NSƯT Xuân Hinh: Ai bảo hài Xuân Hinh chán?

Chủ Nhật, 26/01/2014, 08:00

Xuân Hinh bận rộn trong những chuyến lưu diễn cuối năm, lần nay sang Mỹ tận đêm 30 mới về Việt Nam, kịp đón giao thừa với gia đình. Ông già rồi, có phần mỏi mệt. Buông bỏ hết những tị hiềm, những khen chê. Ai bảo chán, thì hãy làm đi rồi hẵng nói. Còn Xuân Hinh, ông cứ miệt mài lao động thôi, khi khán giả còn yêu quý. Với ông, không điều gì hạnh phúc hơn tình yêu đó.

- Dạo này cũng thấy Xuân Hinh dùng face book cơ đấy?

- Từ tháng 5 vừa rồi, đã đến lúc tôi nghĩ mình cũng phải kết nối với giới trẻ để biết tâm tư tình cảm của lớp trẻ thế nào, để còn đối thoại với các con. Tôi buộc phải đi theo các con đấy chứ tôi chả thích đâu. Hơn nữa đây cũng là một kênh giao tiếp thú vị với khán giả của tôi, giúp tôi lưu trữ những chương trình mình thích nữa.

- Cứ tết đến là đĩa Xuân Hình lan tràn phố phường, ngõ ngách. Năm nào cũng làm đĩa, đều đặn thế ông có thấy chán không?

- Năm nay tôi chỉ có 2 đĩa, có người mời nữa nhưng tôi chả làm. Đúng là quá nhiều rồi, bao nhiêu tiết mục hề, chèo, hát văn, hát xẩm, hề hiện đại. Làm rồi mê, rồi nhiều khi cũng phải cố. Nhưng khán giả cứ yêu quý, lại phải cố. Còn chán ư, tôi nghĩ khi nào khán giả chán tôi sẽ dừng ngay, dừng nhanh để làm việc khác. Chứ năm nào cũng thế này thì mệt thật. Tôi biết, các tác phẩm của tôi có người thích, người không. Người chê, người khen, là chuyện bình thường.

- Các đĩa hài bây giờ xen vào rất nhiều quảng cáo gây phản cảm cho người xem. Phải chăng họ quá chạy theo lợi nhuận?

- Ôi dào, lợi nhuận làm gì có mà chạy theo. Quảng cáo là nguồn thu cuối cùng để duy trì băng đĩa phục vụ bà con đấy. chứ bây giờ, không có các nhà tài trợ cho các đơn vị sản xuất, thì coi như đóng cửa nhé. Băng đĩa lậu tràn lan. Người ta mê lắm thì mua đĩa 4-5 nghìn, không thì xem trên mạng. Nên bà con thông cảm vì sao có quảng cáo, vì không có quảng cáo thì coi như hết đường sống của đĩa, bà con có mê mấy cũng chịu. Nói thật, có nhiều nghệ sĩ còn phải bỏ tiền ra mà làm đĩa rồi còn lỗ nặng. Còn tôi người ta mời, có một ít cát xê là được rồi.

- 40 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống, Xuân Hinh làm rất nhiều thứ. Nào xẩm, chèo cổ, chèo hiện đại, quan họ, hài... Nhưng thứ mà ông gắn bó nhất, đau đáu nhất là gì?

- Những cái tôi đã làm, tôi đều yêu. Nếu không yêu thì tôi không làm được. Bởi tôi không phải là người nửa vời. Còn việc hay hay không còn phụ thuộc vào kịch bản và điều kiện kinh tế. Đánh bắt xa bờ nhưng tàu thuyền không có thì thôi, đành chấp nhận những thứ làng nhàng. Có những thứ mình muốn nữa nhưng không được. Tôi hướng tới đại chúng nhiều hơn. Nghệ thuật như một thứ hàng hóa, làm ra phải có người mua. Các vai diễn phải có tác động đến xã hội, mình cứ cố hết mình thôi. Chứ có người thích cái này, người thích cái kia. Nói chung tất cả các tác phẩm của tôi không đếm xuể nhưng đều mang tâm huyết của tôi trong đó, không thể nói là cái nào hơn cái nào.

- Vâng, nhưng thấy rõ một điều, Xuân Hinh làm gì cũng không rời xa cái truyền thống, đi từ cái truyền thống mà ra?

Xuân Hinh trong “Gái ngoan làm quan thay chồng”.

- Tôi nghĩ, làm gì cũng phải giỏi truyền thống đã. Nó như cái gốc, để anh muốn phá cách, muốn đổi mới thế nào cũng sẽ không bị lố, lạc điệu. Tôi là người tiếp thu truyền thống, có cả những phát triển, sáng tạo nhưng phải trên cái gốc vững là truyền thống, phải giỏi về truyền thống thì mới làm được những việc khác.

Tôi vẫn nghĩ, nếu như chúng ta có nhiều tiền hơn, kịch bản hay hơn, có lẽ mọi chuyện đã khác. Nhưng ở mình, nó cũng chỉ đến thế thôi. Để có một tác phẩm quả thật khó, tấu hài 15-20 phút để lấy được tiếng khóc, nhiều khi bằng thủ thuật mình có thể làm được. Nhưng để lấy được tiếng cười với cuộc sống khó khăn này thật khó. Cho nên có 1000 người mà làm cho 10 người cười đã là thành công. Thôi thì mình cứ làm vui cho đời, thấy khán giả vui được là mình vui rồi. Nghĩ thế thôi, nên cũng cố. Cuộc sống ở nước ta vốn khó khăn, bão lũ triền miên. Tiếng cười để an ủi con người qua những đoạn trường cay đắng, nâng đỡ tâm hồn con người. Tiếng cười đi theo cả một chặng đường dài của lịch sử. Thế nên, ra sân khấu, dù bất kể thế nào người nghệ sĩ phải hết mình, làm tốt nhất có thể.

-Suốt cuộc đời mang tiếng cười đến cho khán giả, nhưng ông có bao giờ buồn không?

-Tôi chẳng bao giờ buồn cả, lúc nào cũng thỏai mái, vô tư. Coi nghề diễn là nghề, nhẹ tênh thôi mà. Tôi chỉ mong sức khỏe lúc nào cũng trở lại tuổi 18-20 để làm được nhiều việc hơn nữa. Thôi mình cứ cố gắng hết mình đến khi  không làm được nữa. Đến tuổi này tôi vẫn không ngừng học. Học từ người đi trước, học từ sự ngô nghê của các bạn trẻ. Và học từ cuộc sống bộn bề của người dân lao động. Nghệ sĩ đừng nói những điều cao xa, sang trọng, hãy lăn lộn với cuộc sống của những người lao động nghèo khổ, lắng nghe họ. Rồi tôi học từ những tác phẩm các cụ để lại, những tích trò từ xa xưa, nó lấy từ bình dân đấy thế mà trở thành kinh điển.

Xuân Hinh trong “Xuân phát tài 4”.

- Ông có buồn khi gia tài mình đang sở hữu không có người kế cận. Hay ông không muốn các con làm nghệ thuật vì cực nhọc quá?

- Tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của các con. Mỗi người một nghề phải biết và niềm đam mê là gì. Điều đó mới quan trọng. Với nghệ thuật truyền thống, trước hết phải có tài, tức là có giọng và có niềm đam mê. Chứ không đào tạo mà thành được đâu. Có thể đào tạo một công nhân cơ khí, nhưng chả đào tạo được nghệ sĩ, nếu cố mà đào tạo  mà học thì sau này cũng sẽ đi làm nghề khác.

- Trò chuyện với Xuân Hinh thấy ông dường như đã buông bỏ hết mọi sự ở đời. Phải chăng vì ông giờ đã là người có tuổi?

- Tôi nghĩ cuộc sống phải tự bằng lòng với chính mình. Luôn xác định là sống chung với lũ rồi. Dân gian từng nói: "Cau xanh mấy nắng thì vừa/ Vôi nồng mấy độ thì ưa miệng người". Miệng thế gian như làn sóng biển, có phải miệng chum, miệng vại đâu mà mình bịt, nhất là cái nghề làm dâu trăm họ như tôi, giống như món ăn, người thích món nọ, món kia, đó là chuyện bình thường. Người ta có chê, mình cũng xem lại mình chút, nhưng không vì thế mà quá buồn, người ta khen cũng không làm mình vui quá. Vì mình biết hết rồi, cũng biết thế nào là hay, dở. Còn tất cả những thứ phù phiếm ấy cũng chỉ là chuyện bình thường, không có gì phải mất ăn mất ngủ cả. Trong cuộc sống, mình phải biết chấp nhận, hữu duyên thì gặp.

- Từ bao giờ ông có những chiêm nghiệm như vậy?

- Có thể tuổi trẻ còn có chút ngông cuồng, cực đoan. Nhưng, từ xưa đến nay tôi đều thế. Đầu như ngăn kéo, bao nhiêu rác rưởi tôi đều ném ra ngoài, cho đỡ mệt. Tôi nghĩ, mình cũng chỉ bình thường thôi, có nhiều cái mình chưa giỏi, còn khiêm tốn. Nhưng mình được khán giả yêu. Đó là may mắn và hạnh phúc rồi.

Gia đình Xuân Hinh.

- Ông có một gia đình hạnh phúc. Với một người đàn ông suốt ngày trên đường và những chuyến đi như Xuân Hinh thì bí quyết gì để giữ được một gia đình êm ấm như thế?

- Tôi vẫn nói tác phẩm hay nhất trong cuộc đời tôi là hai đứa con. Trong gia đình, chồng nói nhiều thì vợ nói ít. Cứ lấy chữ nhẫn, bố con mà nhẫn được chữ đạo, anh em nhẫn thì giữ được tình cảm, vợ chồng nhẫn được hòa khí, mình là cái nghề đi làm vui cho thiên hạ, nên càng biết nhẫn, biết nuốt vào trong, nên được mọi người yêu quý. Ở với nhau cũng phải hợp nhau nữa. Tôi rất tôn trọng sở thích của mọi người. Trong gia đình tôi không bao giờ cãi nhau, vì rất tôn trọng sở thích của nhau. Mặc dù truyền thống, nền nếp nhưng cũng rất hiện đại. Gia đình lúc nào cũng vui như ngày tết.

- Nghe nói, người đàn bà mà Xuân Hinh mê nhất là nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền chứ không phải vợ ông bây giờ?

- Còn thế nữa cơ đấy. Đời tôi may mắn gắn bó với nhiều người đẹp. Thanh Thanh Hiền là một nghệ sĩ tài hoa, đẹp. Đó là bạn diễn  ăn ý, tôi mê cô ấy hát, mê cô ấy diễn, tôi là người yêu cái đẹp mà.

- Thế còn mê người đẹp thì sao ạ?

- Tôi mê cái đẹp, yêu cái đẹp, phụ nữ đẹp ai chả mê. Nhưng phải biết điểm dừng. Đàn bà ai chả ghen. Đàn bà phải thực sự là đàn bà, thương chồng, quý con thì đàn ông có lang bạt mấy cũng trở về. Nghệ sĩ 90% ở ngoài đường, chỉ có 10% là ở nhà thôi, đầu anh nào cũng 3-4 viên đạn, nhưng người phụ nữ quá tốt thì sẽ níu được chân họ trở về. Tôi tin vào thuyết nhân quả, gieo nhân nào gặp quả ấy. Đó là quy luật muôn đời, hãy nghĩ thế và làm những điều tử tế, sống không phụ ai. Nghệ sĩ sống với nhau còn có cái tình.

- Ông cũng duy tình lắm cơ đấy?

- Tôi cái gì cũng biết nhưng không nghiện, tất cả mọi vấn đề đều do ông thần kinh này kiểm soát, rất tỉnh táo và biết điểm dừng. mê yêu, say cũng có nhưng không u mê. Lúc nào tôi cũng kiểm soát được mình.

- Một câu cuối cùng cho một năm cũ sắp đi qua, ông sẽ nói gì?

- Tôi luôn cảm ơn những khán giả đã yêu quý tôi. Và tôi sẽ lao động miệt mài chừng nào các bạn vẫn còn yêu, còn quý.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông. Chúc ông năm mới bình an, sức khỏe để còn cống hiến cho khán giả

Khánh Linh
.
.
.