì hụi sáng tạo, chưa bao giờ dừng cả. Cũng may là đến nay năng lượng vẫn tuôn trào. Năm nay tôi 41 tuổi rồi, già rồi, tháng 7 vừa rồi lại mổ dây chẳng vì mê bóng đá, nên sức khỏe của tôi không được như ngày xưa. Những lúc mỏi mệt quá, tôi quẳng máy trong ô tô, đánh quần vợt, xả hết stress. Thế là xong. Nỗi buồn của tôi là nỗi buồn không giống ai cả, tôi có một nỗi buồn truyền kiếp là buồn ngủ mà thôi.

- Anh bận rộn thế, thời gian dành cho mình không còn nữa. Còn gia đình thì sao?

- Gia đình bây giờ là thứ yếu rồi, tôi ở bên ngoài nhiều hơn, cơ quan nhiều hơn, công việc nhiều hơn, đôi khi về nhà chỉ còn thân xác mệt mỏi thôi, vợ con phải chịu đựng, không biết còn chịu đựng được đến lúc nào nữa. Có thể sẽ đến một lúc nào đó thôi. Chả nói trước được. Hiện tại hạnh phúc thì cứ biết thế thôi. Làm vợ mấy ông nghệ sĩ hài này thì phải chấp nhận thôi chứ không thì thành lang băm hết thời.

- Một câu cuối cùng, tổng kết về năm 2013, anh có thể nói gì?

- Năm nay là một năm đầy dấu ấn của tôi. Vai Chu Văn An tại liên hoan sân khấu chèo được huy chương vàng, vừa rồi được vinh dự vào vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Táo năm nay là một vai hoàn toàn mới, khác với tôi từ trước đến nay. Một năm có thể gọi là thành công cũng được. Một năm có rất nhiều bước ngoặt trong cuộc sống và những dấu ấn trong nghề không phải ai cũng có được. Từ trước đến nay tôi toàn làm táo lạ, nhưng năm nay sẽ là táo quen. Một ông táo khó khăn, vất vả, lạ với mình, khác với mình. Vẫn gai góc, không ngần ngại châm chỉa cuộc sống.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh

V. Hà
.
.
.