NSƯT Xuân Hinh: Điều tôi mê đắm là văn hóa cổ truyền

Thứ Năm, 29/09/2016, 15:14
Gần 40 năm ca hát, NSƯT Xuân Hinh mới làm một liveshow riêng của mình. Anh nói, đã quen với những sân khấu dân dã, bình dân nơi sân vận động, nơi đình làng, ở đó, bà con dành những đồng tiền lẻ để chen nhau đi xem Xuân Hinh diễn. Hạnh phúc lắm chứ. Và làm show lần này, cũng là một cách Xuân Hinh tri ân với tình yêu lớn đó.


- Vì sao sau 40 năm ca hát, bây giờ anh mới làm một liveshow riêng của mình. Xuân Hinh định tổng kết cuộc đời làm nghệ thuật của mình sao?

+ Năm 1977, Xuân Hinh từ quê hương Bắc Ninh đã trúng tuyển vào Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh và sau 6 năm làm diễn viên của đoàn, năm 1983 tôi đã thi vào khóa chèo đầu tiên của Trường Sân khấu điện ảnh. Đến nay đã 40 năm, vẫn miệt mài như con ong, đi đến vùng sâu vùng xa, hát quan họ, hát xẩm, chèo cho bà con nghe.

Tôi vốn sinh ra từ làng quê chân chất, nghèo khó, nên tôi đặc biệt thích đi diễn cho bà con xem, ở sân vận động, ở đình làng, những nơi dân dã, chứ không phải là sân khấu lộng lẫy. Vì  sao bây giờ mới có chương trình như thế này? Vì những bạn diễn gắn bó với tôi suốt 40 năm qua, chúng tôi đến với nhau bằng một chữ Tình, họ cứ bảo, Xuân Hinh làm đi sẽ không lấy tiền.

Và điều quan trọng nhất là vì tình yêu của khán giả. Khi tôi đi diễn ở những vùng quê, bà con bỏ những đồng tiền nho nhỏ gom góp lại để mua vé, bà con đến rất đông, trời mưa, trời nắng, muỗi cắn vẫn túm quần đi xem. Và một lý do nữa là có một người yêu văn hóa dân tộc trợ duyên cho chương trình này.

- Vâng, tôi từng được nghe kể về chặng đường đi đầy chông gai của anh từ những ngày nghèo khó. Đời nghệ sĩ hài, đôi khi cười đấy mà khóc đấy, thậm chí nuốt nước mắt vào trong lòng để mang tiếng cười cho khán giả?

+ Gia đình tôi đông con nên rất nghèo. Tôi nhớ mãi hình ảnh tôi về xin mẹ 20 nghìn đồng. Bà không nói gì. Tôi biết bà không có tiền, chắc là không vay được nữa. Hôm sau, lúc tôi đã ra bến xe để về Hà Nội học, mẹ tôi tất tả chạy đến, trên vai là đôi quang gánh rỗng. Bà thở gấp vì vừa tận mãi trên bến về. 20 nghìn gói chặt trong chiếc túi vải giắt cạp quần.

Hóa ra từ mờ sáng, bà đã lội ao bèo vớt cho được 4 gánh đầy, quẩy xuống chợ bán. 4 lần đi rồi về như thế, được chẵn 20 ngàn đồng - đủ cho tôi đi Hà Nội. Tôi thấy mình vô tích sự khi cứ xin tiền mẹ đi học, trong khi mẹ vất vả như thế. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi xin tiền mẹ.

Từ tuần ấy, tôi theo bạn bè tập tọng đi buôn bán lấy tiền trang trải việc học. Tôi buôn đủ thứ, từ quần áo, đồ dùng, kim chỉ cho người vùng cao, măng miến, mộc nhĩ, chó mèo, lợn gà xuôi xuống… cho tới cả vàng. Tôi vào rất sâu trong rừng, đổi áo quần, mắm muối cho dân để lấy vàng cám mà họ đãi được ở suối, mang về cho ông thợ kim hoàn ngay gần trường. Ấy đấy, những bài học về việc phân biệt vàng thật giả bây giờ tôi còn thuộc đấy.

Nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền.

- Những va đập của cuộc sống làm cho con người lớn lên. Và hình như nó làm cho tiếng cười của anh thấm thía hơn, sâu sắc hơn? 

+ Tôi quan niệm thế này, tiếng cười có cái cười vui, cười đểu, có những tiếng cười mà sau nó là nước mắt. Để có những tiếng cười như ngày hôm nay, Xuân Hinh đã phải trải qua những nỗi đắng cay, uất ức của cuộc đời, mọi người cười đấy, vui đấy, nhưng biết đâu anh hề của chúng ta đang nuốt nước mắt vào trong. Đôi khi đời có những bất công, người nghệ sĩ làm cho mọi người cười xong rồi họ bĩu môi, ôi thằng hề. Thế nên những tiếng cười đã trải qua những nỗi đắng cay, nước mắt, qua những buồn tủi, tiếng cười đó mới thấm thía và mang ý nghĩa.

- Vậy lần này, trên một sân khấu lớn với hơn 3 tiếng, anh sẽ mang điều gì đến cho khán giả?

+ Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đã luôn có ý thức lưu lại các vai diễn của mình. Đi diễn khắp nơi, lấy ngắn nuôi dài để quay lại hơn 100 tác phẩm video, có chèo, có quan họ, hát văn cổ điển. Những tác phẩm này đều được đưa đầy đủ lên yotube với mong muốn những bạn trẻ yêu văn hóa dân tộc sẽ xem và học hỏi.

Lần này, trong chương trình tôi sẽ làm những tác phẩm phác họa lại những vai cổ điển hề chèo từng làm nên tên tuổi của Xuân Hinh. Rồi chọn một màn hát 10 phút của hầu đồng và một tiết mục quan họ để tri ân quê hương.

Hai tác phẩm nổi tiếng “Người ngựa, ngựa người”, và “Gia bảo” cũng sẽ diễn lại bằng một màu sắc mới. Chắc chắn những tác phẩm này sẽ lấy được tiếng cười và cả tiếng khóc của khán giả, tôi quan niệm tiếng cười phải có cả những tiếng khóc nữa mới đượm. Tuy nhiên, với tâm huyết của tôi và các nghệ sĩ, điều tôi mong muốn nữa là có thể phả hơi thở thời đại vào trong các tác phẩm để cho chúng ta thấy mạch chảy chưa bao giờ ngừng của văn hóa dân tộc.

Tôi là người thích khám phá, ưa sự mới mẻ. Nhớ ngày xưa, bắt đầu bằng quan họ, rồi nhảy sang chèo, sang xẩm, sang hầu đồng. Tôi mê những gì thuộc về cái đẹp.

- Live show đánh dấu 40 năm sự nghiệp ca hát. Vậy anh có nghĩ đến việc tìm hậu duệ cho mình hay chưa?

+ Tôi từng được giữ lại làm giảng viên của trường Sân khấu, nhưng được một năm thôi. Tính tôi thích bay nhảy nên đầu quân về Nhà hát Chèo. Rồi tôi cũng giúp mọi người dựng vở, dạy những ai muốn học. Lâu nay, tôi tận dụng công nghệ, tải các tác phẩm của mình lên mạng. Tôi muốn nhân rộng cách học, cách dạy cho mọi người.

Sắp tới tôi có một ước mơ thế này, tôi nghe nói những người yêu văn hóa dân tộc sẽ góp cùng nhau làm một sân khấu theo hình thức xã hội hóa rất hiện đại, lộng lẫy, và đó như một thiên đường để chúng tôi diễn và dạy văn hóa dân tộc, mời những nghệ sĩ tài năng dạy dỗ và truyền bá văn hóa dân tộc. Dự án đó thành công thì tôi xin một chân làm thuê trong đó.

- Chắc anh cũng có chút tự hào khi được mọi người phong tặng danh hiệu “Vua hề Xuân Hinh” chứ?

+ Tôi không quan trọng điều đó, Xuân Hinh đi đâu chỉ cần giới thiệu, nghệ sĩ Xuân Hinh là được rồi, không cần phải là ''vua hề'' này nọ. Đối với tôi, không nên so sánh các nghệ sĩ hài ai hay hơn.

Trong một mâm cơm có nhiều món. Ai thích ăn món gì thì cứ ăn. Các nghệ sĩ hài đều có khán giả riêng của mình. Tôi nghĩ rằng, nghệ sĩ hài sinh ra để làm cho khán giả cười, tiếng khóc đẻ ra thì cả nhân loại giống nhau, nhưng tiếng cười của mỗi một dân tộc lại khác nhau, dù có hàng vạn người mà chỉ 100 người cười được đã là vui rồi, là mình đã góp được một phần nho nhỏ mang lại niềm vui cho mọi người.

- Bây giờ, các gameshow hài trên truyền hình cũng khá nhiều, nhưng nhạt nhẽo và thậm chí thô tục, thiếu định hướng về thẩm mỹ. Nếu được mời làm giám khảo các chương trình như thế, anh có nhận lời không?

+ Tôi bật mí thế này, có một số chương trình mời tôi làm giám khảo, nhưng có lẽ chưa đến duyên. Tôi khá bận rộn, vẫn thích đi diễn khắp nơi cho bà con. Bây giờ, tuổi cao rồi, không còn đua chen được nữa, phải chọn việc gì thích mà làm. Điều tôi mê đắm vẫn là văn hóa cổ truyền của ông cha.

Nếu tôi có một nhà hát của mình, tôi sẽ đưa được nghệ thuật truyền thống đến với khán giả. Nghệ thuật truyền thống phải đi đến đỉnh cao của nó. Và sẽ có khán giả, họ sẽ thích và xem. Nó không còn là một thứ nghệ thuật rẻ rúng mà phải được trân trọng, yêu quý. Chúng ta phải xã hội hóa, để có thể mang những gì tốt nhất cho khán giả. Vẫn có rất nhiều người yêu nghệ thuật truyền thống, đó là cơ hội giúp chúng ta gìn giữ và bảo tồn nó.

Một số vai diễn của Xuân Hinh.

- Vậy anh có định hướng cho con cái mình đi theo con đường của bố hay không?

+ Tôi tôn trọng sở thích của các con, chứ không ép buộc gì cả. Nếu học giỏi thì đầu tư cho học, còn không học được thì đi làm công nhân, làm thợ, miễn là con thích, chứ không mắng mỏ, tạo áp lực cho con cái. Để cho các con thoải mái, vô tư phát triển. Hai đứa con tôi đều hát được nhưng có lẽ không ai đi theo nghề của bố. Một đứa du học bên Mỹ 5 năm rồi. Học ngành truyền thông. Chúng nó tự lựa chọn chứ tôi không áp đặt gì cả.

- Xuân Hinh còn nổi tiếng vì có một gia đình hạnh phúc, vẹn tròn. Nghe thiên hạ đồn, vì anh sợ vợ? Còn vợ anh thì sao?

+ Không biết bà ấy có sợ tôi không, nhà tôi chồng nói nhiều rồi nên vợ nói ít, gia đình bao giờ gà trống cũng gáy, nhà ai có gà mái gáy là gặp vấn đề ngay. Để một gia đình êm ấm, mình phải thu xếp thôi. Nhà tôi lúc nào cũng vui như tết. Trước khi lấy vợ tôi đã nói thế này, em chấp nhận lấy một văn nghệ sĩ, đa số là có đạn, người có 1 viên, 2 viên, người có cả băng.

Khi đã chấp nhận lấy, phải chấp nhận thôi. Ở đời chẳng có ai hợp ai, nhưng biết tôn trọng những sở thích, lựa nhau mà sống. Mỗi người nghệ sĩ đứng trước đám đông và ra tác phẩm phải chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Người đàn ông trong gia đình cũng vậy, tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm, thuyền xuôi một bến, nước chảy một dòng, nhìn vào nhà là biết một chủ. Như thế mới yên ổn được. Ơn giời, đến nay gia đình tôi vẫn cơm lành canh ngọt.

- Anh vào rất nhiều vai mê gái, vậy ngoài đời, Xuân Hinh có mê không?

+ Tôi vốn ưa cái đẹp, đến tuổi này vẫn thích đẹp. Nhưng bây giờ đi bộ cũng mệt rồi, nên đuổi theo các em chân dài cũng mệt lắm. Còn sức khỏe, thời gian, còn niềm đam mê thì tôi vẫn cống hiến để mang lại tiếng cười cho mọi người. Tôi ngày xưa, cũng vì mê đẹp mà cứ đứng núi này trông núi kia, hát quan họ, rồi thích chèo, thích xẩm, cứ gì đẹp là tôi thích.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Hạnh Nguyên (thực hiện)
.
.
.